Cần cải cách triệt để hơn

Vài năm gần đây, mặc dù chính sách và cơ chế hoạt động KH&CN có nhiều đổi mới theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà khoa học, cơ quan khoa học, nhưng đến nay hoạt động nghiên cứu triển khai của chúng ta vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Và rõ ràng là tác động của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế- xã hội trong những năm qua còn mờ nhạt so với sự năng động của giới doanh nhân kết hợp với sự hoạch định chính sách sáng suốt của các chính trị gia trong việc thiết lập một nền kinh tế thị trường phát triển thật sự năng động và vững chắc.

Việc đổi mới sức cạnh tranh của nền kinh tế cho đến nay chủ yếu vẫn là tiếp nhận các công nghệ hiện đại sẵn có với vốn đầu tư nước ngoài cùng cách thức quản lý chuẩn mực quốc tế, và tiếp nhận phần công việc có phần thấp cấp hơn trong phân chia lao động quốc tế. Vì thế sự yếu kém của khoa học VN có thể còn ít nhận thấy. Nhưng trong tương lai không xa khi kinh tế phát triển hơn, với yêu cầu nâng cao tính cạnh tranh và vị thế quốc gia, vai trò của khoa học sẽ ngày càng trở nên cấp bách. Nếu không có những cải cách mạnh mẽ ngay từ bây giờ, khoa học VN sẽ không có cơ hội trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế mà vần chỉ là bộ phận ăn theo và đóng vai trò tỉa tót, phụ trợ mà thôi, còn VN sẽ mãi là sân sau và một trong số các xưởng gia công của thế giới.
Đóng góp cho khoa học thế giới cũng giúp khẳng định vị thế quốc gia và tự hào dân tộc. Người Hàn Quốc đã tự hào biết bao khi những đột phá khoa học trong nghiên cứu tế bào gốc của họ đã làm cả thế giới kính nể. Tiếc rằng sau đó đã phát hiện ra nhà khoa học nọ do muốn đốt cháy giai đoạn đã ngụy tạo phát minh. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng họ đang tiến gần tới trình độ tiên tiến nhất của thế giới. Chúng ta vẫn đòi hỏi nhà nước phải tăng kinh phí cho khoa học. Thực tế thì kinh phí vẫn tăng hàng năm. Nhà nước không thể chi nhiều hơn số tiền mà nền kinh tế hiện tại cho phép. Đồng tiền của dân không phải để chúng ta chia phần nửa theo kiểu bao cấp, cào bằng, nửa theo kiểu phong kiến là ưu ái một số cá nhân và nhóm người nào đó có vị thế – không tương xứng với đóng góp khoa học của họ. Nó phải được phân phối hiệu quả theo cách để thúc đẩy phát triển khoa học theo những chuẩn mực quốc tế trong cạnh tranh toàn cầu. Khoa học có những đặc thù riêng so với sự vận động của nền kinh tế vốn được quyết định bởi các quy luật của thị trường: có những vấn đề có thể được giải quyết ngay để đáp ứng nhu cầu thực tế cấp bách, có vấn đề cần có những đầu tư nghiên cứu dài hơi hơn, nó cần có sự cân đối hài hòa từ các nghiên cứu sâu sắc và bao quát tới việc mổ xẻ những vấn đề rất cụ thể của thực tiễn, và khoa học luôn chứa đựng những bất ngờ có tính đột phá. Bởi vậy các quốc gia tiên tiến đều coi trọng và tài trợ những kinh phí bao cấp cho khoa học. Nhưng không vì thế mà hoạt động khoa học thoát khỏi các chuẩn mực nghiêm ngặt và cạnh tranh thi đua lành mạnh – vốn luôn là động lực phát triển của tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Thật đáng suy nghĩ khi mà thành tích xây dựng lực lượng khoa học thời bao cấp của chúng ta lại đang là một nhân tố gây ỳ cho sự phát triển tiếp theo của khoa học. Liệu đến bao giờ chúng ta tiến hành cải cách một cách triệt để chính sách và cơ chế quản lý khoa học? Cụ thể hơn nữa là chúng ta có học được cách cải cách khoa học của người Trung Quốc, như chúng ta đã làm được trong lĩnh vực kinh tế? Có cần thiết phải mời, thuê chuyên gia nước ngoài giúp  chúng ta quản lý và giám  định các hoạt động khoa học, như trong kinh tế?

TSKH Phạm Đức Chính,
Viện Cơ học, Viện KH&CN VN

Tác giả