Khát vọng Đổi mới lần hai

Những vấn đề như nợ công cao, nợ xấu lớn và kéo dài, tăng trưởng năng suất thấp và sụt giảm, cùng với các vấn đề như thiên tai, ô nhiễm môi trường… trong năm qua khiến cuộc Đổi mới lần thứ hai đã thực sự trở nên một yêu cầu hết sức cấp bách.


Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực xã hội.

Chưa bao giờ chúng ta được và phải chứng kiến những sự chuyển động mạnh, nhanh, với quy mô lớn và tác động sâu rộng như bây giờ. Trên trái đất, biến đổi khí hậu gây ra những thảm họa chưa từng có với những tổn thất hết sức nặng nề. Ở các vùng khác nhau, những điểm nóng ngày càng nóng hơn, chứa đựng nguy cơ bùng nổ những cuộc xung đột gay gắt. Chủ nghĩa dân tộc, dân túy nổi lên và lan rộng tại một số nước vốn dĩ có nền chính trị và kinh tế phát triển cao, gây nên những bất ổn mới rất khó lường. Tăng trưởng kinh tế và thương mại ở các đầu tàu sụt giảm, cộng hưởng với các nhân tố khác kéo tăng trưởng của toàn cầu đi xuống. Toàn cầu hóa rơi vào thoái trào, xu hướng tự do hóa thương mại chững lại và phần nào bị xu hướng bảo hộ đẩy lùi. Trong khi đó, thế giới lại đang thiếu vắng một cơ chế toàn cầu đủ mạnh để phối hợp xử lý và kiểm soát những vấn đề quan trọng chung.

Cùng lúc này, cách mạng công nghiệp đang nhanh chóng chuyển sang giai đoạn 4.0, với sự dẫn dắt và chi phối của công nghệ thông tin cùng hàng loạt lĩnh vực liên quan, mà cái tên của chúng mới chỉ nổi lên trong vài ba năm gần đây, như internet của vạn vật (internet of things – IOT), trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI), hay mới toanh như robotic process automation (RPA)… Xu hướng “ảo”, “số hóa”, tự động hóa cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghệ khác như nano, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới…, tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp vĩ đại mà chúng ta chưa thể hình dung sẽ tác động như thế nào tới cuộc sống của con người trên trái đất này.

Trong tương lai trước mắt, cuộc cách mạng này chắc chắn làm đảo lộn cấu trúc của hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, thay thế hàng loạt nguyên vật liệu tự nhiên bằng những nguyên vật liệu nhân tạo, thay thế những thiết bị, phương tiện vốn có bằng những thiết bị, phương tiện mới với những tính năng vượt trội…, và nhất là thay thế lao động của con người bằng lao động của máy móc tự động và trí tuệ nhân tạo với năng suất, tốc độ và tính chính xác cao hơn hẳn. Từ đó, việc tổ chức và quản trị các cấu trúc xã hội, các mối quan hệ cũng như cuộc sống của con người trên hầu như tất cả các lĩnh vực cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ.

Bên cạnh những cơ hội vô cùng to lớn và mới mẻ mở ra cho con người ở mọi quốc gia, những thách thức hết sức nặng nề cũng đang ập đến. Một tỷ lệ cao những người thường làm việc ở một số ngành sản xuất và dịch vụ dùng nhiều lao động có thể mất việc làm. Các nhân tố như tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa kinh tế, lực lượng lao động giá rẻ… đang là lợi thế của một số quốc gia có thể mất đi sức mạnh vốn có, và buộc những nước sở hữu chúng phải tìm kiếm những nhân tố mới để tạo ra lợi thế mới. Mặt khác, sự khai thác thái quá các thành quả KH&CN, nhất là khi rơi vào tay những kẻ tham lam, ích kỷ, biến thái nhân cách hay bọn khủng bố có thể gây ra những tai họa ghê gớm cho con người và trái đất này.

Trong bối cảnh đó, không nước nào không lo tạo những đổi mới cần thiết ở nước mình, vừa để ứng phó với những thách thức mới, vừa để nắm bắt những cơ hội mới và vươn lên tầm phát triển cao hơn. Brexit hay sự thắng cử của Donald Trump đều phản ánh nguyện vọng của người dân Anh và Mỹ mong muốn đất nước họ giàu mạnh hơn, cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Nhìn rộng ra, cả thế giới đang ra sức chuẩn bị cho những chuyển động mới, lớn lao hơn, mạnh mẽ hơn trong năm 2017 và những năm sau.
***
Đất nước ta cũng vừa trải qua một năm 2016 đầy khó khăn, thách thức. Thiên tai và nhân tai gây nên nạn hạn hán, ngập mặn rồi lũ lụt liên tục từ đầu đến cuối năm, cùng thảm họa môi trường chưa từng có gắn với cái tên Formosa và một số sự cố khác thực sự đã gióng lên những hồi chuông rất to cảnh báo rằng chúng ta không thể làm theo kiểu cũ – chạy theo tăng trưởng mà không quan tâm bảo vệ môi trường – được nữa. Các vấn đề nợ công cao, nợ xấu lớn và kéo dài, tăng trưởng năng suất thấp và sụt giảm, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, các nguồn lực đang cạn kiệt dần do phân bổ không hợp lý và sử dụng lãng phí, kém hiệu quả; các tệ nạn tham nhũng, quan liêu, lạm dụng quyền lực… tích tụ từ những năm trước dường như lên tới đỉnh điểm vào đầu năm qua, cũng cho thấy chúng ta không thể làm theo kiểu cũ – giải quyết các nhu cầu và thách thức phát triển bằng các công cụ cũ – được nữa. Công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta đi vào giai đoạn mới với những cam kết cao hơn và phủ rộng hầu hết các lĩnh vực cũng khiến cho những mặt yếu kém của nền kinh tế và nguy cơ tụt hậu xa hơn bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Bao trùm lên tất cả những vấn đề này là khung khổ thể chế hiện hành đã không những không thể giúp, mà còn cản trở sự phát triển của đất nước ta. Cuộc Đổi mới lần thứ hai đã thực sự trở nên một yêu cầu hết sức cấp bách.

Trong bối cảnh đó, những cam kết của Thủ tướng và Chính phủ mới về một chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động đã như một ngọn gió lành làm dấy lên niềm hy vọng mới trong bao người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Sau những cuộc gặp mặt trực tiếp lắng nghe doanh nghiệp và các tầng lớp khác, sau khi ban hành hàng loạt các văn bản pháp quy mới chứa đựng những chính sách cải cách quan trọng như cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế…, Thủ tướng đã liên tục làm việc với các bộ ngành, các địa phương, ra sức đôn đốc các cơ quan nhà nước các cấp thực hiện những cam kết của Chính phủ và tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta.

Kết quả thực hiện các kế hoạch, chương trình phát triển của nước ta trong năm 2016 đã phần nào phản ánh cố gắng đó của Chính phủ. Việc hơn 110.000 doanh nghiệp mới ra đời, trong đó có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp bằng những sáng tạo công nghệ hoặc sáng tạo về tổ chức, phương thức kinh doanh đã phản ánh niềm tin đang được bước đầu phục hồi trong giới kinh doanh. Kết quả của nông nghiệp cũng tương đối tốt trong điều kiện khó khăn chồng chất, thể hiện rõ sức mạnh của người dân khi biết cùng nhau vượt khó để tự cứu mình. Tình hình kinh tế vĩ mô khá ổn định trong suốt năm qua là một phần thưởng cho những cố gắng của Chính phủ trong việc chèo lái con thuyền kinh tế nước nhà giữa bao sóng gió. Tuy nhiên, những kết quả đó có thể tốt hơn nhiều nếu như cả bộ máy nhà nước có thể chuyển động một cách tích cực, đồng bộ, có thể hành động theo đúng những cam kết mà Thủ tướng và Chính phủ đã đưa ra.

Chúng ta cũng chưa thể hài lòng, vì dù cho nền kinh tế trụ được trước những khó khăn tưởng như không thể vượt qua trong năm 2016, nhưng cũng chưa tạo được nền tảng để có thể khắc phục những vấn nạn lớn hay giải quyết những vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế như đã nêu trên. Những vấn nạn như thách thức về môi trường gần như vẫn còn nguyên đó và có thể quay lại bất cứ lúc nào, nếu tư duy và hành động của chúng ta không chuyển đổi hẳn theo hướng không đánh đổi tăng trưởng bằng cái giá môi trường. Những vấn đề kinh tế vĩ mô cũng vẫn còn đó, không thể giải quyết được nếu không có cuộc cải cách mạnh mẽ, triệt để về thể chế và bộ máy vận hành đất nước. Và công cuộc hội nhập vẫn đầy thách thức trong bối cảnh thế giới thay đổi phức tạp hơn, đòi hỏi cao hơn năng lực thích ứng và cạnh tranh của cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp.

Hơn nữa, dường như chúng ta vẫn đang loay hoay với những vấn đề cũ của mình mà chưa lo, chưa nghĩ bao nhiêu về những thay đổi đã, đang và sẽ diễn ra trên thế giới, trong khi chắc chắn những cái đó sẽ tác động không hề nhỏ lên nước ta, dù ta có muốn hay không. Những chuyển động, những thay đổi trên toàn thể trái đất này đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, cường độ ngày càng mạnh, sức lan tỏa và tác động ngày càng lớn. Chúng đủ sức đưa một số quốc gia dù lớn hay nhỏ phát triển vượt bậc và trở nên giàu mạnh, hùng cường hơn, đồng thời cũng có thể bỏ rơi hoặc nhấn chìm một số quốc gia khác trong vòng nghèo nàn, lạc hậu, mà một khi đã rơi vào đó thì khả năng vượt lên trở lại sẽ rất xa vời.

Việt Nam sẽ phát triển như thế nào, sẽ rơi vào nhóm nào trong hai nhóm nước trên, điều đó do chính chúng ta quyết định và phụ thuộc vào việc chúng ta có sớm tiến hành cuộc cải cách vô cùng cấp thiết để vượt qua chính mình và tiến cùng nhân loại hay không. Đổi mới lần thứ hai do vậy là khát vọng cháy bỏng của hơn 90 triệu người Việt Nam trong mùa xuân đang tới.

 

Tác giả