Về ba trụ cột trong báo cáo “Việt Nam 2035”

Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng (gọi tắt là Báo cáo) được công bố ngày 23/2 vừa qua đã xác định ba trụ cột quan trọng mà Việt Nam cần tập trung tạo lập, phát triển trong giai đoạn tới là thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; và nhà nước có năng lực cùng trách nhiệm giải trình.

Tôi đồng ý với Báo cáo là trong dài hạn, tăng năng suất (lao động) là con đường bền vững duy nhất để nâng cao mức sống về mặt kinh tế (GDP/đầu người) của người dân. Nhưng tôi thấy cần bàn thêm về ba nguyên nhân của tình trạng năng suất của Việt Nam đang giảm sút trong thời gian gần đây. Đó là: cơ cấu lao động của Việt Nam (44% trong nông nghiệp hay có một số lớn trong khu vực phi chính thức) là nguyên nhân khiến năng suất hiện tại đang thấp chứ điều này không giải thích được tại sao năng suất đang sụt giảm. Thực ra nếu mặt bằng năng suất đang thấp thì khả năng tăng sẽ cao hơn (e.g. lao động dịch chuyển khỏi nông nghiệp, khỏi khu vực phi chính thức); sở hữu tài sản ở Việt Nam chủ yếu còn lấn cấn về sở hữu đất đai chứ các loại tài sản khác không hoặc ít có vấn đề về quyền sở hữu, kể cả tài sản tài chính hay sở hữu doanh nghiệp. Tôi cũng không nghĩ tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa (tiêu dùng, dịch vụ) của Việt Nam yếu, ngoại trừ một số loại hàng hóa do nhà nước độc quyền kinh doanh. Nền tảng kinh tế thị trường còn yếu kém là đúng nhưng tác hại lớn nhất là sự can thiệp quá nhiều vào thị trường bằng các chính sách công nghiệp của nhà nước theo kiểu quả đấm thép (đa số thất bại như Vinashin, Vinalines); phân bổ các tư liệu sản xuất một cách lệch lạc cũng là hệ quả của nền tảng kinh tế thị trường còn yếu kém do can thiệp quá sâu của nhà nước dẫn đến năng suất thấp chứ không phải làm giảm năng suất.

Theo tôi, gốc rễ của vấn đề năng suất giảm trong thời gian gần đây là sự yếu kém của nhà nước với hai hệ quả sau đây. Thứ nhất là hệ thống hành chính ngày càng trì trệ và đặc biệt là ngày càng tham nhũng. Khi những dự án đầu tư công bị rút ruột hay hoạt động kinh doanh tư nhân phải tốn nhiều chi phí bôi trơn thì hiệu quả đầu tư/kinh doanh sẽ kém, dẫn đến năng suất sụt giảm. Hệ thống hành chính yếu kém cũng làm trì trệ mọi hoạt động kinh tế nói chung và làm chậm lại các cải cách xã hội khác có liên quan trực tiếp đến năng suất kinh tế như giáo dục, y tế. Tôi đã và vẫn cho rằng cải cách hành chính (thực sự) sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam hơn bất kỳ một chính sách kinh tế nào khác. Hệ quả thứ hai của một nhà nước yếu kém là dẫn tới nhiều chính sách kinh tế sai lầm. Dễ thấy như những chính sách công nghiệp sai lầm mà tôi đã nói đến bên trên hay một số chính sách vĩ mô (tỷ giá, lãi suất) và buông lỏng quản lý hệ thống ngân hàng, và nhiều ví dụ khác khó thấy hơn như thâm hụt ngân sách liên tục, hay việc khăng khăng xây nhà máy lọc dầu ở Dung Quất, khai thác bauxite ở Tây Nguyên… Chúng đã và đang là lực cản lớn cho năng suất.

Tôi không ngạc nhiên khi Báo cáo nhắc đến công bằng và hòa nhập xã hội trong trụ cột thứ hai, cũng như môi trường bền vững trong trụ cột thứ nhất. Đây là quan điểm mang tính truyền thống của WB, và những vấn đề này không chỉ riêng với Việt Nam mà đã trở thành các vấn đề nóng chung trên thế giới. Nhưng với riêng Việt Nam, tôi nghĩ còn một khía cạnh nữa rất quan trọng mà Báo cáo chưa đề cập đến, đó là xây dựng vốn xã hội mà cụ thể là đạo đức và niềm tin trong xã hội.

Đành rằng GDP/đầu người hay tăng trưởng 6-7%/năm là quan trọng, nhưng như Báo cáo đã chỉ ra, điều quan trọng hơn là mức tăng trưởng đó phải được phân bổ công bằng (chứ không phải đồng đều) cho xã hội và không được hủy hoại môi trường sống. Bên cạnh đó đạo đức xã hội xuống cấp là điều ai cũng thấy ở Việt Nam. Người ta thờ ơ hơn vì biết đâu lại bị lừa khi giúp người khác, người ta tàn bạo hơn vì nếu không thì làm sao giành giật được miếng ăn hay cái ấn triện ngày tết, người ta nghi kỵ, cảnh giác hơn vì biết đâu bó rau mua ngoài chợ đầy thuốc sâu. Tăng trưởng cao, năng suất tốt để làm gì nếu xã hội ngày càng “không đáng sống” như vậy?

Cuối cùng, Báo cáo chưa nói thẳng là Việt Nam phải cải cách chính trị nhưng trụ cột thứ ba của báo cáo này cũng gần như vậy. Một nhà nước “chịu trách nhiệm giải trình trước dân” trước hết phải là một nhà nước pháp quyền thực sự. Mặt khác, một nhà nước có năng lực cũng đòi hỏi phải hoạt động trong môi trường có tính cạnh tranh lành mạnh và người dân phải được nâng cao quyền lựa chọn phương án nhà nước nào mà họ thấy là làm việc hiệu quả nhất.

 

Tác giả