Khoảng cách giới toàn cầu: Nhiều vấn đề đã được cải thiện

Những năm qua, nhiều tổ chức, nhà nghiên cứu cũng đã cố gắng tìm cách đo đạc mức độ bình đẳng giới ở nhiều cấp độ từ quốc gia cho đến quốc tế, hoặc theo từng ngành/lĩnh vực cụ thể. Trong số đó, nổi bật là báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) với tên gọi Khoảng cách giới toàn cầu (Global Gender Gap), được công bố hằng năm. Bài viết này tóm tắt một số nội dung chính Báo cáo 2015 của tổ chức này, được xuất bản trung tuần tháng hai vừa qua.


Các chỉ số

Để đo lường vấn đề bình đẳng giới, các nhà nghiên cứu từ WEF đưa ra bốn chỉ số chính bao gồm: Sự tham gia và Cơ hội trong lĩnh vực kinh tế (Economic Participation and Opportunity), Thành tựu giáo dục (Educational Attainment), Sức khoẻ và sự sống (Health and Survival) và Phân quyền chính trị (Political Empowerment). Bốn chỉ số này lại được cấu thành từ các chỉ số con nhỏ hơn (tổng cộng có 14 chỉ số con), ví dụ Tỷ lệ sinh nữ trên nam (thuộc chỉ số Sức khoẻ và sự sống) hoặc Tỷ lệ tổng số đại biểu nữ trong Quốc hội trên tổng số đại biểu nam (thuộc chỉ số Phân quyền chính trị). Các chỉ số con này có thể do WEF trực tiếp tiến hành lấy dữ liệu hoặc lấy lại dữ liệu từ báo cáo của các tổ chức nghiên cứu/phi chính phủ uy tín khác như UNESCO, tổ chức lao động quốc tế ILO trong 2015 hoặc ở năm gần nhất mà dữ liệu sẵn có.

Kết quả 2015

Để được đưa vào bảng xếp hạng Khoảng cách giới toàn cầu 2015, một nước phải có dữ liệu ở ít nhất 12/14 chỉ số con. Năm 2015, có tổng cộng 145 nước được xếp hạng, tăng ba nước so với 2014 (ba nước mới đều đến từ châu Phi, bao gồm: Benin, Cameroon và Gambia). Kết quả trung bình Khoảng cách giới toàn cầu 2015 được thể hiện trong Hình 1.


Hình 1: Kết quả Khoảng cách giới toàn cầu 2015 (Nguồn WEF).

Từ Hình 1 có thể thấy, sau hơn 100 năm đấu tranh cho bình đằng giới, toàn thể thế giới đã đạt được thành tựu đáng kể trong hai nội dung: giáo dục và sức khoẻ. Kết quả 2015 cho thấy, hai chỉ số này đều đạt mức gần tối đa: Thành tựu giáo dục đạt 0.95/1.00; Sức khoẻ và sự sống đạt 0.96/1.00. Đối với chỉ số giáo dục, có đến 124/145 nước được xếp hạng có kết quả từ 0.90 trở lên. Kết quả đối với điểm Sức khoẻ còn ấn tượng hơn: 100% các nước tham gia xếp hạng đạt điểm trên 0.90.

Ngược lại, với hai chỉ số thành phần: Kinh tế và Chính trị, bất bình đẳng vẫn là vấn đề đáng kể. Cụ thể, điểm trung bình của Khoảng cách giới đối với chỉ số Cơ hội trong lĩnh vực kinh tế chỉ là 0.59/1.00 và với chỉ số Phân quyền chính trị chỉ là 0.23/1.00.

Tuy vậy, nếu xét cả quá trình 10 năm từ 2006 đến 2015, kết quả hai chỉ số Kinh tế và Chính trị vẫn có những bước tiến rõ rệt (xem Hình 2).


Hình 2. Kết quả Khoảng cách giới toàn cầu giai đoạn 2006 – 2015.

Bắc Âu độc chiếm đầu bảng, Việt Nam đứng thứ 83

Trong 145 nước được xem xét đánh giá mức độ bình đẳng giới, các nước Bắc Âu bao gồm: Iceland, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển lần lượt chiếm bốn vị trí dẫn đầu. Với Iceland, đây là năm thứ bảy liên tiếp họ đứng đầu thế giới về bình đẳng giới. Na Uy và Phần Lan tráo vị trí cho nhau so với kết quả năm 2014 còn với Thuỵ Điển, đây cũng là năm thứ bảy liên tiếp nước này đứng thứ 4 thế giới. Top 10 còn có sự hiện diện của ba nước châu Âu khác là Ireland (thứ 4), Thuỵ Sỹ (thứ 8) và Slovenia (thứ 9). Cũng trong Top 10, châu Phi đóng góp một đại diện (Rwanda, thứ 6), châu Á đóng góp một đại diện (Philippines, thứ 7), còn lại là đại diện châu Úc (New Zealand, thứ 10).

Việt Nam đứng thứ 83 thế giới, thứ 7 châu Á với 0.687 điểm trung bình và các điểm thành phần tương ứng: Kinh tế 0.731 điểm (thứ 41 thế giới), Giáo dục 0.941 điểm (114 thế giới), Sức khoẻ 0.950 (139 thế giới) và Chính trị 0.124 điểm (88 thế giới). So với 2014, Việt Nam tụt bảy bậc. Theo WEF, nguyên nhân của việc tụt hạng này chủ yếu là do điểm Giáo dục của Việt Nam bị giảm so với năm ngoái.

Một vài nhận xét sơ bộ

Như vậy, sau hơn 100 năm đấu tranh không ngừng nghỉ, vấn đề bình đẳng giới đã được cải thiện rất nhiều trên toàn thế giới. Từ chỗ bị hạn chế về quyền bầu cử, đi học, việc làm và nhiều quyền căn bản khác, phụ nữ ngày nay đã có nhiều cơ hội, và cơ hội bình đẳng để phát triển, để khẳng định giá trị của mình so với nam giới, đặc biệt trong hai nội dung Giáo dục và Y tế. Mặc dầu vậy, ở nội dung Kinh tế và Chính trị, vẫn còn những “bức trần gương” (ceiling glass – khái niệm do Tạp chí Economist giới thiệu ám chỉ những khó khăn ngầm) ngăn cản sự phát triển của phụ nữ. Điều thú vị, kết quả Khoảng cách giới do WEF công bố cho thấy, các nước có thứ hạng cao về Khoảng cách giới chưa chắc đã là nước phát triển và ngược lại mà trường hợp của Philippines (thứ 6) và Nhật Bản (thứ 101) là hai ví dụ minh hoạ rõ nhất.


Hình 3: Kết quả Khoảng cách giới ở Việt Nam giai đoạn 2007-2015 (Nguồn: WEF).

Việt Nam năm 2015 đứng thứ 83, vị trí ở vào mức độ trung bình trên thế giới. So với năm 2007 là năm đầu tiên tham gia vào xếp hạng Khoảng cách giới của WEF, Việt Nam tụt đến 41 bậc. Việc tụt hạng này, một phần là vì WEF mở rộng số nước đánh giá; nhưng phần khác cũng vì các chỉ số thành phần của Việt Nam gần như không tăng, thậm chí giảm đôi chút trong gần 10 năm qua trong khi cả thế giới đều có tăng trưởng đáng kể. Mặc dù vẫn biết, không có bảng xếp hạng nào là toàn diện, rõ ràng đây vẫn là vấn đề để các nhà chính sách vĩ mô ở nước ta cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. 
————-
Toàn văn báo cáo đọc tại: http://www3.weforum.org/docs/GGGR2015/cover.pdf.

Tác giả