Phát triển thủy điện: Tỷ lệ nội địa hóa công nghệ và thiết bị thấp

Các dự án thủy điện đã hoàn thành và đang thi công xây dựng của Việt Nam đã đạt trên 86% công suất quy hoạch, tuy nhiên yếu tố nội địa hóa công nghệ và thiết bị trong các nhà máy thủy điện lại ít được tính đến.

Nhà máy thủy điện Trung Sơn công suất 260 MW (Quan Hóa, Thanh Hóa). Nguồn: Dantri

Tại hội thảo Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn, hiệu quả, bền vững do Bộ Công Thương, Bộ KH&CN và Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXN Việt Nam) phối hợp tổ chức vào ngày 5/10/2017, dự án thủy điện Trung Sơn công suất 260 MW tại Quan Hóa, Thanh Hóa đã được nêu như một án điển hình thành công trong việc áp dụng các bài học thực tiễn quốc tế và tuân thủ các chính sách an toàn của nhà tài trợ World Bank. Ông Trần Hồng Kỳ, chuyên viên Ban Năng lượng (World Bank) cho biết, Trung Sơn không chỉ là một trong những dự án hiếm hoi tiết kiệm được vốn đầu tư (tiết kiệm 50 triệu USD, tương đương 12% tổng mức đầu tư) mà còn nổi bật về sự an toàn trong vận hành nhờ nâng cao chất lượng thiết kế kỹ thuật và áp dụng chương trình an toàn đập theo thông lệ quốc tế, bao gồm bổ sung đập tràn khẩn cấp dài 100m, cổng xả sâu có năng lực xả khoảng 17.000m3 và thực hiện các kế hoạch an toàn đập (EVN là đơn vị thực hiện dự án). Vào cuối tháng 6/2017 vừa qua, cả bốn tổ máy của nhà máy Trung Sơn đều đã hoạt động và điện được nối lưới quốc gia.

Vẫn nhập thiết bị và công nghệ nước ngoài

Trao đổi bên lề hội nghị, ông Trần Hồng Kỳ cho biết, phần lớn các trang thiết bị máy móc của dự án Trung Sơn đều được nhập ở nước ngoài “vì về cơ bản, từ các thiết bị cơ điện quan trọng cho nhà máy thủy điện như turbin, máy phát điện đến hệ thống điều khiển, thiết bị giám sát…, Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực sản xuất. Không riêng gì Trung Sơn mà với các dự án thủy điện quy mô lớn, vừa và nhỏ khác thì các thiết bị cơ điện đều [phải] đi nhập hết”.

Khi được hỏi về nỗ lực nội địa hóa thiết bị và công nghệ, ông Trần Hồng Kỳ cho biết thêm, Việt Nam cũng đã thực hiện trong nhiều năm qua và mới thành công ở một số chi tiết, thiết bị thủy công nhưng về thiết bị cơ điện thì rất khó vì hai yếu tố, thứ nhất là khoảng cách về công nghệ của các nhà sản xuất Việt Nam với nước ngoài rất lớn, thứ hai nếu có sản phẩm thì nó cũng khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc và Ấn Độ.

Một đại biểu khác của hội nghị, ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện A Vương, cũng thừa nhận tình hình tương tự với nhà máy A Vương, “nhiều cái vẫn cần phụ thuộc”. Đặt tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, thủy điện A Vương có công suất 210 MW, hai tổ máy hòa lưới điện quốc gia vào năm 2008, điện lượng bình quân hàng năm đạt 815 triệu KWh. Những sản phẩm của Việt Nam trong các hạng mục công trình của A Vương chính là thiết bị cơ khí thủy công do Viện Cơ khí NARIME (Bộ Công thương) cung cấp và công nghệ bê tông đầm lăn (RCC-roller compacted concrete), loại công nghệ thích hợp cho các công trình bê tông khối tích lớn, hình dáng không phức tạp như đập, mặt đường. “A Vương cũng là một trong những công trình đầu tiên của thủy điện vừa và nhỏ của Việt Nam áp dụng công nghệ này”, ông Ngô Xuân Thế nói.

Việt Nam vẫn phải nhập các thiết bị cơ điện của nhà máy thủy điện như hệ thống điều khiển, giám sát… Ảnh: Phòng điều khiển của nhà máy thủy điện Lai Châu. Nguồn: EVN

Về lâu dài, A Vương có chiến lược nội địa hóa một số thiết bị nhà máy? Ông Thế cho rằng, công việc vận hành nhà máy rất tốt và an toàn nên vẫn chưa nghĩ tới điều đó và giải thích thêm: “Với các công trình thủy điện, đặc biệt vừa và nhỏ như A Vương, hiện Việt Nam mới chỉ làm tốt ở một số khâu bảo trì, bảo dưỡng, còn chế tạo thêm được thiết bị nào cũng tốt nhưng cũng khó làm vì nó còn phụ thuộc vào năng lực sản xuất của doanh nghiệp”.

Cần khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất thiết bị

Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) tại hội nghị, năm 2014, Bộ Công thương đã phối hợp với UBND các tỉnh ra soát lại quy hoạch thủy điện theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/2/2014. Kết quả cho thấy, các dự án đã hoàn thành và đang thi công xây dựng đã đạt trên 86% công suất quy hoạch. Còn theo báo cáo của Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), đến năm 2017, cả nước có 330 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác thủy điện, trong đó có 194 công trình thủy điện nhỏ (công suất lắp đặt đến 30 MW). Ở góc độ kinh doanh, thị trường cung cấp thiết bị cho các nhà máy thủy điện rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó chỉ cần đảm bảo cung cấp một số trang thiết bị quan trọng cho các nhà máy này, thậm chí ngay cả thực hiện khâu bảo trì, bảo dưỡng, cũng là cơ hội rất lớn với các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh mới, việc phát triển thủy lợi “không nên thực hiện theo cách làm cũ mà làm theo cách thức mới”, tính đến yếu tố đổi mới công nghệ vì lâu nay “chúng ta sản xuất năng lượng mà chưa đặt ra vấn đề sản xuất thiết bị về năng lượng và tiếp cận công nghệ thế giới”.

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH&CN đã thực hiện nhiều chương trình KH&CN về năng lượng tái tạo, trong đó nổi bật là Chương trình trọng điểm cấp nhà nước KC05 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” với nhiều đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm mà sản phẩm là những quy trình công nghệ, thiết bị tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng trong khâu sản xuất, lưu trữ, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Tuy hiện nay “cơ khí Việt Nam đã từng bước chủ động được phần thiết kế, chế tạo một số thiết bị như cửa van đập tràn, máy biến áp các loại… nhưng về lâu dài cần mở rộng số lượng thiết bị này, đi kèm với đẩy mạnh nghiên cứu sâu về chế độ thủy lực, môi trường bồi lắng trong các hồ đập, cửa cống… nhằm đảm bảo an toàn trong vận hành”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nêu. Ông cũng đề xuất giải pháp thực hiện là mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước quan tâm đến sản xuất thiết bị cho các nhà máy thủy điện.        

 

 

 

 

Tác giả