Tam Thanh: Hình hài mới bởi tay cộng đồng

Sở hữu địa thế độc đáo “biển một bên và sông một bên”, thiên nhiên hoang sơ, văn hóa còn giữ nét truyền thống, rất phù hợp với phát triển du lịch dựa trên bản sắc địa phương, thế nhưng suốt bao nhiêu năm nay, người dân xã Tam Thanh, tp Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, kiếm sống chủ yếu bằng nghề chài lưới và nuôi trồng thủy sản. Mãi cho đến giữa năm 2016, cái tên Tam Thanh mới bất ngờ xuất hiện trên bản đồ du lịch với sự ra đời của “Làng Bích họa” nơi đây. “Bước đà” này lập tức được “tiếp sức” bởi một dự án thí điểm phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng, lần đầu triển khai ở Việt Nam theo phương thức mời gọi sự cộng tác và hỗ trợ kỹ thuật tình nguyện của các giảng viên, sinh viên và các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Tiến sĩ, kiến trúc sư quy hoạch Tô Kiên, người đồng quản lý dự án, trò chuyện với Tia Sáng về thành công và cả một số điều lẽ ra đã có thể làm tốt hơn ở thử nghiệm đã góp phần mang về Giải Cảnh quan đô thị Châu Á 2017* cho TP Tam Kỳ mới đây.


Xã Tam Thanh có bảy thôn với khoảng 3.200 hộ dân và 12.000 nhân khẩu. Dự án thí điểm “Phát triển Du lịch Tam Thanh với sự Tham gia của Cộng đồng” được thực hiện từ tháng 9/2016 đến tháng 6/2017, với sự góp sức của người dân ở nhiều công đoạn như cung cấp thông tin, phân tích hiện trạng, phát hiện vấn đề, đề xuất giải pháp cho đến đầu tư (tiền, công sức, vật tư), và sau này là vận hành, bảo trì sản phẩm đầu ra… Cùng với Làng Bích họa, nhiều nội dung đưa nghệ thuật vào không gian sống của cộng đồng thuộc dự án đã thành công trong việc biến Tam Thanh trở thành “Làng Nghệ thuật Cộng đồng” đầu tiên ở Việt Nam, mang về cho TP Tam Kỳ Giải Cảnh quan Đô thị Châu Á 2017. Trong ảnh: Con đường Thuyền thúng ở đoạn dốc ông Ổi, nơi sông – biển gần nhau nhất. Nguồn: FB Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh.

Từ cho cộng đồng đến cùng cộng đồng

Anh đến với dự án như thế nào trong khi công việc chính của anh lúc đó là ở ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore?

Kể từ khi đi sâu nghiên cứu về thiết kế đô thị có sự tham gia của cộng đồng vào năm 2005, tôi đã triển khai nhiều dự án ở Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, v.v… Đặc biệt, từ năm 2014 đến 2016, tôi khởi xướng và đồng chủ nhiệm dự án quy hoạch địa phương dựa vào cộng đồng tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP HCM trong một hợp tác giữa ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore với ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Văn Lang. Khi dự án kết thúc, tôi được mời tới Tam Kỳ đi thực tế nhằm chuẩn bị khởi động một dự án mới trong khuôn khổ Chiến lược Phát triển Thành phố dựa vào Cộng đồng của Tam Kỳ. Được trao cơ hội test một mô hình mới với độ phức tạp cao hơn để trau dồi chuyên môn và tiếp tục đóng góp cho quê hương, tôi hào hứng nhận lời và đặt bút viết bản thảo đầu tiên của chương trình dự án. “Vạn sự khởi đầu nan” quả thật rất ứng với giai đoạn chúng tôi tìm kiếm các chuyên gia giỏi và cùng chí hướng để lập ban chủ nhiệm, rồi sau đó tuyển sinh viên tình nguyện từ các trường đại học ở TP.HCM và Đà Nẵng. Tôi giữ vai trò chủ nhiệm dự án giai đoạn đầu, sang giai đoạn sau, khi team và mạng lưới dự án mở rộng, cần liên lạc kết nối nhiều bên, trong khi làm việc từ xa bộc lộ quá nhiều khó khăn, tôi chuyển giao vai trò và giữ vị trí phó chủ nhiệm.

Anh có thể cho biết đặc trưng của các dự án phát triển có sự tham gia của cộng đồng là gì?

Những thập niên gần đây đã chứng kiến xu hướng cộng đồng góp tiếng nói và tham gia ngày một chủ động vào các kế hoạch phát triển địa phương tại nhiều quốc gia. Xu hướng thiết kế đô thị cũng chuyển dịch dần từ “thiết kế cho cộng đồng” (cộng đồng thụ động) sang “thiết kế cùng cộng đồng” (cộng đồng tham dự) và về lâu dài sẽ hướng tới “thiết kế bởi cộng đồng” (cộng đồng chủ động khởi xướng). Ở các dự án kiểu này, người dân được tham gia vào nhiều khâu khác nhau: từ cung cấp thông tin, phân tích đánh giá hiện trạng, phát hiện vấn đề và đề xuất giải pháp đến đầu tư (góp tiền, công sức, vật tư), vận hành, bảo dưỡng sản phẩm. Các hoạt động của dự án về cơ bản không được thiết kế chi tiết từ trước mà chỉ lên khung sơ bộ rồi trong quá trình làm việc cùng cộng đồng mới được chi tiết hóa cũng như thay đổi linh hoạt theo tình huống thực tế.

Theo anh, dự án ở Tam Thanh có điểm gì khác biệt so với bối cảnh chung?

Ở các nước phát triển và có nền dân chủ lâu đời, cách làm “từ dưới lên” và “có sự tham gia” khá thuận lợi. Tuy nhiên ở nhiều nước châu Á, ngay cả như Singapore, cách làm này không dễ được tiếp nhận cả từ phía chính quyền lẫn cộng đồng, do nền tảng văn hóa-xã hội phong kiến tập quyền và bản tính thụ động, bàng quan, cả nể “trên dưới” của người châu Á. Ở Việt Nam nói chung, chúng tôi nghiệm thấy muốn dự án chạy tốt nhất thì cần phải kết hợp được cả cách tiếp cận “từ trên xuống” lẫn “từ dưới lên” để đạt được sự đồng thuận tối đa.

Ở dự án Tam Thanh, lúc đầu, nhiều thành viên còn giữ tư duy và cách làm cũ. Thí dụ, khi đi khảo sát thực địa, sinh viên và ngay cả một số chuyên gia thường quan sát và nhận xét, đánh giá theo suy nghĩ chủ quan. Tới một cộng đồng nghèo, thấy người dân sống trong điều kiện tồi tàn, thiếu thốn thì sẽ “tự đánh giá” là họ kém hạnh phúc và còn thiếu cái A, cái B. Nhưng khi phỏng vấn mới vỡ lẽ ra là họ cảm thấy rất hài lòng với hiện tại, và không cần cái A, B mà lại cần cái C ít ai nghĩ tới. Vậy nên chúng tôi luôn lưu ý các khảo sát viên là cần biết lắng nghe người dân và học hỏi họ. Mà muốn được cộng đồng chia sẻ thực lòng thì phải “làm bạn” với họ trước đã. Do vậy, đến với cộng đồng, việc đầu tiên chúng tôi làm không phải là phỏng vấn hay đo vẽ, mà là… giao lưu văn nghệ và chơi các trò thể thao tập thể với người dân (cười). Sau dự án, nhiều thành viên, trong đó có tôi, cảm thấy nhớ Tam Thanh với bao kỉ niệm cùng team và cộng đồng, nhớ những đêm cả đoàn thức trắng làm việc, nhớ những đêm ngủ nhà dân, trời trở rét nằm co ro trên sàn lạnh muỗi bay vo ve, ngủ chập chờn… Mỗi khi trở lại chúng tôi thấy như “về nhà”, được bà con tiếp đón như người thân. Đó là món quà vô giá cho bao kiên trì, vất vả mà các dự án thông thường khó đem lại.


Một họa sĩ tình nguyện hướng dẫn các em học sinh ở Tam Thanh trang trí thuyền thúng trước khi mang trưng bày. Nguồn: FB Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh.

Chính quyền cầu thị, người dân hăng hái

Anh đánh giá mức độ thành công của lần thử nghiệm này như thế nào?

Nói một cách khiêm tốn, tôi cho rằng dự án đã thành công khoảng70%.

Thành quả của dự án thì có thể thấy rất rõ. Từ làng chài nghèo, giờ đây Tam Thanh đã trở thành một cái tên trên bản đồ du lịch, nhờ đó cuộc sống và thu nhập của người dân được cải thiện rõ nét, cảnh quan cũng đẹp hẳn lên, môi trường thì sạch hơn. Với cú hích Làng Bích họa và giờ có thêm dự án này, địa ốc ở Tam Thanh nghe nói tăng giá hàng chục lần, dù tất nhiên trong đó có yếu tố ảo (cười).

Dự án cũng tạo được những dấu ấn đặc sắc về kiến trúc cảnh quan như “Con đường Thuyền thúng”. Khi bắt đầu dự án, chúng tôi đã thảo luận rất kĩ về câu hỏi, tiếp theo bích họa sẽ là cái gì. Trong quá trình khảo sát thực địa, chúng tôi thấy các thuyền thúng được ngư dân xếp dọc bờ biển nhìn như một bức tranh nên thơ trên nền biển xanh cát trắng, nên đã nghĩ ra ý tưởng vẽ tranh trên thuyền thúng và sắp xếp kiểu nghệ thuật bố cục thành một con đường. Kết quả là hơn 100 thuyền thúng cũ, phần lớn do ngư dân hiến tặng, đã được nhiều họa sĩ vẽ tình nguyện hoặc hướng dẫn người dân tham gia vẽ. Kể từ đầu năm nay và càng gần về cuối, dự án ngày càng “nóng” trên các mặt báo và có thời điểm gần như gây “bão mạng”. (cười)

Khó nhận thấy hơn nhưng không kém phần quan trọng là những cải thiện về hạ tầng phục vụ du lịch được tham vấn và phản biện từ người dân. Bến xe buýt và các bãi đỗ xe, các tuyến đạp xe dọc biển và tuyến đi bộ kết nối sông-làng-biển, cổng làng mới, chòi vọng cảnh, nhà văn hóa mới, bảo tàng ngư nghiệp (cải tạo từ một nhà văn hóa cũ xuống cấp), hệ thống ki-ốt thông tin du lịch, bản đồ, bảng tin, biển báo, v.v đều được team thiết kế chi tiết. Tên các tuyến hẻm được đặt mới một cách độc đáo: tuyến hẻm chạy ra sông sẽ mang tên các loài cá nước ngọt ở địa phương như Cá Rô, Cá Trầu, Cá Bò…, còn tuyến chạy ra biển sẽ mang tên các loài cá biển như Cá Móm, Cá Thóc…

Những yếu tố quan trọng nào quyết định thành công của dự án, theo anh?

Trước hết phải kể đến chính quyền TP Tam Kỳ hết sức cầu thị và mong muốn đổi mới, còn bản tính người dân Quảng Nam vô cùng hồn hậu, hăng hái, nói là làm. Tôi cho rằng nếu dự án này được triển khai ở một thành phố lớn thì khó thành công hơn vì chính quyền địa phương sẽ ít quan tâm hơn, còn người dân thì cũng sống biệt lập, bận rộn và căng thẳng hơn nên không sẵn thời gian và tâm trí cho những công việc của cộng đồng. Bên cạnh đó, dự án đã mời gọi được sự tham gia của khoảng 70 tình nguyện viên là các giảng viên, sinh viên từ nhiều trường đại học như ĐH Kiến trúc TP HCM, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng…, các họa sĩ, chuyên gia về cộng đồng, truyền thông, marketing…, tất cả đều là những con người tuyệt vời, có trình độ và tấm lòng. Ngoài ra, những hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ như UN Habitat, Cities Alliance và nhà tài trợ như Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam Gelex cũng đóng vai trò rất quan trọng.


Tháng 6/2016, những bức tường cũ kỹ của hơn 100 ngôi nhà ở thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, đã được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam “thay áo” bằng những bức vẽ chân dung chủ nhân ngôi nhà, động vật biển hay nhân vật cổ tích… Sáng kiến này của Korea Foundation giúp Tam Thanh thu hút hơn 1.000 khách du lịch đến thăm vào mỗi dịp cuối tuần. Trong ảnh: Một tác phẩm tranh tường vui nhộn ở Làng Bích họa. Tác giả: Nguyễn Ngọc Pháp.

Hardware, Software, và Heartware trong phát triển đô thị

Điều gì khiến anh cảm thấy đáng tiếc vì lẽ ra đã có thể làm tốt hơn ở dự án?

Nhìn chung, tôi cảm thấy vui và hài lòng. Tuy nhiên, đúng là không có dự án nào hoàn hảo, mà luôn có những điều có thể làm tốt hơn, cần được ghi nhớ để làm bài học cho sau này.

Điều thứ nhất khiến tôi cảm thấy đáng tiếc là việc thực thi các ý tưởng của dự án chưa thật như ý, nhất là các hạng mục quy hoạch-kiến trúc-cảnh quan. Nguyên nhân thì nhiều, cả chủ quan và khách quan, trong đó có thể kể đến sự phối hợp nội bộ trong team, vốn đầu tư, tiến độ (rất gấp để kịp khai trương vào đúng dịp lễ hội biển và Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI), và thực tế nhóm thiết kế không có cơ hội thực hiện giám sát tác giả. Do là chương trình tình nguyện hữu nghị nên chúng tôi không giới hạn số lần yêu cầu sửa đổi các bản thiết kế, thành ra khi có nhiều bên tham gia ý kiến, hoặc khi có vướng mắc về vốn hay tiến độ, các phương án thiết kế lại phải đổi, gây vất vả không cần thiết cho nhóm thiết kế. Hoặc cũng có trường hợp công trình mọc lên khác nhiều so với phương án đã được duyệt, khiến cho nhóm tác giả tâm huyết cũng không khỏi ngỡ ngàng và băn khoăn. Vào giai đoạn cuối, một vài tình nguyện viên rút lui hoặc nản chí do công việc quá tải so với dự kiến

Một thí dụ khác, ở khu vực cổng làng có một bức tường hàng rào trải dài, ý tưởng của chúng tôi là biến nó thành bức tranh tường cộng đồng lớn do người dân cùng nhau vẽ dưới sự hướng dẫn của các họa sĩ. Nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có tiến độ quá gấp, cuối cùng bức bích họa đã được trao cho một họa sĩ có tên tuổi vẽ. Sản phẩm tất nhiên đẹp, nhưng không còn mang tinh thần cốt lõi về sự tham gia của cộng đồng, vì nếu được tham gia, người dân sẽ tự hào và có ý thức bảo vệ bức tranh hơn

Một số nội dung thú vị khác thì chưa thể xong ngay, như Làng Bách hoa (các nhà trên một số hẻm chính cùng trồng theo chủ đề một số loài hoa ở địa phương), Làng Không rác (nhằm tạo “thương hiệu” trong bối cảnh nhiều bãi biển đang bị xấu đi và ô nhiễm bởi rác thải), giải pháp villagestay (chuỗi dịch vụ lưu trú trải nghiệm thay cho homestay cục bộ), v.v. Đây đều là những hạng mục đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chúng tôi đã để lại các thiết kế gợi ý cụ thể để các cán bộ địa phương tiếp quản rồi cùng người dân thực hiện. Thực tế là sau một thời gian “bám” cùng dự án, một số cán bộ địa phương trẻ đã rất hiểu tinh thần dự án và chủ động trong công việc.

Nhiều nước coi trọng quy hoạch đô thị có sự tham gia của cộng đồng bởi sự tham gia đó là “điều kiện đủ” đảm bảo cho sự phù hợp, hiệu quả và bền vững của các dự án. Việt Nam có thể làm gì để sự tham gia của cộng đồng trở nên phổ biến hơn chứ không chỉ lẻ tẻ ở một vài dự án thử nghiệm như hiện nay?

Chúng ta đang tái cấu trúc nhiều thành phố, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tạo các khu cũ và đô thị hóa các vùng ven đô. Đây đều là những việc mà tôi gọi là “phần cứng” (hardware). Tuy nhiên, đô thị còn có “phần mềm”(software), đó là nhiều nhóm xã hội với đặc điểm sinh kế, xã hội, văn hóa và lối sống khác nhau, những người sử dụng phần cứng. Để bản quy hoạch khả thi và bền vững thì hai phần cứng và phần mềm cần ăn khớp, vì nếu “cọc cạch” thì chúng sẽ không “tương sinh” mà thành ra “tương khắc”. Cách tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng chính là chìa khóa để xử lý vấn đề này. Còn một yếu tố nữa ít được nghĩ tới là “phần tâm” (heartware) – lương tâm và sự thấu cảm – trong quy hoạch và quản lý đô thị. Nếu cầu thị và lắng nghe tiếng nói của các chuyên gia và người dân thì các nhà quản lý sẽ nâng cao cả “tầm” trong chuyên môn lẫn “tâm” trong xử lý các vấn đề xã hội, từ đó thấu hiểu hơn nguyện vọng của người dân để có các giải pháp phù hợp và nhân văn.

TS.KTS Tô Kiên được đào tạo về Kiến trúc, Thiết kế và Quy hoạch đô thị tại Việt Nam, CHLB Đức và Nhật Bản, với 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực này tại Việt Nam, Nhật Bản và Singapore. Trong ảnh: TS.KTS Tô Kiên hướng dẫn sinh viên tình nguyện cách tiếp xúc với cộng đồng, Tam Thanh, tháng 11/2016. Nguồn: Nhân vật cung cấp.

Trở lại với câu hỏi của bạn, tôi cho rằng đó cũng lại là một quá trình lâu dài, bền bỉ mà không chỉ chúng ta, nhiều nước trên thế giới  đang phấn đấu đạt tới. Vẫn rất cần các dự án thí điểm nhỏ lẻ nhưng gây được tiếng vang ở nhiều địa phương, sau đó chia sẻ kinh nghiệm trên nhiều kênh thông tin như báo chí, mạng xã hội, các hội thảo và triển lãm, và cuối cùng là xuất bản sách làm tài liệu tham khảo. Sau dự án Phú Xuân, team của ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore chúng tôi đã tổng kết và viết thành một cuốn sách tham khảo (bằng tiếng Anh). Từ dự án Tam Thanh, sắp tới đây chúng tôi cũng dự định viết một cuốn sách (song ngữ Việt-Anh) ghi lại quy trình, các bài học kinh nghiệm và các câu chuyện ý nghĩa để quảng bá rộng rãi, nhằm đóng góp về mặt lý luận cũng như thực hành trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế đô thị có sự tham gia của cộng đồng còn mới mẻ này.

Cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện với Tia Sáng.

Thái Thanh thực hiện
————

* Do UN-Habitat Châu Á-Thái Bình Dương phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Đô thị Châu Á Fukuoka, Hiệp hội Định cư Con người Châu Á và Hiệp hội Thiết kế Cảnh quan Châu Á tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh những mô hình thiết kế cảnh quan sáng tạo, giàu sức sống, và hài hòa với văn hóa địa phương.

 

Tác giả