Hãy tắt máy tính mà đi xây đội ngũ !

Mike Ducker, giám đốc chương trình Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp các nước vùng sông Mekong - Tiger@Mekong do Chính phủ Mỹ tài trợ, đã có cuộc trò chuyện với Tia Sáng sau gần năm năm “đi lòng vòng” cùng những người trẻ đang khát khao thay đổi thế giới…


Mike Ducker tại một hội nghị khởi nghiệp Lào.

Thưa ông, cộng đồng khởi nghiệp vùng Mekong đang nằm đâu trên bản đồ khởi nghiệp thế giới?

Sẽ rất khó để định vị ngay được cộng đồng này, vì nó quá đa dạng. Những thành phố lớn như Bangkok hay Sài Gòn thì sôi động kinh khủng, trong khi ở những vùng nông thôn ở Lào thì chẳng ai buồn quan tâm đến khái niệm “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” cả. Tôi cho rằng còn quá nhiều việc cần phải làm cho câu chuyện khởi nghiệp ở vùng đất mới này. Cộng đồng các nhà sáng lập mới bắt đầu ở đây đang đứng trước nhiều thách thức, chẳng hạn tìm kiếm các nguồn hỗ trợ. Nhiều người phải chọn Singapore hay Malaysia như là vùng đất có thể bắt đầu hành trình của mình dễ dàng hơn. Nếu việc này cứ kéo dài, sẽ là một mối họa cho hệ sinh thái của cả vùng.

Vậy Việt Nam thì sao, thưa ông?

Đây là một vùng đất thú vị. Sự năng động của các bạn trẻ Việt Nam đang tiệm cận sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp Thái Lan. Tuy nhiên, tôi hay nhìn vào sự phát triển của từng thành phố một, chẳng hạn Hà Nội, Sài Gòn có thể so sánh với Bangkok về sự đông đúc của hệ sinh thái. Tiếc là tôi vẫn chưa thấy ở Việt Nam một chương trình dài hạn có thể hỗ trợ doanh nhân trẻ để họ có thể tự tin bước vào hành trình khó nhọc này.  

Ai cũng nhắc mãi đến “hệ sinh thái”, vì sao vậy?

Tôi luôn hào hứng khi ghé Việt Nam, bởi biết chắc sẽ được gặp những người trẻ đang hết sức chú tâm vào các ý tưởng đổi mới sáng tạo rất “ngầu” cũng như các công nghệ mới. Hệ sinh thái là sự nương tựa lẫn nhau giữa các thành tố cấu thành cộng đồng khởi nghiệp, mà ở Việt Nam thì còn đang thiếu: 1/ Dù Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực làm nhiều việc vô cùng, nhưng tôi vẫn chờ đợi một đơn vị tư nhân có thể thành công trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. Chúng ta rất cần những đơn vị tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong bức tranh tổng thể. Tại những nơi mà tôi đã được tham gia, kể cả vùng Detroit quê tôi, có rất nhiều những doanh nhân thành công tự nhận lấy trách nhiệm xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm và cả vườn ươm doanh nghiệp. 2/ Các bạn cũng đang rất cần những mentor – cố vấn đồng hành – đủ kỹ năng và thời gian và đam mê để đi cùng khởi nghiệp đến những thành tựu to lớn hơn. 3/ Cần cả những chương trình dài hạn được dựng lên với nhiệm vụ “đẩy” các doanh nghiệp khởi nghiệp đến một tầm cao mới trong thang đo kinh tế. 

Ông cũng làm mentor, rồi lại đi dạy cho mentor. Ông tập trung điều gì nhất cho các startup trong giai đoạn hiện nay?

Một startup, thường đồng nghĩa với giai đoạn “giả định thành công” trên hành trình kinh doanh rất dài. Bởi vậy, từ “giả định” đến “thành công” cần phải học hỏi và hành động liên tục. Tôi tin rằng, một trong những điều rất quan trọng mà các doanh nhân khởi nghiệp cần làm, là đóng máy tính lại, bắt tay vào những công việc bên ngoài. Họ cần có những tương tác với thị trường, đối tác và cả đối thủ. Họ cần gặp gỡ để hiểu những khách hàng tiềm năng, nhà cung cấp, những người trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Để hiểu một ngành mà mình đang muốn bước vào để thay đổi nó, cần dành nhiều thời gian ngoài đời thực, đặc biệt là hiểu về công nghệ và những xu hướng đang diễn ra. Điều thứ nhì, là rất nhiều bạn nghĩ rằng họ cần đầu tư, nhưng thực tế thì không phải vậy. Điều họ thực sự cần, là một đội ngũ đồng hành đủ mạnh để cùng nhau biến giấc mơ thành sự thật. Vì vậy, chiến lược đôi khi đơn giản là tìm kiếm những dạng người nào, những tố chất nào, những kỹ năng nào để có thể trở thành đồng sáng lập cho doanh nghiệp.

Chúng tôi thấy có hai dạng khởi nghiệp thường gặp ở Việt Nam. Một, là những bạn tựa hoàn toàn vào sức mạnh công nghệ. Và dạng thứ hai, là những người muốn theo đuổi mô hình kinh doanh truyền thống. Ông nghĩ gì về sự khác biệt này?

Nó phụ thuộc vào giấc mơ và tầm nhìn của họ. Thế giới mà tôi sống, thở và làm việc, thì toàn những người muốn dùng công nghệ để thay đổi cuộc sống của mọi người. Họ là những cá nhân hoặc đội nhóm đặc biệt sáng tạo, có thể giới thiệu những công nghệ mới hoặc phương thức kinh doanh mới. Đó mới là điều hấp dẫn của khởi nghiệp. Còn kiểu truyền thống, đơn giản là mưu sinh mà thôi, vậy ít vui hơn. Ngoài ra, thế giới không thay đổi vì một doanh nghiệp, mà cần cả một cộng đồng khởi nghiệp cùng nhau tạo nên lực đẩy, đưa công nghệ phục vụ cuộc sống, thay đổi mọi thứ ngày càng nhanh. Đó là cách mà Silicon Valley đang làm, và nhiều nơi trên thế giới đang tái lập lại mô hình này.

Có hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mà mọi người dựng ra để mưu sinh. Trong khi đó, chỉ có một số rất ít doanh nghiệp khởi nghiệp được lập ra vì một sứ mệnh tạo ra sự thay đổi. Tôi không biết con số này ở Việt Nam là bao nhiêu, nhưng trên thế giới, loại doanh nghiệp liên quan đến công nghệ đổi mới sáng tạo chỉ chiếm từ 5 – 15%. Nhưng số ít này, lại chính là những người tạo ra giá trị mới, giá trị gia tăng cho thị trường. Họ chính là những người có tố chất doanh nhân, rất khác biệt, có khả năng chọc thủng bức tường để đi xuyên qua nó, tạo thành con đường mới mà chẳng mấy ai đi…

Ông nghĩ gì về việc xây dựng Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn trở thành những thành phố khởi nghiệp?

Đó là một cơ hội lớn, kèm theo là thách thức lớn hơn, không chỉ cho chính phủ mà cho rất nhiều bên khi muốn xây dựng thành phố khởi nghiệp. Khi làm việc với các lãnh đạo chính phủ, điều duy nhất mà tôi nhắc đi nhắc lại, là hãy để hệ sinh thái tự hình thành, lớn lên bằng sức của nó. Có rất nhiều tổ chức, trường đại học, khối tư nhân, cộng đồng công nghệ hay nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia vào việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Vậy nên điều đơn giản, dễ dàng nhất mà chính quyền cần làm, là ngồi xuống với họ, và hỏi họ cần hỗ trợ gì thay vì cứ tạo ra những chương trình riêng của chính phủ, mà một cách vô tình rất dễ cản đường hoặc cạnh tranh với các tổ chức này.

Hay là chúng ta sẽ tập trung xây dựng Việt Nam thành trung tâm khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao?

Ở Mỹ, một vài công ty trong nhóm sáng tạo nhất chính là các công ty nông nghiệp. Sản lượng và chất lượng của nền nông nghiệp Mỹ đang trở nên đáng nể hơn bao giờ hết nhờ sự tham gia của đổi mới sáng tạo công nghệ và các doanh nhân khởi nghiệp. Tôi chưa quen nhiều các bạn làm startup nông nghiệp ở Việt Nam, nhưng nhìn chung trên thế giới, đó không phải là một lĩnh vực “dễ ăn”. Từ ý tưởng, đến công nghệ, đến nông trại là một hành trình dài, xa và gian khó. Môi trường nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp truyền thống, rất khó để thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân. Giới thiệu một sản phẩm mới cho thanh niên ở các đô thị thì dễ dàng, vì khả năng thích nghi với cái mới, công nghệ mới của họ. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, nếu có một tầm nhìn và khát vọng đủ lớn để có thể thay đổi chất lượng nền nông nghiệp. Nhưng cần rất nhiều kiên trì để làm việc này. Chẳng hạn, ở Kenya, sự thay đổi diễn ra rất rất chậm, nhưng vẫn diễn ra…

Ông nghĩ là Việt Nam có nên học theo hình mẫu khởi nghiệp của nước nào không?

Suy nghĩ đầu tiên của tôi, là mình phải đi con đường của riêng mình, tất nhiên là phải để lực lượng tư nhân làm người dẫn đường. Từ đó, chúng ta có thể tìm thấy mô hình phát triển phù hợp nhất với Việt Nam. Ví dụ như ở đất nước mà tôi có nhiều kinh nghiệm là Ai Cập, khá giống với Việt Nam về dân số và là quốc gia nông nghiệp. Chuyện xảy ra ở thủ đô Cairo, là có 5 – 6 người anh hùng là doanh nghiệp tư nhân quyết định “tạo ra sự thay đổi” và họ tổ chức rất nhiều hoạt động. Từ đó, hàng loạt các nhóm thanh niên khác cũng được hình thành, các tổ chức phi lợi nhuận được tạo ra và việc khởi nghiệp được triển khai một cách chuyên nghiệp hơn. Họ làm việc chung với nhau, theo một công thức đặc biệt: không có tổ chức nào có thể làm hết tất cả mọi việc, mọi người tựa vào nhau để phát triển. Các vườn ươm, nhóm nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm thực hiện hết trách nhiệm của vai trò mình được giao một cách gắn kết với mục tiêu chung là xây dựng nên những công ty khởi nghiệp thành công. Tôi thấy Ai Cập nghe có vẻ xa xôi, nhưng bài học từ xứ này có thể là những gợi ý tốt cho Việt Nam.

Ông có một danh mục những điều kiện cần của công ty khởi nghiệp mà ông sẽ tham gia hỗ trợ không?

Yếu tố quan trọng nhất là những người sáng lập và đội ngũ của họ. Họ nghiêm túc đến mức nào, họ đam mê đến mức nào với ý tưởng mà họ dự định sẽ theo đuổi. Tất cả những nhà đầu tư khởi nghiệp ở giai đoạn đầu mà tôi biết đều chia sẻ một điều giống nhau: Họ sẽ đầu tư nếu nhìn vào mắt những người sáng lập có thể đọc được niềm khát khao, ý chí để có thể biến những ý tưởng của họ thành sự thật.

Những ý tưởng độc đáo cũng là điều quan trọng, nhưng tôi thấy con người quan trọng hơn nhiều. Sau đó tôi sẽ cân nhắc đến cơ hội thị trường, độ lớn của nó và sự liên quan giữa lĩnh vực tham gia với năng lực cá nhân của đội ngũ sáng lập. Tôi đặt cược niềm tin của mình vào con người, với những tham vọng của họ. Hầu hết những gì tôi học được sẽ chia sẻ với họ, đơn giản vì tôi thường thất bại hơn là thành công trên hành trình tham gia vào khởi nghiệp.

Xin cảm ơn ông.

Kiên Chinh thực hiện

 

Tác giả