Cần thẩm định quốc tế cho chức danh GS, PGS

Ở cương vị một giáo sư học tập và làm việc ở nước ngoài đã 46 năm, tôi đã tham gia rất nhiều hội đồng chức danh giáo sư và phó giáo sư của Đại học Toronto, và cũng thẩm định nhiều hồ sơ chức danh ở những nước khác, tôi xin đóng góp những ý kiến sau đây.


GS.TS Lương Văn Hy – nguyên Trưởng khoa Nhân học, Đại học Toronto, Canada.

1. Nếu học thuật và đào tạo ở Việt Nam muốn hội nhập khu vực và quốc tế mạnh hơn và để tăng chất lượng đào tạo và nghiên cứu cho phát triển đất nước, tôi đề nghị trong việc thẩm định hồ sơ: A. nên tăng số người thẩm định công trình nghiên cứu trong hồ sơ chức danh; và B. phải có ít nhất 1/3 là thẩm định quốc tế cho chức danh phó giáo sư, và ½ là thẩm định quốc tế cho chức danh giáo sư. Hiện nay, điều 47 của Dự thảo đề cập đến khả năng có thẩm định quốc tế, nhưng không bắt buộc có thẩm định quốc tế. Nếu trong tài trợ khoa học như chương trình Nafosted, nhà nước đã đòi hỏi phải có công bố kết quả nghiên cứu trong tạp chí quốc tế và như thế là phải qua tiến trình thẩm định quốc tế, thì tại sao không đòi hỏi tương tự trong việc thẩm định hồ sơ chức danh giáo sư và phó giáo sư ? Tại Đại học Toronto nơi tôi công tác, một đại học nghiên cứu thường được xếp hạng đứng đầu Canada và thường được xếp vào 20 đại học hàng đầu của Bắc Mỹ, hồ sơ chức danh phó giáo sư (Associate Professor) cần có ít nhất sáu thẩm định từ ngoài trường về thành quả và chất lượng nghiên cứu của ứng viên, và hầu hết các thẩm định này là từ các giáo sư và phó giáo sư ở những nước khác. Hồ sơ chức danh giáo sư (Professor) tại Đại học Toronto cũng đòi hỏi có ít nhất bốn thẩm định về thành quả và chất lượng nghiên cứu từ ngoài Đại học Toronto, và hầu hết cũng là giáo sư ở những nước khác.

Trong việc mời người thẩm định những công trình học thuật của ứng viên, ở Đại học Toronto, chủ tịch hội đồng cấp cơ sở thường mời giáo sư ở những khoa được xếp vào 20 khoa hàng đầu của thế giới trong ngành của ứng viên. Nếu người thẩm định không công tác ở 20 khoa hàng đầu của thế giới trong ngành của ứng viên thì phải là một nhà khoa học nổi bật về thành tích khoa học, và chủ tịch hội đồng phải thuyết minh về lựa chọn này trong hồ sơ gửi lên trên. Tại sao lại lựa chọn những người thẩm định như thế ? Vì Đại học Toronto chủ trương là những người thẩm định tốt nhất trong một chuyên ngành thường công tác ở những khoa hàng đầu và ở những đại học hàng đầu thế giới, và họ có tiêu chuẩn cao trong học thuật. Người thẩm định phải đọc rất kỹ và phải viết rất chi tiết về những công trình khoa học của ứng viên. Một ứng viên đạt được tiêu chuẩn cao của những nhà khoa học hàng đầu cùng chuyên ngành thì mới bảo đảm là ứng viên thực sự giỏi về nghiên cứu, và mới xứng đáng với chức danh giáo sư và phó giáo sư của đại học. Để tránh thiên vị, người thẩm định không thể là người đã hướng dẫn ứng viên trong quá khứ và cũng không thể là đồng tác giả với ứng viên. (Tại Bắc Mỹ, thẩm định hồ sơ chức danh là thẩm định kín, ứng viên không biết danh tính người thẩm định mà chỉ có HĐCD biết). Dĩ nhiên, ở các đại học không phải đại học nghiên cứu và không được xếp hạng cao lắm, tiêu chuẩn chọn người thẩm định về thành quả và chất lượng công trình nghiên cứu không khắt khe bằng ở những đại học nghiên cứu có đẳng cấp. Việc này phản ảnh nguyên tắc phi tập trung trong việc phong chức danh giáo sư và phó giáo sư ở Canada và ở Mỹ.

Ở Việt Nam, nếu hầu hết các công trình nghiên cứu và đào tạo được công bố bằng tiếng Việt, nhất là trong những ngành khoa học xã hội và các ngành nhân văn, thì liệu việc thẩm định quốc tế có khả thi? Tôi nghĩ là nếu hồ sơ của ứng viên đòi hỏi phải có những bài tạp chí hay chương sách đăng ở nước ngoài, thì dù người thẩm định không biết tiếng Việt, họ cũng có thể thẩm định chất lượng dựa vào các bài và chương sách bằng tiếng nước ngoài. Hơn nữa, trong giới nghiên cứu KHXH&NV về Việt Nam, không ít nhà nghiên cứu có thể đọc thông thạo tiếng Việt, ngay cả khi tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ của họ. Nếu hội đồng chức danh đưa vào tiêu chí phải có thẩm định quốc tế thì cũng nên xác định rõ là người thẩm định quốc tế phải có chức danh cao hơn ứng viên và thường công tác ở các đại học hay khoa hay viện nghiên cứu thường được xếp hạng tương đối trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín về tổng thể chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo của các đại học và viện nghiên cứu. Một bảng xếp hạng như Webmetrics không phải là về tổng thể chất lượng nghiên cứu và đào tạo.

2. Tôi ngạc nhiên trước việc Dự thảo một mặt xem sách và chương sách chuyên khảo là kết quả công trình nghiên cứu khoa học (điều 2.9.b) và một mặt khác lại xếp sách và chương sách chuyên khảo vào danh mục công trình phục vụ đào tạo, và đánh đồng sách hay chương sách chuyên khảo với với các công trình phục vụ đào tạo khi tính điểm (điều 8 và điều 12 trong Dự thảo).

Trong nhiều ngành khoa học xã hội và nhiều ngành nhân văn ở Bắc Mỹ, việc in được một quyển sách hay một chương sách chuyên khảo như thế ở các nhà xuất bản có uy tín phải qua tiến trình phản biện kín, nhiều bản thảo bị từ chối, và nếu được in thì từ lúc nộp cho đến lúc được in thường mất từ hai đến ba năm ở các nhà xuất bản có uy tín. Ở các đại học nghiên cứu hàng đầu ở Bắc Mỹ, trong các ngành KHXH&NV, một chương sách chuyên khảo trong sách của một nhà xuất bản có uy tín được xem tương đương với một bài trong một tạp chí ISI, và một sách chuyên khảo ở một nhà xuất bản như thế tương đương với ba đến năm bài trong tạp chí ISI. Tôi biết là việc in sách ở Việt Nam hiện nay thường không qua tiến trình phản biện kín và dễ hơn nhiều so với ở Bắc Mỹ. Ngay cả ở Bắc Mỹ, cũng có vài nhà xuất bản thương mại xuất bản rất dễ dãi, không qua tiến trình phản biện kín, và tác giả trả tiền in ấn. Trong giới học thuật quốc tế, chúng tôi biết những nhà xuất bản nào dựa vào tiến trình phản biện kín nghiêm ngặt, và những nhà xuất bản nào xuất bản dễ dãi. Chúng tôi gọi những nhà xuất bản dễ dãi là “vanity press”, xuất bản để phục vụ cái danh hão của tác giả. Một học giả  có một chương sách hay một quyển sách ở một nhà xuất bản tiếng Anh dễ dãi như thế thì rất khó được xem là một nhà nghiên cứu nghiêm túc. Song, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, tuy là việc xuất bản sách dễ hơn nước ngoài nhiều nhưng cũng có một số sách và chương sách rất có chất lượng. Chính trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn trong việc in sách ở Việt Nam mà việc thẩm định quốc tế về mặt chất lượng lại càng quan trọng.

3. Tôi đồng ý với tinh thần của những đề nghị của GS. TS. Ngô Việt Trung trong bài gần đây ở tạp chí Tia Sáng. Việc đòi hỏi công bố quốc tế nhiều hơn liệu có gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ trong nước, nhất là trong các ngành KHXH&NV, khi đăng ký chức danh phó giáo sư hay giáo sư? Trong các ngành này, tôi biết có luận án tiến sĩ xuất sắc được bảo vệ trong nước hay công trình nghiên cứu rất có chất lượng được tài trợ trong nước mà kết quả có thể được công bố ở các tạp chí quốc tế có uy tín hay in trong sách của các nhà xuất bản quốc tế có uy tín. Tuy nhiên, khác với GS. Ngô Việt Trung, tôi thấy cần phải tách sách chuyên khảo ra khỏi danh mục các công trình phục vụ đào tạo. Nếu một quyển sách chuyên khảo được chứng minh là có ít nhất hai phản biện kín và rất chi tiết hay được các nhà thẩm định cả quốc tế lẫn trong nước đánh giá cao trong tiến trình xét duyệt hồ sơ chức danh giáo sư/phó giáo sư, thì sách chuyên khảo này nên được xem tương đương với ba đến năm bài tạp chí khoa học có phản biện kín, ít  ra là cho hồ sơ trong khoa học xã hội và trong các ngành nhân văn. Một chương sách chuyên khảo được chứng minh là có ít  nhất hai phản biện kín và rất chi tiết, hay được các nhà thẩm định cả quốc tế lẫn trong nước đánh giá cao trong tiến trình xét duyệt hồ sơ chức danh, cũng cần được xem tương đương với một bài tạp chí khoa học có qua phản biện kín.

4. Một băn khoăn của không ít học giả là nếu tiêu chuẩn nâng cao nữa so với Dự thảo, thì liệu các hội đồng, nhất là hội đồng cấp cơ sơ của ngành KHXH&NV, có đủ thành viên đạt chuẩn công bố quốc tế như thế hay không? Tôi nghĩ là nền học thuật ở Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập mạnh hơn với quốc tế, và có thể xem là đang ở trong thời kỳ quá độ. Trong hội đồng cấp cơ sở, nhất là ở các ngành KHXH&NV, thì số thành viên có bài ở các tạp chí ISI, Scopus, hay sách và chương sách ở các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới có thể không nhiều. Trong bối cảnh này, việc mời các nhà khoa học khu vực hay quốc tế thẩm định hồ sơ nghiên cứu khoa học của các ứng viên là một giải pháp bổ sung cho việc thẩm định của các nhà khoa học trong nước.

5. Ngoài ra, để phù hợp với chuẩn quốc tế, điều 53 về việc hủy bỏ chức danh cũng nên đề cập đến những trường hợp phạm tội đạo văn trong những công trình khoa học hay đào tạo.

Tác giả