CEO Viettel: Chọn việc khó mà làm thì mới dùng được người tài

Chọn việc khó mà làm và biết nhìn nhận bằng tư duy khác biệt, đó là bí quyết thành công của Viettel theo chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng trong cuộc tọa đàm với Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chiều ngày 14/4 vừa qua.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Viettel trao đổi.

Với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong quá trình thúc đẩy chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào phục vụ nền kinh tế – xã hội, hội nghị thường niên dành cho các giám đốc Sở KH&CN các tỉnh năm nay được Bộ KH&CN tổ chức tại Tập đoàn Viettel, trong đó một sự kiện quan trọng là cuộc tọa đàm giữa Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, với nội dung chính là những chia sẻ của người thuyền trưởng Viettel về những bí quyết làm nên thành công của Tập đoàn này, đặc biệt là những bài học về đầu tư cho R&D để tạo ra những đột phá ngoạn mục trong sản xuất và kinh doanh. Sự kiện có sự tham gia của hàng trăm lãnh đạo các Sở KH&CN địa phương cùng các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN.

Bí quyết mà Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với hội nghị vô cùng giản dị, đó là chọn việc khó mà làm và luôn nhìn bằng tư duy khác biệt. Cụ thể là khi mới bước chân vào thị trường viễn thông, thay vì hướng tới tầng lớp khách hàng khá giả như các nhà mạng khác, Viettel lựa chọn hướng tới đối tượng khách hàng đại chúng, với phương châm số lượng khách hàng càng lớn thì chi phí càng giảm – kết quả là chỉ sau vài năm Viettel đã chiếm lĩnh thị phần áp đảo, đánh bại các đối thủ. Tuy nhiên, ngay khi chiếm lĩnh thị trường trong nước, Viettel đã nghĩ ngay đến chinh phục thị trường nước ngoài, bất chấp kinh nghiệm cạnh tranh và am hiểu luật pháp quốc tế còn hạn chế, nguồn vốn còn khiêm tốn (khi đó tổng vốn Viettel chỉ có năm trăm triệu USD, nhỏ hơn rất nhiều với những đối thủ có nguồn vốn hàng trăm tỷ USD). Nhờ có tầm nhìn táo bạo như vậy, ngày nay Viettel đã chinh phục được thị trường 12 quốc gia, dự kiến tới năm 2020 con số sẽ lên tới 20. Một ví dụ điển hình khác là sự đầu tư mạnh dạn để phủ sóng cho công nghệ 4G. Trong khi các công ty viễn thông thường đầu tư dần dần trong quá trình nâng cấp công nghệ để giảm chi phí, khiến trước đây Việt Nam phải mất 20 năm để phủ kín công nghệ 2G, và gần 10 năm cho 3G, thì ngày nay Viettel lại xác định triển khai công nghệ 4G trong thời gian sớm nhất, đặt ra bài toán làm sao phủ kín 4G chỉ trong vòng 6 tháng, qua đó hình thành một hệ thống nền tảng hạ tầng viễn thông 4G đi đầu trên thế giới.

“Cái gốc cho sự phát triển của Viettel ngày nay chính là ‘tìm việc khó nhất để làm”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. Ông cũng nhận định, chính vì luôn tìm việc khó để làm nên Viettel mới cần đến người tài và dùng được người tài, đồng thời qua đó nhu cầu đầu tư cho KH&CN mới trở nên hiện hữu thiết thực.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ bí quyết phát triển công nghệ trong thời đại ngày nay không đơn thuần là tìm cách nhận chuyển giao máy móc, xây dựng nhà xưởng, thuê chuyên gia. Ông ví von “quá trình tự tích luỹ, học hỏi công nghệ chiếm tỉ trọng 70-80%”, phần còn lại là bí quyết know how phải học từ nước ngoài, đôi khi chỉ đơn giản là sự suy luận từ một câu nói tình cờ nghe được. Nói cách khác, phần know how này có nắm bắt được hay không là do cơ duyên, và cơ duyên chỉ đến khi bản thân ta đã nỗ lực để tự đi hết 70-80% chặng đường.

Một bí quyết quan trọng khác của Viettel là tư duy quản trị theo kết quả đầu ra thay vì kiểm soát đầu vào. Với tư duy này, quỹ KH&CN do Viettel trích lập được sử dụng theo nguyên tắc cho vay, nghĩa là người đăng ký sử dụng không chỉ làm ra sản phẩm mà còn phải bán được, sau một thời gian phải tạo thành nguồn thu để trả lại cho tập đoàn cả vốn lẫn lãi. Các viện nghiên cứu không chỉ tự nghiên cứu mà còn liên kết, thuê khoán các cá nhân, tổ chức nghiên cứu bên ngoài. Điều quan trọng là họ phải tích hợp được các kết quả công nghệ do bên ngoài cung cấp, tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh và giải quyết được đầu ra. Theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là phương thức mà Viettel học được từ Boeing, một tập đoàn làm công nghệ nổi tiếng trên thế giới nhưng bản chất thực là “họ liên kết với hàng nghìn công ty cung cấp công nghệ, công việc thực sự của họ là tập trung làm thị trường”.

Với tầm nhìn và tư duy linh hoạt như vậy, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các nhà nghiên cứu có rất nhiều cơ hội hợp tác với Viettel. Ông cho biết Quỹ KH&CN của tập đoàn đang tích lũy ngày càng lớn, không chỉ phục hồi phần kinh phí đã chi cho các dự án nghiên cứu mà còn thu thêm cả phần lãi lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hằng năm, ngoài phần kinh phí cấp cho các dự án nghiên cứu cả trong và ngoài tập đoàn, Viettel vẫn còn hàng nghìn tỷ đồng nhàn rỗi. Vì vậy, ông bày tỏ mong muốn các cá nhân, tổ chức nghiên cứu trong nước hãy tận dụng cơ hội này. “Chúng ta vẫn đang bỏ lỡ nhiều nguồn lực”, ông nói. 

Qua buổi nói chuyện, bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã có những trao đổi đầy hứng thú về đổi mới cách quản lý nghiên cứu ứng dụng và khả năng hợp tác nghiên cứu giữa Viettel với các đơn vị nghiên cứu khác trong thời gian tới. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh còn nêu vấn đề về khả năng phát huy nền tảng viễn thông 4G của Viettel để tạo những “kho tri thức số” thiết thực phục vụ đại chúng, đặc biệt là bà con nông dân. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây cũng chính là một mục tiêu quan trọng mà Viettel cùng các đối tác đang tâm huyết theo đuổi, và kỳ vọng rằng dự án này sẽ mang lại những lợi ích lan tỏa trên diện rộng trong xã hội.

Tác giả