Nhìn trước công nghệ để thiết lập kế hoạch KH&CN dài hạn

Những kinh nghiệm xây dựng kế hoạch dài hạn về KH&CN của Hàn Quốc đã được chia sẻ tại hội thảo về Chiến lược phát triển quốc gia về KH, CN và Đổi mới sáng tạo (STI) và nhìn trước công nghệ (Technology Foresight) vào ngày 18/4 tại Hà Nội.

Mô hình xây dựng các kế hoạch phát triển KH&CN dài hạn. 

Trong bối cảnh KH&CN đang góp phần định hình lại thế giới và trở thành một vấn đề sống còn thay vì chỉ là một tùy chọn như vài chục năm trước đây thì việc nắm bắt được xu hướng công nghệ và những ảnh hưởng cốt lõi của nó là điều quan trọng. Nhưng thực hiện điều này lại không dễ dàng trong một thế giới đầy những điều bất định, ví dụ cách đây 5 năm không ai có thể tiên đoán được sự kiện bất ngờ gây ảnh hưởng toàn cầu như Brexit, Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hay sự nổi lên mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo AI. 

Mặt khác, hiện những người ra quyết định ở nhiều cấp – từ chính phủ, tổ chức đến doanh nghiệp, người dân – đều gặp khó khăn do các vấn đề càng ngày càng phức tạp bởi đứng trước nhiều mối quan hệ đa phương, đa chiều, hoặc do thói quen ưa phần thưởng ngay lập tức hơn là kiên trì cho các lợi ích lâu dài. Bởi vậy, nhiều tổ chức và các quốc gia trong đó có Hàn Quốc đã nhanh chóng phát triển và sử dụng phương pháp Tầm nhìn chiến lược (Strategic Foresight), trong đó bao gồm cả Nhìn trước Công nghệ (Technology Foresight – TF) để có thể đưa ra những kết quả hữu ích hơn. “Nó cho chúng ta những hướng đi, những kịch bản, những khả năng có thể xảy ra”. 

Trên cơ sở đó, việc xây dựng kế hoạch dài hạn về KH&CN đã được Hàn Quốc thực hiện một cách bài bản. GS. Park Young Il – nguyên là Thứ trưởng Bộ KH&CN Hàn Quốc và hiện là giảng viên ĐH Ewha, nhấn mạnh ba nguyên tắc quan trọng mà Hàn Quốc đã áp dụng: “Khi xây dựng bất kỳ một kế hoạch tổng thể quốc gia nào, chúng tôi luôn phải có sẵn khoảng 30 kế hoạch bổ sung cho nó, do vậy kế hoạch về STI là một cấu phần quan trọng nhưng điều tiên quyết là phải cùng lúc liên kết với các kế hoạch kinh tế, xã hội khác, bởi vậy trong giai đoạn chuẩn bị cần khuôn khổ pháp lý và cơ chế phối hợp rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, nó phải dẫn dắt việc lập kế hoạch của các ngành khác nhau bằng việc đưa ra những kết quả nhìn trước (foresight) và tiêu chí (criteria) hữu ích. Và đồng thời, nó phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của quốc gia để có thể nhanh chóng điều chỉnh, không nhất thiết phải chờ 5-10 năm mới lập lại”.  

Không chỉ ở tầm quốc gia mà ở các cơ quan khác của chính phủ, nguyên tắc này cũng được áp dụng. Đó cũng là câu chuyện ở KIST, một viện nghiên cứu hàng đầu Hàn Quốc, khi những hoạt động của Viện gắn với mục tiêu chiến lược STI ở mỗi giai đoạn khác nhau. Những năm 1960-7190, KIST được coi là trung tâm cố vấn về công nghiệp, giai đoạn 1980-1990 trở thành nơi nghiên cứu theo dõi các công nghệ tiên tiến trong bối cảnh quốc gia này đặt mục tiêu vào nhóm 7 nước dẫn đầu STI thế giới; kể từ năm 2000, khi Hàn Quốc bắt đầu xây dựng Hệ sinh thái và Xã hội dựa trên công nghệ, Viện đã đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ cơ bản, với hai hướng chính là nghiên cứu giải quyết các vấn đề lớn của đất nước (chẩn đoán y học, năng lượng tái tạo, vật liệu tiên tiến …) và nghiên cứu tiên phong để chạy đua dẫn đầu xu hướng công nghệ thế giới (máy tính lượng tử, AI, Robot, thực tại ảo…). 

Tuy nhiên, việc áp dụng những nguyên tắc trên vào xây dựng các kế hoạch phát triển KH&CN dài hạn không phải là điều dễ dàng. TS. Park Byeongwon (Viện Chính sách KH&CN Hàn Quốc STEPI), lưu ý trên thực tế, có không ít quốc gia dùng Foresight một cách nửa vời hoặc chỉ đơn giản là kiểu chạy theo mốt, do đó Việt Nam nếu muốn thực sự đổi mới thì cần tránh lặp lại bài học này. 

Đồng tình với nhận định này, TS. Trần Ngọc Ca, Học viện KH, CN và Đổi mới sáng tạo (VISTI) cho rằng, “việc tổ chức thực hiện phương thức Foresight này thực sự rất khó”. Ông lý giải, có hai khó khăn đối với Việt Nam: Thứ nhất, Việt Nam thiếu đội ngũ chuyên gia có tầm nhìn về KH&CN trong khi việc xây dựng nhìn trước đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia ở nhiều lĩnh vực. Thứ hai, Việt Nam hầu như chưa có văn hóa ‘Foresight’. Phần lớn hoạt động Foresight ở Việt Nam đều xuất phát từ các chương trình hợp tác quốc tế với sự tham gia hỗ trợ của những tổ chức nước ngoài như CSIRO, APEC Center, UNIDO… mà chưa phải là nhu cầu nội tại của các tổ chức, cơ quan. Do đó, tất cả mới chỉ dừng lại ở việc bàn thảo về Foresight trên lý thuyết mà chưa có khả năng mở rộng áp dụng trong thực tế.  

Tác giả