Áp dụng công nghệ cao: Trước hết phải thay đổi tư duy

Việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ không có ý nghĩa gì nếu không theo đuổi mục đích tạo ra được thực phẩm sạch và bảo vệ môi trường. Và để làm được điều đó, cần thay đổi tư duy và thói quen của người nông dân.

Tại hội thảo về Ứng dụng công nghệ cao – kỹ thuật mới để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ngành Thực phẩm – Nông sản sạch do BSA tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Mỹ, tổng giám đốc công ty Rynan Foods có chia sẻ một sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp khá thú vị. Đó là phân bón thông minh. Trên thế giới, loại phân bón này được gọi là phân bón tan chậm có kiểm soát, trong đó các chất dinh dưỡng trong phân hóa học thông thường sẽ được bọc trong ba lớp chất dẻo tan từ từ trong quá trình sinh trưởng của cây. Hiện nay, ông còn bọc bên ngoài lớp chất dẻo này một lớp phim có các chất chiết xuất từ cây cỏ và thiên địch để diệt trừ sâu bệnh. Nhờ vậy, người nông dân tiết kiệm hơn 50% lượng phân bón, chỉ cần bón phân một lần thay vì bốn lần như trước và giảm 60% khí thải nhà kính, giảm ô nhiễm đất do phân bón thất thoát.

Thế nhưng, những người nông dân nào sẽ mua phân bón của ông Thanh Mỹ? Phân bón của ông giá thành đắt gấp gần ba lần so với phân bón hóa học thông thường và mặc dù giúp người nông dân tiết kiệm công lao động nhưng họ chưa nhìn thấy điều đó ngay. Còn tác dụng bảo vệ môi trường của loại phân này? Có lẽ họ cũng chẳng quan tâm lắm.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, có bốn giai đoạn phát triển kĩ thuật khi các quốc gia tiến dần từ tình trạng tự túc lương thực chuyển sang xuất khẩu cạnh tranh trong thời kỳ toàn cầu hóa: Thứ nhất là giai đoạn thiếu ăn, sử dụng kỹ thuật hóa thạch để bảo đảm tự túc lương thực; Thứ hai là giai đoạn dư ăn, tiêu dùng đa dạng, chuyển sang nghiên cứu để phục vụ thị hiếu muôn vẻ tiêu dùng trong nước; Thứ ba và thứ tư lần lượt là giai đoạn toàn cầu hóa và kinh tế xanh toàn cầu, trong đó tập trung nghiên cứu kỹ thuật xanh. Nước ta vừa bắt đầu và vẫn đang loay hoay ở giai đoạn thứ hai trong khi nhiều nước trên thế giới đang ở giai đoạn thứ ba và thứ tư. Vì thế, chúng ta liên tục nhắc đến việc áp dụng tiến bộ KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao vào nông nghiệp để hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn nhưng nó không có ý nghĩa gì nếu như không xuất phát từ động lực “xanh” – nghĩa là bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Và người cần hiểu điều này, trước hết là nông dân vì theo ông Nguyễn Quốc Vọng, chuyên gia nông nghiệp của Đại học RMIT, Úc, nông dân là người bảo vệ môi trường tốt nhất.

Phương thức canh tác lạm dụng thuốc

Một trong những điều mà các diễn giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại bốn buổi hội thảo và giao lưu trong suốt bốn ngày diễn ra hội chợ đó là, “nông dân Việt Nam đã quá quen với phương thức sản xuất lạm dụng thuốc trừ sâu rồi”. Võ Văn Tiếng, chủ thương hiệu gạo Tâm Việt, trồng gạo theo hướng hữu cơ ở Hồng Ngự, Đồng Tháp, kể lại trong một buổi giao lưu tại hội chợ: “Những người nông dân nghèo ở quê đi xịt thuốc [bảo vệ thực vật] cho những người có đất đai nhiều hơn thì một lần họ quảy trên lưng bình xịt 25l nhưng một ngày họ xịt 40-45 bình, cũng nghe câu chuyện đâu đó có những người bị ngộ độc rồi chết trên đồng ruộng”. Tuy nhiên, khi anh ngăn cản gia đình đi theo hướng canh tác này thì nhận được phản ứng của bố: “Mày điên hay sao mà không sử dụng phân hay thuốc hóa học?” và nhất quyết không cho anh một tấc đất nào để trồng thử nghiệm theo hướng hữu cơ.  

Ino Mayu, người sáng lập tổ chức Seed to Table do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, đã lăn lộn với nông dân ở các tỉnh vùng Tây Bắc và Đông Nam Bộ để vận động họ theo đuổi nông nghiệp hữu cơ trong gần 20 năm, cũng thấm thía điều này. Bà từng nói: “Người nông dân Việt Nam, không biết từ hồi nào, đã tự quy định một điều là phải sử dụng thuốc trừ sâu có hiệu quả nhất, có nghĩa là nó phải độc nhất. Khi nào thấy con sâu, xịt cái thuốc này là con sâu phải lăn cù ra chết liền thì họ mới an tâm được”.

Phát triển cộng đồng để phát triển nông nghiệp xanh

Muốn cho người nông dân quen với canh tác sạch, quy trình sạch cần phải thay đổi tư duy, thay đổi thói quen và thậm chí cả cuộc sống của họ. Vì vậy,  Seed to Table của Ino Mayu và sau này còn có dự án ADDA của Đan Mạch không tự nhận mình là các tổ chức phát triển nông nghiệp mà là phát triển cộng đồng. Trong Phiên chợ Xanh Tử tế chiếm một góc khuôn viên Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, có một gian hàng của nhóm nông dân sản xuất rau hữu cơ đến từ Thanh Xuân (Sóc Sơn) và Trác Văn (Hà Nam), là nguồn cung cấp rau cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội như Bác Tôm và Tâm Đạt. Hiện có khoảng 400 hộ (với 45ha) trồng theo hệ thống PGS – Hệ thống đảm bảo có sự cùng tham gia, khởi xướng từ dự án ADDA. Theo hệ thống này, nông dân không “đơn phương độc mã” trên mảnh đất của họ mà liên kết với nhau thành các nhóm sản xuất, tham gia xây dựng các quy chế hoạt động của mình. Họ tham gia giám sát lẫn nhau và đưa ra các quyết định, đồng thời tự chịu trách nhiệm về các hành vi sản xuất và sản phẩm của mình trước người tiêu dùng (mỗi bó rau đều có thể truy xuất nguồn gốc đến tận cá nhân sản xuất). Các tiêu chuẩn của PGS Việt Nam đã được Liên đoàn quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ IFOAM công nhận.

“Lúc đầu, tôi không hình dung PGS nó thế nào đâu, chỉ đến khi làm, mới thấy nó thật hay bởi sự tham gia giám sát của cộng đồng, của nông dân đã nâng cao tính chịu trách nhiệm của từng người trong nhóm sản xuất của họ. Chia sẻ lợi ích và chia sẻ trách nhiệm với nhau trong nhóm đã làm họ dần thay đổi thói  quen trong sản xuất. Nông dân sản xuất nhỏ, sao có tiền để đầu tư công nghệ cao. Nhưng nếu tổ chức họ lại, nâng cao năng lực cho họ, giúp họ tiêu thụ sản phẩm sẽ làm họ thay đổi, thay vì để họ đơn độc, muốn làm gì thì làm,” chị Từ Thị Tuyết Nhung, trưởng điều phối mạng lưới PGS Việt Nam, chia sẻ.

Để làm được điều này, phải có những cá nhân, tổ chức phát triển cộng đồng thật sự tâm huyết, lăn lộn thuyết phục và cùng làm việc với những người nông dân và năng động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời kết nối với chính quyền, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức phi chính phủ ở địa phương để nâng cao năng lực và đồng giám sát với người nông dân. Bản thân chị Từ Thị Tuyết Nhung đã phải dành ra gần 10 năm “vật vã” mới có thể nhìn thấy sự thay đổi căn cốt trong thói quen và tư duy của người nông dân.

Sắp tới, rất nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư rất lớn để xây dựng vùng nguyên liệu kết hợp với người nông dân. Họ hỗ trợ cho nông dân từ công nghệ cho đến tập huấn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ đầu ra để họ sản xuất thực phẩm sạch. Nhưng rồi điều đó có thể không mang lại những kết quả bền vững nếu không chú trọng phát triển cộng đồng: “Đối với các doanh nghiệp lớn, họ có nguồn lực và đầu tư lớn để áp dụng công nghệ. Nông dân khi đó sẽ trở thành công nhân cho các đơn vị này. Được đào tạo để biết cách làm ở những công đoạn được giao một cách thụ động, họ sẽ giống robot được điều khiển bởi người quản lý, không tự chủ, không sáng tạo trên chính mảnh đất của mình. Họ nhận đồng lương và an phận về nhà. Tôi tự hỏi, nếu có điều không may xảy ra với các doanh nghiệp này, nông dân sẽ quay trở về số không, bơ vơ, ngơ ngác. Tôi ước, điều này không xảy ra. Mong các công ty phát đạt để đảm bảo quyền lợi cho nông dân” – chị Nhung nói.

Tác giả