Vốn Xã hội và phát triển(1)

Ý niệm"vốn xã hội" này còn rất mới ở ta. Trên thế giới nó cũng được dùng lần đầu tiên năm 1961 để nói về những giá trị tinh thần xuất phát từ những đoàn thể được hình thành do sự tự nguyện kết hợp với nhau của dân cư trong một khu vực (association) để tạo nên những công trình hay sự nghiệp chung cho cộng đồng. Khi dân cư kết hợp như thế, nhìn từ ngoài vào, họ giống như một cái lưới do đó còn gọi là giá trị của các mạng lưới xã hội (social networks value). Từ năm đó đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu bàn về các lĩnh vực khác nhau quanh chủ đề này, trong đó có công trình của một giáo sư Mỹ gốc Nhật là Francis Fukuyama bàn về vốn xã hội đối với sự phát triển kinh tế. Trong bài này chúng tôi sẽ tóm lược các điểm chính của vốn xã hội như được trình bày theo một số nhà nghiên cứu trên thế giới. Sau đó đề cập đến sự nghiên cứu của ông Fukuyama và liên hệ một số điểm chính yếu của ông với thực tế của nước ta để tìm xem vốn xã hội của chúng cao hay thấp. Thực tế được chọn lựa là sáu vấn đề nằm trong cơ cấu tổ chức xã hội và công việc xây dựng con người ở ta.

Mục đích của bài này là gợi mở những đề tài cho một cuộc thảo luận rộng rãi về vốn xã hội tại Việt Nam để sau đó rút ra một số chủ đề (issue) cho cuộc hội thảo “Vốn xã hội trong phát triển” có tính học thuật do Tạp chí Tia Sáng và Thời báo Kinh tế Sài gòn phối hợp tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào giữa năm nay. Hội thảo muốn bàn về các yếu tố tinh thần cần thiết cho sự phát triển kinh tế bền vững của chúng ta.

Khái niệm về vốn xã hội

Vốn xã hội là những sự ràng buộc lẫn nhau do người ta đặt ra hay tuân giữ khi giao dịch hay khi chung sức làm một việc gì đó; nó còn được gọi là những ràng buộc xã hội (social bonds) hay các hành vi mẫu mực (norms) hoặc quy tắc (rules) xã hội và chúng là những yếu tố quan trọng cho sự bền vững của cuộc sống.

Những giá trị này được nhà xã hội học Jane Jacobs nêu lên năm 1961, Bourdieu năm 1986, sau đó được Coleman đặt cho một khuôn khổ lý thuyết rõ ràng năm 1989; rồi được Putnam phổ biến trên công luận năm 1993.  Coleman mô tả vốn xã hội là một cấu trúc, một khuôn khổ, cho sự giao dịch giữa những người hành động (actors) và trong họ với nhau; thúc đẩy các hoạt động sản xuất và trở thành những thứ gì có sẵn (tài nguyên) để cho một cá nhân sử dụng hầu thực hiện những lợi ích riêng tư của họ. Khi ấy người ta có thể sống với nhau mỗi ngày mà không phải mất công dàn xếp đi, dàn xếp lại vừa mất giờ vừa tốn kém. Tiêu biểu cho cái vốn kia là hàng xóm đồng ý với nhau nếu nhà nào đi vắng cả thì nhà bên cạnh thỉnh thoảng ngó mắt giùm; những người mua bán kim cương sẽ tự mình chọn lựa kỹ để khi giao không phải thử từng viên xem có bị trầy hay không; hội những người giúp nhau chữa bệnh ung thư qua trang web… Đó là sự hoạt động của vốn xã hội hay vốn xã hội trong hành động (social capital in action). Vốn xã hội tạo điều kiện cho các cá nhân hợp tác với nhau vì nó làm giảm khó khăn khi cùng làm một việc chung. Người này bỏ sức ra vì biết người khác cũng làm như thế; và họ sẽ không muốn làm chung với ai thích làm theo hứng.

Vốn xã hội được kết tinh sau một quá trình gồm có: (1) sự tin cẩn lẫn nhau (trust) hay niềm tin; (2) sự có đi có lại, hay sự hỗ tương; (3) những quy tắc hay hành vi mẫu mực chung và sự chế tài; (4) sự kết hợp lại với nhau thành một mạng lưới. Thí dụ như việc chơi hụi (họ) ở nước ta. Bạn, tôi và vài người quen rủ nhau chơi hụi, chúng ta là một cộng đồng địa phương (bước 4); chúng ta tin nhau là ai cũng đàng hoàng (bứớc 1); bạn hốt hụi kỳ đầu, tôi kỳ sau (bước 2); muốn hốt hụi phải bỏ giá, ai cao nhất sẽ hốt; hốt xong thì từ đó trở đi phải đóng đủ, ai giật là sẽ bị đòi (bước 3). Vậy chơi hụi là một định chế xã hội, nó có tính địa phương (local institution), giúp cho người cần tiền vay mượn tiền của người khác mà không phải thế chấp tài sản và góp phần vào hoạt động kinh tế. Đó là một sự đóng góp hữu hiệu và hiệu quả cho nền kinh tế. 

Lý giải từng bước, ta thấy dễ chịu khi làm ăn với ai mà mình tin, không mất công, chẳng mất giờ, vốn là của cải có sẵn (tài nguyên) và không nên phí phạm. Khi mình tin người khác họ cũng sẽ tin mình và như thế niềm tin tạo nên một nghĩa vụ. Nếu đứng trong vị trí của từng cá nhân một ta có sự tin cẩn nhau; lúc nhìn cả hai người một lần thì đó là niềm tin hay sự tin tưởng. Có hai loại tin tưởng: một là tin vào những người mà mình biết rõ; hai là tin vào những người mình chưa biết rõ nhưng vì họ đứng trong một cơ cấu, một tổ chức mà mình tin tưởng nên mình cũng tin họ luôn. Xây dựng niềm tin thì mất nhiều thời gian và công sức nhưng để mất nó thì rất dễ. Một xã hội đầy rẫy sự bất tín thì khó có sự hợp tác (Baland and Platteau, 1998).

Về sự có đi có lại, hay sự tương tác, thì khi diễn ra chúng sẽ làm gia tăng niềm tin. Có hai loại tương tác (Coleman, Putnam): (i) nhận ngay tức khắc (specific reciprocity) là hai bên cùng trao đổi tức thời hai thứ có giá trị ngang nhau, và (ii) sẽ nhận sau này (diffuse reciprocity) là một bên cứ làm lâu dài và liên tục; không trông đợi sự đáp lại, nhưng qua thời gian thì sẽ được trả lại hay bù đắp tương xứng. Sự tương tác cũng tạo ra nghĩa vụ lâu dài giữa các bên.

Khi nói vốn xã hội cao thì có nghĩa là  trong xã hội đó có một nền luân lý nội tại cao, với các cá nhân biết cân bằng giữa lợi ích cá nhân của mình và trách nhiệm với tập thể.

Quy tắc (rules) là những sự bó buộc mà mỗi người phải theo khi làm một việc gì đó. Quy tắc chính thức là luật pháp do nhà cầm quyền ban hành. Luật lệ luôn đi kèm với sự trừng phạt tinh thần hay vật chất. Quy tắc không chính thức là những điều mà các cá nhân áp dụng để đóng khuôn hành vi hàng ngày của họ. Hành vi mẫu mực (norms), trái lại, là một việc làm theo một cung cách nào đó phù hợp với sự mong mỏi, sự ưa thích. Về mặt ngữ nghĩa, “norm” là hành vi mẫu mực hay các tiêu chuẩn được xã hội, hoặc các nhóm chấp nhận (tự nguyện hay không) và dựa trên đó, xã hội đánh giá một người hay một việc. Khi dịch từ “norm” sang tiếng Việt là “chuẩn mực” thì nó chỉ còn có nghĩa là một cái gì được chọn để làm căn cứ đối chiếu. Quy tắc và hành vi mẫu mực là những điều được đồng thuận hay được đưa từ trên xuống để làm lợi ích của tập thể được đặt cao hơn lợi ích cá nhân. Chúng giúp cho cá nhân tin tưởng và bỏ sức tham gia việc chung hay hoạt động của nhóm, vì biết rằng những người khác cũng sẽ làm như thế.

Những điều trên cũng còn được gọi là luật chơi hay là luân lý nội tại của một hệ thống xã hội (Coleman, 1990), ximăng của xã hội (Elster, 1989) hay những giá trị căn bản tạo nên lòng tin (Collins và Chippendale, 1991). Chúng phản ánh mức độ của một cá nhân bằng lòng hòa giải với người khác hay kiểm soát hành vi của mình. Khi nói vốn xã hội cao thì có nghĩa là  trong xã hội đó có một nền luân lý nội tại cao, với các cá nhân biết cân bằng giữa lợi ích cá nhân của mình và trách nhiệm với tập thể.

Cuối cùng là sự liên kết, mạng lưới hay nhóm. Đó là thành tố quan trọng của vốn xã hội. Có nhiều loại liên kết khác nhau giữa các nhóm (mua bán hàng hóa, trao đổi thông tin, giúp đỡ lẫn nhau, cho vay, cử hành các nghi lễ chung, đọc kinh, đám cưới, đám ma.) Chúng có thể diễn ra theo nhiều hướng, chiều ngang, chiều dọc hay đứng một mình.

Do các hình thức liên kết này, giáo sư Robert Putnam (2000) phân biệt ra hai loại vốn xã hội: loại co cụm vào nhau (bonding social capital) và loại vươn ra bên ngoài (bridging social capital). Loại trước tạo nên các nhóm như Mafia ở Ý; loại sau tạo nên các ban hợp xướng, dàn nhạc, các tổ chức phi chính phủ hay các hội từ thiện. Khi trong nước có nhiều đoàn thể thành lập do sự tự nguyện để bảo vệ lợi ích cục bộ của mình và tìm cách tác động vào luật pháp thì những việc ấy sẽ tạo nên một xã hội dân sự. Xã hội này là một xã hội trong đó các nhóm, các đoàn thể góp tay với chính quyền chăm lo mọi mặt của đời sống xã hội mà một mình chính quyền không làm xuể.

Tùy hình thức của vốn, cái co cụm không đem lại lợi ích cho xã hội, chỉ có những tổ chức hay mạng lưới phát triển theo chiều ngang do các cá nhân kết hợp với nhau một cách tự nguyện tạo nên mới làm gia tăng năng suất của xã hội và tạo ra sự gắn bó trong đó. Trong những xã hội mà sự tin cẩn nhau không cao, sự tương tác hàng ngang bị thay thế bởi chính trị với những hệ cấp của nó đi theo hàng dọc thì không có vốn xã hội và cũng chẳng có bao nhiêu hoạt động dân sự (Putnam, 1998).

Vốn xã hội và sự phát triển kinh tế

Trong quyển “Trust: The Social Virtues and the Creation of Prosperity” xuất bản năm 1995, giáo sư Fukuyama đã nghiên cứu niềm tin trong việc tạo nên vốn xã hội, và chú trọng đặc biệt đến sự phát triển kinh tế. Dùng niềm tin như là tiêu chí chính yếu để so sánh cơ cấu kinh tế và xã hội của các nước, ông cho rằng vốn con người và vốn xã hội ảnh hưởng lẫn nhau. Vốn con người có thể làm tăng vốn xã hội. Thí dụ, người có học sẽ ý thức hơn tầm quan trọng của việc săn sóc con cái, và con cái sẽ cố gắng học hành, trau dồi vốn con người của mình để đáp lại cha mẹ.

Niềm tin có thể được hiểu như sự chấp nhận đặt lợi ích của mình vào tay của người khác. Ông nói thẳng: “Chất lượng cuộc sống cũng như khả năng cạnh tranh của một quốc gia tùy thuộc vào một đặc tính văn hóa độc đáo lan tỏa trong quốc gia ấy, đó là mức độ tin cẩn nhau trong xã hội.”  Để minh chứng, ông cho rằng Trung Quốc, Pháp, Ý vì có mức tin cẩn lẫn nhau thấp nên đã mất thế cạnh tranh với Mỹ, Nhật và Đức là những nước có mức tin cẩn nhau cao. Trong một xã hội mà mức tin cẩn nhau thấp thì kinh doanh thường hạn chế trong phạm vi gia đình, không có nhiều đại công ty (nếu không được nhà nước tổ chức hoặc giúp đỡ). Xí nghiệp sẽ dễ bành trướng trong một xã hội mà mức tin cẩn nhau cao.

5 năm sau khi viết như thế, trong một bài tham luận trình bày tại Quỹ Tiền tệ quốc tế, ông định nghĩa: “Vốn xã hội là hành vi mẫu mực không chính thức (informal) phát sinh ngay lập tức và nó thúc đẩy sự hợp tác giữa hai người hay nhiều người (nhường chỗ ngồi cho người già). Các hành vi mẫu mực tạo nên vốn xã hội có thể bắt đầu từ một sự tương tác tự nhiên giữa hai người bạn lên cao cho đến tận các học thuyết phức tạp và tinh vi như Cơ đốc giáo và Phật giáo. Hành vi mẫu mực phải bung ra ngay lập tức (tức thời) trong các mối quan hệ cá nhân cụ thể. Hành vi mẫu mực có đi có lại nằm ẩn trong mọi giao dịch của tôi đối với mọi người, và chỉ trở thành cụ thể trong sự giao dịch của tôi đối với những bạn của tôi.”

Không phải mọi hành vi mẫu mực phát sinh tức thời đều sẽ tạo nên vốn xã hội. Trái lại chỉ có những cái nào giúp cho các nhóm trong xã hội hợp tác với nhau, hay tạo nên sự hợp tác, thì đó mới là hành vi mẫu mực. Đa phần chúng lại là các đức tính truyền thống như lòng trung thực, sự giữ lời hứa, việc thi hành bổn phận một cách đáng tin cậy, sự tương tác và tinh thần trách nhiệm.

Vốn xã hội sẽ làm giảm chi phí khi thực hiện các công việc phát sinh từ các hành vi trang trọng như hợp đồng, mối tương quan giữa các cấp, hay từ quy định của các cơ quan… Thí dụ, hợp đồng bảo rằng phải làm thế này, thế nọ; nhưng nếu hai bên tin nhau thì có thể cắt giảm chúng. Tương tự, trong các nơi không sử dụng kỹ thuật cao, vốn xã hội sẽ tạo ra một hiệu quả cao hơn khi so sánh nó với các kỹ thuật chính thức hiện dùng để phối hợp công việc. Điển hình là phương pháp sản xuất theo dây chuyền của Taylor. Nó được lập tại các xưởng, rất tập trung, lắm giấy tờ, và không hữu hiệu lắm vì các quyết định đưa ra bị đình trệ, hay thông tin bị bóp méo khi đi qua các cấp chỉ huy. Ngày nay, trong nhiều doanh nghiệp, phương pháp Taylor đã bị thay thế bằng một cơ cấu quản trị đơn giản, chú trọng việc chuyển giao trách nhiệm xuống cho các tổ trưởng ở dưới cùng. Các công nhân hiểu biết tình trạng nơi mình làm việc được phép tự quyết định thay vì trình lên trên. Cách này làm cho công việc được thực hiện nhanh chóng hơn, ít tốn kém hơn so với cách làm cũ và nó hoàn toàn tùy thuộc vào vốn xã hội của lực lượng lao động.

Theo ông, vốn xã hội xuất phát từ ba nguồn. Thứ nhất, như các nhà kinh tế đã nêu, là từ sự giao tiếp với nhau liên tục; hai người giao dịch với nhau lâu sẽ thấy cần phải chứng tỏ mình là người trung thực và giữ lời hứa. Thứ hai, là từ các tôn giáo hay hệ thống luân lý. Đó là nguồn gốc của một quyền uy, nó ấn định các hành vi mẫu mực và trông đợi sự tuân thủ không cần suy nghĩ. Những mẫu mực đó không chỉ diễn ra trong các cuộc thương thảo riêng lẻ mà còn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua các qui trình đã được xã hội hóa sử dụng tập quán và thói quen nhiều hơn là lý lẽ. Thứ ba, sự chia sẻ các kinh nghiệm lịch sử cũng tạo nên những hành vi mẫu mực một cách không chính thức và do đó cũng tạo nên vốn xã hội. Thí dụ, cả Đức và Nhật đều đã trải qua các cuộc đình công của thợ thuyền, rồi xung đột chủ thợ với chính quyền trong những năm 1920, 30. Hai chính quyền ấy đã phải trấn áp các nghiệp đoàn lao động độc lập và thay thế họ bằng công đoàn “vàng”. Sau khi hai nước bại trận, họ có cách tiếp cận mềm dẻo hơn đối với việc quản lý các quan hệ lao động; kết quả là ở Đức đã có chính sách kinh tế thị trường xã hội (Sozialmarktwirtschaft) còn ở Nhật là chế độ làm việc suốt đời. Dẫu cũng còn những bất cập, hai định chế này đã đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế của hai nước kia và tạo nên một loại vốn xã hội. 
Thu gọn lại những điều trên, ta thấy vốn xã hội xuất phát từ các đức tính của mỗi cá nhân (trung thực, trách nhiệm, hợp tác…) khi họ tự nguyện kết hợp lại với nhau để làm một công việc chung nào đó. Xin  gọi chúng là các yếu tố tinh thần. Mối tương quan giữa các công trình trong xã hội với vốn xã hội và các yếu tố tinh thần có thể thấy qua một thí dụ là công tác đắp đê chống lụt. Công tác này chính là một công trình của xã hội – mọi người chung sức làm, kẻ cuốc, người đào, ai cũng chăm chỉ (đó là vốn xã hội) – sở dĩ họ làm được như thế vì mỗi người tham gia ý thức được mối lo chung và bổn phận của mình (đó là các yếu tố tinh thần). Xã hội sẽ hoạt động tốt đẹp nhất khi mọi công dân chung lưng đấu cật để thực hiện một mục tiêu chung và do đó chia sẻ một văn hóa của công dân (civic culture). Khi sự tin cẩn lẫn nhau được tích tụ lại nhờ các sinh hoạt tự nguyện, thì đó là vốn xã hội, và nó tạo ra những tài sản chung. Vốn đó làm cho các cố gắng của chính quyền trở nên hữu hiệu.

Vốn xã hội ở ta

Trên cơ sở của các mối tương quan nêu trên, ta sẽ tìm xem vốn xã hội của chúng ta có cao không bằng cách xem xét các yếu tố tinh thần tạo nên niềm tin. Đó là sự trung thực, sự tương tác, tinh thần trách nhiệm và sự hợp tác. Chúng ta sẽ tìm xem cơ cấu xã hội và việc xây dựng con người của chúng ta có giúp làm nảy sinh, duy trì, phát triển những đức tính tốt kia không; chúng có hiện diện trong hai lĩnh vực mà ta xem xét hay không, nếu có thì nhiều hay ít.

Cơ cấu xã hội

Cơ cấu xã hội là điều kiện bên ngoài, là môi trường, giúp tạo nên, nuôi dưỡng những đức tính tốt của một cá nhân. Chúng tôi chọn ba khía cạnh nằm trong cơ cấu xã hội là:  tính giai cấp của chế độ chính trị, việc đoàn ngũ hóa các thành phần dân chúng, và cấu trúc Đảng – chính quyền. Trong ba lãnh vực đó, thì hai lĩnh vực đầu ít nhiều có tính lý thuyết vì chúng là bản chất của chế độ, nhưng sự thực hiện chúng trong những năm gần đây không còn mạnh mẽ như xưa, hay như đáng lẽ phải có theo sách vở. Dẫu sao, chúng vẫn còn, vẫn được khuyến khích và không bao giờ mất trong lý thuyết lẫn thực tế.

Tính giai cấp của chế độ chính trị

Nhà nước chúng ta là của giai cấp công nhân. Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện tính chất này. Không bàn đến tính chất ấy đối với thể chế chính trị; ở đây ta chỉ xét riêng tính giai cấp đối với sự tạo lập vốn xã hội.

Ta tưởng tuợng trên một cái bàn có những ly thủy tinh đựng các chất lỏng khác nhau: nước, xăng, nhớt; mỗi cái ly tiêu biểu cho một giai cấp. Giai cấp vô sản giống như một ly nước đầy. Ở trên cùng của cái ly, nước trong nhất, xuống dưới nước từ từ bớt trong và ở đáy nước đục. Phần nước trong nhất tiêu biểu cho thành phần tiên tiến nhất của giai cấp; sự giác ngộ chính trị của họ là cao nhất. Và đó là giai tầng lãnh đạo của giai cấp. Nước từ từ đục dần ở dưới tiêu biểu cho các thành phần quần chúng có trình độ giác ngộ chính trị khác nhau, mức đó càng thấp thì nước càng đục, cuối cùng nhất là thành phần chậm tiến. Giai cấp vô sản không có nhiều của cải nên sự giác ngộ chính trị là tiêu chí phân loại thành phần. Việc phân loại ấy tạo ra sự phân biệt trong nội bộ và đưa đến đấu tranh khôn nguôi vì tiêu chí phân loại không có hình hài. Chẳng những thế giai cấp này lại còn phải đấu tranh với giai cấp khác để giành quyền uy. Vậy khi nói đến tinh thần giai cấp thì là ám chỉ đến đấu tranh; như thế tinh thần kia không tạo nên sự hợp tác giữa các cá nhân; trái lại nó chấp nhận sự loại trừ nhau. Khi chế độ chính trị mang tính giai cấp thì sự loại trừ kia được thực hiện bằng chính sách phân biệt đối xử, công khai hay âm thầm. Hệ quả của sự phân biệt này là sự ghen ghét, sự kiêu căng xen lẫn nhau trong mối quan hệ giữa các cá nhân.

Khi tinh thần giai cấp được giáo dục qua hệ thống truyền thông thì các trẻ em sẽ tiếp thu. Dù chưa biết sau này sẽ giàu hay nghèo, nhưng em đó đã được dạy về quyền lợi giai cấp và sự bảo vệ quyền lợi ấy, tức là biết đòi, không ngại đấu tranh. Một cách vô tình, em đã được dạy sự ích kỷ và việc ấy lại được hỗ trợ bởi sự phân biệt đối xử nằm sẵn trong xã hội do thể chế chính trị tạo ra. Ngày nay, vì nhiều lý do, tính giai cấp ít được nói đến; nhưng nó vẫn tồn tại tiềm tàng và vì chính đáng nên nó sẽ xuất hiện khi có sự xung đột về lợi ích.

Việc đoàn ngũ hóa.

Ở ta, dân chúng được thúc đẩy gia nhập các tổ chức quần chúng do Đảng lập ra và lãnh đạo (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn, Hội nông dân…). Đó là các tổ chức xã hội chính trị truyền thống. Ngoài ra, còn có các tổ chức xã hội nghề nghiệp do các cơ quan chính quyền hay tư nhân lập.  Cuối cùng là các nhóm tự phát của quần chúng (hội đồng hương, hội ái hữu, cựu học sinh…) Sự hiện hữu của các hội đoàn này có đóng góp vào việc tạo ra các đức tính giúp gây dựng vốn xã hội không?

Đối với các tổ chức truyền thống thì tính chất của chúng cũng giống như các hội đoàn của của giáo hội Công giáo tại các nhà thờ. Sự khác biệt chỉ là người Công giáo khi sinh hoạt trong các đoàn thể kia thì họ có giáo lý trong lòng mình cùng nội quy của hội; trong khi các hội viên của các đoàn thể của Nhà nước chỉ có nội quy. Giống như các hội đoàn của đạo Công giáo, sự hoạt động của các đoàn thể truyền thống không tạo nên vốn xã hội góp vào việc phát triển kinh tế. Có vài lý do. Thứ nhất mục đích của các hội này là chính trị, mà chính trị thuộc kiến trúc thượng tầng, trong khi kinh tế là hạ tầng. Thứ hai, người lãnh đạo các đoàn thể không do đoàn viên bầu mà do Đảng cử vào; nên lo cho hội viên thì ít mà cho mình thì nhiều; thành thử các tổ chức đó đã bị hành chính hóa và nhà nước hóa. Cuối cùng trong các đoàn viên có những người không hẳn là tự nguyện. Hiệu quả của các hội đoàn này có thể thấy qua sự thất bại của công đoàn trong các cuộc đình công gần đây, hay vai trò của Hội Nông dân trong việc hướng dẫn nông dân trồng trọt. Do mục đích của chúng, các đoàn thể này không giao tiếp với nhau theo chiều ngang mà chỉ theo chiều dọc, từ trên đi xuống; do đó hiệu quả của các hoạt động của chúng không tác động gì đến vốn xã hội. 

Về các tổ chức xã hội nghề nghiệp, trừ các hội do tư nhân lập ra thì hoạt động của họ có hiệu quả nhất định đối với ngành nghề của họ, còn các hội do các cơ quan chính quyền là chủ quản thì hiệu quả hoạt động của chúng không cao. Điều đó cũng có những nguyên nhân nhất định. Thứ nhất các hội viên có những lợi ích khác nhau khi tham gia. Thứ hai, lãnh đạo của các hội đoàn đó do cơ quan chủ quản cử; họ không cần sự ủng hộ của hội viên nên không quan tâm đến lợi ích của hội viên. Chỉ trong những trường hợp do áp lực từ bên ngoài vào, như các vụ bán phá giá; họ mới hoạt động hiệu quả trong tư thế tự vệ nhiều hơn là phát triển ngành nghề của mình.

Riêng các hội ái hữu, đồng hương thì hoạt động của chúng có tính tương tế, hiếu hỷ nên không đóng góp vào vốn xã hội. So với trước năm 1975, những người trong bang Triều Châu ở Sài Gòn đã lập ra bệnh viện với hàng trăm giường thì hiệu quả hoạt động của các hội trên không có gì để so sánh.

Gần đây trong các cuộc thảo luận về “Luật về Hội” đã có nhận xét về các hội đoàn ở ta thì tính chất tự nguyện, tự quản của chúng hầu như không có, ý nghĩa và vai trò của chúng đã bị nhà nước hóa nên sự thu hút của hội đối với quần chúng chẳng là bao. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng cần xác định các đoàn thể quần chúng là một định chế nằm trong xã hội dân sự, bên cạnh những định chế khác như nhà trường, giáo hội, truyền thông báo chí. Những sự kiện này chứng tỏ sự đóng góp của các hội đoàn ở ta cho vốn xã hội đang còn là điều ao ước.

Cấu trúc Đảng- chính quyền.

Trong một xã hội mà dân trí chưa cao, nền kinh tế còn đang ở giai đoạn phát triển thì quan niệm “quan chi phụ mẫu” vẫn còn nặng trong dân chúng. Hơn nữa, một vị lãnh đạo chính quyền có thể lên hệ thống truyền thông khuyên bảo dân chúng như một phần trong nhiệm vụ của họ. Vì thế dân chúng vẫn nhìn vào lời nói, việc làm của những quan chức kia như là tấm gương; mà những quan chức ấy lại xuất phát từ cấu trúc Đảng-chính quyền nên ta xem cấu trúc này.

Đảng Cộng sản nắm quyền uy chính trị và hành xử quyền ấy bằng một công cụ là chính quyền; như thế Đảng phải lãnh đạo chính quyền một cách toàn diện và triệt để. Nhân sự do Đảng cử, chính quyền nhận và sử dụng. Trong chiến tranh, cơ chế này rất hữu hiệu vì thua thắng rõ ràng nên trách nhiệm dễ được phân định. Thế nhưng, khi điều hành nền kinh tế trong thời bình thì sự đúng sai của các biện pháp kinh tế đã áp dụng khó biết ngay nên việc ấn định trách nhiệm rất khó. Hơn nữa trong cơ chế Đảng-chính quyền thì người quyết định không làm, còn người làm thì không được quyết định rồi cấp thừa hành của người làm không do người này chọn nên việc quy trách nhiệm lại càng khó hơn. Hậu quả là cái cấu trúc hợp lý trong lý thuyết thì trong thực tế đã tạo ra sự lẫn lộn về trách nhiệm. Các sai phạm của viên chức chính quyền ít bị trừng phạt. Nếu có thì họ được rút về bên Đảng và chịu kỷ luật dành cho đảng viên, một thứ hình phạt được ấn định theo sự nhận thức của người sai phạm, chứ không phải bị áp đặt luật như ở tòa án. Kỷ luật của Đảng đã trở thành sự dung dưỡng cho các sai phạm về lạm quyền ở bên chính quyền và sở dĩ vậy là vì hai lý do (i) bí thư chi bộ do các đảng viên bầu lên, làm gắt quá thì nhiệm kỳ sau không được bầu nữa; và (ii) đồng chí với nhau làm mạnh nhau thì đó là dại dột; phải tha nhau vì trước mắt luôn có kẻ thù giai cấp; dẫu họ là dân chúng. Vậy cấu trúc Đảng-chính quyền không đặt nặng trách nhiệm cá nhân đối với các quan chức chính quyền; người dân nhìn vào họ là tấm gương để bắt chước.

Con tiếp: Vốn xã hội và phát triển (2)

Nguyễn Ngọc Bích

Tác giả