NASA: Năm 2030 đưa người lên sao Hỏa

Ngày 7/6 mới đây, NASA đã công bố danh sách và làm lễ ra mắt 12 nhà du hành vũ trụ được chọn để thực hiện sứ mệnh thám hiểm không gian xa, trong đó có sao Hỏa. Họ được lựa chọn từ 18.300 ứng viên với những tiêu chuẩn rất cao. Sự kiện này cho thấy NASA đang đẩy mạnh thực hiện mục tiêu đổ bộ sao Hỏa.


12 nhà du hành vũ trụ được NASA chọn để thực hiện sứ mệnh thám hiểm không gian xa, trong đó có sao Hỏa.

Trước đó, tại hội thảo The Humans to Mars Summit (Washington 9-11/5/2017), Greg Williams, Phó Giám đốc NASA, đã công bố một số chi tiết của Dự án đổ bộ sao Hỏa, chia hai giai đoạn:

– Giai đoạn một (2018-2026) thực hiện 4 chuyến bay có người lái lên không gian Trái đất-Mặt trăng (không gian Cislunar), sử dụng tàu vũ trụ Orion chở các trang bị lên đây và dùng cánh tay máy Canadarm2 lắp ráp các trang bị đó thành một trạm vũ trụ bay quanh Mặt trăng, gọi là Deep Space Gateway (DSG). Trạm DSG hoạt động bằng điện Mặt trời, gồm module sinh sống của các nhà du hành vũ trụ, module nghiên cứu khoa học, module bọc kín (airlock) để kết nối với các tàu đến thăm và để thử các hệ thống đưa người đi sao Hỏa. DSG tạo môi trường sống cho nhà du hành vũ trụ tại không gian Cislunar, và dùng làm nơi nghiên cứu khoa học hoặc điều hành các tàu vũ trụ khác, kể cả các chuyến thăm dò Mặt trăng. Như vậy DSG có vai trò căn cứ địa trên vũ trụ trong chương trình thăm dò vũ trụ của NASA.

Giai đoạn  hai trong kế hoạch đưa người lên sao Hỏa của NASA có sự tham gia của  tàu vận tải không gian sâu (Deep Space Transport, DST). Nguồn: NASA/The Humans to Mars Summit

– Giai đoạn hai, từ năm 2027: phóng các tàu vận tải không gian sâu (Deep Space Transport, DST) lên Cislunar. DST chở các nhà du hành vũ trụ đến trạm DSG làm việc. NASA đã yêu cầu sáu công ty tư nhân thiết kế tàu vũ trụ cho dự án, riêng Boeing sẽ thiết kế tàu vận tải và khoang nghỉ ngơi cho các nhà du hành vũ trụ.

Khoảng năm 2030, tàu DST sẽ bắt đầu chở các nhà du hành vũ trụ xuất phát từ DSG bay lên sao Hỏa.

Muốn đưa người lên sao Hỏa phải chế tạo được loại tên lửa vận tải công suất lớn gọi là Hệ thống phóng không gian (Space Launch System, SLS). Tên lửa SLS có thể đưa tải trọng 80-130 tấn lên sao Hỏa. Nó dùng nhiên liệu rắn có sức đẩy 3.800 – 4.200 tấn, mạnh hơn tên lửa Saturn V (nhiên liệu dầu hỏa, sức đẩy 3.400 tấn) đã dùng trong Dự án Apollo.

NASA mong muốn hợp tác với các công ty tư nhân và các nước khác và hiện đã chọn được sáu công ty tư nhân hợp tác làm hệ thống môi trường sống cho nhà du hành vũ trụ.

Viện Sao Hỏa (Mars Institute), một tổ chức phi chính phủ quốc tế, có trụ sở ở Mỹ và Canada, ước tính trong 25 năm tới dự án nói trên sẽ cần ít nhất 1.000 tỷ USD, đây là một con số hợp lý, bởi lẽ Dự án Apollo trong 10 năm chi hết 24 tỷ USD, tương đương 197 tỷ USD ngày nay, mà đổ bộ sao Hỏa phức tạp nhiều.

Hôm 24/4, Tổng thống Trump nói ông không hài lòng với kế hoạch đưa người lên sao Hỏa trong thập niên 2030, và yêu cầu NASA làm việc đó trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ đầu (2021), hoặc chậm nhất là trong nhiệm kỳ hai (2025). Ngày 21/3, Trump đã duyệt cấp cho NASA 19,5 tỷ USD trong năm tài chính 2017 nhằm thực hiện kế hoạch nói trên, hơn ngân sách cũ 200 triệu USD.

Hai công ty tư nhân SpaceX của nhà phát minh, doanh nhân người Mỹ gốc Nam Phi Elon Musk và Mars One của nhà phát minh, doanh nhân người Hà Lan Bas Lansdorp cũng đang ráo riết thực thi dự án đưa người lên sao Hỏa. Năm 2011, Musk khẳng định mục đích cá nhân của ông là đưa người ra khai phá và định cư ở Sao Hỏa, trong khoảng 10-20 năm nữa. Còn trước mắt, ông cho biết, năm 2018 sẽ đưa hai du khách lên quỹ đạo Mặt trăng và trở về (có trả tiền 250.000 USD/người).

Nguyên Hải dịch

Nguồn:

https://www.space.com/36781-nasa-yearlong-crew-moon-mission-ahead-of-mars.html

https://h2m.exploremars.org/

 

Tác giả