Hi vọng mới trong điều trị bệnh Alzheimer

Các nhà nghiên cứu đã phát triển một liệu pháp mang tính đột phá trong chữa trị cho người mắc bệnh Alzheimer.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Nature, một liệu pháp mới trong chữa trị bệnh Alzheimer có thể đem hy vọng cho những người mắc căn bệnh được chẩn đoán là không thể chữa khỏi này. Quá trình điều trị bằng liệu pháp này cho thấy có thể giảm sự tích tụ protein đặc trưng ở trong não bộ của bệnh nhân, qua đó giúp làm chậm lại quá trình suy giảm trí nhớ ở bệnh nhân.

165 bệnh nhân Alzheimer đã tham gia thử nghiệm liệu pháp điều trị mới này và được chia thành hai nhóm: một nhóm được điều trị bằng giả dược (Placebo), nhóm còn lại được sử dụng kháng thể Aducanumab một tháng một lần. Chất kháng thể này tấn công các protein đặc trưng ở bệnh nhân Alzheimer và phân hủy chúng (các nghiên cứu cho thấy, có hiện tượng tự sản xuất và tích tụ Amyloid – loại protein đặc trưng trong bộ não bệnh nhân Alzheimer).

Sau một năm điều trị, các nhà nghiên cứu nhận thấy rõ nhóm bệnh nhân sử dụng kháng thể Aducanumab có chuyển biến tích cực. Khả năng nhận thức của nhóm bệnh nhân này không bị giảm mạnh như ở nhóm bệnh nhân Alzheimer được điều trị bằng giả dược. Biện pháp này được đánh giá là một bước tiến lớn trong điều trị căn bệnh này mặc dù mẫu nghiên cứu vẫn còn rất ít ỏi.

Để đánh giá được bước tiến quan trọng này, có thể nhìn nhận lại quá trình thử nghiệm các liệu pháp chữa trị trước đây. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã tiến hành thử nghiệm tương tự nhưng đều bị thất bại. Cụ thể, các nghiên cứu trước đó đã thành công trong việc cản trở các protein đặc trưng trên ở người bệnh Alzheimer, nhưng lại không tác động được gì đến quá trình suy giảm trí nhớ.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng cần phân tích kỹ hơn nữa về kết quả tích cực đối với khả năng nhận thức.

Tác giả