Phát triển ngành năng lượng: Công nghệ trong nước có thể làm được gì?

Công nghệ đã từng là một trong những “cứu sinh” nâng cao năng suất trong ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian trước đây. Nhưng KH&CN sẽ thể hiện vai trò như thế nào trong bối cảnh mới, với đòi hỏi cải tiến đột phá nhằm tối ưu hóa sản xuất trong những ngành năng lượng truyền thống, tạo cú huých năng lượng tái tạo, tránh trở thành “bãi rác” công nghệ của nhiều nước phát triển…? Đó là những thảo luận chính trong Diễn đàn Công nghệ và năng lượng Việt Nam năm 2017 do Bộ KH&CN tổ chức ngày 8/9 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Diễn đàn. 

“Những năm 1990, Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang lúng túng vì các phương pháp khai thác dầu khí truyền thống không thể tiếp tục tìm ra thêm dầu ở mỏ Bạch Hổ thuộc bể trầm tích Cửu Long và không ai nghĩ ở tầng đá móng có dầu. Công nghệ khai thác dầu trong đá móng granitoit ra đời đúng thời điểm đó không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quá trình khai thác dầu mà còn là ‘cứu sinh’ cho tập đoàn Dầu khí Việt Nam”, TS. Nguyễn Hoàng Yến, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết.

Bà Yến cho biết thêm, đến hiện nay, mỏ Bạch Hổ vẫn là mỏ khai thác được số lượng lớn, với khoảng hơn 5 triệu tấn/ năm, chiếm khoảng hơn 1/3 sản lượng dầu khí của PVN. Công nghệ khoan mà tập đoàn áp dụng không chỉ dừng lại ở khoan thẳng như trước mà khoan ngang để tăng chiều dài kim thân giếng, giúp qua nhiều thân giếng, làm tăng lượng dầu khai thác được. Ngoài ra, tập đoàn cũng áp dụng các giải pháp khoan cắt thân mới và khoan đan dầy đối với khu vực còn nhiều tiềm năng dầu. Công nghệ khai thác dầu trong đá móng này đã được hoàn thiện, có ý nghĩa thực tiễn và khoa học không chỉ ở Việt Nam mà còn đóng góp khoa học cho ngành khai thác dầu trên thế giới và được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.

Câu chuyện của PVN là một điển hình cho thấy vai trò của nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ mới đến quá trình phát triển của ngành năng lượng trong quá khứ. Tuy nhiên, hiện nay, những yêu cầu mới trong phát triển ngành năng lượng Việt Nam đã đặt ra hàng loạt “đề bài” mới cần KH&CN giải quyết.

“Khai thác than trong các hầm mỏ ngày càng xuống sâu hơn, xa hơn, tăng tai biến địa chất, tăng áp lực mỏ, tăng khí độc hại và nước mỏ, tăng suất đầu tư, tăng chi phí khai thác… đòi hỏi cần nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới như tự động hóa trong khai thác nhằm giảm thiểu chi phí và nguồn nhân lực cho ngành than”, ông Kiều Kim Trúc, Phó Ban Khoa học Công nghệ thông tin và Chiến lược phát triển, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết. Nguồn điện từ than sẽ vẫn chiếm hơn 30% trong tổng cơ cấu điện Việt Nam cho đến năm 2050 cũng sẽ đòi hỏi công nghệ lò đốt tới hạn và siêu tới hạn để đảm bảo lọc sạch khí độc hại trong quá trình đốt phát điện.

Không chỉ ngành than, mà ngay cả những ngành năng lượng mới như mặt trời, gió, sinh khối… đang bị tăng chi phí sản xuất hoặc tụt hậu do công nghệ lạc hậu hoặc thậm chí có nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ”.  

Ví dụ, một trong những khó khăn lớn nhất với năng lượng tái tạo ở Việt Nam là vấn đề lưu điện để đảm bảo ổn định tần số điện. “Để nối lưới giữa các nhà máy năng lượng tái tạo và hệ thống điện quốc gia, cần ổn định tần số điện, nhưng khi hết nắng, hết gió thì điện mặt trời hay điện gió sẽ có tần số điện dao động mạnh. Do đó rất cần công nghệ lưu điện bằng pin lithium nhưng hiện nay ở Việt Nam chưa thể áp dụng được. Chúng ta không đủ khả năng sản xuất, còn trong khu vực cũng chỉ có một số nhà sản xuất lớn như Samsung làm được điều này”, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam nói.

Tuy nhiên, hầu như công nghệ trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về máy móc, thiết bị cho các ngành năng lượng mới, mà hầu hết các nhà đầu tư nhập khẩu công nghệ và thiết bị từ nước ngoài. Chẳng hạn, công nghệ sử dụng bã mía để phát điện sinh khối ở các nhà máy mía đường hiện nay chủ yếu nhập khẩu từ các nước phát triển, hoặc Ấn Độ hay Trung Quốc. “Áp dụng công nghệ Trung Quốc trong sản xuất điện sinh khối từ bã mía ở một số nhà máy khiến thất thoát nguồn điện rất nhiều. Ví dụ, nếu áp dụng công nghệ tiên tiến thì một tấn bã mía cho 300kwh nhưng công nghệ Trung Quốc chỉ cho khoảng 100kwh”, ông Phạm Trọng Thực, vụ trưởng vụ Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương cho biết. Điều đó khiến nhiều nhà khoa học tại diễn đàn lo lắng một viễn cảnh “nếu không cẩn thận”, Việt Nam có thể trở thành “bãi rác công nghệ” của nhiều nước.

Một số công nghệ năng lượng tái tạo trong nước cũng chưa được chuẩn hóa, kiểm định và công bố minh bạch toàn bộ các chỉ số kỹ thuật công nghệ. Ví dụ, điện sinh khối từ rác “made in Vietnam” cũng chưa được thẩm định các chỉ số về bảo vệ môi trường như không sinh ra ô nhiễm thứ cấp “bởi ô nhiễm thứ cấp từ khí, than của các nhà máy điện rác đó sẽ khó giải quyết gấp nhiều lần so với ô nhiễm ban đầu”, ông Phạm Trọng Thực nói thêm.

Sử dụng điện năng trong sản xuất và sinh hoạt ở Việt Nam cũng đang bị lãng phí rất nhiều. Theo tính toán của Schneider Việt Nam, các ngành sản xuất đang lãng phí điện nhiều nhất gồm công nghiệp xi măng (50%), nông nghiệp (50%), dệt may (30%), phát điện than (25%)… Điều đó đặt ra yêu cầu cần áp dụng công nghệ để kiểm soát, tiết kiệm triệt để lượng điện lãng phí này. Những công nghệ tiên tiến như áp dụng cảm biến thông minh, IoT vào giúp tiết kiệm năng lượng hầu như vẫn chưa được áp dụng ở Việt Nam.

Những thực trạng đó đòi hỏi chính sách khoa học công nghệ, chính sách thu hút đầu tư có sự điều chỉnh nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới. Về phía Bộ KH&CN, trong thời gian vừa qua đã cho thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về công nghệ tiên tiến, tiêu biểu có thể kể tới như đề tài KC.05/16-20 về Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã trở thành những đề xuất quan trọng và được áp dụng ở EVN, PVN. Trong thời gian tới, đề tài tiếp tục nghiên cứu về những công nghệ đốt lò tiên tiến nhằm xử lý chất thải rắn, công nghệ nhiệt lạnh sản xuất đá lỏng phục vụ ngành thủy sản…

Phát biểu tại Diễn đàn, thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH&CN sẽ tổ chức các hội thảo chuyên sâu về từng chủ đề công nghệ cho các ngành năng lượng ở Việt Nam để doanh nghiệp, hội nghề nghiệp về năng lượng có thông tin tham khảo. Bộ cũng sẽ tập trung xây dựng các chính sách thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong nước nhằm phát triển ngành năng lượng tái tạo. 

Tác giả