Công trình nghiên cứu đầu tiên về vắc xin ho gà trên phụ nữ mang thai ở Việt Nam

“Vắc xin ho gà trên phụ nữ có thai tại Việt Nam: kết quả của một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên” (Pertussis vaccination during pregnancy in Vietnam: results of a randomized controlled trial) là công trình nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam áp dụng việc tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà – bạch hầu - uốn ván cho phụ nữ có thai tại thời điểm 18 - 36 tuần tuổi thai nhằm tăng cường miễn dịch, chủ động phòng bệnh ho gà từ mẹ truyền cho con *.

Các mẫu máu được phân tích tại phòng thí nghiệm Khoa Vi khuẩn, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Nguồn: TTXVN

Dù vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) hơn 30 năm nay và số trường hợp mắc ho gà trên 100.000 dân giảm từ 90 (năm 1981) xuống 0,06 (năm 2013) nhưng trong thời gian gần đây, ho gà vẫn là mối quan tâm của Việt Nam vì tỷ lệ mắc bệnh ho gà tiếp tục tăng ở những trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng. Đáng lo ngại là đa số các trường hợp mắc ho gà nặng và tử vong xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ – đối tượng chưa được tiêm phòng.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, hàng năm ước tính có khoảng 50 triệu ca mắc ho gà, trong đó 95% ở các nước đang phát triển và xấp xỉ 300.000 ca tử vongở những trẻ không được tiêm phòng đầy đủ, dưới 6 tháng tuổi. Nhiều chiến lược sớm bảo vệ trẻ phòng bệnh ho gà đã tập trung vào xem xét việc giảm đi (hoặc không còn kháng thể do mẹ truyền và việc trẻ được tiêm vắc xin khi mới sinh. Trên thực tế, việc tiêm phòng trẻ sơ sinh đã có thành công đáng kể nhưng khả năng bảo vệ trẻ khỏi bệnh ho gà chỉ bắt đầu sau vài tuần, trái với khả năng miễn dịch chủ động từ kháng thể do mẹ truyền, có tác dụng bảo vệ từ những giờ đầu tiên sau sinh.

Vì vậy, khi bắt tay vào thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi cho rằng, cần phân tích lại yếu tố dịch tễ và các chiến lược tiêm chủng, bao gồm cả việc mở rộng đối tượng tiêm vắc xin ho gà vô bào cho phụ nữ mang thai, qua đó đề xuất phương án tiêm phòng vắc xin cho phụ nữ trước khi mang thai nhằm bảo vệ tối ưuhọ và thai nhi trước các bệnh truyền nhiễm.

Nằm trong khuôn khổ hợp tác song phương Việt – Bỉ (FWO-NAFOSTED), đề tài nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2016 và tiến hành tại ba xã Bắc Lý, Đức Lý và Nhân Chính (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) với hai nhóm đối tượng: Nhóm 1 gồm phụ nữ có thai (18-36 tuần), tuổi từ 18 – 40 tuổi khoẻ mạnh; Nhóm 2 gồm trẻ sơ sinh (được được sinh bởi những bà mẹ tham gia vào nghiên cứu) khoẻ mạnh. Thời gian thực hiện tiêm phòng vắc xin, lấy máu, theo dõi cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi là từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2015.

Một trong những nét đặc biệt của công trình này là đảm bảo nội dung y đức theo quy định của ngành y tế Việt Nam và Bỉ. Vì vậy, việc tiêm phòng cho đối tượng nghiên cứu tuyệt đối tuân thủ qui trình chuẩn của Hội đồng Y đức Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bộ Y tế Việt Nam và Hội đồng Y đức trường ĐH Anwerpt. Sau giai đoạn nghiên cứu, trẻ còn được theo dõi một thời gian và được tiêm bổ sung một liều vắc xin hexavalent tại thời điểm tháng 18-24 (trước tiêm phòng) và tháng thứ 19 -25 (sau khi tiêm phòng). Các mẫu máu được phân tích tại phòng thí nghiệm khoa Vi khuẩn, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và ĐH Antwerp, Bỉ.

Công bố trên tạp chí Vaccine của nhà xuất bản Elsevier, công trình “Vắc xin ho gà trên phụ nữ có thai tại Việt Nam: kết quả của một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên” có ý nghĩa khoa học:

 – Đánh giá được tính an toàn của vắc xin phòng ho gà – bạch hầu – uốn ván (là loại vắc xin hấp phụ, giải độc tố uốn ván, giải độc tố bạch hầu giảm liều và ho gà vô bào) trên phụ nữ có thai tại Việt Nam. Đây là bằng chứng góp phần khuyến cáo sử dụng vắc xin này cho phụ nữ có thai nhằm phòng bệnh ho gà – bạch hầu – uốn ván, với một liều duy nhất.

– Đánh giá đáp ứng kháng thể ho gà ở máu bà mẹ và cuống rốn sau khi tiêm phòng vắc xin ở thời kỳ mang thai. Sau khi tiêm vắc xin đáp ứng miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể kháng ho gà, bạch hầu, uốn ván ở các bà mẹ đều tăng cao so với trước khi tiêm. Đồng thời, nồng độ kháng thể ở máu cuống rốn cao hơn rõ rệt ở nhóm trẻ là con của những phụ nữ được tiêm vắc xin phòng bệnh khi mang thai và chứng minh khả năng bảo vệ trẻ ở giai đoạn khi mới sinh và trước khi tiêm mũi vắc xin phòng bệnh ho gà đầu tiên theo lịch của chương trình Tiêm chủng quốc gia.

– Đánh giá việc tiêm phòng đủ 3 mũi theo lịch của chương trình TCMR đã đảm bảo hiệu quả phòng bệnh ho gà ở trẻ sau tiêm.

– Đánh giá sự tương tác khi tiêm nhiều kháng nguyên và ảnh hưởng của kháng thể do mẹ truyền đối với đáp ứng vắc xin bạch hầu và uốn ván.

Chúng tôi đã đưa ra được các bằng chứng khoa học chứng minh tiêm phòng ho gà (vắc xin ho gà vô bào) cho phụ nữ có thai là an toàn và có thể sử dụng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ho gà ở trẻ nhỏ, qua đó bước đầu đánh giá được tính sinh miễn dịch, các phản ứng phụ sau tiêm chủng, từ đó có cơ sở khuyến cáo sử dụng vắc xin ho gà cho phụ nữ có thai nhằm bảo vệ tốt nhất cho trẻ trong những tháng đầu đời khi chưa được tiêm vắc xin phòng ho gà theo chương trình TCMR.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng góp phần cung cấp các bằng chứng khoa học cụ thể cho Bộ Y tế, chương trình TCMR để xây dựng, bổ sung các chiến lược phù hợp cho việc tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà với mục đích phòng bệnh và tăng cường sức khoẻ trẻ em tại Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của đề tài còn gợi mở các hướng nghiên cứu khác, không chỉ tập trung ở bệnh ho gà mà còn cung cấp các thông tin về mức tồn lưu kháng thể kháng bạch hầu ở các phụ nữ Việt Nam là thấp không đủ khả năng phòng bệnh. Từ khía cạnh chẩn đoán huyết thanh học và dịch tễ học, đề tài còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, giám sát dịch bệnh trong quá trình nghiên cứu bệnh lâu dài, đồng thời nâng cao chất lượng phòng và ngăn ngừa bệnh lây lan trong cộng đồng – một trong những mục tiêu then chốt của ngành Y tế. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực chuyên môn, hợp tác nghiên cứu khoa học của cán bộ nghiên cứu ở Việt Nam cũng là một trong những thành quả đáng ghi nhận mà đề tài đã thu được.

———-

*  Công trình được đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017, có thể tham khảo trên https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/26529073

Tác giả