4 Phẩm chất một trường đại học đẳng cấp Quốc Tế

Trong gần một năm trở lại đây, mặc dù đã tốn khá nhiều giấy mực để bàn về dự án (tạm gọi) là trường đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng cho đến nay dường như chúng ta vẫn chưa có một quan niệm rõ ràng về “đẳng cấp quốc tế” nghĩa là gì, và do vậy thiếu định hướng trong việc phải làm gì để xây dựng được một trường đại học ở đẳng cấp này. Bài viết ngắn này nêu lên và phân tích một số phẩm chất chung, quan trọng nhất của những trường đại học được coi là hàng đầu thế giới hiện nay.

Trước tiên, trường đại học đẳng cấp quốc tế dù ở Việt Nam hay ở bất kỳ nước nào khác cũng phải có những phẩm chất nhất định. Đặc biệt quan trọng, trường phải là nơi hội tụ của những giáo sư và nhà quản lý tầm cỡ quốc tế, được khẳng định thông qua thành tích nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm quản trị đại học của họ. “Đồng thanh tương ứng” – chính những tinh hoa này của trường, đến lượt mình, sẽ thu hút được những sinh viên giỏi nhất, những giáo sư xuất sắc nhất, cũng như những nguồn tài lực dồi dào nhất. Trong thời đại toàn cầu hóa này, không nên chỉ giới hạn việc tìm kiếm nhân tài người bản địa hay có gốc gác bản địa, mà cần phải có chính sách trọng dụng người tài bất kể quốc tịch. Điều này cũng có nghĩa là lưu lượng và tính đa dạng của đội ngũ giáo sư và sinh viên quốc tế là một biểu hiện chứng tỏ đẳng cấp quốc tế của một trường đại học. “Đồng khí tương cầu” – để khẳng định đẳng cấp quốc tế của mình thì một trường dứt khoát phải có mối liên hệ, trao đổi học thuật khăng khít với những trường đại học đẳng cấp quốc tế khác, cả trong và ngoài nước. Và tất nhiên, điều này chỉ có thể có được nếu như có một sự tương đồng nào đó về phương diện “văn hóa học thuật” giữa các trường này.
Đối với các trường đại học, số lượng và chất lượng các công trình nghiên cứu có lẽ là thước đo chính xác nhất, được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá uy tín khoa học, và do vậy đẳng cấp quốc tế của chúng. Quan trọng không kém, chính những nghiên cứu tiên phong của các giáo sư hàng đầu sẽ là niềm cảm hứng về tư duy và sáng tạo cho các đồng nghiệp trẻ và sinh viên, và chính điều này đảm bảo tính bền vững cho uy tín của trường. Vì vậy, tất cả trường đại học đẳng cấp quốc tế trên thế giới đều là những trường đại học nghiên cứu. Tất nhiên, song song với hoạt động nghiên cứu, một trường đại học đẳng cấp quốc tế cũng phải là nơi có chất lượng giảng dạy và học tập cao nhất.
Không có trường đại học đẳng cấp quốc tế nào là trường đơn ngành vì khoa học ngày càng trở nên có tính đa ngành. Ngay cả Viện công nghệ Massachusetts ở Mỹ hay Trường Polytechnique ở Pháp cũng có những khoa xã hội và nhân văn nổi tiếng. Ví dụ, Khoa Kinh tế học của MIT liên tục là khoa hàng đầu thế giới, ngang hàng với ĐH Chicago, Harvard, và Princeton. Rồi Khoa Ngôn ngữ học với những tên tuổi như Noam Chomsky là niềm tự hào lớn của MIT, giúp trường này vượt xa Harvard trong bảng xếp hạng. Môi trường đa ngành giúp những bộ óc xuất sắc nhất từ nhiều ngành khác nhau có thể tương tác và học hỏi lẫn nhau, tạo nên một môi trường học thuật năng động, có khả năng đưa đến những phát kiến có tính đột phá.
Để thu hút được những người giỏi nhất (cả giáo sư, nhà quản lý, và sinh viên) và tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát triển tối đa tài năng của mình trong một môi trường đa ngành, hiển nhiên trường đại học phải có một cơ sở hạ tầng (trường lớp, thư viện, phòng thí nghiệm, khu thể thao giải trí…) thật tốt, đòi hỏi một nguồn tài chính rất lớn và tương đối ổn định. Hệ quả là trường phải đa dạng hóa nguồn tài trợ. Kinh nghiệm của Harvard cũng như của những trường hàng đầu thế giới chỉ ra rằng không thể trông chờ vào học phí (chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng kinh phí vận hành trường) và cũng không nên phụ thuộc quá nhiều vào tài trợ của chính phủ mà trường phải chủ động tạo nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu và tư vấn, đồng thời huy động tài trợ từ khu vực kinh doanh và phi chính phủ.
Để đạt được những phẩm chất cần thiết vừa nói ở trên thì buộc trường đại học đẳng cấp quốc tế phải có một hệ thống quản trị tốt và tiên tiến nhất. Kết quả từ một nghiên cứu công phu do Ngân hàng Thế giới và UNESCO đồng chủ trì (và được ông Thomas Vallely gần đây trích dẫn) chỉ ra rằng, một hệ thống quản trị đại học tiên tiến phải đảm bảo được tính độc lập và tự chủ, có một không gian học thuật rộng rãi, biết trọng dụng và dung dưỡng nhân tài, có nguồn tài chính ổn định, và phải tự chịu trách nhiệm  (accountability) đối với tất cả các bên liên quan. Thiếu một trong những yếu tố này, một trường đại học sẽ không vươn tới được đẳng cấp quốc tế và sẽ không thể làm bạn với các trường đẳng cấp quốc tế khác. Việc trường Đại học Warwick của Anh từ chối hợp tác với Singapore vì chính phủ nước này tuyên bố sẽ can thiệp nếu các nghiên cứu khoa học của Warwick có tính phê phán đối với chính sách của chính phủ là một ví dụ rất điển hình.
Nói một cách ngắn gọn, một trường chỉ có thể khẳng định đẳng cấp quốc tế của mình sau khi đối chiếu một cách toàn diện với những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, được thể hiện cụ thể thông qua việc trường này xuất hiện và có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng của những trường danh tiếng nhất trên thế giới.

—–
* Giảng viên của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, TP. Hồ Chí Minh.


Vũ Thành Tự Anh

Tác giả