Ấn Độ cải cách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Ấn Độ vừa công bố những cải cách lớn, đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế cởi mở nhất thế giới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi 

Thứ Hai đầu tuần, chính phủ Ấn Độ đã công bố một số chính sách cải cách lớn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quốc gia này. Theo đó, Ấn Độ cho phép thực hiện 100% vốn FDI ở một số lĩnh vực như quốc phòng, lương thực thực phẩm, truyền thông và hàng không dân sự.

Với những thay đổi trong lĩnh vực quốc phòng, giờ đây các công ty nước ngoài có thể tiếp cận thị trường Ấn Độ và sở hữu các công ty nội địa – điều này được đánh giá là một bước thay đổi quan trọng trong bối cảnh Ấn Độ đang tìm cách “nâng cấp” quân đội của mình. Ngành dược phẩm cũng nhận được những lợi ích lớn với chính sách các công ty nước ngoài có thể sở hữu tới 74% cổ phần tại các công ty nội địa. Nhưng cải cách được trông chờ nhất nằm ở lĩnh vực bán lẻ, theo đó quy định rằng các công ty nước ngoài phải nhập tối thiểu 30% nguồn nguyên liệu sản xuất từ các công ty trong nước đã được hoãn lại trong thời hạn ba năm. Như vậy, các công ty lớn như Apple và Ikea có thể bắt đầu tính đến chuyện mở cửa hàng tại quốc gia này.

“Với những thay đổi này, Ấn Độ hiện nay là nền kinh tế cởi mở nhất thế giới về FDI,” thông cáo của chính phủ Ấn Độ cho hay.

Thực hiện những lời hứa trong chiến dịch vận động bầu cử năm 2014 về việc cải tổ nền kinh tế, chính phủ của thủ tướng Narendra Modi đã và đang có những nỗ lực toàn diện để loại bỏ tình trạng quan liêu vốn đã trở thành “thương hiệu quốc gia” và đưa nền kinh tế Ấn Độ trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Kết quả là, năm 2015 Ấn Độ thu hút được trên 55 tỉ USD vốn FDI, một bước nhảy vọt so với con số 36 tỉ USD năm 2014.

Trên tài khoản Twitter cá nhân, thủ tướng Modi viết: “Những cải cách để gọi vốn FDI này sẽ tạo công ăn việc làm và mang lại lợi ích cho nền kinh tế.”

Chi Nhân dịch theo Time

Tác giả