Mặt trái của lễ hội bóng đá thế giới

Bốn tuần lễ hội bóng đá đã trôi qua, cuộc sống thường ngày đã trở lại với người dân Brazil. Chi phí cho World Cup là một con số bùng nổ nhưng tương lai của các sân vận động vô cùng đắt đỏ vẫn chưa có lời giải. Trong khi đó, Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA đã thu lợi lớn và có thể hân hoan chờ đón giải đấu tiếp theo.  

Lễ hội chấm dứt, màn trình diễn đã trôi qua, người dân Brazil cởi bỏ trang phục của đội tuyển quốc gia mà họ đã mặc hàng ngày cho đến trận bán kết thảm hại. Bốn tuần lễ liền ở Brazil, người dân ăn bóng đá, ngủ bóng đá, giờ đây họ quay trở lại với những nỗi lo lắng, phiền muộn thường trực. Sau thảm bại thể thao của đội bóng chủ nhà, Brazil lại có thêm một chấn thương về bóng đá.

Tháng mười tới ở Brazil sẽ diễn ra bầu cử và trong thâm tâm, nhiều người đã vui mừng vì đội bóng của họ không trở thành nhà vô địch thế giới. Cơ hội đắc cử của bà tổng thống Dilma Rousseff do đó không tăng lên, điều mà bà Rousseff thầm mong ước.

Vậy thì bốn tuần vừa qua đã để lại những gì cho người Brazil? Các sân vận động. Những thánh đường của bóng đá nhưng đồng thời cũng là những tượng đài thể hiện sự lãng phí ghê gớm. FIFA và chính phủ Brazil đã biến giải World Cup lần này trở thành giải đấu tốn kém nhất trong lịch sử. Con số chi phí chính thức của chính phủ đưa ra là 8,75 tỷ Euro, nhưng theo ước tính thực tế đã lên tới trên 10 tỷ Euro.

Sân vận động: Tàu vũ trụ giữa những khu lao động nghèo

Đối với Fortaleza hay Recife thì các sân vận động như là những con tàu vũ trụ giữa những khu nhà lụp xụp rộng mênh mông. Những sân vận động này trong tương lai sẽ từng bước thu hồi nguồn chi phí khổng lồ như thế nào cho đến nay vẫn chưa có lời giải. Tại các địa điểm thi đấu Natal, Manaus, Brasilia và Cuiaba đều không có các đội bóng ngoại hạng để có thể tiếp quản các sân vận động.

Ngay cả Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) cũng luôn mồm nói về tính bền vững, mỗi khi đề cập đến các hoạt động ở Brazil. Christian Hirmer, một nhà đầu tư người Đức, đã xây dựng Trại Bahia đúng theo yêu cầu của đội tuyển quốc gia Đức, có lẽ sẽ thắng to, vì nơi này sẽ trở thành một resort ven biển Đại tây dương để phục vụ du khách châu Âu giầu có.
DFB còn dành một khoản tiền mặt để hỗ trợ người Da Đỏ ở vùng Porto Seguro, đồng thời hứa giúp xây sân thể thao cho một trường học ở địa phương. Người phát ngôn của DFB Jens Grittner tuyên bố “chúng tôi bảo đảm thực hiện những gì mà chúng tôi đã hứa”. Có lẽ năm tới, người ta nên trở lại đây để xem sân thể thao này như thế nào.

Các cầu thủ hết lời ca ngợi sự mến khách của dân Brazil. Nhà quản lý – DFB Oliver Bierhoff – nhấn mạnh, “chúng tôi cảm nhận được sự tin cậy và gần gũi con người ở đây”. Thực ra đội bóng Đức hầu như không có một chút tiếp xúc nào với người dân nước chủ nhà, ngoại trừ tại các sân bay và sân vận động. Chưa bao giờ có một đội bóng lại tách hoàn toàn với môi trường xung quanh và chỉ trụ lại trong điều kiện lý tưởng ở trong trại. Điều này được coi là cần thiết để dành thắng lợi trong thể thao.

Sự phản đối World Cup đã lắng xuống

Đối với FIFA, dự án World Cup ở Brazil là một thành công mĩ mãn, điều này không có gì ngạc nhiên. Liên đoàn dưới sự lãnh đạo của ông Joseph Blatter luôn biết cách để trở thành người thắng cuộc về tài chính. Riêng việc bán bản quyền truyền hình và tiền của các nhà tài trợ hàng đầu đã bảo đảm điều này. Dự đoán FIFA đã thu lợi tiền triệu ở ba con số.

Những cuộc biểu tình phản đối World Cup, chống tham nhũng và cưỡng bức di dời từng là những chủ đề lớn được báo chí đề cập trước khi diễn ra giải đấu nhưng trong bẩy tuần qua, mọi sự đã lấn dịu. Và nếu như còn có sự phản đối đi nữa thì dư luận cũng không mấy bận tâm. Bóng đá đã lấn át tất cả. FIFA đã tính đến điều đó, cho đến nay, về điểm này thì FIFA luôn có lý. Ông Joseph Blatter lại một lần nữa là người chiến thắng ở giải đấu này.

Gia đình bóng đá sẽ gặp lại nhau bốn năm sau ở nước Nga. Tổng thống Wladimir Putin, đã có mặt tại trận chung kết hôm chủ nhật và bảo đảm giải vô địch bóng đá thế giới sắp tới sẽ diễn ra trôi chảy theo tinh thần của FIFA. Ông đã chứng minh có thể làm được điều này qua thế vận hội Olympic ở Sochi vừa qua.

Năm 2018, bộ máy an ninh chắc sẽ còn đồ sộ hơn so với năm nay ở Brazil, nơi mà trước mỗi trận đấu người ta phải đi qua một hàng rào cảnh sát và binh lính với súng tiểu liên lăm lăm trên tay. Giải chắc sẽ còn tốn kém hơn nữa, như từng diễn ra ở Sochi – chi phí cho thế vận hội Olympic tại đây cũng đã tạo nên một kỷ lục mới. Vòng xoắn ốc tiếp tục xoay. Ông Blatter và Putin sẽ lo cho điều này. Hai vị đó cũng sẽ làm hết mình để đến lúc đó còn tại vị.

Xuân Hoài dịch

Tác giả