KTS Hoàng Thúc Hào: Hướng đến hạt nhân của truyền thống mới

Liên tiếp hai năm, những kiến trúc hướng tới các cộng đồng yếm thế ở miền núi và nông thôn của Hoàng Thúc Hào được quốc tế vinh danh. Anh có cuộc trò chuyện với tạp chí Tia Sáng chung quanh quan niệm kiến trúc và những trách nhiệm nghề nghiệp của mình.


Nhà cộng đồng kiêm dịch vụ homestay ở thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, do KTS Hoàng Thúc Hào cùng các cộng sự thiết kế và thi công. Mái nhà xòe rộng, cách điệu cánh én, lấy cảm hứng từ việc chim én thường về làm tổ dưới các mái nhà trong thôn. Sau khi công trình này xuất hiện, hơn 10 hộ dân trong thôn đã tự tin cải tạo nhà mình thành nhà homestay để đón khách du lịch. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Năm 2016, anh nhận giải SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật châu Á với cụm sáu công trình xã hội, cộng đồng; tháng Bảy này anh lại được Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (International Union of Architects) trao giải Vassilis Sgoutas 2017 vì những đóng góp đặc biệt trong việc cải thiện điều kiện sống hằng ngày của người dân nông thôn và miền núi. Cảm giác của anh thế nào?

Đến giờ tôi không còn cảm giác quá vui sướng hay thất vọng trước kết quả một cuộc thi nào đó. Nhưng giải thưởng lần này khiến chúng tôi vui vì đó là sự ghi nhận một con đường chứ không chỉ là một công trình.

Vì sao và từ bao giờ anh lại chọn con đường đó, mang những thực hành kiến trúc đến với nông thôn và miền núi?

Tôi cho rằng, thách thức thật sự với kiến trúc sư nằm ở nông thôn và miền núi, nơi hầu như chỉ tồn tại kiến trúc dân gian, hiếm có sự hiện diện của kiến trúc sư chuyên nghiệp. Đó là những vùng nghèo, thiếu nguồn lực tài chính, con người, và trình độ nhận thức hạn chế, nhưng cũng là nơi sở hữu giá trị lớn về cảnh quan môi trường và văn hóa bản địa. Năm 2008, tôi thử một cách tiếp cận mới qua công trình nhà cộng đồng Suối Rè ở Hòa Bình với mong muốn tạo ra một kiến trúc được người dân địa phương chấp nhận. Thực tế, họ đã tham gia vào quá trình xây dựng và vận hành công trình, coi nó như “ngôi đình” hiện đại của cộng đồng. Đến nay, chúng tôi đã thiết kế thêm 40 công trình, không chỉ nhà cộng đồng mà còn có nhà chống lũ, nhà homestay nông dân, nhà trẻ, trường học, sân chơi… Hướng đi này đòi hỏi nhiều thời gian và kiên nhẫn nhưng mang đến rất nhiều niềm vui – niềm vui gặp gỡ những cộng đồng độc đáo, được thỏa mãn trách nhiệm nghề nghiệp chúng tôi tự đặt ra cho bản thân. Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy nó là “cái ngách”, mà dường như giờ đây đã thành “đại lộ”, thông ra quốc tế.


Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An) được KTS Hoàng Thúc Hào áp dụng những giải pháp làm mát ít tốn kém như thiết kế mái nhà có chức năng thu nước mưa và dẫn nước vào bể lộ thiên đúng hướng gió vào nhà – gió thổi qua mặt nước sẽ mang theo hơi mát. Nhà làm chủ yếu bằng vật liệu hữu cơ, có độ dẫn nhiệt thấp. Một dàn cây rộng 700m2 bao trùm toàn bộ mái nhà, giảm bức xạ nắng nóng miền Trung. Cây dầu chính là trụ đỡ giàn cây, còn cây leo là loại cho thu hoạch. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Anh vừa nói về những trách nhiệm nghề nghiệp tự đặt ra cho bản thân, vậy cụ thể đó là trách nhiệm gì?

Đó là trách nhiệm làm kiến trúc cho các cộng đồng yếm thế không có điều kiện, nguồn lực bảo vệ tiếng nói riêng, có nguy cơ bị xóa nhòa, thậm chí bị triệt tiêu bản sắc; trách nhiệm bảo vệ sự đa dạng của kiến trúc bản địa trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Thiết kế các công trình cho nông thôn và miền núi, quan niệm kiến trúc của anh có thay đổi so với khi thiết kế các công trình ở đô thị?

Với bất kỳ công trình nào, chúng tôi cũng thực hành một quan niệm, một ý thức là công việc của kiến trúc sư hôm nay sẽ ảnh hưởng lâu dài đến ngày mai nên sản phẩm anh ta làm ra phải xứng đáng là hạt nhân của truyền thống mới, có khả năng đánh động nhận thức hoặc truyền cảm hứng cho cộng đồng và những người hành nghề khác. Có những đòi hỏi chung khi thiết kế như tôn trọng khung cảnh, tiết kiệm năng lượng, tăng khả năng đối thoại giữa những người sống/làm việc trong công trình và giữa con người với môi trường. Tòa nhà như một “duyên ngầm”, khiến người sử dụng có thể dần khám phá những giá trị mà nó mang đến, chẳng hạn như họ có thể nhận biết sự biến đổi về không gian theo mùa. Tôi gọi đó là kiến trúc “ngạc nhiên bền vững”, không phải ngạc nhiên, lạ, sốc tức thời mà là ngạc nhiên chậm.

Với nông thôn và miền núi, việc thiết kế những ngôi nhà đủ không gian riêng – chung, trong – ngoài để bốn mùa có chỗ “chạy qua” dễ khả thi vì đất đai rộng rãi, nhưng với công trình ở đô thị, nhất là vị trí trung tâm, anh đạt tới điều đó bằng cách nào?

Chỉ có thể phát huy những kiến trúc nhân văn khi có sự hỗ trợ của một hình thái đô thị tốt. Trong khi trên thực tế, nhà chia lô ngày càng bành trướng, hồ ao thì bị lấp, đô thị mọc lên thiếu kiểm soát (chẳng hạn, chưa có cốt nền chung, dẫn đến nước mưa thoát rất chậm, dồn từ chỗ này sang chỗ khác – Sài Gòn là trường hợp điển hình, nhiều khu vực thành phố bị ngập một phần do triều cường, song chủ yếu do thiếu cốt nền thống nhất, mạnh ai nấy làm). Trong bối cảnh đó, chúng tôi tự nhủ “tự tốt lấy ta”, gắng làm tốt nhất trong khả năng có thể.

Nhận xét về các công trình xã hội, cộng đồng của anh, TS Nirmal Kishnani, chuyên gia kiến trúc xanh, Hiệu phó Trường Kiến trúc, ĐH Quốc gia Singapore, Tổng biên tập tạp chí Future Arc, viết: Ngôn ngữ thiết kế của anh giản dị nhưng luôn ẩn chứa sự cách tân về công nghệ và kỹ thuật, nâng cao giá trị trải nghiệm cho người sử dụng. Anh có thể nói rõ thêm về những cách tân đó?

Thực chất, những cải tiến công nghệ và kỹ thuật đó khá đơn giản, phù hợp với hiểu biết và điều kiện kinh tế người dân nên không khó thực hiện. Có thể kể đến việc kết hợp vật liệu địa phương với vật liệu hiện đại nhằm tăng độ bền công trình, như sử dụng phụ gia và cột bê tông gia cố, tránh hiện tượng tường trình trong kiến trúc nhà người Dao bị nứt, hay mái nhà vẫn lợp lá theo lối truyền thống nhưng có lớp lót chống dột. Chúng tôi tính toán tận dụng vật liệu tái chế, dùng thép và bu-lông kết nối những xà gỗ cũ tạo ra những kết cấu khẩu độ lớn; tiết kiệm nước bằng cách tái sử dụng nước mưa với hệ thống mái nhà – ống máng – bể chứa liên hoàn; sử dụng bể phốt năm khoang lọc sạch nước thải, góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng lọ mọ thiết kế lò sưởi ít tốn củi, tận dụng nhiệt thừa từ lò để phục vụ sinh hoạt. Hơn nữa, cách thi công cũng phải cải tiến, không tốn nhân công, thời gian; dụng cụ thi công phải được thiết kế khôn khéo, an toàn và hiệu quả. Tất cả nhằm tạo ra những công trình “ăn chắc mặc bền” và tiết kiệm chi phí, chứ không chỉ phục vụ cái sướng mắt của kiến trúc sư. Nhiều khi một cải tiến nhỏ cũng có thể tạo ra thay đổi lớn. Chẳng hạn, nhà ở nông thôn và miền núi thường bị tối do mái dốc lớn; nhờ sử dụng vật liệu hiện đại như kính cường lực trên mái hay áp dụng các thủ pháp chuyên môn, chúng tôi đã làm ra những cái mái vừa xòe rộng bảo vệ nhà trước mưa nắng vừa bảo đảm nhà không thiếu ánh sáng tự nhiên. Những cải tiến tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng lại góp phần đổi mới cốt lõi truyền thống.


KTS Hoàng Thúc Hào làm việc với người dân địa phương trong quá trình thực hiện dự án Nhà cộng đồng Nậm Đăm. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Các thiết kế của anh luôn đề cao kiến trúc bản địa, hay nói cách khác là kiến trúc truyền thống. Vậy anh nhìn nhận di sản kiến trúc truyền thống Việt Nam như thế nào?

Di sản kiến trúc của ông cha còn lại không bao nhiêu, trên hết vẫn là các kiến trúc tôn giáo. Di sản kiến trúc dân sinh, dân dụng rất khiêm tốn, chỉ là những mảnh vụn, những dấu vết rời rạc. Tuy nhiên đây là cái cớ, là tiền đề quý báu giúp nảy ra những sáng tạo nếu ta biết phát hiện và tiếp biến những cốt lõi đó vào trong một ngôn ngữ kiến trúc hiện đại. Chẳng hạn, mái nhà ngói âm dương rất mát, có thể chuyển hóa nguyên lý làm mát đó thiết kế ra những mái nhà tránh bức xạ hiệu quả mà không nặng như ngói âm dương xưa. Hay như cấu trúc không gian dạng lớp của nhà nông thôn Bắc bộ là gợi ý tuyệt vời cho các giải pháp chắn nắng, thông gió tự nhiên; cũng như cách lấy sáng gián tiếp trong đình chùa hoàn toàn có thể phát huy trong kiến trúc hiện đại.

Sắp tới anh có thêm những công trình xã hội, cộng đồng nào?

Chúng tôi sắp hoàn thành công trình làng thiền ở Yên Bái và nhà cộng đồng ở Sơn La; còn Trung tâm/trường tập huấn kỹ năng làm du lịch cho đồng bào ở Tả Phìn, Sapa, đang bước vào giai đoạn thiết kế kỹ thuật, chuẩn bị khởi công.

Cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện với Tia Sáng.

Thái Thanh thực hiện

Di sản kiến trúc của ông cha còn lại không bao nhiêu, trên hết vẫn là các kiến trúc tôn giáo. Di sản kiến trúc dân sinh, dân dụng rất khiêm tốn, chỉ là những mảnh vụn, những dấu vết rời rạc. Tuy nhiên đây là cái cớ, là tiền đề quý báu giúp nảy ra những sáng tạo nếu ta biết phát hiện và tiếp biến những cốt lõi đó vào trong một ngôn ngữ kiến trúc hiện đại.

Tác giả