Nên làm theo lời khuyên của GS. Hoàng Tụy

Trên Tia Sáng có bài của PGS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch  Hội Toán học Việt Nam nói về một chương trình trọng điểm quốc gia với mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành một cường quốc toán học. Phải chăng vì tiềm lực toán học Việt Nam là số 1 của khoa học nước ta? Thực tế không phải như vậy. Hãy lấy số bài báo khoa học trên các tập san quốc tế ra làm minh chứng: Trong thời gian 1996- 2005, Việt Nam công bố được 3.456 bài báo khoa học; trong số này, những bài liên quan đến toán là 452 bài (chiếm 13% tổng số), tương đương với vật lí (450 bài), kĩ thuật (406 bài), thậm chí hóa học (385 bài). Một phần ba những bài báo khoa học từ Việt Nam liên quan đến y sinh học. Do đó, chính ngành y sinh học, chứ không phải toán, mới là ngành có đóng góp mạnh cho khoa học Việt Nam. Với những sự thật đó, nếu đầu tư để phát triển khoa học, chúng ta chọn ngành nào để ưu tiên?

Theo tôi hiểu, tác giả bài báo trên lí giải rằng Việt Nam cần phát triển toán học vì các nước tiên tiến khác như Mỹ và Hàn Quốc cũng có một nền toán học tốt vì toán học là “hoàng tử” của khoa học. Nhưng tôi nghĩ nếu tác giả cung cấp vài bằng chứng cụ thể là toán học đã đóng góp gì cho phát triển kinh tế trong vòng 20 năm qua thì sẽ thuyết phục hơn. Nhưng rất tiếc, chúng ta chưa thấy những bằng chứng đó. Thật ra, chưa thấy bằng chứng gì cho thấy ở bất cứ nước nào trên thế giới có mối liên hệ nhân quả là phát triển toán học sẽ dẫn đến phát triển kinh tế.
Có thể nói rằng một mối liên hệ nghịch đảo thì đúng hơn: Phát triển kinh tế và khoa học sẽ dẫn đến phát triển toán. Singapore là một minh chứng cho mối liên hệ này. Trước đây, Singapore chẳng có bao nhiêu bài báo toán học, nhưng khi kĩ nghệ máy tính, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phát triển thì số bài báo toán học của họ tăng rất nhanh.
Có thể xem qua trang web của Viện Toán học để thấy rằng phần lớn những nghiên cứu về toán ở Việt Nam chỉ là toán thuần túy, chưa thấy phát triển toán ứng dụng. Bộ môn thống kê học, thì hầu như không một đại học nào ở Việt Nam có một “Department of Statistics” hay một “Department of Applied Mathematics”. Khi cần đào tạo, người ta phải gửi sang … Thái Lan để học!
Chính vì thế mà ở Việt Nam, mỗi khi các nhà nghiên cứu thực nghiệm muốn giải quyết một vấn đề gì mang tính tính toán, họ phải nhờ đến các chuyên gia toán ứng dụng và thống kê nước ngoài. Không biết bao nhiêu bài báo khoa học của Việt Nam bị từ chối công bố chỉ vì làm phân tích thống kê không đúng chuẩn mực quốc tế và thiết kế không đúng.
So với nước ngoài thì sao?
* Trong thời gian 2000 – 2005, khi Việt Nam công bố được 326 bài báo khoa học về toán, với tổng số trích dẫn 797 lần. Tính trung bình, số lần trích dẫn cho mỗi bài báo là 2,4, chỉ số H là 11, thì Singapore công bố 1.474 bài, với chỉ số trích dẫn trung bình là 5,43, chỉ số H là 30.
* Khoảng 44% các nghiên cứu về toán từ VN không được ai trích dẫn hay tham khảo.
Các con số này cho thấy toán học Việt Nam chẳng những kém về số lượng mà còn thua về chất lượng so với Singapore.
Dù Việt Nam cần phát triển toán nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Việt Nam cần nhiều nhà khoa học toán (mathematical scientists), những người biết ứng dụng lí thuyết và phương pháp vào giải quyết các vấn đề thực tế hơn những nhà toán học tự hài lòng với vấn đề do chính họ đặt ra và tự họ giải. Và chỉ khi nào toán học Việt Nam tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học thì lúc đó mới có thể lí giải toán học có thể đóng góp vào phát triển kinh tế và khoa học.
Có tham vọng là tốt, nhưng tôi vẫn ngại với những mục tiêu thành “cường quốc” trong khi thực lực còn rất thấp. Có lẽ cách tốt nhất là nghe theo lời khuyên của GS Hoàng Tụy: “Nói ít, làm nhiều hơn” thì hay hơn.

Tác giả