Ai sẽ kiểm soát EWEC?

Hành lang kinh tế Đông Tây, gọi tắt là EWEC (East – West economic Corridor) về mặt địa lý là một liên vùng rộng lớn mà tới nay vẫn chưa phân định ranh giới rõ ràng. Trục chính của hành lang là tuyến đường bộ dài 1.450 km nối Đà Nẵng (Việt Nam) ở phía Đông với Mawlamyine (Myanmar) phía Tây, cắt ngang miền Trung và miền Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan. Sau khi hoàn thành, hành lang giao thông này sẽ là tuyến đường huyết mạch đi qua miền trung du Đông Nam Á trên trục giao thông Đông - Tây và quan trọng là nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương với một cự ly không thể ngắn hơn.

EWEC là một trong những dự án hợp tác phát triển trụ cột của các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) gồm Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng các nước GMS lần thứ 8 tổ chức ở Manila (Philippine) tháng 10.1998 và được Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 đưa vào Chương trình hành động Hà Nội tháng 12.1998.
Được quan tâm rất kỹ, lại được sự hỗ trợ một cách đắc lực về tài chính lẫn kỹ thuật của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và chính phủ Nhật Bản, EWEC phát triển nhanh hơn những dự án khác đang triển khai giữa các nước GMS. Tháng 12.2006 tuyến đường bộ dọc EWEC cơ bản được thông suốt và hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mở rộng các cửa khẩu, trạm kiểm soát, các khu kinh tế – thương mại.

Người Thái đang “đua tốc độ”


Cảng Đà Nẵng- chặng cuối trên EWEC

Chuyện ông Thị trưởng tỉnh Mukdahan (Thái Lan) ra lệnh cho nhân viên dưới quyền học tiếng Việt, còn Đại sứ quán vương quốc Thái Lan thì đã gửi giáo viên đến Đà Nẵng để dạy tiếng Thái cho các doanh nhân miền Trung là chuyện đã xảy ra cách đây hơn hai năm rồi. Cùng trong khoảng thời gian này, Thái Lan và Lào đã tổ chức hàng loạt hội thảo chung về khả năng hợp tác hai nước trên EWEC. Ông Virabongsa Ramangkura, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan, hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Thái Lan-Lào sau mỗi đợt kết thúc hội thảo lại dẫn vài chục, có khi cả trăm doanh nghiệp Thái đang làm ăn ở Lào, đến Huế và Đà Nẵng để quan sát tận mắt cơ sở hạ tầng, thị trường ở điểm cuối ra biển Đông của EWEC. Họ tìm hiểu rất kỹ thông tin, thậm chí có thể kể vanh vách quá trình giảm chi phí ở từng cảng biển miền Trung kể từ năm 2005 đến nay. Trong một cuộc họp kỹ thuật của các quan chức GMS cuối năm ngoái, chính ông V. Ramangkura chứ không phải bất kỳ một quan chức Việt Nam nào, đã đưa ra nhận định rằng một khi phí trọng tải và phí bảo đảm hàng hải khu vực miền Trung (chiếm đến gần 50% các loại phí khi tàu ra vào cảng thông hàng) giảm từ 35 đến 43%, trong đó phí sử dụng cầu bến đối với phương tiện và hàng hóa ngoại nhập giảm từ 10 đến 12%, sẽ là một động lực có ý nghĩa quyết định để thu hút hàng hóa từ khu vực phía Tây về đây. Một công ty kinh doanh bất động sản của Thái vừa giành quyền đầu tư cơ sở hạ tầng một phần Đặc khu kinh tế Savan-Seno của Lào, và cùng với việc này họ được quyền khai thác khu A của đặc khu, nằm ngay chân cầu Hữu Nghị Lào-Thái, trong vòng 40 năm. Người Thái cũng đang thuyết phục Lào liên kết khôi phục lại sân bay quốc tế Savannakhet mang tên cố Tổng Bí thư Kaysorn Phoumvihane (được xây dựng năm 1998 nhưng không hoạt động từ năm 2004). Phía Thái muốn kết nối sân bay này vào mạng lưới hàng không nội địa của Thái để du khách từ Thái sang Lào không phải làm thủ tục xuất nhập cảnh nữa. Người Thái muốn thị trường du lịch Lào trở thành vùng Đông Bắc Thái nối dài. 
Chuyến khảo sát đầu tiên của Tổng cục Du lịch Việt Nam được thực hiện vào cuối năm 2005 để đánh giá tiềm năng du lịch của EWEC thực ra đã trùng lắp và chậm hơn một năm so với chuyến khảo sát của đích thân Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, ông Krit Kraichitti. Nhằm mục đích hiện thực hóa khả năng hợp tác du lịch giữa 4 nước, ông Đại sứ đã lôi kéo rất nhiều hãng lữ hành vào cuộc để nhanh chóng rút ra những kiến nghị sát sườn nhất. Chẳng hạn việc bỏ thị thực nhập cảnh thực hiện giữa Lào và Việt Nam, giữa Lào và Thái Lan đã rút ngắn thời gian cho hành trình các tour caravan xuất phát từ Bangkok đến cửa khẩu Lao Bảo. Từ khi cầu Hữu nghị 2 bắc qua sông Mê Kông (biên giới Thái-Lào) được đưa vào sử dụng thì hiện nay chỉ còn 4 tiếng, kể cả thời gian làm thủ tục ở các cửa khẩu, để hoàn tất hành trình này. Các hãng lữ hành Thái đã phác thảo viễn cảnh cho khách hàng của mình như sau: sáng uống cà phê ở Mukdahan của Thái, trưa ăn cơm ở Savannakhet (Lào) và chiều tối đã có thể ung dung tắm biển Non Nước (Đà Nẵng). Trong vòng hai năm qua đã có gần 30 nghìn khách quốc tế đến từ các cửa khẩu phía Tây (bao gồm cả khách Âu Mỹ đến từ Bangkok, Phnôm Pêng) vào tham quan các di sản thế giới ở miền Trung. Trong khi đó lượng khách từ Việt Nam mua tour đi Lào và Thái Lan qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) chưa tới 1 nghìn lượt người.

Doanh nghiệp Việt xoay sở một mình
Ông Đỗ Anh Tuấn, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Đà Nẵng cho biết đã từng ngược EWEC khảo sát triển vọng đem hàng sang bán ở thị trường Đông Bắc Thái và Myanmar. Hành trình qua đất Lào suôn sẻ ngoại trừ một trục trặc nhỏ về quy định phí quá cảnh ở mỗi địa phương mỗi khác, đôi khi còn tuỳ thuộc sự “ngẫu hứng” của chính quyền sở tại. Nhưng đến biên giới Thái thì dứt khoát phải đổi phương tiện vận chuyển (Thái vẫn chưa cho phép ô tô vận tải tay lái nghịch tham gia giao thông trên địa phận nước họ). Nhưng làm sao có thể đổi phương tiện khi mà cả thành phố Mukdahan rộng lớn cho đến thời điểm này vẫn chưa có các phương tiện bốc dỡ container, kể cả loại nhỏ nhất (loại 20 feet).
Không chỉ vướng về điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp Việt còn phải chật vật xoay sở trong một cơ chế, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. Theo thông tin chưa đầy đủ, hiện có khoảng 80 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Lào dưới các hình thức công ty liên doanh, văn phòng đại diện, cửa hàng, siêu thị… với số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD. Ông Vũ Đình Tích, Tham tán kinh tế – văn hóa Việt Nam tại Lào cho biết về quản lý Nhà nước, hiện cũng chưa có cơ quan có đủ thẩm quyền, điều kiện và năng lực triển khai quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Lào, cũng như chưa có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ trong quản lý, chưa làm rõ nội dung quản lý, từ khâu thẩm định tư cách pháp nhân, thẩm định năng lực của các doanh nghiệp đến khâu giám sát hoạt động.
Trước đây, các doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đến việc thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại, cung cấp thông tin, nghiên cứu thị trường mà mới chỉ tập trung vào khâu bán hàng. Gần đây, tình hình này mới được khắc phục. Một số doanh nghiệp đã thành công trong xây dựng mạng lưới tiêu thụ hàng hóa ổn định trên thị trường Lào và mở rộng sang thị trường Thái Lan. Tuy nhiên như nhận định của ông Vũ Đình Tích vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt sang Lào làm ăn nhưng lại không nắm chắc pháp luật và chính sách của Lào, hoạt động còn mang tính tự phát, rất dễ xảy ra tranh chấp. Hiện tượng này trong thời gian gần đây tuy đã giảm bớt nhưng vẫn còn. Khi tranh chấp xảy ra thì việc xử lý rất khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Hiện công tác thông tin và tư vấn cho các doanh nghiệp còn rất nhiều hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu để thu thập, biên dịch, in ấn cung cấp các văn bản pháp luật của cả Việt Nam và Lào tới các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cũng chưa có sự gắn bó hỗ trợ nhau dưới sự chỉ đạo và bảo trợ thống nhất của hai Nhà nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã dự thảo Đề án thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, đang vận động thành lập, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc đang phải tháo gỡ.
Ngay trên lãnh thổ của mình, việc khai thác tiềm năng EWEC cũng tỏ ra khá bị động. Với vị thế đắc địa của Khu tự do thương mại Lao Bảo, cho đến thời điểm này vẫn chỉ đáp ứng được một phần nhỏ mục tiêu hỗ trợ hoạt động thương mại và du lịch. Lao Bảo hiện đang dừng lại ở 17 dự án với tổng số vốn 400 tỷ đồng  đã cấp phép đầu tư trong mấy năm nay, trong đó có 3 dự án của người Thái. Mặc dù đã có những cam kết khác nhưng người Thái vẫn chưa muốn triển khai các dự án của mình ngay vì lý do vẫn còn một số trở ngại. Thứ nhất là phí hàng hoá quá cảnh qua Lào cao làm đội chi phí. Thứ hai, Lao Bảo đang có khả năng mất thế đắc địa vì ngay bên kia biên giới, Lào cũng đã xây dựng Khu kinh tế Dan Savanh với các chính sách ưu đãi vượt trội dành cho người Thái lẫn người Việt.
Cần phải nói thêm là Myanmar tham gia EWEC với tư cách thành viên bổ sung vào năm 2001 theo đề nghị từ phía Thái Lan. Lào cũng là một thành viên quan trọng nhưng do điều kiện phát triển, hiện nước này chỉ đảm nhận vai trò là điểm quá cảnh, cung cấp nguyên liệu và chủ yếu là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng cho người Thái.
Bản thân EWEC hiện trạng vẫn được coi là một vùng liên nghèo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém. Tuy nhiên với tiềm năng về địa lý, đất đai, tài nguyên khoáng sản và đặc biệt là tính chất văn hóa đa sắc tộc, khả năng phát triển ở khu vực này vẫn được coi là rất lớn, rất mạnh mẽ và mang tính bền vững cao vì nó thoả mãn các yêu cầu chính trị cho mỗi nước thành viên tham gia. Cho nên dù vẫn nhấn mạnh quan điểm cùng hợp tác, cùng phát triển và cùng thắng, EWEC vẫn ẩn chứa yếu tố cạnh tranh giữa các nước, các địa phương với mục tiêu tận dụng một cách hiệu quả nhất hành lang kinh tế này.

Ký kết thỏa thuận vận tải qua biên giới 3 nước GMS

Đại diện 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan chính thức thông báo bản Dự thảo hợp tác vận tải giữa 3 nước (được đề xuất từ tháng 6.2007) đã được các bên thống nhất ký kết.
Theo dự thảo các văn bản trên, ôtô chở khách du lịch, hàng hóa giữa 3 nước sẽ được vào trong lãnh thổ của nhau thông qua các trạm kiểm soát biên giới trong thời hạn không quá 30 ngày mà không phải nộp thuế, phí nhập khẩu. 3 nước cũng sẽ công nhận đăng ký phương tiện, giấy phép lái xe, kiểm định kỹ thuật an toàn phương tiện của nhau.
Đối với khách du lịch, khi qua các cửa khẩu nêu trên sẽ được miễn yêu cầu thị thực trong thời hạn không quá 30 ngày với điều kiện phải có một hộ chiếu thông thường hợp lệ (chỉ cần có 1 hộ chiếu là có thể qua cửa khẩu 2 nước còn lại).
Các bên cũng thống nhất tiếp tục miễn trừ cho hàng hóa quá cảnh quốc tế (không bị kiểm tra hải quan thông thường tại biên giới, không bị áp tải hải quan trong lãnh thổ quốc gia). Tiếp tục miễn trừ cho hàng hóa quá cảnh không bị bất kỳ các khoản phí và thuế hải quan; công nhận các tổ chức bảo đảm, phát hành của nhau; ưu tiên cho việc thông quan đối với hàng hóa dễ hư hỏng…

Trung Quốc, Nhật Bản cũng muốn khai thác EWEC
Đại diện chính quyền tỉnh Quảng Tây nói rằng Trung Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội khai thác tiềm năng thị trường của EWEC, trước hết là thực hiện việc kết nối thị trường này với các khu mậu dịch tự do phía nam Trung Quốc. Từ năm 2005, Vân Nam và Quảng Tây đã chính thức có mặt trên EWEC với việc triển khai thúc đẩy các dự án xây dựng 2 tuyến đường bộ, 2 tuyến đường sắt và 3 cảng biển kết nối với các điểm đến trên EWEC, dự án mở rộng vành đai du lịch vùng tây nam Trung Quốc với các điểm đến trong Tiểu vùng Mekong, các dự án hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các cửa khẩu nối với các nước GMS.
Giám đốc điều hành cao cấp của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) phụ trách khu vực châu Á, ông Tetsuo Shioguchi xác định để khai thác EWEC tốt, phải có tầm nhìn rộng hơn những gì đang diễn ra ở đây. Chính vì thế Ngân hàng đã ưu tiên cung cấp vốn ODA cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo của các nước thành viên GMS có địa phương thuộc EWEC. Năm 2007 này JBIC đang xem xét cấp vốn cho Dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) giai đoạn 2.

Đỗ Phước Tiến

Tác giả