Ứng dụng theo dõi giấc ngủ phản tác dụng

Các nhà thần kinh học cho biết, các ứng dụng số hóa và đo lường giấc ngủ thường phản tác dụng, gây căng thẳng và khiến chứng mất ngủ trở nên trầm trọng hơn.

Phát biểu tại Tuần lễ khoa học Cheltenham (Anh), TS. Guy Leschziner, chuyên gia và nhà tư vấn về rối loạn giấc ngủ tại Bệnh viện Guy, London, cho biết chính mối bận tâm ngày càng tăng với việc ngủ đủ giấc đang gây phản tác dụng và dẫn đến khả năng mất ngủ. “Chúng tôi thấy chứng mất ngủ ngày càng tăng ở rất nhiều người do sử dụng ứng dụng theo dõi giấc ngủ hoặc đọc đôi chút về tác hại của việc thiếu ngủ”, Leschziner nói.
Một tỷ lệ lớn bệnh nhân tìm đến phòng khám của Leschziner để điều trị chứng mất ngủ đã có sẵn dữ liệu về thời gian ngủ của họ, và thường không muốn xóa ứng dụng theo dõi, ông nói. “Khó có thể thuyết phục họ ngừng sử dụng các ứng dụng này”.
Hầu hết các ứng dụng chưa được kiểm chứng lâm sàng và chỉ theo dõi chuyển động của cơ thể, vì vậy không thể cung cấp thông tin về chất lượng giấc ngủ, ông nói thêm.
“Tôi khá nghi ngờ về các thiết bị theo dõi giấc ngủ. Nếu thấy mệt mỏi khi ngủ dậy và đêm qua ngủ không ngon, thì bạn sẽ biết mình đã gặp vấn đề”, ông cho biết, “Nếu thức dậy và cảm thấy sảng khoái, có thể thức suốt cả ngày và ngủ cùng một thời điểm mỗi tối thì chắc rằng bạn đã ngủ đủ giấc và không cần tới một ứng dụng để biết được điều này”. 
Những lo ngại tương tự cũng được nhấn mạnh trong một loạt các nghiên cứu do một nhóm nghiên cứu ở Chicago công bố vào năm ngoái, tìm hiểu về các bệnh nhân đã sử dụng các ứng dụng để quản lý giấc ngủ – gây ra rối loạn orthosomnia.
Nghiên cứu cho thấy thời gian ngủ tối ưu đối với đa số mọi người là khoảng tám giờ, nhưng điều này cũng không cố định. Đối với những người có nhu cầu ngủ tự nhiên ít hơn, việc cảnh báo rằng họ không ngủ “đủ” giấc có thể gây ra hiệu ứng nocebo – sự lo ngại về các triệu chứng tiêu cực khiến họ thực sự lâm vào tình trạng tệ hơn.
Stephanie Romiszewski, một nhà tâm lý học về giấc ngủ tại Exeter, cho biết: “Mỗi người ngủ theo một cách khác nhau và thời gian khác nhau. Việc đi đến kết luận chưa ngủ đủ giấc từ thông tin của một ứng dụng theo dõi giấc ngủ thông thường chỉ khiến bạn thêm lo lắng”.
Tuy nhiên, một số ứng dụng trị liệu hành vi nhận thức (cognitive behavioural therapy – CBT) lại điều trị hiệu quả chứng mất ngủ trong các cuộc thử nghiệm.
Các nhà khoa học cho rằng mọi người  không nên quá lo lắng trước những khuyến nghị về việc tiêu thụ cafeine và tiếp xúc với ánh sáng xanh trước khi đi ngủ. Leschziner nói: “Có những gene ảnh hưởng đến phản ứng của não với caffeine, nhiều người uống hai hoặc ba tách espresso trước khi đi ngủ cũng không bị mất ngủ”.
Di truyền cũng ảnh hưởng đến mức độ tác động của ánh sáng xanh đến giấc ngủ và hormone ngủ – melatonin. “Nếu bạn có thể xem phim đến 11 giờ đêm và vẫn có một giấc ngủ tuyệt vời sau đó thì bạn không cần phải lo lắng về ánh sáng xanh”, ông nói. “Sự nhạy cảm của mỗi người với ánh sáng xanh đều rất khác nhau”.
Leshchziner cho biết, việc theo dõi giấc ngủ là một phần trong xu hướng “đo lường cuộc sống”: sử dụng công nghệ để đếm xem chúng ta đã đi bao nhiêu bước chân, có bao nhiêu bạn bè trực tuyến và tiêu tiền như thế nào. Với giấc ngủ, xu hướng này đặc biệt có vấn đề, ông cho biết. “Nếu bạn đo bước chân và thấy mình ít hoạt động thì có thể tăng cường tập thể dục. Nhưng khi bạn rơi vào trạng thái ám ảnh về thiếu ngủ, bạn sẽ lại càng khó ngủ hơn”. □
Hoàng Nam dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/lifeandstyle/2019/jun/07/sleep-apps-backfire-by-causing-anxiety-and-insomnia-says-expert

Tác giả