Dịch vụ nông nghiệp CNC: Chưa đáp ứng được khách hàng lớn

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Vineco đòi hỏi những tiêu chuẩn công nghệ khắt khe nhất để tránh mọi rủi ro khi sản xuất trên quy mô lớn. Vì vậy, với trình độ, năng lực của các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao trong nước, việc trở thành đối tác của khách hàng tiềm năng này là câu chuyện của tương lai.


Cán bộ kỹ thuật Israel và Việt Nam trao đổi về quy trình công nghệ tại nhà kính ở trang trại Tam Đảo.

Yêu cầu khắt khe ở quy mô sản xuất lớn

Khi tới khảo sát dây chuyền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Vineco tại trang trại Vineco Tam Đảo, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những ô nhà kính màu trắng của Vineco hiện ra với trang thiết bị “hiện đại” trái ngược hẳn khung cảnh đồng ruộng với những thửa ruộng nhỏ chia ô rất “truyền thống” xung quanh. Tất cả những người tham quan khu sản xuất được yêu cầu phải nhúng giày dép vào dung dịch khử trùng và bước qua hai lần cửa với gió thổi rất mạnh (để thổi bạt các loại côn trùng) mới bước vào được các nhà sản xuất rau. Trong 15 ha nhà kính ở trang trại Tam Đảo này, Vineco trồng rau theo ba dây chuyền công nghệ chính: Công nghệ rau mầm Microgreen thiết kế theo dây chuyền tự động khép kín, cho phép sản xuất rau mầm trong điều kiện có ánh sáng đảm bảo chế độ dinh dưỡng cao hơn so với công nghệ trồng rau mầm trong điều kiện tối; Công nghệ màng mỏng dinh dưỡng (NFT) đưa các lớp nước dinh dưỡng tới từng gốc cây trong ống tiết kiệm hơn so với công nghệ trồng thủy canh “ngâm” rễ cây trong dung dịch thủy canh; Công nghệ trồng cây trên giá thể cocopeat. Mỗi dây chuyền công nghệ này có thể sản xuất với năng suất 500 – 700 kg/ ngày.

Tuy sản xuất với khối lượng lớn như vậy, nhưng toàn bộ “nhà máy” trồng rau ở khu trang trại này chỉ có 2 – 3 kỹ thuật viên người Israel và người Việt thao tác điều khiển hệ thống, 8 – 10 công nhân tham gia vào khâu thu hoạch và đóng gói sản phẩm. Còn lại đều tự động hóa ở mọi khâu: đóng giá thể vào khay, cấy hạt giống, bón dinh dưỡng, đưa khay ra “trồng” ở trong nhà kính… Các dây chuyền này tự động với độ chính xác gần như tuyệt đối. Ví dụ, dây chuyền đóng giá thể vào khay, trộn dinh dưỡng, gieo hạt luôn vận hành chính xác với năng suất 30 giây cho ra một khay. Hệ thống nhà kính đều có cảm biến, tự động điều chỉnh các màng chắn nắng khi nắng quá mạnh, bật hệ thống thông gió khi quá nóng để điều kiện nhà kính luôn đúng yêu cầu cho sinh trưởng của rau. TS. Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Vineco cho biết, toàn bộ hệ thống nhà kính tự động này đều nhập ngoại của một trong những công ty cung ứng giải pháp công nghệ cho nông nghiệp lớn hàng đầu Israel – TAP. TAP bán “trọn gói” giải pháp cho Vineco, tức là chịu trách nhiệm dựng toàn bộ “phần cứng” là các tổ hợp nhà kính sản xuất rau mầm và rau khí canh cho đến “phần mềm” là nhân lực vận hành, điều khiển trong suốt 15 năm theo hợp đồng và bảo hành “trọn đời” bất cứ khi nào Vineco có yêu cầu trợ giúp kỹ thuật.

Không chỉ có hệ thống trồng rau sạch tự động, mà toàn bộ nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất rau như hạt giống, giá thể, dinh dưỡng cho cây, khay trồng rau mầm… cũng đều được Vineco nhập ngoại. Giá thể để trồng cây được nhập khẩu từ Phần Lan bởi giá thể trong nước được làm từ xơ dừa hoặc trấu hun đều không đủ sạch do không thể kiểm soát chất lượng chặt chẽ, rất có thể gây nhiễm bệnh và trong quy mô nhà kính lớn thì sẽ bùng phát nhanh, không thể kiểm soát, dẫn đến nguy cơ phải bỏ cả mẻ sản xuất. Mặt khác, năng suất trồng rau mầm trên giá thể xơ dừa hoặc trấu hun trong nước cũng không cao bằng giá thể nhập khẩu. Toàn bộ hạt giống rau được mua từ các nhà cung cấp trong nước nhưng … cũng đều là các giống ngoại nhập bởi vì “nhiều giống trong nước không đạt tỉ lệ nảy mầm 100% như giống ngoại nhập, và tình trạng giống ngoại nhập chiếm tới 80 – 90% trên thị trường cũng là điều mà ngành giống rau của Việt Nam đang phải đối mặt”, TS. Thảo nói.

Dịch vụ phụ trợ trong nước chưa “chuẩn hóa”

Hiện nay, phòng R&D của Vineco cũng đang tìm mua các sản phẩm công nghệ phục vụ nông nghiệp của Việt Nam, ví dụ như giá thể từ trấu hun, xơ dừa…

Tuy nhiên, TS Thảo cho biết, “nếu sản phẩm công nghệ đó chỉ cần làm giảm 1% năng suất so với công nghệ nước ngoài thì chúng tôi sẽ không sử dụng bởi vì 1% năng suất đó ở trên quy mô sản xuất của chúng tôi sẽ là thiệt hại rất lớn”. Như vậy, trên thực tế, các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ cho nông nghiệp trong nước khó lòng giải được “bài toán” của Vineco đặt ra, bởi với nội lực hiện nay, họ chủ yếu tập trung vào “phân khúc” có yêu cầu thấp hơn, đó là các công ty làm nông nghiệp với quy mô vừa và nhỏ hoặc các nông hộ – những nơi còn đang gặp nhiều “va vấp” trong sản xuất và chấp nhận sai số nhất định.

Theo anh Lại Văn Song, giảng viên Khoa Cơ điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, người đang tư vấn cho rất nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nông nghiệp, “các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp giải pháp cho nông nghiệp thường chưa nghiên cứu kỹ các điều kiện môi trường, giống cây trồng có phù hợp với kiểu canh tác đó hay không. Chính vì thế, khi xảy ra sự cố họ phải nhờ tới các nhà khoa học ở Học viện nông nghiệp tư vấn”. Nhưng công việc tư vấn này của anh Song và đồng sự tương đối giống với “dập đám cháy”. Anh Song lấy ví dụ: “Mới đây có một doanh nghiệp gia đình tại Hà Nội xây dựng nhà kính trồng rau cải và cà chua trên quy mô 2.000 m2. Nhưng họ chỉ đi tham quan mô hình trồng ở Đà Lạt rồi mời nhà cung cấp dịch vụ đến lắp đặt nhà kính theo kiểu nhà kính ở Đà Lạt hoàn toàn không phù hợp với điều kiện khí hậu ở Hà Nội. Giữa mùa hè trời rất nắng nóng cộng với hiệu ứng nhà kính nhưng hoàn toàn thiếu hệ thống tản nhiệt giúp điều hòa không khí khiến cho rau chết, nhà kính gần như phải ‘bỏ không’ cho đến khi tìm tới Học viện Nông nghiệp nhờ các nhà khoa học tư vấn giải pháp ‘xử lý’ ”. “Mà những trường hợp tương tự như của doanh nghiệp đó thì ‘vô cùng nhiều’”, anh Song nói thêm.

Một vấn đề khác nữa mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ cho nông nghiệp trong nước còn đang mắc phải là tiềm lực tài chính chưa “hùng hậu”. Anh Song cho biết: “Trong khi những công ty như Vineco sản xuất với quy mô lớn, cần số lượng nhiều nhà kính, diện tích rộng sẽ luôn đòi hỏi những công ty cung ứng dịch vụ phải tạm ứng một khoản tiền lớn (lên tới 50% giá trị hợp đồng) để xây dựng. Nhưng các công ty cung ứng dịch vụ nông nghiệp trong nước sẽ không đủ tiềm lực tài chính để làm điều này”.

Quay trở lại câu chuyện của Vineco, TS Thảo cho biết, họ cũng muốn sẽ trực tiếp đặt hàng các viện nghiên cứu trong nước “đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng phù hợp vào sản xuất gồm các lĩnh vực: dinh dưỡng cây trồng (trong nhà và ngoài đồng); quản lý dịch hại tổng hợp, chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại và cải tạo đất; giá thể trồng rau mầm (thay thế giá thể nhập khẩu); công nghệ sau thu hoạch rau quả tươi vào sản xuất của Vineco”. Nhưng đó vẫn là câu chuyện trong tương lai, và ngay cả khi các kết quả nghiên cứu ứng dụng được đánh giá là “khả thi” thì vẫn cần rất nhiều thời gian để kiểm nghiệm thực tế rồi mới đưa vào quy mô sản xuất đại trà chứ không thể ứng dụng ngay trong “một sớm một chiều”.

Tác giả