Điều trị tiểu đường típ 2 bằng công nghệ tế bào gốc của Việt Nam

Trong một báo cáo gần đây của nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, TP HCM phối hợp với Viện Tế bào gốc, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM tiến hành trên bệnh nhân tiểu đường típ 2 được ghép tế bào gốc từ tuỷ xương cho thấy, sau 6 tháng được ghép tế bào, bệnh nhân đã không cần phải tiêm insulin và cũng không phát hiện bất cứ tác dụng phụ bất lợi nào.

Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các bệnh nhân tiểu đường típ 2. Phương pháp này cũng mở ra cơ hội mới trong điều trị tận gốc bệnh lý tiểu đường típ 2. 

Tiểu đường típ 2 là một trong những bệnh lý phổ biến nhất hiện nay do béo phì và lão hoá. Cơ chế của bệnh khá phức tạp nhưng thường liên quan đến kháng insulin ở người bệnh. Tiểu đường típ 2 làm tăng nguy cơ tử vong và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiện nay, bệnh được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như tiêm insulin và các chất điều hoà glucose tuy nhiên hiệu quả điều trị vẫn chưa cao. 

Trong nghiên cứu của nhóm bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Vạn hạnh và Viện tế bào gốc, một bệnh nhân nữ 55 tuổi đã được chẩn đoán mắc tiểu đường típ 2 được 10 năm. Các xét nghiệm y tế cho thấy bệnh nhân có mức glucose lúc đói là 7,27 mg/dL, sau khi ăn 2 giờ, mức glucose tăng lên ở mức 16,91 mg/DL. Chỉ số HbA1c là 7,9%. Bệnh nhân đang được điều trị  bằng tiêm Lantus 14UI dưới da vào mỗi sáng và uống 1 viên Diamicron 60mg, 1 viên Janumer 1000/500mg. 

Khi tham gia vào nghiên cứu này, bệnh nhân được cấy ghép tế bào gốc tuỷ xương tự thân 2 lần, ghép cách nhau 1 tháng. Quy trình thu nhận tế bào gốc được thực hiện theo công nghệ chuyển giao từ Viện Tế bào gốc sử dụng bộ kit MNC Extration kit. Mỗi lần ghép, 100 ml tuỷ xương được thu nhận. Mỗi 30 ml tuỷ xương được pha loãng với 10ml Dilute Medium. Sau đó máu pha loãng được đặt trên 10ml separate medium trong 1 ống ly tâm khác. Ống này được ly tâm ở 400g trong 10 phút ở 18-200C. Sau khi ly tâm, lớp tế bào gốc được phân tách khỏi hồng cầu. Tế bào này được thu nhận vào 1 ống ly tâm khác và được rửa lần lượt bằng Clean–up medium và  dung dịch washing buffer. Sau bước này, phân đoạn tế bào gốc nằm dưới đáy ống ly tâm sẽ được thu nhận và được hoà trong 250 ml muối sinh lý. Tế bào được truyền vào tĩnh mạch bệnh nhân trong 45 phút. Bệnh nhân được theo dõi các chỉ số glucose và HbA1c ở các thời điểm 1, 3, 6, 9 tháng sau ghép. Bệnh nhân cũng được tiếp tục sử dụng các loại thuốc như trước khi ghép cho đến khi bác sĩ thay đổi liều. 

Kết quả cho thấy 

–  sau 1 tháng ghép tế bào, chỉ số đường huyết của bệnh nhân giảm từ 7,27mg/dL xuống còn 7,05 mg/dL; chỉ số HbA1c tăng  từ 7,9% lên 8%; chỉ số đường huyết sau 2 giờ ăn giảm mạnh từ 16,91mg/dL xuống còn 11,93 mg/dL.

–  sau 3 tháng ghép tế bào, chỉ số đường huyết của bệnh nhân giảm xuống còn 5,88 mg/dL; chỉ số HbA1c giảm xuống còn 7%; chỉ số đường huyết sau 2 giờ ăn giảm mạnh xuống còn 9,79 mg/dL. Tại thời điểm này, bác sĩ giảm liếu insulin cũng như các thuốc khác cho bệnh nhân. (12UI Lantus; 1 viên Diamicron 30mg trước bữa ăn và 1 viên Janumer 50/850mg sau bữa ăn). 

–  sau 6 tháng ghép tế bào, chỉ số đường huyết của bệnh nhân còn 6,03 mg/dL; chỉ số HbA1c còn 6,8%; chỉ số đường huyết sau 2 giờ ăn còn 10,1 mg/dL. Ở giai đoạn này, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định không cần tiêm insulin nữa. tuy nhiên, các thuốc uống vẫn được sử dụng: 1 viên Janumet (1000/50mg) và 1 viên Diamicron 30mg mỗi ngày.

Trong suốt 6 tháng điều trị, không có bất cứ tác dụng phụ bất lợi nào xảy ra.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau 9 tháng điều trị, bệnh nhân vẫn duy trì các chỉ số đường huyết và HbA1c như ở giai đoạn 6 tháng và không cần phải tiêm insulin. 

Kết quả này bước đầu cho thấy ghép tự thân tế bào gốc tuỷ xương có thể là phương pháp điều trị mới hiệu quả cho bệnh nhân tiểu đường típ 2. 

Tác giả