Một hội thảo khoa học hiếm có

Hội thảo khoa học là một từ đẹp khoảng 30 năm trước. Nó được kỳ vọng sẽ là nơi người ta tự do tư tưởng, khách quan một cách khoa học, công bố những thành tựu nghiên cứu mới mẻ và nhất và có thảo luận công khai, công bằng không bị một áp lực nào ngoài khoa học cản trở.


Những ý kiến phản biện, những thông tin phản hồi là thu hoạch của các tác giả tham gia hình thức hoạt động này. Nhưng rồi với cơ chế bao cấp, cửa quyền, với bệnh duy ý chí, nhiều hội thảo khoa học, nhất là trong các ngành khoa học xã hội, trở thành các cuộc thi đua biện minh cho một chính sách, chủ trương nào đó. Kinh phí cho hội thảo là cái vỏ ngoài cho kinh phí lễ lạt, kỷ niệm.

Những năm gần đây, những cơn mưa học hàm học vị để đạt yêu cầu “tiêu chuẩn hóa”, người ta nói tới việc mua bằng ngoại ngữ, thuê viết luận văn, tỷ lệ 80% GS, TS, Th.S,  thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế cứ như là chuyện tất nhiên. Việc băng hoại đạo đức của nhà khoa học, của trí thức và văn nghệ sĩ trong việc cấp danh hiệu, học hàm, học vị không phải chỉ là chuyện hình thức, nội bộ trong ngành. Nó là một nguyên nhân làm khoa học tụt hậu, nghệ thuật, văn hóa bị tầm thường hóa và là một đầu tầu làm băng hoại đạo đức xã hội. Vì với những người dân bình thường những học hàm, học vị ấy là rất đáng quý trọng, đáng vươn tới, đáng tin tưởng thế mà giờ đây bị “vấy bẩn” đến như vậy thì họ mất niềm tin. Mà mất niềm tin thì rất nguy, nhiều lãnh đạo Đảng ta luôn nhắc nhở, lo lắng về điều đó.

Sự băng hoại đạo đức ấy, sự tụt hậu khoa học ấy thể hiện rõ nhất ở nhiều hội thảo khoa học, khi mà sự dốt, kém, sáo rỗng, cóp nhặt, trưởng giả huyên hoang với micro hết cỡ và sự sâu sắc, mới mẻ, khiêm tốn, bất vụ lợi của khoa học thường im hơi lặng tiếng. Thế nên cá nhân tôi từ mấy năm nay chán và trốn các hội thảo khoa học. Cái từ này giờ đã mất hết vẻ đẹp của nó tiến gần tới đồng lõa với các từ quan liêu, giáo điều, cơ hội, thậm chí là tham nhũng. Biết như vậy những năm vừa qua tôi lại thử “tái xuất giang hồ” dự một hội thảo khoa học cấp TW và một cấp Hội TP, thì quả thật vẫn là như vậy, 80% là “bổn cũ soạn  lại” và chủ nghĩa cơ hội mới!

Với nỗi nghi hoặc như vậy tôi tới Hội An dự Hội thảo khoa học “Vật lý-Văn hoá và Phát triển” do Tia Sáng và Ban vận động thành lập Đại Học Phan Châu Trinh, Quảng Nam tổ chức nhân thế giới kỷ niệm 100 năm Einstein công bố thuyết tương đối. Tôi ngạc nhiên là suốt ba buổi nghe hàng chục báo cáo phức tạp, khó hiểu mà tôi vẫn ngồi chăm chú.

Về tính khoa học của các báo cáo của các nhà khoa học Phạm Duy Hiển, Phan Đình Diệu, Cao Chi, Đặng Mộng Lân, Đỗ Kiên Cường, Nguyễn Văn Trọng… tôi không dám nhận định gì nhưng đối với tôi là thực sự bổ ích. Ngay các tham luận của ba vị nghệ sĩ Lê Đạt, Nguyên Ngọc và Phan Cẩm Thượng cũng khoa học thật sự. TS. Lê Đăng Doanh chỉ kể về cá tính đời thường của Einstein nhưng lại lưu ý sâu sắc về cách đào tạo và thái độ ứng xử với nhân tài ở nước ta.

Thứ hai là tính khách quan, bất vụ lợi của các diễn giả và người tham gia. Mọi người chỉ muốn trao đổi các ý tưởng, các suy nghĩ của mình dù phải phản bác nhau, phủ nhận nhau khá thẳng thừng ngay tại diễn đàn. Và lạ là (hay không lạ là) chính điều đó làm cho hội nghị có một không khí thân mật ít có! (phải chăng vì những người tham gia đều đang làm việc độc lập và/hoặc đã ra khỏi quan trường? Và một tiếng nói có vị “cay cú” lập tức thành lạc lõng.)

Thứ ba là chủ đề của Hội thảo rất lạ và hóc búa. Làm sao làm bật được, tìm ra được mối tương-thông giữa vật lý hiện đại và văn hóa ngày nay. Sự thay đổi cái nhìn, góc nhìn, lối tư duy, sự tự do và bạo dạn cùng khoái thú của tưởng tượng, phiêu lưu, khám phá làm cho hai thứ đó gần nhau. Tác động kinh khủng của khoa học vào đời sống xã hội và giới hạn của chính nó làm cho nó không thể tách rời văn hóa vật thể và phi vật thể. Sự hoang mang bất định, bế tắc về thế giới quan hay sự đụng độ văn hóa thời toàn cầu hóa làm cho văn hóa cần tới các thành tựu khoa học và tư duy, tưởng tượng khoa học để tìm ra những con đường mới những phương án mới và cảm xúc mới. Tôi nghĩ cả hai thành phần văn hóa và khoa học dự hội thảo này đều đã “có lợi”.

Cuối cùng ở Việt Nam hội thảo này là lần đầu tiên gặp gỡ nghiêm túc, khoa học giữa hai giới sản xuất tinh thần các nhà khoa học và các nhà nghệ thuật. Tưởng như sẽ là một ngã ba, người quẹo trái, kẻ rẽ phải. Nhưng thực tế lại là sự thống nhất quan niệm về sự cần cứu vãn sự toàn vẹn của nhân cách con người hiện đại với cá tính văn hóa và tri thức, tư duy duy lý và xúc cảm thẩm mỹ… cũng như về sự toàn vẹn của một xã hội với lý trí, trí tuệ, đức tin và nghệ thuật.

Chỉ một điều mong nữa là thành phần tham gia phải trẻ hơn nhiều!

Mong sao cái từ Hội thảo khoa học dần lấy lại được vẻ đẹp của mình.


Nguyễn Bỉnh Quân

Tác giả