Chính phủ và khởi nghiệp

Chính phủ Singapore đã góp phần lớn trong việc đưa hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore từ con số không đến một trong mười nơi đáng khởi nghiệp nhất thế giới1.


Khu tổ hợp Launch Pad gồm Blk 71, Blk 79, Blk 73. Ảnh: http://www.jtc.gov.sg/

Nhắc đến khởi nghiệp ở Singapore, người ta nghĩ ngay đến Block 71 (Blk 71) – nơi được tạp chí The Economist mệnh danh là “hệ sinh thái khởi nghiệp cô đọng nhất trên thế giới”. Câu chuyện khởi đầu của Blk 71 khá giống với sự ra đời của tổ hợp sáng tạo Zone 9 ở Hà Nội, đều xuất phát từ một tòa nhà cũ nát và tưởng như không còn giá trị sử dụng. Blk 71 được thành lập bởi NUS Enterprise – một đơn vị trực thuộc Đại học quốc gia Singapore được thành lập nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học tập và giảng dạy. NUS Enterprise tập hợp các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin và “đặt” họ trong tòa nhà này với giá thuê rất rẻ. Hơn hai năm sau đó, không biết đây chính là một cộng đồng startup đang hình thành và thấy rằng tòa nhà quá xuống cấp, Chính phủ Singapore quyết định dỡ bỏ và yêu cầu các công ty rời đi. Các công ty và NUS Enterprise phản đối điều này. 

Kết cục của câu chuyện đó? Chính phủ Singapore không những cải tạo lại khu nhà này, biến nó thành Blk 71 – một nơi khang trang đẹp đẽ mà còn xây một loạt các block khác quanh đó: Blk 73, 79 cho các startup. “[Chính phủ] không những hiểu startup mà còn cho thêm nữa. Hỗ trợ cỡ đó chắc khó tìm [thấy ở nước khác]” – Đỗ Trần Anh Minh nói. Anh từng làm biên tập viên của TechInAsia, một trang blog về hệ sinh thái khởi nghiệp ở các nước Đông Nam Á, và bây giờ đang làm giám đốc truyền thông của Vertex Venture – một trong bốn quỹ đầu tư lớn nhất Singapore.

Tổ hợp các block này hiện giờ được gọi là Launch Pad, nhìn tổng thể giống như một khuôn viên của một trường đại học: các tòa nhà thông nhau, sân bóng rổ, nhà ăn tập thể, hội trường, những người trẻ tuổi năng động tán gẫu trên ghế đá… Anh Lê Thanh Sơn, giám đốc Startup Grind Singapore, một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp do Google đầu tư có mặt trên khắp thế giới, ví khu Launch Pad như một “bo mạch”, các công ty đến chỉ cần “cắm vào” là “chạy” được bởi vì ở đây đã hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh, hỗ trợ startup từ cơ sở vật chất, dịch vụ cho đến cộng đồng. Chính vì thế, không chỉ có các startup, các tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Qualcomm… hay Singtel (tập đoàn viễn thông lớn nhất Singapore) muốn tìm kiếm các nhân tố đổi mới sáng tạo cũng đặt vườn ươm hoặc tổ chức sự kiện định kỳ tại đây.

Hiện nay có hơn 500 startup đang làm việc tại LaunchPad, riêng Blk 71 đã có 250 startup làm việc, gần 30 quỹ đầu tư và vườn ươm. Nếu không có trợ giá của chính phủ, giá thuê văn phòng không thể rẻ đến thế ở một đất nước “đất chật” như Singapore. Tiền thuê một chỗ ngồi tại co-working space của NUS Enterprise trong Blk 71 là 200 SGD, chưa đến 1/20 thu nhập đầu người ở Singapore và cho một văn phòng rộng 90 m2 chỉ vào khoảng 1700 SGD (chỉ bằng 2/3 tiền thuê nhà ở HDB – chung cư do Chính phủ Singapore xây và cho người dân đểu có thể thuê hoặc mua với giá rẻ). Người thuê cũng được sử dụng điều hòa miễn phí 55 tiếng mỗi tuần.

Cải thiện năng lực đầu tư mạo hiểm

Cách đây hơn 10 năm, hệ sinh thái của Singapore không có gì đáng kể: chỉ có một vài startup về công nghệ thông tin và số quỹ đầu tư rất ít ỏi. Trong vòng ba năm trở lại đây, Singapore trở thành một trong mười hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất thế giới. Gavin Lee, quản lý đầu tư của Wavemakers Ventures, một quỹ đầu tư của Mỹ có văn phòng đặt tại Blk 71 kể lại rằng, vào năm 2013, sau khi tốt nghiệp tại Mỹ và làm một thời gian tại văn phòng quỹ Matrix Partners (Mỹ) ở Trung Quốc, trở về nước, anh không thấy nhiều cơ hội nghề nghiệp cho mình: chỉ có vài ba quỹ lớn có lợi nhuận và một loạt quỹ nhỏ đều chưa exit2. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã khác.

Singapore học tập Israel trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, bắt đầu từ khâu cải thiện môi trường đầu tư. “Vài ba quỹ lớn có lợi nhuận” của Singapore nói trên, ra đời cách đây vài chục năm, thường chỉ đầu tư cho các công ty đã trưởng thành, hoạt động được vài năm và nhận đầu tư lớn 1-5 triệu USD, còn các startup ở giai đoạn đầu chỉ cần vài chục đến vài trăm ngàn USD thì họ không mấy quan tâm. Quỹ Nghiên cứu quốc gia Singapore (NRF – National Research Foundation) đã đưa ra hai chương trình để cải thiện điều này: Một là Early Stage Ventures Fund (ESVF), các quỹ tư nhân sẽ được chính phủ đầu tư đối ứng 10 triệu SGD theo tỉ lệ 1:1 (tức là nếu nhận được 10 triệu SGD, họ sẽ phải gọi vốn được thêm 10 triệu SGD nữa, tổng giá trị của quỹ là 20 triệu SGD). Hai là Technology Incubation Scheme (TIS) với lời “đề nghị” hấp dẫn hơn nữa, chính phủ đầu tư nửa triệu SGD vào một quỹ đầu tư theo tỉ lệ đối ứng 6:1, với điều kiện quỹ phải tích cực cung cấp mentor và hướng dẫn cho startup. Hai chương trình này kéo dài mười năm. Nếu việc đầu tư có lợi nhuận, các quỹ này có thể mua lại cổ phần của chính phủ trong các startup trong vòng 3-5 năm. Còn nếu không, họ cũng không mất gì, ngoài việc mỗi năm trả cho chính phủ 5% số tiền họ đầu tư năm đó. 

Chính sách này của Singapore, một phần giúp cho các startup nhận được “cú hích” ở giai đoạn đầu nhưng quan trọng hơn, giúp nâng cao năng lực đầu tư của khu vực tư nhân, giúp họ “thoải mái hơn” trong việc đầu tư mạo hiểm. “Với chiến lược cùng đầu tư của NRF như TIS và ESVF, chính phủ thực sự khuyến khích doanh nghiệp góp tay vào việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp bằng quỹ tư nhân. Một khi mọi người bắt đầu đầu tư, những kết quả sau đó giúp chính phủ theo dõi để tăng thêm nhiều quỹ đầu tư hơn nữa. Giờ thì chính phủ đã có thể nhấc chân ra khỏi làn sóng này và tiếp tục hỗ trợ những lĩnh vực khác. Các cơ hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin giờ đây đã tăng lên rất nhiều so với lúc tôi quay trở về Singapore ba năm về trước và một phần là nhờ sự lãnh đạo rõ ràng và hỗ trợ mạnh mẽ cho khởi nghiệp của Chính phủ Singapore. Hi vọng rằng chúng tôi có thể từng bước mạnh lên, tạo ra những thành công lớn ở Đông Nam Á trong những năm tới” – Gavin Lee nói. 


Một góc làm việc của NUS Enterprise: Bàn bóng bàn được biến thành bàn làm việc

Tác động vào mọi thành phần của hệ sinh thái

Điều khiến Singapore khác với Israel và nhiều nước khác, đó là không chỉ xây dựng hệ thống các quỹ đầu tư mạo hiểm mà quốc gia này hỗ trợ đồng loạt tất cả các thành phần của hệ sinh thái, đảm bảo từ sinh viên đến startup ở bất cứ giai đoạn nào đều hứng thú khởi nghiệp và có cơ hội tiếp cận vốn. Tại sao lại “mất công” như vậy? Vì nếu chỉ tập trung vào quỹ thì lấy đâu ra startup để đầu tư? Câu hỏi có vẻ “ngô nghê” nhưng thực tế cho thấy, JFDI – một trong những khóa tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên ở Singapore chỉ có thể tìm được khoảng 10 startup để đầu tư phát triển từ giai đoạn ý tưởng đến lúc thương mại hóa sản phẩm cho mỗi khóa kéo dài 100 ngày. Với một quỹ 6 triệu USD, số lượng startup đầu tư như vậy là quá ít.

 “Việc tiếp cận nguồn tài chính với các startup không còn là vấn đề nữa. Điều quan trọng hơn là thay đổi tâm lý và văn hóa trở nên đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp và thu hút những nhà đầu tư, mentor – những người có mối liên kết đủ rộng và kiến thức để giúp các startup vươn ra toàn cầu” – Lujie Chen, người phụ trách mảng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của quỹ NRF nói với phóng viên Tia Sáng. Hầu hết các cơ quan liên quan đến nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế của Chính phủ Singapore đều tham gia hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo nhiều cách khác nhau nhằm thay đổi văn hóa khởi nghiệp từ trường đại học – vốn còn yếu ở đây vì xã hội Singapore coi trọng công việc tốt ở chính phủ hoặc các tập đoàn lớn, có lương cao hơn là ra ngoài khởi nghiệp.

Năm năm vừa qua, NRF đầu tư khoảng 400 triệu SGD cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Bên cạnh hai chương trình cùng đầu tư mạo hiểm với tư nhân nói trên, NRF đầu tư cho khối đại học để khuấy động không khí khởi nghiệp và kéo khối học thuật lại gần với khối tư nhân. Trong vòng năm năm tới, kinh phí dành cho khu vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của họ sẽ là một tỉ SGD, bao gồm cả các chương trình thúc đẩy liên kết giữa viện – trường. Văn phòng của NRF nằm trong khuôn viên của NUS. NRF tài trợ cho đại học này một khoản tiền trong vòng năm năm để tùy ý sử dụng để tổ chức sự kiện kích thích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên. NUS mỗi năm đều có chương trình gửi sinh viên học khởi nghiệp tại đại học ở các trung tâm khởi nghiệp tại Sillicon Valley (Mỹ), Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc), Tel Aviv (Israel)…”Họ mang về Singapore virus khởi nghiệp” – anh Lê Thanh Sơn nói. NUS Enterprise cũng tổ chức các buổi trò chuyện về khởi nghiệp hằng tháng và hằng năm lại tổ chức InnovFest Unboud, một chuỗi sự kiện kéo dài một tuần, quy tụ những nhà khởi nghiệp, nhà khoa học, công ty lớn tới trao đổi về các xu hướng mới nhất trong công nghệ thông tin phục vụ cho một quốc gia thông minh (Smart Nation). NRF cũng xây dựng một phòng lab (Additive Manufacturing Cluster) ở Đại học Công nghệ Nanyang – NTU để ươm tạo các startups chế tạo và sử dụng công nghệ in 3D.  

Bên cạnh NRF còn có IDA – cơ quan phát triển lĩnh vực công nghệ viễn thông tại Singapore. IDA điều hành Infocomm Investment – một quỹ trị giá 200 triệu SGD chủ yếu để đầu tư cho các vườn ươm và các khóa tăng tốc khởi nghiệp và cung cấp cho họ một không gian làm việc chung rộng hơn 2000 m2 đầy cảm hứng. Quỹ này cũng chủ động xây dựng văn phòng ở Anh và Mỹ, cho phép các startup được quỹ này đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp có thể ra nước ngoài tìm thị trường. EDB (Economic Development Board – Ban phát triển kinh tế của Chính phủ Singapore, có nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài) đầu tư vào các công ty khởi nghiệp hoặc công ty công nghệ lớn (mỗi lần đầu tư khoảng 20 – 50 triệu SGD) trên thế giới và yêu cầu họ chuyển những bộ phận quan trọng (chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển) về Singapore để nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nước. 

Mặc dù ưu tiên hình thức đầu tư đối ứng nhưng Chính phủ Singapore vẫn dành một khoản ngân sách để tài trợ cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, chẳng hạn như SPRING (thuộc Bộ Thương mại Singapore) tài trợ 70% kinh phí hoạt động cho các vườn ươm với mục đích tăng không gian làm việc chung và mentor tại Singapore và ACE (Action Community for Entrepreneurship) – một tổ chức phi lợi nhuận do chính phủ tài trợ (trước đây là cơ quan nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thương mại điều hành) kết nối và tổ chức sự kiện cộng đồng startup. 


Ở hành lang trong các Blk, các bức tường được “trang trí” bởi thông báo tuyển dụng và thông tin sự kiện của startup.
Ngoài ra còn có cả bàn bóng tay. 

Hiểu biết và quyết định liên bộ, liên ngành

Vậy, làm thế nào không đưa ra các chương trình trùng lặp mặc dù có vô số cơ quan chính phủ, ở các cấp bậc khác nhau cùng tham gia hỗ trợ startup? Các Bộ của Singapore làm việc rất ăn ý với nhau. Đỗ Trần Anh Minh đưa ra một ví dụ về người bạn của mình, Aaron Miami, phải luân chuyển công việc giám đốc dự án qua hai Bộ theo chương trình Public Service Leadership Programme (Chương trình lãnh đạo cho dịch vụ công) của Chính phủ Singapore – chương trình nhằm tìm kiếm những người lãnh đạo trong lĩnh vực dịch vụ công. Theo đó, trong bốn năm đầu, họ phải luân chuyển qua hai bộ làm việc ở những vị trí chủ chốt. Đến năm thứ năm, những người tham gia chương trình phải chia sẻ cho nhau kiến thức và kĩ năng học được. Và cuối cùng, họ sẽ đưa ra lựa chọn cuối cùng xem mình sẽ làm ở Bộ nào trong hai Bộ ban đầu. Hiện nay có 200-300 người đang tham gia vào chương trình này và nó cung cấp cho họ những kĩ năng và hiểu biết để có thể thiết kế những nhiệm vụ, dự án liên kết năng lực và chuyên môn giữa các bộ.    

Bộ máy của NRF cũng là ví dụ điển hình cho việc sự liên kết này. Quyết định và triển khai đều được thực hiện bằng ban điều hành các cấp bao gồm các thành viên đến từ các Bộ khác nhau. Ban điều hành của NRF là Phó Thủ tướng Singapore và các Bộ trưởng. Họ là người thảo luận và đưa ra bốn hướng ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Singapore. Hội đồng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của NRF – bộ phận thúc đẩy khởi nghiệp trong bốn lĩnh vực trên, bao gồm những người đến từ các cơ quan như SPRING, EDB, NRF… Mỗi quý, hội đồng này sẽ họp và địa điểm họp không cố định. “Mặc dù các chương trình của chúng tôi là tách biệt. Nhưng chúng tôi làm việc thân thiết với nhau và đảm bảo rằng mình tập trung vào các hướng khác nhau”- Lujie Chen cho biết. Sắp tới, SPRING, EDB, IDA, NRF…sẽ cùng hợp tác lập ra chương trình SG Innovate – giống như “một cửa” để các startup có thể tiếp cận đồng thời thông tin và hỗ trợ từ tất cả các chương trình của Chính phủ Singapore. 

Các cơ quan công quyền của Singapore cũng làm việc rất gắn kết với khối khu vực tư nhân. “Nhà nước không phải là người đầu tư tốt nhất, chúng tôi phải hợp tác với các nhân tố giỏi nhất ngoài kia” – Lujie Chen nói. Để lựa chọn hỗ trợ các quỹ đầu tư nhỏ cho hai dự án TIS và ESVF, NRF phải thành lập một ban đánh giá đa dạng các thành phần bao gồm cơ quan đầu tư nhà nước (EDBI), các quỹ đầu tư của các tập đoàn lớn như Temasek, Singtel, các quỹ đầu tư trẻ và cả các công ty lớn.

“Phong cách” làm việc gần gũi giữa các Bộ và giữa nhà nước với tư nhân khiến Singapore có một môi trường kinh doanh cởi mở và linh hoạt vì các quyết định được đưa ra nhanh chóng mà có thể không cần ban hành luật chính thức. Vivian Balakrishnan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore, người chịu trách nhiệm cho dự án quốc gia thông minh của Singapore phát biểu trong sự kiện Innovfest Unbound năm ngoái, cho phép triển khai Fintech (Công nghệ tài chính – một lĩnh vực chưa hợp pháp ở Singapore):  “Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) quyết định rằng chúng ta sẽ tạo ra một cái gọi là “hộp cát trong luật” (regulatory sandbox) cho các tổ chức tài chính và các công ty Fintech…Điều đó có nghĩa là, nếu bạn có một ý tưởng, sản phẩm hoặc dịch vụ trong lĩnh vực tài chính – bạn có thể làm việc với MAS để sản phẩm của mình ra đời dưới một khuôn khổ lỏng nào đó. Điều đó cho bạn cơ hội để thử nghiệm và phát triển nhanh nhất có thể” – Ông nói thêm. Đó còn chưa kể, Singapore còn dành hẳn 6 km đường để mọi người thí nghiệm xe không người lái. 

Những dự định tương lai

“Chính phủ Singapore sợ quốc gia mình không còn giữ được vị thế nữa. Việt Nam đang lên, Indonesia đang lên. Vậy Singapore sẽ là gì?” – Đỗ Trần Anh Minh lí giải tại sao Singapore lại đầu tư nhiều tiền bạc và nhân lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đến như vậy. Năm 2015, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thành lập Ủy ban vì kinh tế tương lai của Singapore (Committee on Future Economy – CFE) để định vị Singapore trong tương lai, trong đó có một bộ phận phụ trách đổi mới sáng tạo, đi sâu vào startup, trả lời câu hỏi làm thế nào để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ngoài những gì họ đã làm trong những năm vừa qua. “Tại sao chúng tôi nghĩ startup là quan trọng? Vì nó là động lực của phát triển. Chúng tôi muốn thúc đẩy mạnh hơn nữa tư duy đổi mới sáng tạo.” – Lujie Chen nói. 

Trong năm nay, họ sẽ dừng dự án TIS (Technology Incubation Scheme) và ESVF (Early Stage Venture Fund) vì cho rằng họ đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp về công nghệ thông tin đủ sôi động, hiện giờ họ muốn tập trung vào những lĩnh vực giàu tính đổi mới sáng tạo như an ninh mạng, IoT (Internet vạn vật), năng lượng sạch, robotics,…- những lĩnh vực mà tư nhân chưa để ý tới. Họ sẽ đưa lập trình như một môn học bắt buộc ở trường Trung học phổ thông và có những chương trình ngoại khóa cho học sinh tiểu học để tăng cường nguồn nhân lực trong các ngành STEM. 

Chính phủ Singapore từng đồng hành với các nhà khởi nghiệp và bây giờ, họ cố gắng đi trước. như Dr. Vivian Balakrishnan phát biểu ở Innofest Unbound năm ngoái: “Chúng tôi nhìn vai trò của chính phủ là xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy năng lực, tập trung vào R&D, đổi mới sáng tạo chính sách và xây dựng một môi trường thuận lợi, như vậy những startup của mình, hoặc những người có ý tưởng điên rồ mới có thể theo đuổi những ‘bước nhảy tới mặt trăng”. 

——-

1 https://www.techinasia.com/compass-startup-ecosystem-ranking-report-2015-singapore

2 Bán được cổ phần của các công ty họ đầu tư. Đây là cách để các quỹ đầu tư mạo hiểm thu lãi.

 

 

 

 

Tác giả