Tản mạn về dự luật Sở hữu trí tuệ

Bảo hộ tác quyền và sở hữu kỹ nghệ đã trở thành một triết lí được tiêu chuẩn hóa bởi rất nhiều văn bản pháp lí quốc tế. Dựa trên những cam kết quốc tế đó, người soạn luật sở hữu trí tuệ nước ta đang gắng du nhập thứ âm nhạc thính phòng xa xôi ấy vào xã hội nông dân Việt Nam. Có thể đưa ra vài lời bàn dưới đây về con đường mà những một nước nghèo như Việt Nam thường phải lèo lái khi du nhập pháp luật sở hữu trí tuệ theo kiểu phương Tây

Một ngày theo dòng Dundee miền Đông Bắc nước Úc, nơi người ta nuôi nhiều cá sấu trong những bãi lầy hoang hóa, tôi vẫn thấy thấp thoáng những tộc người bản xứ, từng đám tụ tập dưới bóng cây tránh cái nóng oi nồng nhiệt đới. Nhiều thế kỉ đã trôi qua, kể từ khi những gã phưu lưu người Anh giành lấy từng vùng đất ở đây làm của riêng cho mình, những người bản xứ đáng thương kia vẫn chưa hiểu tại sao đất trời lại có thể chia thành từng khoảnh làm của riêng cho người da trắng.
 Ở đâu cũng vậy, từ mức độ hiểu biết về sở hữu tư nhân có thể đoán ra văn minh của các tộc người. Nơi nào sở hữu tư nhân được bảo hộ như những giá trị thiêng liêng, ở đó có động lực cho ganh đua, xã hội vì có cạnh tranh mà ngày càng văn minh. Ngược lại, nếu không bảo hộ sở hữu tư nhân, cha chung không ai khóc, các nguồn tài nguyên khan hiếm, kể cả năng lực con người, lãng phí theo thời gian, một xã hội như vậy sẽ tĩnh lặng và thường trở thành con mồi cho các xứ văn minh hơn thôn tính.

Việt Nam với thu nhập người dân bình quân một ngày không quá một đồng bạc Mỹ đang gắng quay trở lại với sở hữu tư nhân, tự do cạnh tranh và cơ chế thị trường. Gần 500 dân biểu đang suy tư trước khi ấn nút, biến vô vàn con chữ trên các dự luật thành các quy tắc dẫn lối cho 82 triệu đồng bào. Trong hàng chục đạo luật dự kiến được thông qua trong cuộc họp Quốc hội kỳ này, có dự Luật về Sở hữu trí tuệ. Hiểu biết, trí tuệ, danh tiếng.. của nhà kinh doanh đều được xem như quyền tài sản tư, cần được bảo hộ như vốn liếng của họ.
Bảo hộ tác quyền và sở hữu kỹ nghệ đã trở thành một triết lí được tiêu chuẩn hóa bởi rất nhiều văn bản pháp lí quốc tế. Sau Hiệp định về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại 1994 (TRIPS), khi kẻ giàu, nhất là người Mỹ, kí các hiệp định tự do thương mại với những nước nghèo, trong đó có Việt Nam, người ta đã đẩy cao hơn một số tiêu chuẩn, ví dụ như: (i) thời lượng bảo hộ quyền tác giả là 75 năm, dài hơn quy định chung của công ước Berne và lệ chung của thế giới thường là 50 năm; (ii) mở rộng đối tượng được bảo hộ nhãn hiệu thương mại đến nhãn hiệu chứng nhận và mở rộng bảo hộ đến cả các dữ liệu trắc nghiệm lâm sàng cho dược phẩm, và bảo hộ chúng ít nhất là 5 năm.

Dựa trên những cam kết quốc tế đó, người soạn luật sở hữu trí tuệ nước ta đang gắng du nhập thứ âm nhạc thính phòng xa xôi ấy vào xã hội nông dân Việt Nam. Có thể đưa ra vài lời bàn dưới đây về con đường mà những một nước nghèo như Việt Nam thường phải lèo lái khi du nhập pháp luật sở hữu trí tuệ theo kiểu phương Tây:
Thứ nhất, trong cuộc ganh đua của hàng trăm nước nghèo, chỉ có khoảng trên dưới 10 quốc gia, tập trung ở Đông Á, đã thành công trên đường tìm kiếm thịnh vượng chủ yếu thông qua chiến lược: cóp nhặt, đuổi theo và vượt công nghệ Phương Tây. Bảo hộ tác quyền quá dài tăng quyền cho chủ tài sản tư của nước giàu và hạn chế doanh nhân nước nghèo tiếp nhận tri thức đôi khi đã trở nên công cộng. Bởi vậy, một mặt chỉ nên đàm phán chấp nhận những chuẩn chung đã được thừa nhận tại TRIPS, mặt khác nên tìm mọi cách hạn chế sự bảo hộ quá thái tài sản trí tuệ của Phương Tây. Mở rộng thuyết khai thác hết quyền và cho phép nhập khẩu song song là những phương cách đó, tạo cơ hội hạn chế quyền của chủ tài sản trong những trường hợp vì lợi ích công cộng, ví dụ sản xuất và cung ứng thuốc chữa bệnh vì sức khỏe nhân dân. Nói cách khác, giữa luật trên giấy, luật trong tư duy, luật trong cách hành xử phải nên khác nhau. Thoảng khi báo chí nhắc tới vài vụ người Tàu gom đốt đĩa CD vi phạm tác quyền, song nhìn toàn cục, nước Tàu đã rút nhanh khoảng cách công nghệ với Phương Tây, một phần rất lớn nhờ sao chép và nhái kĩ nghệ. Cái được xem là bất hợp pháp theo nhãn quan của người giàu không nhất thiết cần trở thành bất chính trong ánh mắt người nghèo.

Thứ hai, so với các dân tộc láng giềng, người Việt Nam dường như có cái tài cải biên, biến tấu, thêm thắt những sáng tạo nhỏ bé mà tạo ra cái của riêng mình. Luật pháp phải tạo cơ hội cho người nước ta tận dụng tri thức của các nước đi trước mà mau chóng biến thành cái của riêng mình. Nếu các dữ liệu trắc nghiệm lâm sàng được giữ kín và bảo hộ chặt chẽ tới 5 năm, thì các hãng dược Việt Nam khó mà có cơ hội phóng tác và cải biên để có được dược phẩm của riêng mình. Việc họ hầu như trở thành các đại lí bán thuốc cho các hãng nước ngoài, với giá rất đắt cho nhân dân trong nước, là điều chẳng đáng ngạc nhiên.
 Thứ ba, một mặt với tài sản kĩ nghệ Phương Tây thì nên thiết kế một cơ chế khôn khéo, tạo cơ hội cho doanh nhân nước ta bám sát lấy công nghệ của họ, ngược lại với tác quyền của người trong nước cần phải tăng cường bảo hộ một cách nghiêm khắc nhất, nhất là trong lĩnh mực mà người Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Sự khéo tay của thợ thuyền, sự tinh tế của giới văn sĩ người Việt Nam phải được ban thưởng bởi bảo hộ độc quyền kiểu dáng, mẫu mã công nghiệp hay tác quyền, nhất là ghi nhận quyền tư hữu của người chủ và bảo hộ quyền quyền khai thác và hưởng dụng của họ về những tài sản đó. Nếu bất kì một chú học trò nào cũng có thể vô tư nhái Bùi Xuân Phái để bày bán kiếm tiền mà không bị trừng trị, thì nền hội họa, đồ gốm.. Việt Nam có thể cũng chỉ lóe lên một lần rồi tàn lụi.

Thế mới biết làm luật là khó, khó với người có tâm. Như chiến trận, ganh đua tìm lấy thịnh vượng cho quốc gia thời nay là những cuộc lừa gạt. Dân biểu, chí ít cũng như người làm tướng, dù là tướng không quân, khi bấm nút thông qua các đạo luật, hy vọng có đủ tâm và tài để hành xử một cách tốt hất vì lợi ích quốc dân.

                                                                                                    * Đại học Quốc gia Hà Nội


Phạm Duy Nghĩa

Tác giả