Báo chí Trung Quốc đánh giá kết quả 5 năm vào WTO

Được và mất Kỷ niệm "nửa thập kỷ gia nhập WTO", ngày 11/12 vừa qua, rất nhiều báo, đài Trung Quốc có bài nhìn nhận lại 5 năm hội nhập của Trung Quốc

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc còn dành cả 16 tiếng để kỷ niệm sự kiện này. Nổi bật trong đó là bài “Long Vĩnh Đồ đánh giá được và mất sau 5 năm Trung Quốc vào WTO” được một loạt báo lớn đăng tải. Long Vĩnh Đồ nguyên là trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại thương, hiện là bí thư Diễn đàn Châu Á Bác Ngao. Ông Long đánh giá, 5 năm vừa qua, Trung Quốc được nhiều hơn mất. Tuy nhiên mức độ mở cửa của Trung Quốc hiện còn xa mới đạt đến trình độ toàn cầu hoá kinh tế. Ông Long cho rằng, vào WTO, người Trung Quốc phải giải quyết hai vấn đề: Một là tôn trọng quy tắc, hai là mở cửa thị trường. Tinh thần gia nhập WTO cũng không gì khác ngoài 2 từ: “quy tắc” và “mở cửa”. 5 năm qua, điều được nhất của Trung Quốc là quy tắc và thiếu nhất cũng là quy tắc. Không có quy tắc, không thể xây dựng được nền kinh tế thị trường.

 
Ngân hàng Trung Quốc được bảo hộ nhưng lại bị người Trung Quốc phàn nàn nhiều nhất

Theo ông Long, vào WTO, Trung Quốc vẫn có 3 điều không được như ý. Thứ nhất là thủ tục hành chính rườm rà. Hết năm 2005, Trung Quốc phải bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu ô tô, đánh dấu sự chấm dứt của thời đại cấp hạn ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên việc giảm thiểu thủ tục hành chính vẫn chưa đủ. Trích dẫn lời ông Long trong bài báo: “Nơi nào ‘công đường’ nhộn nhịp nhất là nơi đó thủ tục hành chính rườm rà nhất. ‘Công đường’ càng nhộn nhịp thì càng nhiều cơ hội tham nhũng”. Không những chỉ gây tham nhũng, thủ tục hành chính rườm rà còn khiến doanh nghiệp phải trả giá rất đắt. Vì thế phải giảm các khâu xét duyệt ngay từ đầu”.
Thứ hai là tạo lập uy tín. Nền kinh tế thị trường phải có các kiện: minh bạch, ổn định và hệ thống luật pháp có thể định trước. Đây vẫn là vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc 5 năm qua, còn rất nhiều việc để xây dựng uy tín nền kinh tế. “Mọi người đều thấy thị trường rất lộn xộn, gây cảm giác không an tâm, giống cảm giác khi mua thức ăn trên đường. Thị trường Trung Quốc rất lớn, vì thế phải cần rất nhiều nỗ lực để xây dựng một hệt thống minh bạch”. Ông Long cũng kêu gọi các ông chủ doanh nghiệp đã trải qua thời kỳ “tư bản man rợ” phải gánh thêm trách nhiệm xã hội, làm việc và làm người theo quy tắc.


Thứ ba là các ngân hàng chỉ mới chấp nhận những “cam kết cơ bản”. Từ 1/12/2006, Trung Quốc phải cho phép 13 ngân hàng nước ngoài được kinh doanh bằng đồng nhân dân tệ, chấm dứt hoàn toàn thời kỳ “quá độ” sau khi Trung Quốc vào WTO. Tuy nhiên,  độ mở cửa của các ngân hàng không lớn, mới chỉ chấp hành những nguyên tắc tối thiểu của cam kết quốc tế và lợi dụng tối đa các ưu đãi của chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô-tô từng bị dự đoán là sẽ phá sản sau khi Trung Quốc gia nhập WTO hoá ra lại phát đạt. Còn những ngành được bảo hộ “kỹ lưỡng” nhất như ngân hàng, tài chính, viễn thông thì lại bị chính người Trung Quốc phàn nàn nhiều nhất.

Thành quả không ngờ
Dưới đầu đề “WTO làm thay đổi Trung Quốc”, tờ Kinh tế Trung Quốc cho biết, chấp hành các cam kết quốc tế, mức thuế trung bình của Trung Quốc hạ từ hơn 15% năm 2001 xuống gần 10%, trong đó mức thuế hàng công nghiệp giảm xuống còn hơn 9%, sản phẩm nông nghiệp còn hơn 15%. Trung Quốc mở cửa khiến hai bên cùng có lợi. Từ 2001 -2006, hàng xuất khẩu vào Trung Quốc tăng bình quân 22–23%/năm. Trong bài, GS Trương Hán Lâm của ĐH Ngoại thương đánh giá: “Thành tích hội nhập WTO của Trung Quốc đạt 95 điểm”.
“Trung Quốc mang lại gì cho WTO”; “Kết thúc thời kỳ quá độ, vậy phải nhìn nhận WTO như thế nào?”, vấn đề do tờ Liêu Vọng đặt ra được nhiều nhà nghiên cứu kinh tế hưởng ứng. Những vấn đề trên còn đang được bàn thảo, nhưng có thể gói chúng trong câu nhận xét của một nhà nghiên cứu: “Rất mừng là sau 5 năm, người Trung Quốc đã có góc nhìn hoàn toàn khác”.
Bài “Ba chữ làm thay đổi Trung Quốc” của báo mạng Phương Nam dẫn lời của Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Bạc Hi Lai: “Trước kia, WTO với Trung Quốc như biển sâu”. Sau 5 năm, Trung Quốc đã vượt qua “biển sâu khó lường”. Những nguy cơ dự đoán trước kia dường như không xảy ra. Một kết quả rất thuyết phục: trước khi “nhập thế”, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới; sau 5 năm, Trung Quốc đã đứng hàng thứ 3. Còn những gì không ngờ lại xảy ra liên tiếp: chống phá giá, yêu cầu điều chỉnh tỉ giá, vấn đề năng lượng… Bài báo còn nêu “những lợi ích thấy được” sau 5 năm Trung Quốc vào WTO: Mới cách đây 5 năm, thuế nhập khẩu ô tô của Trung Quốc còn là 200%, giờ giá cả xe ở Trung Quốc đã bằng mức thế giới; người xem  giời được thoải mái thưởng thức các bộ phim của Holywood.
Gia nhập WTO đã mang lại cho ngành hải quan một khoản lớn. Năm 1992, mức thuế hải quan trung bình của Trung Quốc là hơn 43% nhưng ngành thuế chỉ thu được 21,2 tỷ NDT. Năm ngoái, mức thuế hải quan trung bình của Trung Quốc còn gần 10%, nhưng ngành lại thu được 106,6 tỷ NDT.
Mở cửa thị trường, hàng nhập khẩu nhiều lên đúng như dự đoán. Nhưng các nhà kinh tế Trung Quốc không ngờ rằng mức xuất khẩu vẫn tăng liên tục từ 20- 30%/năm. Năm 2006 vừa qua, mức dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã là hơn 1.000 tỷ USD.
Có 2 ngành rất phát triển sau khi Trung Quốc gia nhập WTO là ô tô và bán lẻ. Bài “Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO” trên website www.chinawto.org.cn cho biết, năm 2002, lượng ô tô của Trung Quốc đứng thứ năm thế giới, đến 2005 thì đứng thứ tư thế giới. Còn năm nay, sản lượng ô tô của Trung Quốc là 7 triệu chiếc, đứng thứ ba thế giới. Bài “5 năm gia nhập WTO, giấc  mơ mua ô tô gia đình thành hiện thực” trên mạng Tân Hoa dẫn lại một báo cáo của Công ty tư vấn quốc tế KPMG cho biết, hiện nay người Mỹ và châu Âu xem thường xe Trung Quốc giống như xưa kia họ đã xem thường xe Nhật. Hiện tại, xe Trung Quốc chưa thể cạnh tranh được với xe Nhật, châu Âu, Mĩ, nhưng việc cạnh tranh được chỉ còn là vấn đề thời gian. Báo cáo này còn nói, Trung Quốc hiện đã là thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới, dự kiến năm 2007 này sẽ vượt Nhật Bản và trở thành nước có thị trường ô tô lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Trong 5 năm qua, lượng ô tô ở Trung Quốc đã tăng gấp ba.
Bán lẻ là ngành phải mở cửa sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Bài “Ngành bán lẻ Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO: Học từ áp phích trở đi” của mạng Trung Kiều cho biết, khoảng cách giữa các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Trung Quốc  như tập đoàn Vương Phủ Tỉnh, Kinh Khách Long với các tập đoàn hàng đầu thế giới trên đất Trung Quốc đang thu hẹp. Ở Bắc Kinh, hiệu suất lao động của tập đoàn bán lẻ của Trung Quốc là 400.000 NDT/người, của nước ngoài là 650.000 NDT/người. Hiệu suất 1m2 siêu thị của tập đoàn bản lẻ Trung Quốc ở Bắc Kinh là 11.000 NDT/năm, của nước ngoài là 24.000 NDT/năm. Việc Wal-mart vào Trung Quốc 5 năm trước đã buộc các siêu thị của người Trung Quốc phải cải tiến phương thức phục vụ. Ngược lại, Wal-mart cũng phải điều chỉnh để phù hợp với điều kiện bản địa. Ở Mỹ, các cửa hàng trung tâm của Wal-mart là ở ngoại ô; còn ở Bắc Kinh, dù dân ở đây cũng có thói quen đi mua sắm bằng ô tô thì siêu thị chính của Wal-mart vẫn phải đặt ở trung tâm thành phố, từ đó toả ra theo hình nan bánh xe. Ngày mới vào thị trường Trung Quốc, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài hút hết những nhà quản lý giỏi, nhưng sau một thời gian, nhiều người trong số đó lại quay về làm cho các tập đoàn trong nước.
Một lãnh đạo tập đoàn Kinh Khách Long phát biểu:  “Cảm giác so với 5 năm trước là hoàn toàn khác” vì thấy “có những điều liệu được, cũng có những điều bất ngờ”. Theo ông này, những điều liệu được là áp lực cạnh tranh, còn điều bất ngờ là “vũ khí” của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ở Trung Quốc chỉ là những tấm áp phích: “Ngày ngày hạ giá, mua một tặng một, số lượng có hạn”.

Kết thúc “tuần trăng mật”

Không quá lạc quan, Tờ Tin tức Tài chính với bài “Kết thúc 5 năm trăng mật, to tiếng không tránh khỏi giữa Trung Quốc và Âu – Mỹ” cho biết, 1/3 vụ điều tra chống phá giá trên thế giới là nhằm vào Trung Quốc.
Từ 2001 tới 2005, GDP của Trung Quốc tăng bình quân 9,5% mỗi năm, từ 1,6 nghìn tỷ USD lên 2,3 nghìn tỷ USD, từ nền kinh tế lớn thứ bảy lên thành nên kinh tế đứng thứ tư thế giới. Hiện 90% của khoảng 500 công ty liên quốc gia có mặt ở Trung Quốc. Tuy nhiên, kết thúc 5 năm quá độ “trăng mật”, Trung Quốc càng ngày phải chịu càng nhiều sức ép từ Mỹ và châu Âu. Kỳ thực ngay trong “tuần trăng mật” thì đã có to tiếng. Năm 2005, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc là gần 102 tỷ USD, và nhiều nơi coi Trung Quốc là nguyên nhân làm mất cân bằng kinh tế thế giới.
Bài báo dẫn thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, năm 2005, hơn 15% hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc vấp phải hàng rào thương mại. Trong 22 nhóm hàng xuất khẩu thì có đến 18 nhóm chịu hơn 69 tỷ USD tổn thất trực tiếp, bằng hơn 9% giá trị xuất khẩu cả Trung Quốc năm 2005. Các rào cản kỹ thuật cũng làm mất cơ hội mậu dịch trị giá tới 147 tỷ USD, chiếm gần 19,3% kim ngạch xuất khẩu năm 2005 của Trung Quốc.
Trong các nước thành viên WTO, châu Âu là nơi đầu tiên áp dụng thuế chống phá giá với giày, đồ dệt may của Trung Quốc. Mỹ, châu Âu và Canada cùng tố cáo Trung Quốc phá giá linh kiện xe hơi. Những vụ kiện Trung Quốc như vậy có ở khắp Âu, Mỹ, thậm chí cả châu Phi. Chẳng thế mà thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Dị Tiểu Chuẩn đã phát biểu: “Qua 5 năm, cuối cùng chó sói không tới, mà hoá ra người nước ngoài xem Trung Quốc là chó sói”.

Việt Anh

Tác giả