Đánh giá quả khai thác tài nguyên đáy biển

Nhiều loại tài nguyên với khối lượng lớn, có giá trị cao, đang ngủ yên dưới đáy biển, nhưng việc khai thác chúng có thể gây hậu quả sinh thái khôn lường. Vì vậy các nhà nghiên cứu tìm cách đánh giá trước nguy cơ này.

Jules Verne đã viết trong cuốn sách “20.000 dặm dưới đáy biển” xuất bản năm 1870 rằng thuyền trưởng Nemo đã tận dụng tài nguyên dưới đáy biển. Giờ đây điều viễn tưởng đã trở thành hiện thực. Dưới đáy đại dương có nhiều kim loai rất cần thiết đối với nền công nghiệp công nghệ cao. Chúng ẩn trong các cục mangan, trong lớp vỏ mangan-sắt có nhiều cobalt và một lượng lớn sulfide. Đây là mối làm ăn trị giá nhiều tỷ đôla.

Ở độ sâu dưới 5000 mét dưới đáy biển có vô vàn cục mangan to như nắm tay. Nhưng sau một đợt thu hoạch luôn để lại dấu ấn của sự tàn phá. Dưới sự chủ trì của trường đại học Hamburg, năm 1989 các nhà khoa học đã cầy xới trên diện tích 11 km2 ở đông nam Thái bình dương.

29 năm sau, các nhà khoa học đã cho robot thợ lặn được điều khiển từ xa lặn xuống đáy biển và chụp hình. Kết quả thật đáng ái ngại. “Chỗ đó vẫn hoàn toàn không khác gì hồi xưa”, theo Matthias Haeckel thuộc Trung tâm GEOMAR Helmholtz về nghiên cứu đại dương ở Kiel.

Điều gây bất ngờ đối với các nhà khoa học biển là ngay cả đến các vi sinh vật cũng chưa được hồi phục hoàn toàn.

Sự tái sinh kéo dài hàng trăm năm

Một khi bị tàn phá, diện tích này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực rất lâu dài. Theo ước đoán của Haeckel thời gian để các vi sinh vật có thể hồi phục kéo dài từ 50 đến 60 năm. Sau đó các loài như giun, ốc, bọt biển, dưa chuột biển, sao rắn và bạch tuộc nhỏ mới tái xuất hiện. “Dưới đáy biển đa dạng sinh học vô cùng phong phú”, theo Haeckel. Thậm chí có nhiều loài sinh vật còn chưa được biết đến. Sau mỗi chuyến đi khảo sát, nghiên cứu các nhà khoa học luôn phát hiện được hàng trăm loài mới.

Sao biển màu đỏ

Thời gian hồi phục của đáy biển sau khi bị thâm nhập có thể kéo dài cả trăm năm. Ở dưới đáy biển sâu, mọi sự diễn ra dường như chậm chạp hơn. Sự vận động của động vật cũng như sự phát triển của chúng đều chậm hơn, mọi sự diễn ra một cách dè dặt vì nguồn thức ăn khan hiếm. Sự “lớn lên” của các cục mangan cũng diễn ra vô cùng chậm chạp. Để đường kính tăng từ 10 đến 20 millimet chúng cần có thời gian cả triệu năm.

Có những cục mangan chào đời cách đây 15 triệu năm (rất rất lâu sau đó mới xuất hiện những con người đầu tiên ở vùng thảo nguyên châu Phi – tổ tiên của chúng ta ngày nay). Các cục mangan này chứa nhiều nguyên liệu quý hiếm như đồng, cobalt và nickel. Cùng với lớp vỏ quặng mangan các củ đa kim loại này riêng đối với cobalt có trữ lượng cao gấp 21 đến 23 lần so với trữ lượng ở đất liền.

Sau khi thu hoạch, các cục mangan cổ đại này sẽ bị bóc tách khỏi lớp trầm tích có độ dày khoảng 15 cm – đây cũng chính là lớp có nhiều loài sinh vật sinh sống nhất. Lớp trầm tích bị sục ở dưới nước sau đó lắng đọng dần và che phủ một diện tích đáy biển rộng gấp hai đến ba lần so với diện tích đã thu hoạch và hệ thống sinh thái bị ảnh hưởng. Sự sống trên cục mangan cũng bị huỷ diệt.

Cuộc chiến vì giấy phép

Hiện chưa có giấy phép khai thác trữ lượng quặng ở đáy biển khơi bên ngoài vùng biển kinh tế thuộc nhà nước (khu vực 200 hải lý). Cơ quan quốc tế quản lý đáy biển (International Seabed Authority, ISA) quản lý tài nguyên khoáng sản ở đáy biển. Tuy nhiên các kim loại dưới đáy biển lại thu hút rất nhiều sự quan tâm. 20 quốc gia, trong đó có nhiều nước châu Âu như Bỉ, Pháp, Anh quốc, Ba Lan và Nga, đã đăng ký xin giấy phép để tìm kiếm trữ lượng quặng dưới đáy biển.

Nước Đức cũng có tên trong số này. Năm 2006 Cục Liên bang về khoa học địa chất và tài nguyên (BGR)  Đức ở Hannover nhận nhiệm vụ của Chính phủ Liên bang ĐỨc đã nộp đơn mua giấy phép thăm dò trên diện tích 75.000 km2 tại trung tâm Thái Bình Dương để thu thập mẫu và lập bản đồ không gian ba chiều vùng đáy biển này. Theo ước tính của BGR chi phí đầu tư cho những cục mangan này lên tới 1,0 đến 1,5 tỷ Euro. Tuy nhiên một khối lượng khổng lồ củ mangan tập trung tại đây. Chỉ có thể sơ bộ ước lượng khối lượng này. Các nhà khoa học của BGR phát hiện trên địa điểm khoảng 2.000 km2, một phần của diện tích mà Đức được cấp giấy phép có tới 30 triệu tấn mangan.

Các kim loại chứa trong đó như Nickel, đồng và cobalt cũng tới khoảng 1 triệu tấn và có giá khoảng 334 triệu đôla Mỹ. Bên cạnh đó còn có ít nhất tám khu vực hết sức thú vị và chất chứa đầy mangan.

Một “cánh đồng” đầy các cục mangan dưới đáy biển. Trông có vẻ buồn tẻ, thiếu sức sống – nhưng trong lòng đất chứa chất nhiều loại sinh vật chưa được tìm hiểu, nghiên cứu.

Sự hợp tác của châu Âu?

Từ cuối năm 2014 các nhà khoa học châu Âu hợp tác với nhau xúc tiến dự án MiningImpact, để tìm hiểu về hệ quả sinh thái khi khai thác mỏ ở biển sâu trong tương lai. Những kết quả thu được sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán về “Quy định khai thác” của ISA, đây là bộ quy chế quốc tế quy định về việc khai thác tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển. “Cơ quan ISA khi soạn thảo ‘Quy định khai thác’ cần phải có sự hỗ trợ của công đồng quốc tế các nhà khoa học để qua đó có các tiêu chuẩn tốt nhất về bảo vệ môi trường”, điều phối viên dự án Haeckel giải thích.

Trên thế giới, vấn đề khai thác mỏ ở đáy biển là một điều hết sức mới mẻ và thách thức vô cùng lớn. Việc khai thác diễn ra dưới áp suất cao, không có ánh sáng và ở nhiệt độ 2oC. Cho đến nay chỉ có một số dự án thí điểm nhỏ lẻ. Nhà thầu Bỉ DEME-GSR dự định đến năm 2019 sẽ đưa vào sử dụng nguyên mẫu máy thu thập dưới đáy biển để thu hoạch mangan. Các nhà khoa học cùng làm việc với điều phối viên Haeckel và tầu nghiên cứu SONNE của Đức cũng tiến hành nghiên cứu độc lập thu thập các dữ liệu khoa học về tác động môi trường của thử nghiệm thu hoạch công nghiệp củ mangan.

Các nhà nghiên cứu cũng muốn tìm ra các giải pháp để giám sát “Quy định khai thác” ở đáy biển. Haeckel nói: “Luật biển quốc tế tạo điều kiện để các nước khai thác tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển. Điều này không phải bàn cãi. Tuy nhiên giờ đây chúng ta còn có điều kiện cùng xây dựng điều kiện khung, để không xảy ra tình trạng khai thác bừa bãi, thiếu kiểm soát ở khu vực sống rộng lớn nhất trên trái đất này”.

Hoài Trang dịch
Nguồn: https://edison.handelsblatt.com/erklaeren/mangan-welche-folgen-der-tiefsee-abbau-von-rohstoffen-hat/23143748.html?ticket=ST-2701267-92xRhrR3Uwajv142m9KO-ap5

Tác giả