Nước sạch có phải là hàng hóa công?

Sự cố nguồn nước do Nhà máy nước Sông Đà cung cấp bị ô nhiễm đã ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu người dân tại Hà Nội. Người dân không chỉ đã phải dùng nước bị ô nhiễm, mà còn bị cắt nước trong nhiều ngày. Tuy nhiên, sự cố nói trên đã được xử lý rất chậm. Công ty Sông Đà thậm chí còn phủ nhận trách nhiệm và từ chối xin lỗi.

Nguồn nước cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu. Ảnh: Mạnh Thắng/VTC

Tình hình trên cho thấy, trong quá trình tư nhân hóa việc cung cấp nước sạch có vẻ ngày càng rầm rộ hơn như hiện nay, một quy chế pháp lý xác định rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp nước và người tiêu dùng (người dân) là rất cần thiết. 

Để xây dựng được một quy chế pháp lý phù hợp, một khuôn khổ khái niệm rõ ràng, mạch lạc là điều đầu tiên chúng ta cần có.

Khuôn khổ này bắt đầu từ việc xác định cho rõ nước sạch có phải là hàng hóa công hay không (cung cấp nước sạch có phải là dịch vụ công hay không)?

Theo kinh tế học, hàng hóa công là loại hàng hóa có hai tính chất cơ bản sau đây: 

1. Người tiêu dùng này không loại trừ việc tiêu dùng của người khác. Người này được hưởng thụ an ninh- trật tự không loại trừ người khác cũng được hưởng thụ an ninh- trật tự.

2. Hàng hóa không bị tiêu hao sau khi được tiêu dùng. Sau khi một người hưởng thụ an ninh- trật tự, thì an ninh- trật tự vẫn còn đó.

Với các tính chất như vậy, thì công lý, quốc phòng, điện chiếu sáng… đều là những hàng hóa công.

Tuy nhiên, cũng với các tính chất như vậy, thật sự rất khó kiếm tiền bằng cách kinh doanh các hàng hóa công. Chính vì vậy, hàng hóa công phải do Nhà nước cung cấp.

Vấn đề đặt ra là nước sạch có phải là hàng hóa công hay không? Xét từ góc độ kinh tế học, tuy hành tinh của chúng ta có đến 3/4 là nước, nhưng nước ngọt quả thực là đang ngày càng trở nên khan hiếm. Ở rất nhiều nơi, người này dùng nước ngọt sẽ không còn phần cho người khác. Và cũng khác với an ninh – trật tự, mỗi người tiêu dùng đều làm cho nước ngọt bị tiêu hao. Chính vì vậy, xét từ góc độ kinh tế học, nước ngọt khó lòng được coi là hàng hóa công.

Tuy nhiên, từ năm 2010 Liên Hiệp Quốc đã coi quyền sử dụng nước sạch là một quyền con người. Đã là một quyền con người, thì Nhà nước phải đứng ra bảo đảm. Cung cấp nước sạch để bảo đảm quyền con người vì vậy là trách nhiệm của Nhà nước. Nước sạch cũng vì vậy là một loại hàng hóa công. Vấn đề là quyền con người được sử dụng nước sạch phải được định nghĩa một cách rõ ràng. Dùng nước sạch để rửa xe ô tô, để tưới cây, để đổ đầy bể bơi… có phải là quyền con người hay không?

Như vậy, nước sạch chỉ là hàng hóa công trong trường hợp phục vụ đời sống hằng ngày như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh… thôi. Và trong trường hợp này, Nhà nước phải đứng ra cung cấp hoặc hợp tác với tư nhân để cung cấp (PPP).

Nước còn có thể được coi là hàng hóa bán công. Ví dụ, nước trong bể bơi công cộng là hàng hóa bán công. Mặc dù, một người xuống bơi sẽ không làm tiêu hao bớt nước, nhưng đến một mức độ nhất định, một người xuống bơi sẽ loại trừ một người khác được bơi. 

Nước để tưới tiêu nông nghiệp cũng có thể được coi là hàng hóa bán công. Mặc dùng một người tưới nước không loại trừ người khác cũng được tưới nước, nhưng lại làm tiêu hao nước. Trong hai trường hợp, nước ngọt là hàng hóa bán công nói trên, thì Nhà nước có thể không đứng ra cung cấp, nhưng cần can thiệp để chất lượng và đặc biệt là giá cả được xác lập hợp lý.

Nước sạch như hàng hóa tư rõ nhất là nước đóng chai. Trong trường hợp này, người này uống rõ ràng sẽ loại trừng người khác và đã uống là tiêu hao nước. Trong trường hợp nước sạch là hàng hóa tư thì Nhà nước không nhất thiết phải can thiệp. Có chăng chỉ là áp đặt các tiêu chuẩn về chất lượng nước. □

Tác giả