Đầu tư mạo hiểm không chỉ cần tiền

Sau khi tham dự chuỗi sự kiện về nhà đầu tư thiên thần do Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần iAngel tổ chức tại Việt Nam, TS. Alicia Robb, một nhà đầu tư thiên thần, nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ chia sẻ với Tia Sáng về việc cần phải xây dựng cộng đồng và văn hóa đầu tư mạo hiểm như thế nào.

Alicia Robb chia sẻ với các nhà đầu tư thiên thần nữ. Ảnh: WISE – Tổ chức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh.

Bạn sáng lập một startup, dù đã tiêu hết số tiền hỗ trợ của gia đình và bạn bè nhưng sản phẩm và mô hình kinh doanh vẫn chưa hoàn thiện. Bạn sẽ lấy nguồn kinh phí ở đâu để tiếp tục hoạt động? Đó là lúc những nhà đầu tư thiên thần ra tay “cứu vớt” bạn. Họ bước vào “cuộc đời” startup ở giai đoạn đầu, chấp nhận sự rủi ro lớn hơn nhiều so với các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) và ngân hàng.

Trở thành nhà đầu tư thiên thần không phải là câu chuyện của những người giàu có sẵn sàng “ném tiền qua cửa sổ”. Nhà đầu tư thiên thần còn là những người có mong muốn đóng góp cho xã hội, tham gia định hình tương lai bằng các công nghệ mới. Họ tạo ra một lực đẩy lớn kích thích nền kinh tế đổi mới sáng tạo của Mỹ. Năm vừa qua ở nước này, chỉ có 4000 phi vụ đầu tư thông qua các VC nhưng có đến 75000 thông qua các nhà đầu tư thiên thần.

Đừng tập trung vào tiền…

90% số tiền thu về của một nhà đầu tư đến từ chỉ 25% thương vụ của họ. Điều đó có nghĩa là, phải đầu tư nhiều thì mới có cơ hội thành công. “Nếu bạn chỉ đầu tư vào một – hai công ty rồi ngồi đấy chờ đợi, thì khả năng rất cao là bạn sẽ thất bại và nhụt chí” – TS. Alicia cho biết. Lời khuyên cho những người muốn trở thành nhà đầu tư thiên thần là đầu tư từ 20 đến 25 startup, “thử và sai” trong khoảng 5-6 năm. Vốn bỏ vào mỗi startup trong giai đoạn đầu ở Mỹ là 20.000 – 50.000 USD (ở Việt Nam, số tiền đó sẽ ít hơn, có thể là chỉ khoảng 10.000 USD).

Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng trưởng nhanh rất khác so với đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ truyền thống và đòi hỏi một sự đầu tư kiên trì. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, một cá nhân sẽ đổi tiền đầu tư của mình để lấy một tỉ lệ doanh thu hằng năm của công ty trong tương lai. Trong khi đó, với startup, cá nhân này sẽ đổi tiền đầu tư để lấy một tỉ lệ cổ phần của công ty. Với đặc trưng là tăng trưởng nhanh, giá trị của startup sẽ tăng chóng mặt theo thời gian, kéo theo giá trị cổ phần của nó. Chẳng hạn, 10 USD đầu tư vào Uber năm 2011 hiện nay trị giá hơn 100.000 USD! Ở một mức độ nào đó, càng đầu tư nhiều tiền, thì tỉ lệ cổ phần nhà đầu tư nắm giữ càng cao. Chính vì vậy, các nhà đầu tư thiên thần được khuyên là sau khi đầu tư một loạt các startup ở vòng hạt giống, hãy theo dõi họ và để dành tiền đầu tư tiếp vào những người hứa hẹn trong số đó để tăng lợi nhuận thu về.

Đầu tư mạo hiểm cũng khác so với đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư thiên thần không thể kì vọng mình mua cổ phần hôm nay và có thể bán ra vào ngày mai và năm sau được! Sau khi đầu tư vào startup ở giai đoạn hạt giống, phải chờ đợi họ vài năm để họ “lớn”, mở rộng quy mô (scale), rồi họ gây quỹ, tiếp tục mở rộng quy mô, rồi lại gây quỹ, cứ như vậy… Nhà đầu tư chỉ có thể thu lại tiền bằng hai con đường, khi: (1) Startup được các công ty lớn mua lại và (2) Startup lớn mạnh và lên sàn chứng khoán (điều hiếm khi xảy ra). Nhưng dù với con đường thoái vốn nào thì nhà đầu tư cũng phải chấp nhận đồng tiền của mình sẽ bị “găm” lại ít nhất là 5 năm, có khi tới 10 năm… Hoặc tệ hơn, công ty thất bại, bạn mất trắng.

“Nếu bạn không có tiền để mất, nếu bạn không có thời gian để đợi, thì đừng trở thành nhà đầu tư thiên thần” – Alicia Robb nói.

… mà hãy tập trung vào giá trị

Lí do nào khiến cho một người quyết định trở thành một nhà đầu tư thiên thần? “Khoản đầu tư này quá rủi ro và dài hạn. Nếu không phải là vì yêu thích thì tôi không tìm ra một lí do nào khác để làm điều đó” – TS. Alicia cười lớn và cho biết: “Tôi thấy vui khi trở thành một phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp; vui khi được tham gia quá trình tạo ra sản phẩm đổi mới sáng tạo, giải quyết những vấn đề lớn của cộng đồng, đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường. Biết bao nhiêu là nỗ lực và nhiệt huyết. Tôi thực sự yêu thích điều đó. Thực sự yêu thích trở thành một phần của cộng đồng như vậy”.

Chính vì vậy, một nhà đầu tư thiên thần phải biết “kiểm soát kì vọng” của mình. Họ cần chuẩn bị tinh thần về những thông tin mình nhận được từ một startup ở giai đoạn đầu. Mô hình kinh doanh, tài chính, kế hoạch phát triển thị trường và tìm kiếm khách hàng… của startup ở thời điểm này rất có thể sẽ thô sơ, không rõ ràng và sẵn sàng như những công ty đã trưởng thành. Đó là lí do các startup cần những nhà đầu tư thiên thần giúp họ vượt qua giai đoạn này và mở rộng quy mô. Thay vì sốt ruột về thời gian thoái vốn, họ nên tăng giá trị của startup bằng cách chia sẻ kinh nghiệm, cố vấn, hướng dẫn họ phát triển tư duy, kĩ năng và các mối quan hệ.

“Hãy tận hưởng niềm vui nhưng thực hành nó một cách nghiêm túc” – TS. Alicia nói về quá trình đầu tư mạo hiểm. Với Alicia, đầu tư mạo hiểm là một cách để cá nhân đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Bà đánh giá cao những nhà đầu tư thiên thần cẩn trọng trong quá trình đọc và tuyển chọn hồ sơ startup cũng như dành tâm sức trong quá trình thương thảo (due diligent) với các startup. Là một nhà nghiên cứu lâu năm về tài chính vi mô (micro finance), đầu tư mạo hiểm và startup, TS. Alicia chỉ ra rằng có mối liên hệ tương hỗ giữa thời gian của một người dành cho quá trình thương thảo và đọc hồ sơ với lợi nhuận mà họ thu về được trong tương lai. Không ít nhà đầu tư thiên thần thường chỉ bỏ tiền vào một quỹ đầu tư thiên thần rồi phó mặc cho những người quản lý quỹ “muốn làm gì thì làm”. Bản thân Alicia Robb, khi lập ra quỹ đầu tư Next Wave Impact với 100 nhà đầu tư cùng góp vốn cũng thấy rằng có 20-30% là những nhà đầu tư thụ động và chỉ có 30-40% là tham gia tích cực.

Không cần là triệu phú để trở thành nhà đầu tư thiên thần

Luật pháp Mỹ quy định mỗi người chỉ được dành tối đa 10% thu nhập của mình để đầu tư mạo hiểm. Với việc bỏ ra 20.000 – 50.000 USD cho mỗi startup ở giai đoạn đầu và đầu tư tới 20-25 startup đồng nghĩa với việc cá nhân phải có thu nhập lên đến hàng triệu USD mỗi năm. Nhưng Alicia Robb không phải là một triệu phú. Vậy bà đã trở thành nhà đầu tư thiên thần như thế nào?

Alicia Robb là người sáng lập quỹ đầu tư thiên thần (angel fund) Next Wave Impact. Trị giá hơn 1 triệu USD, quỹ này gọi vốn từ 100 cá nhân, mỗi người chỉ đóng góp 10.000 USD và được điều hành bởi một hội đồng gồm 12 người là những nhà đầu tư thiên thần giàu kinh nghiệm. Alicia gọi đây là quỹ “học qua hành”, khuyến khích những người góp vốn “làm quen” với công việc “đầu tư mạo hiểm” thông qua hàng loạt các bài giảng online có sẵn trên internet (có những bài giảng gói gọn trong năm phút dành cho những người bận rộn và 30 phút cho những người nhiều thời gian hơn) và tham gia trực tiếp lựa chọn hồ sơ, phỏng vấn, thương thảo với startup. Next Wave Impact dự định sẽ đầu tư cho 15 startup trong vòng ba năm tới. Alicia cho rằng đây là một mô hình đầu tư mạo hiểm tương đối lí tưởng vì cho phép một nhà đầu tư thiên thần có thể bỏ ra một số tiền nhỏ nhưng vẫn có thể đầu tư cho nhiều và đa dạng các công ty. Hơn nữa, vì chỉ phải gửi một số tiền nhỏ vào quỹ, một cá nhân có thể dành nhiều tiền hơn để đầu tư riêng vào các công ty, con người thuộc lĩnh vực khác mà họ thực sự quan tâm và say mê.

Đừng đầu tư một mình

Trong số 75000 lượt đầu tư thiên thần, chỉ có 13000 lượt được ghi nhận là thông qua các nhóm, quỹ, hiệp hội nhà đầu tư thiên thần ở Mỹ. Tuy nhiên, việc đầu tư theo nhóm có nhiều ích lợi hơn là đầu tư độc lập và đang trở nên phổ biến ở nước này. Mỗi người thường chỉ có chuyên môn về một lĩnh vực, việc đầu tư theo nhóm giúp một cá nhân hưởng lợi ích từ “trí tuệ tập thể” để phát hiện ra những cơ hội đầu tư mới, thậm chí là nằm ngoài lĩnh vực mà cá nhân này quen thuộc, đánh giá rủi ro của một startup từ nhiều góc độ. Ngoài ra, không một nhà đầu tư thiên thần nào có đủ “ba đầu sáu tay” “chăm sóc” cho hơn 20 công ty, việc đầu tư nhóm giúp cho họ “chia sẻ” đầu việc với các đồng nghiệp, hoặc trong trường hợp khi họ góp vốn vào một quỹ thiên thần thì là san sẻ công việc cho ban quản lý quỹ. Họ chỉ cần lựa chọn và tập trung nhiều thời gian hơn vào startup mà họ thực sự ấn tượng.

Vậy tại sao vẫn có những người chỉ thích đầu tư một mình? “Tôi không biết! Tôi thực sự không biết. Tôi chưa bao giờ đầu tư một mình cả nên tôi không hiểu động lực nào khiến họ làm như vậy”. Alicia Robb nói. “Liệu họ có phải là thích hưởng thành quả một mình không?” . Alicia không loại trừ khả năng này nhưng bà cho rằng “Bạn tưởng rằng bạn chắc chắn công ty này thành công và bạn muốn lấy tất cả. Nhưng thực ra chẳng ai có thể đoán trước được điều gì đâu”.

Hãy đa dạng hóa cộng đồng đầu tư

Ở Mỹ có một hiện tượng gọi là “Homophily” (tạm hiểu là những người giống nhau thì thích chơi với nhau) và điều này cũng diễn ra trong giới đầu tư. Phần lớn những nhà đầu tư thiên thần và quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm là những người đàn ông da trắng. Họ cũng chỉ đầu tư cho những người sáng lập công ty có đặc điểm tương tự. Vì vậy, không ngạc nhiên là ở Silicon Valley có một sự phân biệt đối xử nặng nề đối với các CEO  là nữ hoặc những người da màu trong việc tiếp cận vốn. “Chỉ có 2,6% số tiền của các quỹ đầu tư được rót vào những công ty có CEO là nữ. Điều này thật vô lý, khi một nửa dân số gặp khó khăn trong việc bước chân vào lĩnh vực kinh tế tăng trưởng nhanh thì mọi người đều thiệt thòi” – Alicia nói.

Next Wave Impact của Alicia cũng là một mô hình giúp giải quyết khoảng cách giới và khoảng cách chủng tộc trong đầu tư mạo hiểm. Trong đó, những người tham gia góp vốn là “nhóm yếu thế” trong cộng đồng khởi nghiệp bao gồm phụ nữ, những người thiểu số để đa dạng hóa cộng đồng những người khởi nghiệp, kéo gần khoảng cách phân biệt đối xử về giới tính và chủng tộc trong việc tiếp cận nguồn lực startup. Hiện nay, họ đã đầu tư vào 10 startup trong đó 9 startup có nữ trong đội ngũ sáng lập, 6 startup có phụ nữ làm CEO và có ba startup có người thiểu số làm CEO.

Với một hệ sinh thái khởi nghiệp chưa trưởng thành, Việt Nam có lợi thế trong việc tránh được “vết xe đổ” của Silicon Valley bằng cách rộng mở cho nữ giới và những người thiểu số vào cộng đồng nhà đầu tư ngay từ ban đầu.

Một điều khá thú vị đó là equity crowdfunding, một nền tảng công nghệ cho phép ai cũng có thể đầu tư với số tiền chỉ vài USD và nhận cổ phần từ startup lại không được Alicia ưa thích, mặc dù đây cũng là một cách hữu hiệu cân bằng giới và tộc người trong cộng đồng nhà đầu tư và startup. Alicia không công nhận những người đầu tư trên nền tảng này là những nhà đầu tư thiên thần, không phải chỉ vì quá nhiều người chia sẻ cổ phần của startup mà còn vì “đó là một kiểu đầu tư thụ động, không tạo ra giá trị tăng thêm cho startup”.

Tác giả