Đừng quá ảo tưởng

Sự kiện Bill Gates đến Việt Nam (VN) đã tạo được một sự quan tâm lớn trong cuộc sống của ngành công nghệ thông tin (CNTT) nước nhà. Chắc chắn nó sẽ trở thành một trong 10 sự kiện CNTT quan trọng nhất của năm 2006 nhưng thực sự thì chuyến viếng thăm của Chủ tịch Microsoft sẽ mang lại cái gì cho ngành CNTT VN? Liệu CNTT VN sẽ có được sự phát triển đột biến sau chuyến thị sát ngắn ngủi này? Chúng ta sẽ tận dụng được gì và có thể mất gì sau chuyến thăm viếng này?


Vài tuần nay, các báo đài đưa khá nhiều tin và bình luận về chuyến viếng thăm của Bill Gates. Đại đa số đều cho rằng, sự kiện này cùng với sự kiện Intel đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip tại VN, chúng ta đã trở thành một hướng đầu tư đầy triển vọng của các hãng lớn trên thế giới trong ngành CNTT. Theo tôi, chúng ta cần phải đánh giá, phân tích thật kỹ lưỡng và khách quan các sự kiện này để hiểu chính xác chúng ta đang ở đâu, chúng ta cần phải làm gì để có thể tận dụng mọi cơ hội và phát triển được ngành CNTT nước nhà. Điều quan trọng là chúng ta phải gạt bỏ mọi ảo tưởng, như đã và đang có về trí thông minh “đặc biệt” của người VN (với việc đoạt nhiều giải cao tại các kỳ thi toán, lý, tin học quốc tế) hay chúng ta có thị trường lao động rẻ và môi trường đầu tư thuộc loại tốt nhất (rẻ thật nhưng chưa chắc đã hiệu quả). Một chuyên gia về đầu tư thương mại của Mỹ phát biểu về việc Intel đầu tư tại VN: “Các bạn không nên quá ảo tưởng. Việc Intel chọn đầu tư ở VN là một cơ hội cho các bạn, nhưng cơ hội này đã và đang có ở mọi nơi trên thế giới”. Nói một cách khách quan, tất cả những gì chúng ta đang có đều nằm ở dạng tiềm năng và đã là tiềm năng từ nhiểu năm nay. Nếu không biết khai thác và đánh giá đúng các cơ hội, chúng ta sẽ lại chỉ biết an ủi mình rằng chúng ta là một đất nước có nhiều tiềm năng.

 

Chúng ta cũng không nên quá ảo tưởng khi đánh giá ý nghĩa của sự kiện Bill Gates đến VN. Không phủ nhận những ảnh hưởng tích cực do chuyến viếng thăm của Bill Gates mang lại như phát triển và củng cố quan hệ ngoại giao; tạo ra sự chú ý nhất định của cộng đồng CNTT quốc tế với VN; tôn vinh nghề lập trình viên trong xã hội; tạo ra một sự phấn khích nhất định trong giới trẻ. Nhưng có thể nói rằng việc Bill Gates đến VN hầu như không mang lại một ích lợi cụ thể nào cho các doanh nghiệp CNTT. Bill Gates rất hiểu điều này, và trong chuỗi các cuộc gặp gỡ, nói chuyện, giao lưu trong ngày 22/04/2006, cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp CNTT VN là mắt xích yếu nhất. Bài phát biểu của Bill Gates khá chung chung, dừng ở mức có thể đã gặp ở đâu đó rồi, không có nhiều khác lạ so với bài phát biểu của ông ở những nơi khác và chẳng có gì có ích cho các doanh nghiệp CNTT VN.
Cuộc giao lưu sau đó lại càng chán hơn, nó như sự bẽ bàng và thất vọng của một cuộc hôn nhân qua môi giới. Cái tiêu đề của buổi gặp mặt  “Tương lai của phần mềm Việt Nam với tầm nhìn mới” chứng tỏ một sự kỳ vọng khá ảo tưởng của các nhà tổ chức. Thực tế không có một điều gì có ích cho phần mềm VN được nêu ra ở đây, ngoài những điều rất chung chung mà ai cũng biết hoặc đã đọc ở đâu đó. Điều thú vị nhất trong buổi gặp gỡ chính là phần demo (trình diễn thử) các tính năng mới thực sự ấn tượng của Windows Vista và Office 2007 nhưng điều này vô tình lại đặt thần tượng của thế hệ trẻ vào vai… một anh bán dạo, với mục đích chính của buổi nói chuyện là rao bán sản phẩm.
Tất nhiên là Bill Gates và Microsoft chẳng có lỗi gì ở đây cả, họ đã làm rất xuất sắc sứ mệnh của mình. Các doanh nghiệp CNTT đối với Microsoft không phải là đối tượng chính của chuyến viếng thăm VN mà là các nhà chính sách (để đẩy mạnh vấn đề thực thi bản quyền), khách hàng lớn (Bộ Tài chính hay nhà cung cấp phần cứng CMS), khách hàng tiềm năng (sinh viên và nông dân ở Bắc Ninh). Tóm lại Bill Gates vẫn coi VN chỉ là một thị trường với đông đảo khách hàng tiềm năng (chưa sử dụng hoặc đang sử dụng lậu phần mềm của họ) chứ không phải là nơi tìm kiếm cơ hội hợp tác hoặc đầu tư.

 

Giao lưu với các doanh nghiệp CNTT

Hiểu rõ đối tác có gì và mong muốn gì chính là yếu tố then chốt quyết định thành công trong mọi cuộc đàm phán. Hiểu rõ mục đích chuyến đi của Bill Gates sẽ giúp chúng ta xây dựng một mối quan hệ đúng mực, hai bên cùng có lợi với Microsoft cũng như các tập đoàn CNTT khác. Chúng ta đang có hơn 83 triệu dân với trên 4 triệu chiếc máy tính. Nếu mỗi máy bỏ rẻ mua bản quyền phần mềm của Microsoft với giá trị 500 USD thì đã có thể tạo ra một doanh thu không nhỏ ngay cả với người khổng lồ này. Việc thực thi nghiêm túc vấn đề bản quyền là vấn đề trước hay sau gì chúng ta cũng phải làm nếu muốn phát triển CNTT và gia nhập ngôi nhà chung thế giới. Vì vậy các nhà làm chính sách và ngoại giao của VN, thay vì lợi ích ngắn hạn và không hiện thực như xin hỗ trợ của Microsoft hay kêu gọi đầu tư, cần đàm phán để mang lại lợi ích lâu dài hơn cho VN như: đạt được một chế độ giá đặc biệt (đặc biệt cho ngành giáo dục) hay lộ trình hợp lý cho việc thực thi bản quyền. Thị trường chính là điểm quan tâm hàng đầu của Mr. Gates chứ không phải là cộng đồng các doanh nghiệp phần mềm với số lập trình viên vừa yếu vừa thiếu như hiện nay. Chúng ta cũng không thể trách Bill Gates về việc này vì lỗi là ở chúng ta. Các doanh nghiệp và nguồn nhân lực của chúng ta chưa đạt đủ tầm để Microsoft hay các hãng lớn khác coi là một đối tác thực sự và chiến lược. Nếu không ngay lập tức thay đổi và cải cách triệt để hệ thống giáo dục đào tạo để giải phóng nguồn nhân lực, tạo ra một thế hệ lao động tri thức kiểu mới theo chuẩn quốc tế – như chính lời khuyên của Bill Gates, chúng ta sẽ mãi chỉ là khách hàng (customer), thay vì trở thành đối tác (partner) của Microsoft như các doanh nghiệp CNTT VN mong đợi.

Nguyễn

Tác giả