Những công nghệ chăm sóc sức khỏe hứa hẹn trong năm 2017

Kính áp tròng đo được nồng độ đường huyết, bữa ăn được chuẩn bị dựa trên dữ liệu về gene, thưởng tiền hằng ngày cho những khách hàng bảo hiểm y tế giữ sức khỏe tốt, thay thế chân tay giả chỉ trong một buổi khám… là những công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm nay.

Đo đường huyết bằng kính áp tròng

Năm 2016, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép cho bộ phận tụy nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Thiết bị này có thể điều tiết lượng đường máu và cung cấp Insulin một cách tự động với chức năng như một tuyến tụy tự nhiên khỏe mạnh. Đột phá này mang lại cho bệnh nhân tiểu đường một cuộc sống khỏe mạnh lâu dài và đây cũng là bước tiến xa nhất trong việc kiểm soát tiểu đường trong những năm gần đây.

Sản phẩm này ra đời sau cuộc vận động #wearenotwaiting để bắt đầu chiến dịch đưa các thiết bị như tuyến tụy nhân tạo vào thị trường.

Sự phát triển của các liệu pháp chăm sóc bệnh nhân tiểu đường không dừng lại ở đó. Mới đây, tập đoàn Google đã đăng kí sáng chế cho kính áp tròng kĩ thuật số có khả năng đánh giá nồng độ đường huyết trong nước mắt, một sản phẩm có sự hợp tác của tập đoàn dược phẩm Novartis. Trái ngược với sự im lặng ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển, hiện có tin đồn rằng sản phẩm đã sẵn sàng cho những thử nghiệm trong năm 2017.

Dược phẩm “súng bắn tỉa”

Công nghệ kỹ thuật số sẽ bắt đầu thay đổi các phương pháp chăm sóc và điều trị ung thư trên thị trường trong những năm tới đây. Phác đồ điều trị được cá nhân hóa sẽ ngày càng trở nên phổ biến với sự xuất hiện của các dự án, công ty khởi nghiệp như Foundation Medicine hay SmartPatients. Foundation Medicine mong muốn cung cấp thông tin cho quá trình điều trị từng bệnh nhân ung thư cụ thể dựa trên những phép thử DNA. Trong khi đó, SmartPatients lại cố gắng thay đổi những liệu pháp chống ung thư bằng việc xây dựng cộng đồng trực tuyến, nơi những người bệnh có thể chia sẻ hiểu biết, giúp hoàn thiện các dịch vụ đang chăm sóc họ.
Bên cạnh đó, những tiến bộ nổi bật trong liệu pháp miễn dịch cũng mở ra một kỉ nguyên mới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác này. Sinh thiết lỏng (Liquid Biopsy) – công nghệ cho phép xác định các tế bào ung thư hay các mảnh DNA vỡ ra từ tế bào ung thư lưu thông trong máu – là một dấu mốc quan trọng trong năm 2016 và nó đang trở lên dễ tiếp cận hơn đối với bệnh nhân trên toàn thế giới. Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng công nghệ này đang từng bước được cải tiến. Dược phẩm khu trú cũng đang thay đổi cuộc chơi của phác đồ điều trị ung thư với việc sử dụng “thần công” sang sử dụng những tay “súng bắn tỉa” cừ khôi.

Thực tế tăng cường và thực tế ảo trong điều trị và đào tạo y dược

 Nói về thực tế tăng cường (augmented reality), và người anh của nó là thực tế ảo (virtual reality), những năm gần đây, hai công nghệ này đã đủ trưởng thành để có thể ứng dụng trong điều trị lâm sàng, đào tạo y dược, và nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân. Tháng 4/2016, ca mổ bóc tách khối u bằng công nghệ thực tế ảo đầu tiên trên thế giới đã được thực hiện tại London. Những ai mang Google Cardboard hay thiết bị thực tế ảo tương tự đều có thể theo dõi ca mổ này hay các ca mổ khác trong tương lai.

Hệ thống thực tế tăng cường Hololens của Microsoft đã được Cleverland Clinic và Đại học Case Western Reserve sử dụng để tạo ra phần mềm HoloAnatomy hỗ trợ giảng dạy và học tập môn sinh lí học cơ thể người.

Trong thực tế ứng dụng, các thiết bị thực tế ảo đã được sử dụng thành công nhằm làm xao lãng trẻ nhỏ khi tiến hành tiêm hay truyền dịch, giúp giảm nhẹ những tác động lâu dài đến tâm lí trẻ nhỏ trong quá trình thực hành y tế.

Nổi bật nhất trong lĩnh vực này phải kể đến sự kết hợp giữa công nghệ thực tế ảo và điện não đồ đã giúp những bệnh nhân bị tổn thương hệ thống thần kinh cột sống phục hồi khả năng vận động ở những đôi chân tưởng như đã bị liệt vĩnh viễn. Sự kì diệu này đạt được mà không cần đến những can thiệp kiểu cấy ghép hay phẫu thuật.

Bữa ăn dựa trên thông tin về di truyền

Năm 2017, ngành công nghiệp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng sẽ cung cấp cho người dùng những dịch vụ còn hết sức mới mẻ và lạ lẫm. Trong số đó, dinh dưỡng di truyền, kết hợp giữa khoa học di truyền và dinh dưỡng, nổi lên một cách tiềm năng, xuất phát từ ý tưởng bộ gene sẽ tiết lộ những thông tin quan trọng về nhu cầu của cơ thể. Sau khi bộ gene của bạn đã được giải mã, một phần mềm thông minh sẽ cho bạn biết thực phẩm nào bạn nên hoặc tuyệt đối không nên ăn. Habit – một start-up ở California, đã lên kế hoạch sử dụng những thông tin di truyền để xây dựng bữa ăn lý tưởng cho từng khách hàng và gửi nó đến tận nhà cho họ mỗi ngày.

Hiệu chỉnh gene để chống ung thư

Trong năm qua, kỹ thuật hiệu chỉnh gene CRISPR đã tiến những bước hết sức quan trọng trong công cuộc nghiên cứu ra các liệu pháp hỗ trợ sức khỏe. Các nhà khoa học đã tạo ra loài muỗi có khả năng kháng lại ký sinh trùng sốt rét bằng công nghệ này. Một số nhà khoa học khác thì đang nỗ lực hiệu chỉnh tế bào miễn dịch của con người nhằm nâng cao khả năng tìm, diệt của chúng đối với các tế bào ung thư. Cũng trong năm vừa qua, các nhà khoa học đã điều trị thành công bệnh nhược cơ Duchenne trên chuột. Với những thành công ban đầu này, cơ hội mới cho việc ứng dụng công nghệ CRISPR vào điều trị lâm sàng tiếp tục được mở ra.

Thưởng tiền khách hàng giữ sức khỏe tốt

Năm 2017, việc tiếp nhận dữ liệu từ khách hàng sẽ làm nên sự chuyển dịch trong mảng dịch vụ bảo hiểm y tế. Oscar Health (Mỹ) đã có những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng ý tưởng này với vấn đề nêu ra đậm chất kinh doanh: không lượng hóa được sức khỏe, ngành bảo hiểm sẽ là ngành kinh doanh mạo hiểm nhất. Với sự hỗ trợ của Oscar Health, những người được bảo hiểm có thể cung cấp thông tin đánh giá sức khỏe qua hệ thống dữ liệu Fitbit, và nếu họ đạt được các mục tiêu về sức khỏe, họ sẽ nhận được 1$ mỗi ngày. Đây là cách có thể giúp mọi người có động lực giữ gìn sức khỏe chỉ với một phần thưởng nhỏ.

Bên cạnh đó, việc ăn uống những thực phẩm không lành mạnh, uống rượu, hút thuốc quá nhiều, và không tập thể thao không chỉ có nguy cơ lấy đi của con người sức khỏe và tiền bạc về lâu dài mà còn là gánh nặng lớn cho bảo hiểm của họ với những chi phí phát sinh.

Dự đoán 245 triệu thiết bị tầm soát nhỏ gọn có thể mang theo người sẽ được bán vào năm 2019. Với việc ngày càng có nhiều dữ liệu về lối sống của con người được ghi nhận qua các thiết bị này, hiển nhiên các công ty bảo hiểm sẽ tận dụng chúng. Năm nay, một công ty bảo hiểm lớn (không phải một start-up!) sẽ tung ra một gói sản phẩm bao gồm thiết bị cảm biến mang theo cùng một hướng dẫn về lối sống lành mạnh.

Robot phẫu thuật của Google và Johnson&Johnson sẽ cạnh tranh với daVinci

Robot phẫu thuật sẽ thay đổi cách tiến hành các ca phẫu thuật trong tương lai. Ngành công nghiệp này đang bùng nổ: đến năm 2020, doanh thu từ việc bán các robot phẫu thuật dự kiến sẽ tăng gấp đôi, đạt 6,4 tỷ USD.

Một ví dụ điển hình là hệ thống phẫu thuật daVinci do Intuitive Surgical (Mỹ) nghiên cứu chế tạo, nổi bật bởi tính năng cung cấp hình ảnh 3D phóng đại và trang bị cánh tay robot tinh xảo để hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật thao tác chuẩn xác hơn thông thường. Thiết bị được kiểm soát hoàn toàn bằng hệ thống robot ở mọi thời điểm sẽ giúp vết mổ nhỏ hơn rất nhiều so với trước đây, đồng thời cải thiện độ chính xác một cách đáng kể. Với tham vọng tương tự, Google đã bắt tay cùng với Johnson&Johnson để tạo ra sản phẩm cạnh tranh với daVinci.

Chẩn đoán bệnh qua giọng nói

Cách đây không lâu, các nhà khoa học khám phá ra những đặc trưng không dễ nhận biết của giọng nói mỗi người. Những đặc trưng này, mà các nhà khoa học gọi là “dấu ấn sinh học” của giọng nói, có thể được sử dụng để chẩn đoán, phát hiện các bệnh lý từ căng thẳng, trầm cảm đến tim mạch. Beyond Verbal – một công ty của Israel – đã chào hàng hệ thống chẩn đoán, phân tích cảm xúc thông qua thu nhận ngữ điệu giọng nói. Thay vì tập trung vào các chất đánh dấu sinh học đo được trong máu hay gene, dấu ấn sinh học của giọng nói – do dễ phát hiện, ghi lại và phân tích – sẽ được sử dụng nhiều hơn để giúp chẩn đoán và ngăn ngừa bệnh tật.

Thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu thuốc bằng công nghệ AI

Thông thường, việc tiến hành các thử nghiệm lâm sàng mất đến hàng thập kỷ và tốn kém lên đến hàng tỷ USD. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), quá trình này có thể được rút ngắn lại với chi phí rẻ hơn. Mới đây, Atomwise đã sử dụng siêu máy tính để mô phỏng các tương tác với thuốc để đề xuất loại thuốc điều trị phù hợp. Năm ngoái, Atomwise đã bắt tay tìm kiếm những thuốc an toàn, sẵn có để thiết kế lại chúng nhằm mang tới liệu pháp điều trị virus Ebola. Với sự hỗ trợ của công nghệ AI, công ty này đã tìm ra hai loại thuốc có thể làm giảm khả năng lây lan của virus Ebola. Phân tích này, thông thường phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để hoàn thành, đã được làm chỉ trong vòng chưa đến 24 giờ.

Các công ty dược phẩm đã thấy hơi nóng phả ra từ AI và đòi hỏi tất yếu là họ phải sớm thay đổi mô hình kinh doanh.

Thay thế chân, tay giả chỉ trong một buổi khám

Trước đây, nếu bạn bị gãy chân, gãy tay, bác sĩ phải tiến hành một quá trình kéo dài hết sức phức tạp và đau đớn để giúp bạn thay thế bộ phận đó an toàn, tránh những phản ứng viêm hay đào thải.  Giờ đây, một hệ thống liên hoàn sẽ quét cánh tay của bạn trong vòng 5 phút, rồi in ra bộ phận thay thế có khả năng chống thấm và nhẹ chưa đến 350 gr, cuối cùng là cố định nó luôn trên cơ thể bạn. Bạn có thể ra về ngay sau một buổi khám để bắt đầu giai đoạn phục hồi. Rẻ hơn, nhanh hơn, thuận tiện hơn cho cả bệnh nhân và bác sĩ, công nghệ này đang được thử nghiệm tại Exovite – một công ty in 3D Tây Ban Nha. Việc quét và thiết kế những bộ phận chân tay giả thay thế tùy biến không phải là quá khó. Rào cản chính đối với việc áp dụng phương pháp nói trên là sự chấp thuận từ giới bác sĩ chấn thương chỉnh hình. Tuy vậy công nghệ này hứa hẹn sẽ sớm ra mắt trong năm 2017.

Trần Tuấn Hiệp tổng hợp
Nguồn:
http://medicalfuturist.com/the-most-exciting-medical-technologies-of-2017/?utm_source=Newsletter+list&utm_campaign=66699feb05-Newsletter_2014_07_177_17_2014&utm_medium=email&utm_term=0_efd6a3cd08-66699feb05-420519741
http://www.medgadget.com/2016/12/medgadgets-best-medical-technologies-2016.html

 

Tác giả