Cổ Loa: Liệu có thể cứu vãn?

Có lẽ, hầu hết người Việt Nam đều thuộc nằm lòng truyện An Dương Vương và Mỵ Châu Trọng Thủy, vốn là bài học được nhắc đến nhiều lần trong sách Ngữ Văn và sách Lịch sử phổ thông. Nhưng Thành Cổ Loa, nằm cách Hà Nội chưa đầy 20 km, là nơi khởi nguồn của truyền thuyết từ 2300 năm trước, vẫn còn dấu tích kiến trúc độc đáo của Kinh thành năm xưa lại không nằm trong tâm trí của nhiều người Việt và du khách quốc tế đến Hà Nội.


Ảnh “Một thoáng Loa Thành” do Ban quản lý khu di tích Cổ Loa cung cấp.

Mỗi năm, khu di tích Cổ Loa đón khoảng 130 nghìn lượt khách (để tiện so sánh, cố đô Huế đón một triệu lượt khách trong ba tháng) nhưng chỉ tập trung vào những ngày xung quanh thời điểm Lễ hội Cổ Loa diễn ra vào tháng Giêng. Hơn nữa, mang trong mình những huyền sử đầy bi tráng và lãng mạn, đậm chất Phương Đông, nhưng kì lạ là, nếu tìm kiếm trên mạng Internet, Cổ Loa chỉ có một bài review Tiếng Anh duy nhất trên trang blog du lịch Rusty Compass, được lập ra bởi một người Úc yêu Đông Nam Á đang ở Việt Nam, Mark Bowyer. Mark viết rằng, Cổ Loa được ít người biết đến một cách đáng kinh ngạc, và anh là khách du lịch duy nhất trong hai lần đến thăm.

TS. Richard A. Engelhardt, nguyên là chuyên gia tư vấn khu vực về Văn hóa vùng Châu Á Thái Bình Dương của UNESCO cho biết, lần đầu tiên đến Cổ Loa cách đây 20 năm, ông đã bị ấn tượng bởi kiến trúc thành nhiều lớp được tạo nên bằng đất, hệ thống hào và kênh mương, dựa trên hiểu biết về địa thế và sông nước, thể hiện tài năng quy hoạch địa hình đầy tiên tiến và đổi mới sáng tạo thời kì bấy giờ. Theo nhận định của ông, một nhà Nhân học, Khảo cổ và Lịch sử học tốt nghiệp tại Đại học Yale và Harvard, Mỹ, đó là một công trình độc nhất vô nhị, dung hòa được cả mục đích quân sự và dân sinh, mang tính tiên phong và có ảnh hưởng trên khắp các công trình kiến trúc quân sự và quy hoạch của khu vực Đồng Bằng Sông Hồng và phía Nam Trung Quốc sau đó. Lúc bấy giờ, ông ngạc nhiên về sự nguyên vẹn của ba vòng thành của Cổ Loa và đường nét của nó vẫn có thể thấy rõ trên thực địa, sau hơn 2000 năm. Nhưng vào thời điểm cách đây hai năm khi quay trở lại thăm một lần nữa, ông vô cùng thất vọng bởi những gì mình chứng kiến trước đó đã xuống cấp thê thảm, đến mức không còn nhận ra hình dáng của ba vòng thành nữa trước quá trình hiện đại hóa ở vùng quê này.

Cổ Loa có số phận khá long đong, lận đận cả về mặt được công nhận giá trị, công tác quản lý cho đến quy hoạch. Được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận là Di tích Quốc gia từ năm 1962 nhưng đến mãi gần đây, năm 2012, Cổ Loa mới được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, có giá trị về Lịch sử, Kiến trúc nghệ thuật và Khảo cổ. Trước năm 1995, Cổ Loa được quản lý bởi chính quyền địa phương. Sau đó, được chuyển qua nhiều đơn vị quản lý, từ Ban Quản lý Di tích – Danh thắng thuộc Sở Văn hóa đến Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội (hiện là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội) nhưng phụ trách trực tiếp chỉ là một tổ trong một phòng với quyền hạn vô cùng khiêm tốn. Đến năm 2014, Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa mới được thành lập, là đơn vị hành chính cấp hai trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội. Sau hai năm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn với tỉ lệ 1/2000. Để thực hiện qui hoạch này thì công việc tiếp theo  là phải triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 để có cơ sở cắm mốc bảo vệ di tích. Ban đầu, Trung tâm được giao lập qui hoạch “Vùng lõi” (tức vùng trung tâm di tích) nhưng đến năm 2017, nhiệm vụ lập qui hoạch chi tiết cho toàn bộ Khu di tích đã được Thành phố giao cho tập đoàn Bất động sản Sun Group thực hiện.

Khi ban quản lý không thể bảo vệ di tích

Một đoạn thành Nội đang bị san phẳng chỉ vài ngày trước khi chúng tôi đi Cổ Loa thực địa. Trước thực trạng này, TS Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị: “Cần tiến hành bảo vệ và khai quật khẩn cấp với những đoạn thành đang bị phá”. Ảnh: Hảo Linh.

Điều gì là giá trị lớn nhất của Cổ Loa mà từ trước đến nay đều bị đánh giá một cách sai lầm trong các quy hoạch?

Đến thăm Cổ Loa, đa số du khách thường chỉ tập trung tham quan ở “vùng lõi”, thuộc khu vực Thành Nội, với các địa điểm nổi bật như Đền Thượng thờ An Dương Vương, Hồ Giếng Ngọc, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu, … Và, không ngạc nhiên, quy hoạch chi tiết cũng ưu tiên khu vực này và Ban quản lý khu di tích chỉ được phép phụ trách các địa điểm trên, cùng vài khu đất gần trụ sở làm việc với tổng diện tích khoảng 04 ha. Trong khi đó, toàn bộ khu di tích Cổ Loa rộng gần 900 ha và ba vòng thành đất mà ông Lê Viết Dũng, Phó ban Quản lý (phụ trách) khu di tích Cổ Loa khẳng định rằng “đó mới là giá trị cốt lõi, là cái quý nhất ở đây” thì lại do chính quyền địa phương và người dân quản lý, (khai thác) không phải như với đối tượng là đất di tích mà như là đất đai thông thường. Vì thế, vì nhu cầu dân sinh, người dân canh tác trên thành, nuôi cá dưới hào, những hộ dân ở sát chân thành đã được cấp sổ đỏ, một số đoạn trên mặt thành được xẻ, làm thành đường nhựa cho xe cơ giới qua lại… Giờ đây, vòng thành nội đã gần như mất đi toàn bộ hình dáng, chỉ còn sót lại một vài ụ đất rải rác. Hào trong Thành Nội thì đã được lấp để xây nhà và đường hoặc không thì cây và cỏ dại mọc um tùm. Còn hai vòng Thành Trung và Thành Ngoại, mặc dù vẫn còn nguyên đường nét nhưng không còn giữ được độ cao như trước (chiều cao gốc của thành là từ 7-8m, có nơi có thể lên tới 10m, nhưng giờ đây chỉ còn là 3m trở xuống, có nơi chưa đầy 1m) còn hào thì được trưng dụng để làm diện tích trồng lúa. Đó còn chưa kể, các di tích khảo cổ học (chẳng hạn như di chỉ Đồng Vông ở trên doi đất bên sông Hoàng hết sức quan trọng, thể hiện các giai đoạn khảo cổ học phát triển liên tục từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn) đều đang trên bờ vực xóa sổ vì các công trình dân sinh.

Hơn nữa, nhìn thấy những “vi phạm” trên, Ban quản lý di tích chỉ có chức năng “kiểm tra, phát hiện và báo cáo” chứ không được xử phạt. Gửi báo cáo và góp ý nhiều lần nhưng ý kiến của Ban quản lý thường không được lắng nghe. Một ví dụ nhỏ, đó là Cửa Trấn Nam – một điểm rất quan trọng của di tích, bị che khuất hoàn toàn bởi hàng quán. “Tôi đã làm việc với lãnh đạo xã nhiều lần, kể cả đã phát biểu trong một số cuộc họp trên huyện, đề nghị ủy ban nhân dân xã lưu ý dẹp hàng quán, giao cho ai đó quản lý, có thể giao cho thôn, mà nếu khó khăn thì giao cho chúng tôi. Thì hiện nay nó vẫn cứ như thế thôi. Lời nói vẫn cứ như là viên gạch ném xuống hồ” – ông Dũng nói.

Có một cách trao thêm quyền cho Ban quản lý di tích mà không chồng chéo lên nhiệm vụ của các cơ quan chức năng khác đó là tham gia giám sát độc lập việc xây dựng, thi công trong khu vực Cổ Loa, theo đó bất cứ công trình nào cũng chỉ được triển khai sau khi xin ý kiến và được Ban quản lý chấp thuận. Đó là gợi ý từ quy chế Quản lý, Bảo tồn Phố cổ Hà Nội, mà ông Lê Viết Dũng là người viết Đề án thành lập Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội vào năm 1997. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi công bố Qui hoạch Tổng thể 1/2000 thì Qui chế Quản lý qui hoạch, trong đó có xác định trách nhiệm của từng cơ quan vẫn chưa được ban hành.

“Vừa làm vừa dò dẫm”


Một đoạn thành nội đã bị một nhà dân san lấp và xây nhà ở. Ảnh: Bảo Như.

Khi chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, mọi hoạt động bảo tồn di tích cổ Loa đều bị ngưng trệ. Là một người nhiệt tình với việc bảo vệ di sản và “đau xót” với Cổ Loa từ cách đây hơn 20 năm lúc còn làm trong Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, khi đến với Ban quản lý di tích Cổ Loa cách đây hai năm, ông Dũng “ngay trong tuần đầu tiên” đã đề ra một số việc cần làm ngay, trong số đó là làm biển chỉ dẫn cho khách tham quan đi từ các tuyến đường chính vào Khu di tích Cổ Loa và đi khắp các vòng thành. Ngay cả khi huy động được nguồn vốn xã hội hóa, ý tưởng đơn giản này cũng không dễ thực hiện, vì các doanh nghiệp đầu tư, tài trợ sẽ e ngại một khi biết rằng sẽ có một tập đoàn khác tiếp quản khu vực. Ông Dũng kể lại: “Từ khi tôi mới về đây tôi đã phát tín hiệu với rất nhiều người, anh em bạn bè chiến hữu, những người có quan tâm đến di tích, thậm chí là những nhà đầu tư. Nhưng khi đến đây tìm hiểu xong thì họ đều lặng lẽ không thấy quay trở lại bởi vì họ đã biết là khu này rồi sẽ được giao cho ai, rồi làm gì, xu thế như thế nào.”.

“Hiện tại các công việc mà chúng tôi làm vẫn trong tình trạng là vừa làm vừa dò dẫm, vừa nghe ngóng chứ chả dám làm gì lớn” – ông Dũng nói và cho rằng Ban quản lý di tích đang huy động bằng tất cả những gì có thể khai thác được để quảng bá di tích đến với mọi người. Họ cũng đề xuất kế hoạch quản lý di tích đến năm 2020, bản kế hoạch đã hoàn chỉnh qua nhiều lần lấy ý kiến của người dân, của các sở, ngành, chính quyền xã, huyện và cấp lãnh đạo cao nhất của Thành phố nhưng đến nay còn đang chờ Thành phố phê duyệt thì mới có kinh phí. Tuy nhiên, đó chỉ là hoạt động quản lý thường xuyên còn chiến lược phát triển Cổ Loa vẫn là câu chuyện quy hoạch, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên (bao gồm nhà khoa học, doanh nghiệp, các cấp chính quyền) với một sự cam kết lớn. Hiện nay, Ban quản lý di tích cũng chưa được biết Sun Group có “động tĩnh” gì về qui hoạch 1/500 hay chưa.

Lợi thế chưa thể đánh thức


 Một đoạn Thành Nội đã bị xẻ đôi để làm nhà ở từ nhiều năm nay. Ảnh: Hảo Linh.

Cổ Loa bây giờ vẫn giữ được không khí thanh bình của làng quê Việt Nam với hàng chục ngôi nhà cổ, mỗi xóm đều có điếm, trong số đó nhiều nơi có kiến trúc và không gian đẹp và nếp sinh hoạt truyền thống gắn với nghề trồng lúa. Tuy nhiên, người dân nơi đây chưa có ý định biến những đặc trưng này thành lợi thế du lịch. Ban đầu, họ còn không dành nhiều thiện cảm cho Ban quản lý di tích. Khi Ban quản lý di tích tạo lập Không gian Việt – một chỗ vui chơi cho người tham quan, giới thiệu về văn hóa Việt và tổ chức các trò chơi dân gian trên nền của khu trường cấp II cũ (do Ban đang quản lý) đã chịu sự phản đối kịch liệt của người dân mà đại diện là Hội người cao tuổi xã Cổ Loa, họ cho là “xẻ thịt di tích”. Đối với chính quyền địa phương cũng vậy, lúc đầu cũng tưởng Ban quản lý khu di tích sử dụng vào mục đích kinh doanh thu lợi. Phải mất nhiều thời gian mới có thể thuyết phục được họ.

Đánh thức tiềm năng của Cổ Loa đòi hỏi việc xây dựng ý thức của cộng đồng, để người dân tham gia vào làm du lịch là điều không hề đơn giản đối với ban quản lý. Ông Dũng mong ước có thể tổ chức những buổi nói chuyện hằng tuần về phát huy giá trị di sản, về du lịch cộng đồng cho những người dân trong xã Cổ Loa nhưng ý định này chưa nhận được được sự quan tâm của các cấp quản lý. Từng có kinh nghiệm bảo tồn phố cổ Hà Nội, ông Dũng cho biết, một tác động lớn mà khu phố cổ này trở nên nổi tiếng và sôi động trong một thời gian ngắn là nhờ một loạt các dự án nghiên cứu và truyền thông của các tổ chức nước ngoài (từ Thụy Điển, Úc, Pháp, Bỉ và Nhật Bản) trong nhiều năm liền đã làm thay đổi nhận thức người dân qua việc treo paneau, áp phích khắp các đường phố cho đến trao đổi trong các cuộc họp tổ dân phố. Làm về quản lý di sản hơn 20 năm, ông Dũng quá rõ quá trình từ ý tưởng đến thực tế trong lĩnh vực này đòi hỏi sự kiên nhẫn như thế nào (ông đã chứng kiến việc nhỏ như chỉnh trang mặt phố và lát gạch trên đoạn ngắn phố cổ Tạ Hiện ở Hà Nội theo nghiên cứu bảo tồn của chuyên gia người Pháp phải mất gần mười năm mới có thể hoàn thành) nhưng hiện nay số phận của khu di tích Cổ Loa đang hết sức mong manh: “tốc độ di tích bị hủy hoại càng ngày càng lớn và điển hình trong mấy tháng trước, chỉ cần một ca máy xúc là đã đi một đoạn thành rồi” – ông Lê Viết Dũng nói.

 

Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa không chỉ là việc của Ban quản lý khu di tích, của người dân, của chính quyền mà còn là của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng như các doanh nghiệp, các nhà Khoa học, … và của tất cả những người yêu nước Việt, yêu văn hoá Việt và có trách nhiệm với truyền thống lịch sử của Tổ tiên người Việt. – ông Lê Viết Dũng.

Tác giả