Thử nghiệm làm “đông lạnh” sau đó “rã đông” bệnh nhân?

Một số phương tiện truyền thông đưa tin, các bác sỹ ở Hoa Kỳ đã làm lạnh sâu cơ thể và sau đó thức tỉnh người bệnh. Tuy nhiên mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Tại một phòng cấp cứu: Khi tim ngừng đập thì các bác sĩ phải tính từng phút giây. Nguồn ảnh: Markus Scholz/dpa

 

Các bác sĩ Hoa Kỳ muốn cấp cứu bệnh nhân bị thương nặng bằng phương pháp làm lạnh sâu. Mấy năm gần đây họ đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm, theo thông tin đăng trên tạp chí  “New Scientist” hôm thứ năm vừa qua. Nhiều tờ báo sau đó đã đăng tin về giải pháp “đông lạnh” và “rã đông” bệnh nhân để chữa trị. Nhưng thực tế thì có thể sẽ rất khác.

Theo “New Scientist”, nhiệt độ cơ thể người bệnh trong thử nghiệm này đã giảm từ 10 đến 15oC trong hai giờ đồng hồ, so với nhiệt độ thông thường nhiệt của cơ thể là 37oC.  Mục đích của biện pháp này nhằm tránh tổn thương não khi tim đã ngừng đập, vì khi máu trong cơ thể ngừng tuần hoàn thì khí oxy không còn được đưa lên não. Và chỉ sau vài ba phút bị tổn thương, bộ não sẽ không thể hồi phục được nữa.

Liệu sau đó người bị thương có hồi tỉnh hay không? điều này còn chưa rõ.

Khi cơ thể được làm lạnh thì tốc độ trao đổi chất trong các tế bào sẽ bị chậm lại, từ đó cơ thể cũng như bộ não tiêu thụ oxy ít hơn. Các bác sỹ sẽ có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động phẫu thuật cứu tính mạng người bệnh. Theo nguồn tin trên tờ New Scienctist, với phương pháp làm lạnh cơ thể này, thời gian phẫu thuật có thể tiến hành trong hai tiếng đồng hồ mà bộ não không bị tổn hại. 

Tuy nhiên ở đây có cái khó là quá trình làm nóng cơ thể có thể gây tổn thương chết người đối với các tế bào. Cho đến nay cũng chưa rõ, đã có bao nhiêu người bệnh được cứu mạng thành công. Phụ trách nghiên cứu này là ông Samuel Tisherman thuộc University of Maryland School of Medicine ở Baltimore hy vọng đến cuối năm 2020 có thể công bố kết quả nghiên cứu. Đến lúc đó mới biết rõ đã có bao nhiêu người đã được cấp cứu theo phương pháp này.

Ý tưởng hạ nhiệt độ cơ thể trong trường hợp cấp cứu để tranh thủ thời gian thực ra không mới. Hai mươi năm trước các bác sĩ đã phát triển phương pháp cấp cứu bằng cách hạ thân nhiệt. Những người bị bệnh tim mạch trong và ngay sau khi hồi sinh đã được hạ thân nhiệt bằng tấm đệm đặc biệt, bằng truyền dịch hoặc bằng túi đá. Cả khi phẫu thuật tim cũng giảm thân nhiệt. Tuy nhiên người ta chỉ giảm vài ba độ C chứ không đến cả chục độ C.

Theo bài báo đăng trong “New Scientist” thì các bác sĩ Hoa Kỳ thử nghiệm phương pháp này với những người bị trọng thương, như bị bắn hay bị đâm chém, máu ra nhiều và khi đưa đến phòng cấp cứu tim đã ngừng đập. Ngoài ra điều kiện để thử nghiệm phương pháp này là người bị thương đã mất quá một nửa lượng máu trong cơ thể và cơ may để thoát chết chỉ là 5%. Nếu không thì thử nghiệm này không thể chấp nhận về mặt đạo đức. 

“Từ thí nghiệm đối với động vật người ta biết chắc nguyên tắc này phát huy hiệu quả”,  Bernd Böttiger, chủ tịch Hội đồng hồi sức ở Đức nói. Tuy nhiên theo ông, trước đó phương pháp này chưa được thử nghiệm ở người. Theo trưởng khoa gây mê và chăm sóc chuyên sâu tại bệnh viện đại học Kiel, Đức thì chưa thể biết được phương pháp này tốt đến đâu mà hiện tại mới chỉ phỏng đoán vì hoàn toàn thiếu các dữ liệu cần thiết để đánh giá.

Xuân Hoài lược dịch

Nguồn: Tuần báo Spiegel của Đức, truy cập ngày 22.11.2019 
Tham khảo thêm https://www.newscientist.com/article/2224004-exclusive-humans-placed-in-suspended-animation-for-the-first-time/

 

Tác giả