Đưa chính trị vào giữa dân gian

Điều có ý nghĩa quyết định đến giải pháp phê bình và tự phê bình trong cuộc chỉnh Đảng lần này như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra là “phải đưa chính trị vào giữa dân gian”**, nghĩa là phải dám khởi động ý chí và sự tiếp sức của dân vào công cuộc chỉnh Đảng.

Căn bệnh trầm kha của mọi nhà nước là xu hướng mở rộng quyền lực vô hạn độ. Mà quyền lực lại có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối. Không thiếu những minh chứng sống động từ Đông sang Tây, từ cổ đến kim về cái quy luật phũ phàng và nghiệt ngã đó của sự gắn kết giữa lợi ích với quyền lực, lợi ích cá nhân nắm quyền, lợi ích phe nhóm quyền lực… Cho nên, thức tỉnh lương tâm, kêu gọi đạo đức là điều cần thiết, nhưng chỉ thế thì chưa đủ. Bởi vì đạo đức nào cũng gắn với lợi ích, tách khỏi lợi ích chỉ kêu gọi đạo đức suông thì không gì khác là “sự bất lực đưa ra hành động” như K.Marx đã chỉ ra khi phê phán L. Feuerbach, nhà triết học Đức cùng thời, người đã từng suy tư “người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh” mà ông Tổng Bí thư dẫn ra trong bài phát biểu tại Hội Nghị quán triệt Nghị quyết IV vừa rồi.

Lương tâm gắn liền với ý thức về nhân phẩm là phạm trù cốt lõi của đạo đức, là sự cưỡng chế bên trong đối với hành vi của con người. Và sự cưỡng chế bên trong ấy cần tiếp sức của sự cưỡng chế bên ngoài, đó là luật pháp và công luận. Vì thế, việc thức dậy lương tâm bị ngủ quên, khiến cho sự cưỡng chế bên trong bị tê liệt đòi hỏi phải có sự cưỡng chế bên ngoài. Luật pháp, đúng như chức năng đích thực của nó, là thể hiện ý chí và sức mạnh của nhân dân trong một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, sẽ thực hiện sự cưỡng chế bên ngoài đó.

Cho nên dù việc phê bình và tự phê bình, mà “vai trò tiên phong “uống thuốc giải bệnh” phải là Bộ Chính trị, … sinh hoạt dân chủ, thẳng thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém, tồn tại để làm gương cho cấp dưới” * thì sự tiếp sức của dân cũng không thể thiếu nếu muốn công việc quan trọng đó thu được kết quả.

Vả chăng, Chúng ta đang sống trong một thế giới của những thành tựu kỳ diệu của cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, một thế giới của Internet nối mạng toàn cầu. Ở mọi nơi, các hệ thống thứ bậc đang bị thách thức từ bên dưới, vì vậy, hệ thống cấu trúc theo chiều dọc và phải tự biến đổi thành cấu trúc theo chiều ngang và có tính cộng tác hơn để tạo ra nhiều giá trị hơn. Đặc điểm cấu trúc này bắt gặp với tư tưởng Hồ Chí Minh về một cấu trúc xã hội và thể chế chính trị trong đó “quyền hành và lực lượng đều nơi dân”**.

Hơn nữa, xã hội là một tổng thể được tạo thành bởi những hiện tượng liên kết, khiến cho mỗi hiện tượng tùy thuộc vào các hiện tượng khác và chỉ có thể như nó đang là thế ấy trong những mối liên hệ giữa chúng với nhau (André Lalande). Xã hội ta đang sống là một cấu trúc mà trong đó mỗi thành viên đều có mối quan hệ ràng buộc với nhau dưới những hình thức thô sơ nhất hoặc phức tạp nhất. Chúng có những vai trò khác nhau, song có mối tương tác lẫn nhau, làm tiền đề cho nhau trong việc thực hiện sự phân công trách nhiệm trước cộng đồng cùng chung quyền lợi và cùng chung những giá trị. Quyền lợi và giá trị đó tuy có cùng một mẫu số, nhưng lại luôn có những đụng độ dẫn tới những khác biệt do khúc xạ qua những bóng ma của quyền lực từ quy luật nghiệt ngã vừa nêu ở trên, thì các thứ bậc đang bị thách thức và được khởi động từ bên dưới, sẽ có tác động mang tính quyết định của sự phát triển xã hội.

Điều có ý nghĩa quyết định đến giải pháp phê bình và tự phê bình trong cuộc chỉnh Đảng lần này như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra là “phải đưa chính trị vào giữa dân gian”**, nghĩa là phải dám khởi động ý chí và sự tiếp sức của dân vào công cuộc chỉnh Đảng. Muốn thế, phải “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa”**. Từ “Sự kiện Tiên Lãng ở Hải Phòng” có thể thấy rằng, khi mạng lưới thông tin dày đặc đã lập tức đưa ra trước công luận hành động của Đoàn Văn Vươn và những diễn biến với sức lan tỏa mạnh mẽ của chúng đã tạo ra sức mạnh thúc đẩy những giải pháp mang tầm cỡ quốc gia chứ không chỉ đóng khung trong phạm vi một xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng. Khi quần chúng đã được đánh thức, một sức mạnh mới được khởi động, thì đó là một hậu thuẫn vững chắc trong việc thực hiện sự giám sát khách quan, sự phản biện trung thực và quyết liệt, tạo ra một áp lực thúc đẩy việc phê bình và tự phê bình của những người nắm quyền lực.

Điều này thì chẳng có gì mới, trước đây mấy thế kỷ V.Hugo đại văn hào Pháp đã khuyến cáo: “Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy chân lý. Cái thứ cát ô uế mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ trở thành pha lê rực rỡ. Chính nhờ cái pha lê ấy mà Galilé và Newton phát hiện những vì sao” ***. Cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đang thực hiện sứ mệnh của “lò nấu” biến cát thành pha lê của thời đại internet nối mạng toàn cầu! 

Bởi vậy, muốn cuộc chỉnh Đảng có kết quả thiết thực và thực chất thì cùng với sự can đảm phê bình và tự phê bình bằng cách chân thành tiếp nhận sự phản biện quyết liệt và mạnh mẽ của những người trung thực, phải dám dựa vào dân, đưa chính trị vào giữa dân gian, để tạo ra động lực cho việc tự kiểm điểm và tự phê bình. Có như vậy mới làm cho việc “uống thuốc giải bệnh” không bị vô hiệu hóa vì người bệnh đã nhờn thuốc.

*      Lê Khả Phiêu. Vietnamnet ngày
**    Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. NXBCTQG Hà Nội 1995, tr. 698, 298, 297
***   V.Hugo “Những người khốn khổ” Tập 2.NXBVăn Nghệ tpHCM. 2000, tr.359

Tác giả