Đúng việc

Những thực trạng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay của con người, của gia đình, của tổ chức và của xã hội đều bắt nguồn sâu xa từ việc có nhiều người không hiểu đúng và làm tốt những “công việc” của mình. Nhưng một câu hỏi vô cùng thách thức đặt ra là: “Việc” là việc gì? Và thế nào là “Đúng”.

Tôi cho rằng,“công việc” của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm làm người, làm dân và làm nghề và lựa chọn “đúng việc” hay “sai việc” của mỗi người trong từng “công việc” ấy sẽ làm nên cuộc đời của họ. Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú và cỏ cây; con người tự do thì khác với con người nô lệ hay con người công cụ hay con người hoang dã; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; người thầy thì khác với thợ dạy; trí thức thì khác với trí nô; nhà văn thì khác với bồi bút; sử gia thì khác với sử nô; lãnh đạo thì khác với cầm quyền; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn… Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa các lựa chọn đó? Làm sao có thể làm “đúng việc” khi chưa biết đâu là cái “đúng”? Làm sao “làm ra chính mình”, làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết “đâu là mình”?

Có thể thấy rằng, không phải ai sinh ra cũng có sẵn “năng lực làm người”. Vậy, “năng lực làm người” cụ thể là những năng lực gì? Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn bàn về hai loại năng lực tạm gọi tên là “năng lực khai minh” và “năng lực khai tâm”.

Năng lực khai minh có nghĩa là mở toang con người tăm tối, con người vô minh, giáo điều, ấu trĩ của mình ra để đưa ánh sáng của chân lý, sự thật và tự do vào. Triết gia Immanuel Kant từng nói: “Khai minh là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành do chính mình tự chuốc lấy” (Bản dịch của học giả Bùi Văn Nam Sơn). Như vậy, con người cần phải thoát khỏi tình trạng “không trưởng thành” do chính mình tự gây ra cho bản thân, bắt đầu bằng việc tư duy lại, nhận thức lại những quan niệm của bản thân về những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc đời như thế nào là con người, sống để làm gì, đâu là ý nghĩa của cuộc đời mình…

Còn khai tâm, nói đơn giản, đó chính là ta có một trái tim “có hồn”, một trái tim biết rung lên trước cái hay cái đẹp (nhất là cái đẹp vô hình, cái đẹp không nhìn thấy, không sờ thấy, mà chỉ có thể cảm thấy), biết thổn thức trước những nỗi đau, biết phẫn nộ trước cái sai, cái xấu và cái ác, một trái tim giàu lòng trắc ẩn. Một người mà không còn xúc cảm, không còn tin vào điều gì, nhất là những điều tốt đẹp trong cuộc đời này, cũng như không còn biết đau chung nỗi đau của con người thì về cơ bản, người đó đã “chết lâm sàng” hay có vấn đề về “nhân tính”.

Như vậy, có thể nói một cách hình tượng rằng để có thể “làm người” đúng nghĩa, mỗi cá nhân cần có một cái đầu sáng để minh định và một trái tim nóng để rung cảm. Và chỉ có sự tự vấn và hoài nghi không ngừng nghỉ về sự hiểu biết của chính mình mới có thể giúp con người khai phóng bản thân để có được “năng lực làm người” ấy.

Còn làm dân trước hết là làm một con người tự do và là một công dân có trách nhiệm. Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội mà mình đang sống và trách nhiệm tạo ra một nhà nước để bảo vệ các quyền tự do của mình và của người khác. Trong một xã hội văn minh, thay vì phải trông chờ vào đạo đức hay đức tin của người lãnh đạo đất nước, người ta sẽ thiết kế một guồng máy nhà nước và cơ chế kiểm soát mà ở đó mọi cá nhân được giao quyền quản trị đất nước đều phải làm đúng việc, làm hết mình và không dám làm bậy; giống như Tổng thống Thomas Jefferson từng nói: “Một chính quyền hiệu quả nhất là một chính quyền ít phải quản trị nhất, vì mọi thành viên của nó đều đã tự đưa mình vào kỷ luật”.

Trái lại, một nô dân hay thần dân sẽ không để ý, hay thậm chí là không thèm quan tâm đến những vấn đề này. Anh ta xem “xã hội tốt đẹp” là việc của ai đó chứ không liên quan tới mình, và chờ đợi để được người khác dắt đi (mà nhiều khi cũng không rõ mình sẽ được dắt đi đâu). Câu nói cửa miệng của những người này là: “Ôi, nghĩ ngợi mà làm gì, đã có nhà nước lo!”.Với công dân, nếu nhà nước cấm cản không cho họ có được những quyền và nghĩa vụ hiển nhiên (mặc định) thuộc về anh ta, người công dân cũng sẽ “đòi” cho bằng được nó và buộc nhà nước phải bảo vệ những quyền và nghĩa vụ đó của mình, nếu không, họ (công dân) sẽ thay đổi nhà nước hiện tại bằng một nhà nước khác. Còn “thần dân” thường sẽ bằng lòng vô điều kiện với những gì anh ta được nhà nước ban phát.

Và tương tự, “làm nghề”cũng gắn bó chặt chẽ với “làm người”. Nếu như “đạo sống” (làm người) là những đức tin và giá trị mà ta lựa chọn cho cuộc đời của mình thì “đạo nghề” (làm nghề) chính là lý tưởng nghề nghiệp của công việc mà ta làm. Chẳng hạn, ta thích trở thành cảnh sát giao thông vì ta yêu sự bình yên của phố phường, hay là vì ta thích “núp lùm” để thổi phạt? Ta muốn trở thành người dạy học là vì ta yêu con người, yêu sự phát triển mỗi ngày của đứa trẻ hay yêu thứ quyền lực mà ta có thể thị uy với nó? Ta chọn nghề nấu ăn vì đó cũng là một nghệ thuật và ta muốn nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt thực khách khi họ được thưởng thức một món ăn ngon, hay chỉ vì muốn kiếm lợi từ việc chế biến lại những thực phẩm kém an toàn?…

Nói cách khác, “đạo nghề” chính là “đạo sống” trong công việc. Làm việc mà không có lý tưởng nghề nghiệp cũng giống như sống mà không có mục đích. Làm một nghề “vô đạo” thì không chỉ bản thân người làm nghề mà cả xã hội cũng có thể bị ảnh hưởng. Còn làm một nghề mà sai “đạo nghề” (tức là làm “sai việc”) thì không chỉ bản thân người làm nghề mà xã hội cũng có thể bị xói mòn, hủy hoại.

Chẳng hạn, người làm nghề lãnh đạo/chính khách có thể đặt câu hỏi: “Tôi đang lãnh đạo hay cầm quyền, người làm quan chức/ công chức có thể suy ngẫm: “Tôi đang là đầy tớ hay phụ mẫu của dân?”. Hay tương tự, tôi là “doanh nhân, trọc phú hay con buôn?” (nghề kinh doanh), “nhà văn hay bồi bút?” (nghề văn), “nghệ sĩ hay thợ hát?” (nghề ca sỹ), “bác sĩ hay lang băm? (nghề y), là“sử gia hay sử nô? (nghề viết sử).

Như vậy, nếu mọi thứ đều bắt đầu từ “đúng việc” của mỗi cá nhân, thì “đúng việc” chính là đích đến và cũng là con đường dẫn đến thành công bền vững và hạnh phúc cho bản thân, gia đình, tổ chức hay xã hội. Tuy vậy, không có nghĩa rằng “đúng việc” sẽ là một “hệ điều hành” chuẩn mực chỉ việc “cài đặt” là dùng ngay được, mà nó là một phương pháp luận để từ đó mỗi người, mỗi nhà, mỗi xứ sở biết cách tự tìm ra đích đến và con đường cho những đổi thay có tính cách mạng của riêng mình.

“Đúng việc” cũng không hẳn là một phát kiến mới, vì có thể cũng đã có nhiều người dần hiểu ra con đường và đích đến này, rằng cần hướng đến những giá trị tự do và con người tự do. Đó là những nền tảng của những nền văn minh tiến bộ. Nhưng mấy ngàn năm trật tự văn hóa Á Đông lại dựa trên phận vị và con người phận vị. Giá trị của con người được xác định trong một hệ thống danh phận, địa vị, giai cấp…. Chúng ta đã quen thuộc với hệ thống ấy hàng ngàn năm nay, vậy nên “đúng việc” dùng lớp vỏ bên ngoài có hình hài tựa như hệ thống này cho dễ tiếp cận, nhưng “ruột” của nó hướng đến những giá trị của tự do và văn minh.

Và việc gọi tên được “con đường cách mạng” cũng quan trọng không kém việc nhận ra nó. Vì một khi chưa gọi được tên, chưa thể nói được cho người khác hiểu về nó một cách thật đơn giản, thì cũng có nghĩa là ta cũng chưa thật hiểu rõ về đích đến và con đường của mình. Nó cũng giống như việc nhìn một bệnh nhân với hàng triệu triệu chứng nhưng căn nguyên do đâu vẫn còn mơ hồ. Ở đây, “căn bệnh” của xã hội đã được gọi tên: đó là bệnh “sai việc”, người người “sai việc”, nhà nhà “sai việc”, đâu đâu cũng thấy vô vàn “sai việc”. Và “đúng việc” chính là giải pháp cho căn bệnh đó!

Hiểu được hay lựa chọn cho mình một con đường đã là việc rất khó, nhưng theo tôi vẫn chưa phải là việc khó nhất! Tôi cho rằng điều khó hơn hết thảy không phải là chọn một thứ để tin, để đi theo; mà là thực sự sống với những gì mình lựa chọn và bảo vệ được những gì mình tin tưởng. Hiểu được thế nào là tự do đã khó, sống được như là một con người tự do còn khó hơn ngàn lần. Đó không chỉ là hành trình không ngừng nghỉ khai phóng bản thân, đi tìm chân lý, mà quan trọng hơn là hành trình sống với những chân lý tìm ra. Đó là một hành trình trọn đời và của muôn đời!

Tác giả