Ngân hàng đầu tư châu Âu sẽ không cấp vốn cho các dự án điện nhiên liệu hoá thạch

Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), ngân hàng đầu tư liên quốc gia quan trọng nhất ở châu Âu dự kiến sẽ không cho các dự án điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch vay vốn từ năm 2021.


Trụ sở EIB ở Luxemburg. Cho đến nay, đây là nhà tài trợ công lớn nhất cho các dự án về khí đốt của EU.

28 quốc gia thành viên của EU mới đây đã có cuộc họp tại Luxemburg và ra quyết định: từ 2021 EIB sẽ không cấp tín dụng cho các dự án năng lượng hoá thạch. 

Vào mùa hè vừa rồi, chủ tịch EIB, ông Werner Hoyer đã tuyên bố, ngân hàng của ông sẽ trở thành “Ngân hàng bảo vệ khí hậu” nhằm giúp EU thực hiện được mục tiêu đề ra trong việc chống biến đổi khí hậu. Trước đó, ngay từ năm 2013 EIB đã ngừng hỗ trợ vốn cho các nhà máy điện chạy bằng than. Và trong hai năm tới ngân hàng này cũng ngừng hỗ trợ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt – qua đó ngân hàng này sẽ không còn liên quan đến nhiên liệu hoá thạch.

Trong số các thành viên EU lúc đầu cũng có một số nước phản đối như Ba lan,  Rumani và Hungari. Ngay cả chính phủ Đức cho đến những tuần vừa rồi cũng không tán thành, nhưng sau đó đồng ý, khi các bên đưa được vào dự thảo thời gian quá độ là 2 năm: có nghĩa là các dự án dùng khí đốt và các năng lượng gây hại cho khí hậu khác sẽ được tiếp tục tài trợ cho đến năm 2021. Cho đến nay EIB là nhà tài trợ công lớn nhất cho các dự án về khí đốt của EU. Ngân hàng này nhận được vốn từ các nước thành viên, khoản tiền đóng góp lệ thuộc vào sức mạnh kinh tế mỗi nước. Các cổ đông chính là Pháp, Đức, Anh quốc và Italia, mỗi nước khoảng 16 %. 

Tuy nhiên việc chấm dứt khoản tín dụng của EIB không có nghĩa là dấu chấm hết đối với với các dự án khí đốt ở châu Âu, bởi lẽ Uỷ ban  EU vẫn tiếp tục hỗ trợ cho nguồn năng lượng hóa thạch. Thí dụ thông qua quỹ Kết nối châu Âu CEF, các dự án khí đốt vẫn vay được tiền. 

Trong những năm qua, EIB cho vay khoảng 13 tỷ Euro cho các dự án khí đốt. Riêng trong năm qua đã cung cấp cho hành lang khí đốt ở phía nam, tuyến đường ống từ Aserbaidschan đến Italia 700 triệu Euro, để châu Âu đỡ bị lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga. 

Bước đi của EIB lúc này có thể là tín hiệu tác động vào các ngân hàng khác, vì cho đến nay chỉ có rất ít ngân hàng rút lui không hỗ trợ đối với lĩnh vực hoá thạch. Theo một báo cáo gần đây của tổ chức phi chính phủ Banktracker thì kể từ khi Hiệp định bảo vệ khí hậu Paris được thông qua, 33 ngân hàng lớn nhất của thế giới đã cung cấp khoản tín dụng lên đến 1,9 nghìn tỷ đôla cho các dự án về than, dầu và khí đốt. Từ 2015, khoản tín dụng dành cho khai thác các nguồn tài nguyên hóa thạch không ngừng tăng, riêng năm 2018 là vào khoảng 650 tỷ đôla. Dù sao thì Ngân hàng thế giới cách đây hai năm đã tuyên bố không hỗ trợ cho các dự án dầu mỏ và khí đốt.

Hiện tại các tập đoàn khí đốt châu Âu luôn truyền thông rằng khí đốt là nguồn năng lượng thân thiện với khí hậu hơn so với các nhiên liệu hoá thạch khác. Một chiến dịch tuyên truyền đã được phát động, coi khí đốt là một dạng công nghệ quá độ sẽ tiếp tục được vận dụng cho đến khi phát triển được các năng lượng tái sinh có thể thay thế bền vững và đầy đủ.

Tuy nhiên khí đốt cũng như các loại nhiên liệu hoá thạch khác đều khai thác từ trong lòng đất, được vận chuyển và sau đó được đốt để làm ra điện hoặc để sinh nhiệt. Nếu chỉ xem xét về khí thải CO2 trong quá trình đốt than đá hoặc than nâu  và khí đốt thì khí đốt thuộc diện thân thiện với khí hậu nhất. Tuy nhiên trong quá trình khai thác và vận chuyển phát sinh khí methan có hại đối với khí hậu. Theo Hội đồng khí hậu thế giới thì khí đốt sản sinh một phần tư nhiệt lượng do con người tạo ra và làm trái đất nóng lên, và sự nguy hại của nó cao gấp một trăm lần so với khí CO2. Các nhà khoa học đã tính toán, để đạt được mục tiêu khí hậu theo thoả thuận Paris thì khoảng 50% trữ lượng khí đốt đã được phát hiện phải nằm lại trong lòng đất chứ không thể khai thác.

Hoài Trang lược dịch, theo Tuần báo Spiegel

Nguồn: https://www.spiegel.de/wissenschaft/mensch/eib-europas-wichtigste-zwischenstaatliche-bank-wird-nachhaltig-a-1296600.html

 

Tác giả