Cần chấp nhận sự đa dạng

Hiện nay hệ thống pháp lý ở Việt Nam đã có những thay đổi căn bản để bảo vệ quyền của người chuyển giới, nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu cho nhiều nỗ lực tiếp theo nhằm không chỉ công nhận những quyền hiển nhiên của người chuyển giới mà còn phải thay đổi nhận thức của xã hội trong ứng xử với họ.


Một cảnh trong phim Danish girl về đề tài chuyển giớiđược giải Oscar năm 2016.

Bị kỳ thị khi sống đúng với bản dạng giới

Từ ngoại hình, cử chỉ cho tới cách nói chuyện tự nhiên như bất kỳ người đàn ông nào khác, Phong1, một người chuyển giới nam (transgender2) không hề gợi cho chúng tôi một ý niệm nào về việc trước đây anh từng mang ngoại hình là nữ. Nhưng Phong đã và đang gặp phải rất nhiều khó khăn khi tìm việc làm và chịu đựng nhiều kỳ thị ở công sở cũng như nhiều không gian công cộng khác. “Khi em nộp hồ sơ xin việc, nhìn thấy giới tính của mình khác với giới tính được ghi trong hồ sơ, họ đặt ra câu hỏi về giới tính của em sau đó khẳng định em không phù hợp với công việc đó. Thậm chí khi em đã trúng tuyển, họ rà soát về giới tính và biết em là người chuyển giới thì lại nói rằng khách hàng của công ty không muốn tiếp xúc khi em thể hiện mình là người chuyển giới và yêu cầu em phải điều chỉnh lối ăn mặc và ngoại hình cho phù hợp với công việc thì mới nhận được. Em đã học đại học, có kinh nghiệm làm việc nhất định, nhưng họ không chấp nhận năng lực, vẫn bị từ chối khi xin việc chỉ vì em sống thật với bản thân mình”, Phong nói.

Trường hợp bị kỳ thị trong môi trường công sở như Phong không phải là hiếm. Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế, môi trường (ISEE)3, có 53% người chuyển giới nữ và 60% người chuyển giới nam bị các nhà tuyển dụng từ chối nhận vào làm việc trong khi đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực. Và ngay cả khi được nhận vào làm việc thì có tới 69% người chuyển giới nữ và 66% người chuyển giới nam thường bị kỳ thị, xa lánh ở nơi công sở. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra, không chỉ bị phân biệt đối xử ở các không gian công cộng, người chuyển giới còn bị kỳ thị, xa lánh bởi chính người thân, ngay dưới mái nhà họ đang sinh sống. Thống kê xã hội học về kỳ thị đối xử trong gia đình của người chuyển giới cho thấy, 62% người chuyển giới nữ, 80% người chuyển giới nam bị chửi mắng, gây áp lực, 61% người chuyển giới nói chung bị ép thay đổi ngoại hình, cử chỉ, thậm chí có tới 14% trong số họ phải chịu các hành vi bạo lực như nhốt, giam giữ, đánh đập, đuổi khỏi nhà. Riêng ở phạm vi gia đình, các hành vi phân biệt đối xử với người chuyển giới còn nhắm tới việc ngăn chặn thông tin về thành viên trong gia đình là người chuyển giới bị tiết lộ ra ngoài đồng thời cố gắng thay đổi xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ bằng các biện pháp y học, tâm linh hay lối sinh hoạt và ngăn cản các mối quan hệ tình cảm của họ. Nhìn chung, các hành vi phân biệt đối xử xuất phát bởi sự định kiến và dè bỉu các bản dạng giới (gender identity)4 và xu hướng tính dục của người chuyển giới “khác” với các bản dạng giới và xu hướng tính dục được coi là “thông thường”.

 

“Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với người chuyển giới là phải thay đổi nhận thức xã hội, tức là xã hội cần phải thừa nhận họ – rằng họ có quyền tồn tại hiển nhiên như tất cả những người không chuyển giới và hoàn toàn bình đẳng với tất cả mọi người. Người chuyển giới không có lỗi, nhưng cách mà xã hội chúng ta đang đối xử với họ hiện nay cứ như là họ có lỗi lớn vậy”.
TS. Khuất Thu Hồng

 

Đứng trước những kỳ thị, định kiến bủa vây từ mọi phía, hầu hết người chuyển giới đều mong chờ được xã hội công nhận thân phận của mình dựa trên sự thừa nhận về mặt luật pháp, điển hình là quyền chuyển giới trong Bộ Luật dân sự 2015. Mặc dù một số quy định trong “quyền” này vẫn còn gây tranh luận bởi quy định phải phẫu thuật mới được công nhận chuyển giới5, nhưng về cơ bản với quyền chuyển giới này, người chuyển giới có thể sửa đổi các thông tin về hộ tịch, giới tính ghi trên giấy tờ, điều này khiến họ dễ dàng làm các thủ tục hành chính hơn so với trước đây. Ví dụ, người chuyển giới sẽ tránh được tình trạng đi xin việc nhưng giới tính được ghi trên giấy tờ không khớp với ngoại hình của họ, hoặc đơn giản hơn, họ sẽ vào đúng nhà vệ sinh công cộng dành cho giới tính thực của mình mà không phải chịu cái nhìn soi mói khi vào “nhầm” nhà vệ sinh công cộng dành cho giới tính khác.

Khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ công

Tuy nhiên, ngay cả khi được thừa nhận về mặt pháp lý, người chuyển giới vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn khác, chủ yếu do cơ sở hạ tầng của các dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ y tế chưa thể hỗ trợ cho người chuyển giới. Theo một nghiên cứu mới đây của Phạm Quỳnh Phương và cộng sự6, đa số người chuyển giới sử dụng các loại thuốc điều chỉnh hormon với các hướng dẫn dựa trên cơ chế “thông tin truyền miệng” trong cộng đồng chuyển giới chứ không có sự tư vấn đúng từ các bác sĩ.

Ngoài ra, về mặt tâm lý, người chuyển giới thường phải chịu đựng sự căng thẳng do luôn chịu định kiến trong xã hội, luôn phải đấu tranh giữa các luồng tư tưởng phải sống đúng với bản dạng giới của mình hay sống với khuôn mẫu giới khác mà người xung quanh khuyến cáo và đòi hỏi nhưng chưa có bất kỳ một trung tâm tư vấn nào về tâm lý cho người chuyển giới. “Với chúng em, phải xác định sống như thế nào cũng thật sự rất khó. Nếu sống đúng với ngoại hình mà chúng em đã phải mang thì sẽ gặp thuận lợi hơn trong các mối quan hệ xã hội, không bị kỳ thị nhưng đó lại không phải là chính mình, điều đó sẽ khiến chúng em gặp stress. Ngược lại, sống đúng là mình thì phải luôn chịu đựng sự soi mói, kỳ thị của mọi người. Dù có lựa chọn sống theo cách nào thì em vẫn luôn gặp phải những bức bối mà khó có thể tâm sự cùng với bất kỳ ai, từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp … Thậm chí nhiều bác sĩ vẫn còn định kiến và lại khuyên em là phải uống thuốc để điều trị bệnh”, Trường, một người chuyển giới nam cho biết.

Thay đổi nhận thức

Nhưng liệu rằng, giải quyết được tất cả những khoảng trống về pháp lý hiện nay cũng như cung cấp đủ dịch vụ cơ bản để người chuyển giới nhận được sự hỗ trợ tư vấn tốt về tâm lý và y tế đã là đủ để đảm bảo quyền của người chuyển giới? “Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với người chuyển giới là phải thay đổi nhận thức xã hội, tức là xã hội cần phải thừa nhận họ – rằng họ có quyền tồn tại hiển nhiên như tất cả những người không chuyển giới và hoàn toàn bình đẳng với tất cả mọi người. Người chuyển giới không phải là bệnh hoạn hay tệ nạn. Họ được sinh ra như vậy. Họ không lựa chọn để làm người chuyển giới, ngược lại, hầu hết thường phải trải qua nhiều năm tháng đầy dằn vặt, khổ đau trong cuộc đấu tranh vật lộn với chính mình để chối bỏ điều đó. Người chuyển giới không có lỗi, nhưng cách mà xã hội chúng ta đang đối xử với họ hiện nay cứ như là họ có lỗi lớn vậy” – TS. Khuất Thu Hồng, chuyên gia về gia đình và giới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) phân tích.

Theo TS. Hồng, sự thay đổi về mặt luật pháp thuần túy mới chỉ là sự thay đổi mang tính “kỹ thuật” về việc một người chuyển giới được chuyển đổi quyền nhân thân như mang tên mới hay quyền được mang đúng giới tính mà mình mong muốn (tùy theo quy định của pháp luật yêu cầu người chuyển giới đã qua phẫu thuật hay không). Đây là căn cứ quan trọng để đảm bảo quyền lợi cho người chuyển giới khi họ gặp các vướng mắc về pháp lý. Tuy nhiên, nền tảng pháp lý này mới chỉ là viên gạch móng cho việc xây dựng rất nhiều giải pháp tiếp theo để thay đổi nhận thức của xã hội về người chuyển giới, đi đến nhận thức đúng và có thái độ đúng đắn trong ứng xử với người chuyển giới.

 

 

“Để thay đổi được nhận thức xã hội, truyền thông đại chúng có vai trò rất quan trọng. Truyền thông ở Việt Nam đã có những thay đổi nhanh chóng trong thời gian vừa qua. Chỉ mới cách đây 10 năm, truyền thông còn có cái nhìn kỳ thị với người chuyển giới, các bài báo thường dùng những từ rất tiêu cực như “lại cái”, “bóng”, “trai không ra trai, gái không ra gái” để mô tả về người chuyển giới và gán cho họ là biến thái về mặt tâm lý, bệnh hoạn về mặt đạo đức, xấu xa về mặt tư cách hoặc cho rằng chuyển giới là một căn bệnh. Tóm lại trong quan điểm của truyền thông, người chuyển giới không bình thường, so với đại đa số – những người không chuyển giới. Trong vài năm gần đây, phong trào đấu tranh của các nhóm cộng đồng, các tổ chức vì quyền của người chuyển giới đã làm thay đổi cách mà truyền thông viết về người chuyển giới. Đặc biệt là sự ban hành các quy định pháp luật tiến bộ cũng dẫn đến những thay đổi tích cực trong giới truyền thông. Cách viết tiêu cực về người chuyển giới giảm đi rất nhiều tuy nhiên giọng điệu chủ yếu vẫn là cảm thông, thương xót, nhân đạo mang hơi hướng ban phát, trịch thượng. Ngoài ra, vẫn còn nhiều bài viết sai, ví dụ như đây đó có bài này viết giật tiêu đề kiểu như “chuyển giới giết chết tình địch…”. Chúng ta đều biết là đàn ông hay đàn bà thì đều ghen tuông, và vì ghen tuông thì cũng có đàn ông giết người tình, đàn bà giết người tình, tại sao không viết “đàn ông giết người tình”? mà lại phải nhấn mạnh vào “người chuyển giới”? Cái cách viết như vậy khắc họa sự khác biệt về giới của họ và coi sự khác biệt về giới như là nguyên nhân dẫn tới những điều tệ hại xấu xa. Do đó, cần có sự thay đổi tích cực từ phía truyền thông hơn nữa”.
TS. Khuất Thu Hồng

————
1 Nhằm đảm bảo đời tư cho người chuyển giới, tên của những người chuyển giới trong bài viết này đều là tên giả.
2 Là tình trạng tâm lý giới tính của một người không phù hợp với giới tính của cơ thể, họ có thể phẫu thuật hoặc chỉ dùng hormon để chuyển giới đúng với giới tính của họ.
3 Lương Thế Huy, Phạm Quỳnh Phương, Có phải bởi vì tôi là LGBT? Phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới tại Việt Nam, Hà Nội, nhà xuất bản Hồng Đức, 2016, trang 56.
4 Là cảm nhận, cách mỗi người nhìn nhận về giới tính của mình.
5 Theo Luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017) Pháp luật Việt Nam công nhận quyền chuyển đổi giới tính. Từ căn cứ này, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, điều này cũng mang lại sự tranh luận về việc sẽ chỉ công nhận người chuyển giới khi họ đã qua phẫu thuật hay không (và ở mức độ triệt sản hay tạo hình?)? Hay có thể thừa nhận khi có sự điều chỉnh về hormon và giám sát tâm lý?
6 Phạm Quỳnh Phương, Lê Quang Bình, Mai Thanh Tú, Khát vọng được là chính mình: Người chuyển giới ở Việt Nam – những vấn đề thực tiễn và pháp lý, Hà Nội, nhà xuất bản Thế giới, 2012, tr 68 – 72.

Tác giả