Hồi sinh thành công hạt giống cây chà là 2000 năm tuổi

Các nhà nghiên cứu Israel đã ươm mầm thành công một số hạt giống chà là 2000 năm tuổi lấy từ các pháo đài và hang động ở khu vực Biển Chết. Công bố trên Science Advances, phát hiện này đã giải quyết phần nào câu hỏi về cách thức chọn lựa giống cây của nông dân cổ đại, cũng như làm thế nào mà hạt cây chà là có thể tồn tại trong nhiều thiên niên kỷ.

Các nhà nghiên cứu đang nuôi trồng những cây chà là được ươm từ hạt giống 2000 năm tuổi. Những ưu điểm của nó có thể giúp cải thiện những đặc tính của cây chà là hiện đại. Nguồn: Jenny E. Ross/Minden Pictures

“Đây quả là một kết quả đáng kinh ngạc”, Robin Allaby, nhà di truyền học từ ĐH Warwick bình luận với Science. “Nó giúp chúng ta hiểu thêm về khả năng bảo tồn lâu dài của hạt giống.”

Để hạt giống chà là cổ có thể lên mầm, Sarah Sallon, nhà thực vật dân tộc học tại Trung tâm Y tế Hadassah – Jerusalem, và các đồng nghiệp đã kiểm tra và phân loại hàng nghìn hạt giống cổ. Một số được khai quật từ một pháo đài cổ tại Masada (Israel) nhìn ra Biển Chết; một số khác được tìm thấy trong các hang động quanh Biển Chết vốn xưa kia được dùng làm nơi ở và cất đồ dự trữ.

34 mẫu hạt giống có triển vọng nhất được ngâm trong nước ấm và phân bón dạng lỏng, sau đó được vùi trong bồn đất sạch. Sáu hạt giống nẩy mầm thành cây chà là con. Những hạt này dài đến vài centimét, lớn hơn 30% so với hạt chà là hiện đại, gợi ý về khả năng chà là cổ đại lớn hơn rất nhiều so với các giống ngày nay. Các cây mới được đặt theo tên các nhân vật trong Kinh Cựu ước, với cây lớn nhất – có tên “Methusela” – đã cao khoảng 3,5 mét.

Để xác thực các hạt giống này thực sự là cổ đại chứ không phải là hạt giống gần đây bị súc vật vùi vào tầng văn hóa cổ đại, các nhà khoa học đã đo niên đại của mảnh vỏ hạt giống bám vào rễ sau khi chúng đã nảy mầm thành công. Theo đó, niên đại xác định nằm ở khoảng từ 2200 đến 1800 năm tuổi.

Phân tích gene ban đầu của các cây con cho thấy việc chọn lọc giống chà là khi đó đã rất phổ biến. Kết quả là loại chà là Judea, từng được nhiều tác gia như Galen, Strabo, Herodotus,… mô tả là giống cho quả lớn, ngọt và lâu hỏng rất có giá trị trong thế giới Hi Lạp – La Mã cổ đại. Sau sự sụp đổ của đế chế La Mã và sự bành trướng của đế chế Arập, việc trồng chà là ở khu vực này đi xuống – và đến thời kỳ Thập Tự Chinh, khoảng năm 1000 SCN, các nông trang chà là bản địa đã không còn nữa. Các giống chà là phổ biến hiện nay tại Israel được đưa về từ Irắc và Marốc từ đầu thế kỷ 20.

Chúng cũng có thể cho ta biết thêm về cách cây chà là có thể tự bảo toàn ADN của mình trong nhiều thế kỷ – bời vì, ADN và ARN thường có xu hướng phân rã theo thời gian. “Để hạt giống có thể nảy mầm, ADN cần phải còn nguyên vẹn. Điều này đi ngược lại rất nhiều hiểu biết hiện nay về bảo toàn ADN”, theo nhà khảo cổ học di truyền Nathan Wales. “Nhưng không thể không tính đến các điều kiện môi trường rất tốt có thể bảo quản được ADN [ở cây chà là]”.

Sallon cho rằng điều kiện bất thường của vùng Biển Chết có thể có tác dụng: “Độ thấp so với mực nước biển, nhiệt độ và điều kiện khô ráo đều có thể ảnh hưởng đến sự bảo quản phôi”, bà nói. Vị trí thấp hơn mực nước biển của Biển Chết khiến cho nơi đây có khí quyển dày hơn để bảo vệ hạt giống khỏi các tia bức xạ từ ngoài không gian.

Cùng phát hiện tương tự như việc tái tạo giống cỏ cổ bị đóng băng ở vùng Siberi, các cây mới có thể đánh dấu sự hồi sinh của giống chà là cổ – nếu không phải là cùng giống thì cũng là những đặc tính trội nhất của nó. Theo nhà sinh vật học Frédérique Aberlenc (Viện Nghiên cứu QG Pháp về Phát triển Bền vững), đồng tác giả của nghiên cứu, nhóm đang có kế hoạch cho thụ phấn cây cái trong thời gian tới với hi vọng cây sẽ cho quả.

Tuấn Quang tổng hợp

Nguồn: Science, The Times of Israel, Atlantic.

Tác giả