Trước giờ bấm nút: Kỳ vọng và Trăn trở!

BÀN THÊM VỀ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC: Đất nước đang chuyển mình để bước vào một thời kỳ phát triển mới, và xã hội đang trông chờ Luật giáo dục đại học (Luật) mới của thời kỳ phát triển ấy. Rất có thể, chỉ vài ba ngày nữa, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (GDĐH) sẽ được Quốc hội (QH) thông qua để chính thức trở thành cơ sở pháp lý mang tính mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp chấn hưng GDĐH nước nhà. Xin chia sẻ đôi điều kỳ vọng và trăn trở.

Mong đợi và Tin tưởng

Mọi người mong và tin là, Luật mới sẽ tạo ra các động lực và nguồn lực mới để GDĐH tiếp tục có được những đột phá trong việc nâng cao chất lượng GDĐH và hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào hệ thống giáo dục đại học toàn cầu. Cụ thể:

1. Luật phải bám sát thực tế GDĐH Việt Nam hiện nay và có tầm ‘nhìn xa’ ít nhất là cho 10-20 năm tới. Người ta mong và tin là Luật mới đủ sức giúp cho nền GDĐH nước nhà vượt qua các thách thức đang phải đối mặt, như nguy cơ bị tụt hậu so với GDĐH các nước phát triển, thậm chí là nguy cơ bị tụt hậu ngày càng xa ngay trong khu vực ASEAN; hay sản phẩm của nền GDĐH là các sinh viên tốt nghiệp sẽ được trang bị đầy đủ về phẩm chất và năng lực để có thể tham gia và làm chủ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; cũng như các vấn đề mà cuộc CMCN lần thứ 4, lần thứ 5 và biến đổi khí hậu đang đặt ra cho sự phát triển và thịnh vượng của đất nước.   

2. Luật (và các văn bản pháp quy dưới Luật như Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các bộ ngành liên quan) cũng sẽ đồng hành với quan điểm của Đảng về phát triển GDĐH, như coi GD là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho GD là đầu tư cho phát triển, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa GDĐH, tự chủ ĐH và vấn đề cận thị trường (quasi market) trong phát triển GDĐH, v.v…

3. Luật sẽ đồng hành với các thông điệp quan trọng của người đứng đầu Đảng và Nhà nước về một thời kỳ phát triển mới của GDĐH, được thể hiện qua bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại lễ Khai giảng năm học mới của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày 30/9 vừa qua (xem toàn văn bài phát biểu trên báo Nhân dân số ra ngày 01/10/2018). Các thông điệp đó là (i) Giáo dục tư duy phản biện cho người học: Sinh viên tốt nghiệp phải có kỹ năng sáng tạo, hợp tác và tư duy phản biện để có đủ năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, với cộng đồng và đất nước; (ii) Tự chủ đại học là xu thế tất yếu: Tinh thần chung là các trường đại học phải được tự chủ hơn về học thuật, được chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính; (iii) Nhà nước tiếp tục đầu tư tài chính và cơ sở vật chất cho giáo dục đại học, nhưng hình thức đầu tư sẽ thay đổi nhằm đẩy mạnh văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học: Tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải “tự túc” hoàn toàn về tài chính, Nhà nước vẫn phải đầu tư để bảo đảm tốt các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và các phương tiện phục vụ để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; (iv) Thực sự trọng dụng và trọng thị nhân tài, giáo sư đầu ngành, chuyên gia đầu ngành: Cần có những chính sách, chế độ cụ thể, thiết thực, tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để các cô giáo, thầy giáo cống hiến tốt nhất cho sự nghiệp trồng người; vì thế, chủ trương này cần được cụ thể hóa bằng các chính sách và thể chế thực sự trọng dụng và trọng thị nhân tài.

Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong ba đơn vị thí điểm bỏ cơ chế bộ chủ quản. Ảnh: Internet.

Một số vấn đề cần làm rõ thêm

Để Luật và các văn bản dưới Luật đạt được sự đồng thuận và có tính khả thi cao, cần bổ sung, và làm rõ thêm một số nội dung, vấn đề sau:

Khái niệm và từ ngữ  

1. Một số khái niệm và từ ngữ nên theo hướng tiệm cận nhất với các tiêu chí, tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; ví dụ như các khái niệm: Trường ĐH trong ĐHQG, Trường ĐH trong ĐH vùng, Trường ĐH, Chương trình đào tạo, Khung trình độ Quốc gia, Ngành đặc thù, v.v… Hay như khái niệm “ĐHQG, ĐH vùng là các ĐH thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển các vùng của đất nước” (Điều 4 Khoản 4) thì cần làm rõ thế nào là “nhiệm vụ chiến lược quốc gia”? và các trường ĐH khác không có nhiệm vụ thực hiện “nhiệm vụ chiến lược quốc gia”?  

2. Luật cũng không nên phân ra “trường ĐH” và “ĐH”, đây chỉ là danh xưng, ở nước ngoài không quan trọng gì, nhưng ở VN tên gọi nhiều khi lại là sự thứ bậc cao thấp khác nhau trong một hệ thống, là chỉ báo về sự đầu tư và quan tâm khác nhau của nhà nước. Hãy để các ĐH tự khẳng định vị trí và đẳng cấp của họ bằng chất lượng. Trên thực tế, cách gọi ‘trường ĐH’ hay ‘ĐH’ với số đông dân chúng chỉ là một.

3. Về ĐH vùng cũng vậy, nhiều ý kiến cho rằng mô hình quản lý các trường ĐH thành viên và ĐH vùng hai cấp như hiện nay giống như ‘củ khoai tây trong bịch khoai tây’, ít nhất đã có 2 vị nguyên Giám đốc ĐH vùng đã ví von như vậy. Trên thực tế đúng là như vậy, ai cũng biết. Sao các thực tế ấy chưa được Luật lần này giải quyết dứt điểm và thấu đáo?

Tự chủ đại học

1. Một trong những chìa khóa của đổi mới GDĐH là tự chủ ĐH. Nếu vậy, các ĐHQG và ĐH vùng, các ĐH vốn được coi là rường cột của hệ thống GDĐH quốc dân, có tham gia vào tiến trình tự chủ ĐH không? 

2. Cần làm rõ như mức độ tự chủ ‘bên ngoài’ trường ĐH và ‘bên trong’ trường ĐH để tránh tình trạng các trường được giao tự chủ lại tiếp tục phải ‘bê đá dò đường’ như thời ‘thí điểm tự chủ ĐH’. Nôm na ‘bên ngoài’ là mối quan hệ (hay vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn) giữa trường ĐH với các cơ quan quản lý nhà nước (bộ chủ quản, Bộ GD&ĐT, UBND địa phương…), với đảng ủy cấp trên và với xã hội; ‘bên trong’ là mối quan hệ giữa đảng ủy, hội đồng trường (HĐT) và hiệu trưởng (HT); giữa bộ máy quản trị và quản lý cấp trường với các đơn vị trực thuộc, với giảng viên và người học.

3. Cần làm rõ cơ chế và cách thức hoạt động của HĐT. Hiện nay HĐT phải thực hiện các quyền (ghi tại Điều 16 Khoản 2 các Điểm d, đ, e, g, i, Khoản 6 Điểm d như thông qua dự toán, quyết toán, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính,…) nhưng HĐT không có bộ máy chuyên môn nghiệp vụ riêng, tất cả đều phải sử dụng bộ máy chuyên môn, quản lý của HT để thực hiện các quyền trên thì có khả thi không? Có thực chất không? Có khả tín không? Khái niệm ‘bộ máy giúp việc của HĐT’ được hiểu như thế nào? HĐT quyết định nhân sự HT và các chức danh quản lý khác như thế nào? Hay sẽ có hướng dẫn riêng? Có gì chưa đồng thuận với Nghị quyết 19-NQ/TW ban hành ngày 25/10/2017 về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị công lập, và Nghị quyết 08 của Chính phủ ban hành ngày 24/01/2018 về chương trình hành động của chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19? Ví dụ, trong các NQ trên, Đảng và Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức thi tuyển, thuê, bổ nhiệm giám đốc điều hành; trên thực tế, HT các trường ĐH tự chủ hoạt động như (‘như’ thôi, chứ ko phải ‘là’) CEO của các doanh nghiệp, tại sao các trường ĐH công lập cũng là đơn vị sự nghiệp công lập, thì lại chưa được thực hiện các quyền này? Vấn đề này còn có liên quan đến Điều 20 “Hiệu trưởng”  về các hình thức HĐT lựa chọn HT.  

4. Cần làm rõ tiêu chí Chủ tịch HĐT (Khoản 4 Điều 16), như thế nào là ‘có uy tín ở trong và ngoài trường’? Ở trong trường thì còn có thể đo đếm được (lấy phiếu tín nhiệm chẳng hạn), còn ‘cân đo’ uy tín ở ngoài trường có dựa vào năng suất khoa học (như số công trình, chỉ số H, v.v…) hay cũng chỉ dựa vào chỉ số ‘vừa lòng’ (bỏ phiếu tín nhiệm)? Khái niệm “có kinh nghiệm quản lý GDĐH’ được hiểu cụ thể như thế nào? Quản lý cấp bộ môn, cấp khoa hay cấp trường? Họ có cần có thành tích vượt trội trong thời gian đảm nhiệm nhiệm vụ quản lý ấy không hay chỉ cần Bí thư đảng ủy ‘duyệt’ và được cấp trên ủng hộ là có thể đưa ra bầu/lấy phiếu tín nhiệm? Câu “độ tuổi giữ vị trí chủ tịch hội đồng trường công lập theo quy định của pháp luật’ được hiểu là nam chưa quá 60, nữ chưa quá 55? Có cần đủ tuổi để làm chủ tịch HĐT trọn 1 nhiệm kỳ? Thiết nghĩ, môi trường ĐH là môi trường học thuật, cần lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo thay vì dùng tuổi để ‘cưa đều’. Quy định ‘có kinh nghiệm quản lý GDĐH’ chung chung sẽ tạo ra ‘cửa’ cho chạy chọt, xin cho. 

5. Một khi các CSGD được trao quyền tự chủ, có nhiều đối tác cùng tham gia sở hữu và giám sát, nhà nước không còn ‘độc quyền’ nữa, thì một trong những vấn đề có thể gây ra những hệ lụy ko đáng có và dễ nhầm lẫn là vấn đề sở hữu và chủ sở hữu (Điều 16a); vì vậy Luật cũng cần làm rõ vấn đề sở hữu, chủ sở hữu và sở hữu cộng đồng, chủ sở hữu cộng đồng. Nên hiểu là, dù là chủ sở hữu cộng đồng thì nhà nước vẫn nắm quyền chi phối quyết định với các trường đại học, nhất là các trường đại học công vì Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư và đảm bảo điều kiện hoạt động cho nhà trường, vì trong thiết chế HĐT của các trường công lập có đại diện của chính quyền địa phương, của bộ chủ quản, của bộ GD&ĐT, có Bí thư đảng ủy – người có trách nhiệm tối thượng là chấp hành nghiêm túc Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của tổ chức đảng cấp trên. 

6. Cụm từ “phù hợp với quy định của pháp luật” (xuất hiện 07 lần/73 Điều), “theo quy định” (xuất hiện 63 lần/73 Điều trong bản Dự thảo ngày 16/10/2018 của Ban soạn thảo) được đề cập đến ở nhiều điều luật này được hiểu như thế nào? Nên chỉ dẫn luôn theo quy định nào, cụ thể là gì? 

Tài chính và đầu tư

Thực ra, một số vấn đề có liên quan đến tài chính và quản lý tài chính ĐH đã được đề cập ở phần ‘Tự chủ ĐH’, ở đây, chúng tôi đề nghị làm rõ thêm mấy vấn đề sau:

1. Cần làm rõ nhà nước đảm bảo điều kiện hoạt động như thế nào (Điều 7 Khoản 2 Điểm a)? Dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nào? Nhà nước đầu tư dựa trên kết quả KPIs của CSGD  (chất lượng và hiệu quả công việc) hay do phân loại CSGD của nhà nước (ĐHQG, ĐH vùng, ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng, v.v…), hay đầu tư theo đầu sinh viên? Rồi cơ chế nào để thực hiện quy định về việc phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả (Điều 12 Khoản 2)? Nhà nước có cần phải công khai hóa các khoản đầu tư tài chính và đầu tư cơ sở vật chất cho các ĐH không? Nếu không công khai (như hiện nay) thì làm sao có thể tạo ‘sân chơi’ bình đẳng, công bằng và minh bạch để thực hiện ‘nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả’?  

2. Khái niệm ‘ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành’ ở Khoản 3 Điều 54 sẽ được thực hiện như thế nào? Các CSGD có quyền tự đặt ra các chính sách ưu đãi về thời gian lên lương, mức thưởng và các chế độ đãi ngộ khác hay là nhà nước quy định ‘mức tối thiểu và mức tối đa’? Hiện nay đang xếp PGS và GS vào cùng ngạch lương giảng viên cao cấp, như thế có là thể hiện sự ’thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên’ theo Luật định?  

3. Luật cần bổ sung thêm điều khoản về chính sách hỗ trợ học phí, cấp bù học phí, ưu tiên vay vốn tín dụng sinh viên của nhà nước đối với các ngành nghề xã hội cần, đất nước cần, nhưng khả năng thu hút người học thấp (Điều 65), đảm bảo sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các ngành kinh tế, cũng như đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ về an ninh quốc phòng của đất nước theo từng giai đoạn.

4. Cần làm rõ khái nhiệm “phát triển GDĐH” (“Điều 67 Khoản 1) cụ thể gồm những hoạt động nào? Phục vụ đời sống, sinh hoạt của giảng viên và người học có phải là một trong các nội dung của “phát triển giáo dục đại học” không hay cứ phải liên quan trực tiếp đến dạy, học, nghiên cứu (giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm…) thì mới được coi là “phát triển giáo dục đại học”. ĐH ở nước ngoài cũng có cafeteria, co-op, chợ sinh viên, chợ mua bán đồ cũ, ngân hàng…vậy ở ta, những hoạt động tương tự như vậy có được coi là “nhằm mục đích phát triển GDĐH”?

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UB) của Quốc hội đã tổ chức các hội nghị để lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật này. Ảnh: Một hội nghị do GS Phan Thanh Bình, chủ nhiệm UB chủ trì ngày 21/8 tại TP HCM. Nguồn: ntt.edu.vn

Kết luận

Kết luận bài viết này có lẽ nằm ở Điều 73 về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành”. Ai cũng biết là Luật phải cô đọng, hàm chứa các vấn đề về pháp lý và thể chế cốt lõi mà phạm vi của Luật phải bao trùm, nên không thể quá chi tiết và cụ thể; vì thế, sau khi Luật này được QH thông qua, cần sớm ban hành Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ GD&ĐT để hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật, tránh tình trạng một điều luật có thể được hiểu theo các cách khác nhau; nhờ thế, Luật có thể sớm đi được vào thực tiễn cuộc sống. Nếu không, Luật vẫn chỉ nằm trên giấy, không thể đi vào cuộc sống như các Quyết định thí điểm tự chủ mà Thủ tướng đã giao cho các trường ‘thí điểm’: có quyền của Thủ tướng giao đấy, mà các CSGDĐH này vẫn gần như ko thể ‘tự chủ’ được gì, vì họ vướng đủ thứ trong thực tiễn điều hành hoạt động của nhà trường.

 

Đào tạo và Quy hoạch mạng lưới
1. Thiết nghĩ, để hội nhập và để phù hợp với nền kinh tế thị trường, rất cần phải đổi mới chương trình đào tạo. Có lẽ cần bắt đầu từ cái gốc của từ này: University – “đại học” xuất phát từ khái niệm “tri thức rộng hay tri thức toàn cầu” (universal knowledge) và hơn hết, nó có nghĩa khởi thủy là giáo dục nhân văn, giáo dục con người biết làm người bình thường, tử tế và lương thiện; chứ ko phải giáo dục để ai ai cũng nhăm nhăm làm quan, làm giàu; vì vậy, cùng với các môn học chuyên ngành để đào tạo chuyên gia, các môn học về khoa học xã hội (chứ không phải các môn giáo dục ý thức hệ) nên được coi là các môn học cốt lõi của GDĐH chất lượng cao ngay ở các trường/khoa khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ; người ta gọi giáo dục như thế là giáo dục khai phóng (liberal arts education), điều làm nên sự thịnh vượng của các cường quốc kinh tế hiện nay.
2. Quy định về chương trình đào tạo Thạc sĩ cũng có điểm (Khoản 3 Điều 33) chưa hợp lý vì đi ngược với phần lớn thông lệ đào tạo các bậc học của nước ngoài, vì ở nước ngoài có thể có chương trình đào tạo Thạc sĩ không tương ứng với chương trình đào tạo bậc đại học; với chương trình đào tạo Tiến sĩ cũng vậy. Vì vậy, ngoài quy định “ngành tương ứng” thì cũng nên quy định thêm “ngành gần”; vì có thể có những ngành đào tạo có ở cấp cao hơn nhưng lại không có ngành tương ứng ở cấp thấp hơn (do chuyên sâu hóa hay liên ngành hóa). Do đó nên quy định chương trình đào tạo cấp thấp hơn đạt chuẩn kiểm định thì được tự chủ mở ngành đào tạo cấp trên tương ứng hoặc ngành gần (có liên quan), cho phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
3. Tốt nghiệp đại học có nhiều loại học vị (danh hiệu bằng khác nhau), có lẽ nên quy định lại (Điều 38 Khoản 1): Văn bằng GDĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp đại học (cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư …), bằng Thạc sĩ, bằng Tiến sĩ cho dễ hiểu với số đông dân chúng vì đã quá quen thuộc trong xã hội VN.
4. Cần làm rõ khái niệm thế nào là ‘nhân lực trình độ cao’ (Điều 11 Khoản 2 Điểm c), làm thế nào để đo lường, đánh giá? Tương tự như vậy với khái niệm “nguồn nhân lực chất lượng cao” (Điều 68). Thiết nghĩ quy hoạch phải phục vụ cho các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước và của từng vùng miền trong tương lai. Quy hoạch chỉ quan tâm đến “các vùng kinh tế trọng điểm và các vùng đặc biệt khó khăn” là chưa đầy đủ và chưa toàn diện: Phải chăng các vùng không thuộc vùng kinh tế trọng điểm, không là vùng đặc biệt khó khăn thì quy hoạch mạng lưới các trường đại học đã ổn rồi, đã tốt cả rồi?

Tác giả