Chủ nợ của thế giới (Bài 4)

Điểm đặc biệt khiến cho TQ khác hẳn các nước khác trong giai đoạn phát triển, là TQ phát triển mà không cần vay nợ, không những thế lại còn thành chủ nợ của cả thế giới! Đó là do TQ tiêu dùng ít (tiết kiệm cao), và luôn xuất siêu.

Các nước khi còn nghèo, muốn phát triển thì thường phải vay nợ nước ngoài để đầu tư vì thiếu vốn. Sự phát triển đi kèm vay nợ, và sau đó thì phải trả nợ, chia bớt một phần lợi nhuận của mình cho chủ nợ hoặc chủ đầu tư nước ngoài. Khi mà vay nợ quá nhiều, thì có thể dẫn đến mất ổn định và khủng hoảng kinh tế tài chính nếu không có đủ khả năng trả nợ.

Ví dụ: khủng hoảng tài chính trên thế giới thì rất nhiều, hầu như không một nước đang phát triển nào mà không từng bị. Ngay một nước được coi là “đã phát triển” như Hy Lạp cũng bị khủng hoảng tài chính vào năm 2010 khi mà nợ chính phủ quá nhiều. Chính phủ Mỹ, tuy chưa đến mức có nguy cơ phá sản, những cũng đang rất nan giải với bài toán nợ nước ngoài. Việt Nam, với tỷ lệ nợ nước ngoài khá cao và thâm hụt cán cân thương mại hàng năm, cũng luôn bị mối đe dọa khủng hoảng tài chính rình rập.

Điểm đặc biệt khiến cho TQ khác hẳn các nước khác trong giai đoạn phát triển, là TQ phát triển mà không cần vay nợ, không những thế lại còn thành chủ nợ của cả thế giới! (Đây thực sự là một “nghịch lý”, vì giầu như Mỹ thì là con nợ, còn nghèo như TQ thì lại là chủ nợ). Đó là do TQ tiêu dùng ít (tiết kiệm cao), và luôn xuất siêu. Khả năng xuất siêu của họ dựa trên nhân công rẻ mạt (khiến giá thành rẻ), tiêu dùng ít (kéo theo nhập khẩu hàng tiêu dùng ít, chủ yếu nhập đồ thô để chế biết rồi xuất lại), và các thủ đoạn chiếm lĩnh thị trường (hứa cho vay, chào giá rẻ hơn đối thủ, mua chuộc những người có quyền quyết định ở nước ngoài, v.v).

Trong những năm gần đây, thặng dư thương mại (trade surplus) của TQ nằm ở mức 200-300 tỷ USD/năm. Cộng các khoản tiền thặng dư này lại qua nhiều năm, TQ đã có được trữ ngoại tệ ở mức khổng lồ 2,4 nghìn tỷ USD vào đầu năm 2010 (gấp 24 lần GDP của Việt Nam!), chủ yếu dưới dạng tiền cho các nước khác vay, trong đó khoảng 70% (quãng 1,7 tỷ USD) là cho Mỹ vay, trong đó chính phủ liên bang của Mỹ vay gần 800 tỷ (Xem: http://www.washingtontimes.com/news/2010/mar/02/chinas-debt-to-us-treasury-more-than-indicated/). Với “khoản tiền thừa” khổng lồ này, TQ ở vào vị thế mạnh, “rủng rỉnh” săn lùng các cơ hội đầu tư ở các nơi, và mua chuộc các nước bằng các lời hứa cho vay để đổi lấy các hợp đồng lớn và các nhượng bộ về thương mại khác, ví dụ như quyền khai thác các khoáng sản.

Đặc biệt, khi mà khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008, lại là cơ hội để TQ mua được nhiều tài sản lớn trên thế giới với giá rẻ, và nhiều chính phủ gặp khó khăn về tài chính đã phải “ngửa tay” nhận “giúp đỡ” của TQ, với cái giá phải trả là để cho TQ xâm chiếm thị trường hoặc khai thác tài nguyên của họ.

Một ví dụ là, năm 2009, TQ đã thắng đấu thầu hai hợp đồng xây dựng lớn cho tuyến đường cao tốc ở Ba Lan, với giá đấu thầu 310 triệu EUR. Không những giá đấu thầu này của TQ rẻ hơn đến 25% so với giá đấu thầu của các đối thủ khác, mà các công ty TQ tham gia đấu thầu còn cho chính phủ Ba Lan vay một khoản 100 triệu EUR ứng trước.

Tất nhiên, để thực hiện được hợp đồng xây dựng với giá rẻ hơn hẳn các đối thủ của mình, TQ lôi toàn bộ từ kỹ sư đến công nhân giá rẻ mạt của họ sang xây dựng thay vì sử dụng người địa phương. Ngay ở những nước còn nghèo và có tỷ lệ thất nghiệp cao như Algeria (trên 30% vào đầu những năm 2000), khi nhà thầu xây dựng TQ trúng thầu (và họ luôn trúng thầu), họ cũng chỉ sử dụng nhân công TQ rẻ mạt chứ không chia việc cho người bản xứ.

Chiến lược “tấn công kinh tế”

Thời đại của những quân đội thực dân “đem súng đi mở đất” đã qua. Trong thế kỷ 21 này, không có nước nào còn có thể dùng những biện pháp vũ lực man rợ để chiếm đoạt đất đai tài sản mà trên danh chính công thuận đang thuộc về nước khác (không kể những vùng đất tương đối nhỏ đang tranh chấp). Thực dân kiểu cũ không còn nữa. Thay vào đó là kiểu thực dân mới: thực dân về kinh tế, với TQ là điển hình.

TQ đi “xâm chiếm” các nước về kinh tế, không cần mang theo súng ống, mà chỉ cần mang theo tiền và hàng hóa. Họ không “đánh”, mà “mua”. Một số chiến lược “tấn công kinh tế” của TQ ở mọi nơi mà họ đi đến là:

– Bán hàng đã chế biến với giá rẻ (đánh bại hàng sản xuất nội địa cũng như hàng nhập từ nơi khác);

– Mua nguyên nhiên liệu thô, và mua các quyền khai thác mỏ hay các doanh nghiệp khai thác mỏ (ở khắp các nơi trên thế giới, để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu cho TQ);

– Mua cả đất nông nghiệp và khai thác rừng ở các nơi. (Nhiều nước nhượng quyền khai thác hàng trăm nghìn hecta cho TQ, hay thậm chí phá hàng triệu hecta rừng để bán gỗ cho TQ);

– Đấu thầu các hợp đồng xây dựng lớn, với giá luôn rẻ hơn giá của các đối thủ. (Để có được giá thành rẻ hơn hẳn các đối thủ của mình, các chủ thầu TQ thường đem công nhân TQ đến làm việc mỗi khi trúng thầu, và sẽ tìm cách “cắt góc” các qui trình công đoạn);

– Mua chuộc đối tác bằng mọi hình thức: giúp đỡ tài chính, cho vay, tặng quà, v.v. (Các chính phủ mà thiếu kỷ luật tài chính, kẹt tiền, thì sẽ dễ bị mua chuộc bằng các khoản cho vay);

– Tận dụng triệt để các điểm yếu của đối tác. (Ví dụ, đối tác mà càng thiếu minh bạch, càng tham nhũng độc tài thiếu dân chủ, thì càng dễ mua chuộc hối lộ. Đối tác mà đang có bất mãn với các đối thủ của TQ thì càng dễ ngả về TQ);

– Người TQ sang được nước nào thì sẽ tìm cách bám trụ ở lại nước đó, làm ăn buôn bán tiếp tục chiếm lĩnh thị trường.

Có thể nói, những chiến lược trên đã được thực hiện rất thành công ở mọi nơi trên thế giới. Ngay tại Iraq, nơi mà Mỹ lật đổ Saddam Hussen vào năm 2003 trong một cuộc chiến tranh “vì dầu hỏa”, vào cuối năm 2009 nước ngoài có mặt nhiều nhất trong lĩnh vực dầu hỏa ở Iraq không phải là Mỹ mà là TQ (1). Đổi lại, TQ xóa 80% nợ cho Iraq. Ở Ả rập Xê út, TQ trở thành khách hàng số 1 của hãng dầu mỏ quốc gia AMCO, và đã xuất khẩu được cho nước này tàu hỏa siêu tốc của TQ, đánh bại tầu siêu tốc (TGV) của Pháp.

Đặc biệt là các nước nghèo (nhưng giầu tài nguyên thiên nhiên) dễ trở thành “chư hầu mới” của TQ. Angola, một “nước anh em” cũ của TQ ở châu Phi (thời trước có chuyên gia TQ sang Angola, tương tự như người VN đi chuyên gia Angola), riêng năm 2004 đã nhận được viện trợ 2 tỷ USD của TQ dưới dạng tiền vay qua Ngân hàng xuất nhập khẩu TQ, và đổi lại TQ chiếm được các hợp đồng khai thác dầu mỏ tại nước này (“nẫng tay trên” các đối thủ Anh và Pháp) và các hợp đồng xây dựng lại Angola (bị tàn phá vì chiến tranh).

Các công trình xây dựng của TQ ở Angola (ví dụ như 4 sân vận động phục vụ cho Giải vô địch bóng đá châu Phi với giá 600 triệu USD), cũng như ở các nước châu Phi khác (trừ Nam Phi), chủ yếu dùng nhân công TQ chứ không dùng người bản xứ, trong khi dân bản xứ có tỷ lệ thất nghiệp và sống dưới mức nghèo khổ cao. Các dự án xây dựng này nói chung mờ ám về mặt tài chính, và không ai biết TQ đã “lót tay” cho các quan chức ở châu Phi bao nhiêu để chiếm được các dự án này.

Các nước châu Phi khác, như Nigeria (vốn không ưa thích gì Anh-Pháp-Mỹ) cũng phong TQ làm “thủ lĩnh” của họ, và nhượng cho TQ quyền khai thác dầu mỏ và các khoáng sản khác. Vào năm 2006, khoảng 30% nhập khẩu dầu hỏa của TQ là từ châu Phi.

Ở Cộng hòa Dân chủ Công gô (Congo-Kinshasa), TQ ký thỏa thuận đầu tư 3 tỷ USD vào một dự án khai thác đồng lớn, cộng thêm 6 tỷ USD cho xây dựng hạ tầng cơ sở (đường xá, bệnh viện, v.v.) vào năm 2008. Khi giá đồng đi xuống đến 75%, thì TQ có thể coi là bị lỗ vì trả giá cao cho Công gô, nhưng về phương diện chiến lược, đây là một đầu tư thành công của TQ nhằm đảm bảo nguồn cung cấp đồng.

Nước Sudan ở châu Phi bị thế giới cấm vận sau khi đảo chính quân sự năm 1989 và gây chiến tranh ở châu Phi (đã bỏ cấm vận năm 2010). Trong thời gian bị cấm vận thì Sudan có bạn là TQ, đổi dầu hỏa lấy vũ khí. Ở Guinea-Conakry, chính quyền độc tài quân sự cũng được TQ tặng cho một sân vận động, đổi lấy một dự án đầu tư khai thác mỏ trị giá 7 tỷ USD.

Hàng hóa đã chế biến rẻ tiền của TQ ngày nay tràn ngập khắp thế giới. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển (không có tiền để mua đồ đắt hơn với chất lượng cao hơn), sự xâm chiếm thị trường của hàng rẻ tiền TQ càng rõ rệt. Tuy nhập khẩu đến 58 tỷ USD nguyên nhiên liệu thô từ châu Phi vào năm 2008, nhưng cán cân thương mại của TQ với châu Phi không bị âm, vì họ xuất sang châu Phi hơn từng đấy đồ đã chế biến.

Tại Cameroun, vào năm 2004 xuất khẩu sang TQ là 20 tỷ CFA (franc châu Phi, chủ yếu là gỗ rừng), trong khi nhập khẩu từ TQ là 67 tỷ CFA (chủ yếu là hàng đã chế biến). Chỉ trong giai đoạn 2004-2009, lượng xuất khẩu từ TQ sang các nước đang phát triển đã tăng hơn 3 lần, từ 190 tỷ USD lên 670 tỷ USD. Điều này kéo theo sự đóng cửa các nhà máy chế biến ở hàng loạt các nước, kể cả Ấn Độ (một “địch thủ” cạnh tranh của TQ).

Các nguồn tài nguyên ở Mỹ La tinh cũng không tránh khỏi “tầm ngắm” của TQ. Không chỉ Venezuela (là nước “XHCN” ở Nam Mỹ và hiện có quan hệ xấu với Mỹ), mà những nước khác như Brasil, Argentina cũng ký hợp đồng thăm dò và khai thác dầu hỏa với TQ. 70% suất khẩu sắt của Peru là sang TQ. Tương tự như với châu Phi và các nơi khác, TQ mua nguyên nhiên liệu của Nam Mỹ thì “xả hàng” đồ dân dụng lên Nam Mỹ, cán cân thương mại của TQ cũng không bị âm, và hàng may mặc của TQ “bóp nghẹt” ngành công nghiệp dệt may của Nam Mỹ.

Đối với những nước ở gần TQ thì sự “xâm chiếm kinh tế” của TQ còn lớn hơn. TQ xây dựng (bằng công nhân TQ) đường ống dẫn khí đốt 1.833km từ TQ xuyên qua Kazakhstan- Uzbekistan-Turkmenistan để cung cấp khí đốt cho TQ (và cũng là để giảm sự phụ thuộc của 3 nước Trung Á này vào Nga), khánh thành vào 14/12/2009 với sự tham dự của Ho Jintao (Hồ Cẩm Đào) và các nguyên thủ của ba nước Trung Á này. Ở Kazakhstan, 85% nhiên liệu là xuất khẩu sang TQ, và 80% hàng tiêu dùng là nhập từ TQ.

Công ty CNPC (một trong 3 công ty dầu hỏa lớn của TQ) mua 67% tập đoàn PetroKazakhstan vào năm 2006. Vào năm 2007 có đến 4.000 liên doanh TQ-Kazakhstan ở Kazakhstan, tăng lên từ 300 vào năm 1995, nhưng chủ yếu là để phục vụ xuất khẩu nguyên nhiên liệu thô chứ không phải để sản xuất. Có những chuyên gia như Konstantin Syroezhkin (Viện Nghiên cứu chiến lược Kazakhstan) lên tiếng cảnh báo về những điều mà TQ làm đi ngược lại quyền lợi của Kazakhstan. Thế nhưng chính phủ Kazakhstan nhận là “đối tác chiến lược” của TQ, và bỏ ngoài tai những cảnh báo đó (2).

Hai nước láng giềng của VN là Lào và Campuchia cũng nằm lọt trong “vòng kiểm soát” của TQ, cả về kinh tế và chính trị. TQ là nhà đầu tư nước ngoài chủ đạo tại hai nước này (ở Campuchia, theo sách “L’Empire Chinois” của nhà TQ học Pierre Picquart, đến 90% cácnhóm đầu tư là gốc TQ), và các công trình trọng điểm, ví dụ như cầu qua sông Mê Kông nối Lào với Thái Lan, là do TQ xây. Đối với TQ, thì Lào và Campuchia là hai nguồn dự trữ lớn về khoáng sản và lâm sản, và cũng là tuyến đường đi xuống phía Nam Á cho TQ.

Chính sách kinh tế của TQ đối với VN cũng không khác gì là chính sách của họ với các nước khác. TQ chiếm lĩnh dự án khai thác bauxite (mỏ nhôm) khổng lồ ở VN (giá trị có thể đến hàng chục tỷ USD), đưa nhân công vào làm việc tại VN, đẩy hàng rẻ tiền (và chất lượng không đảm bảo) sang tràn ngập VN, và trúng thầu tới 90% các dự án trọng điểm của VN (theo lời của một nhân vật cao cấp ở VN vào năm 2010).

Làn sóng Hoa kiều mới

Ước tính có từ 70 đến 130 triệu người gốc TQ sống ở hải ngoại. Lực lượng Hoa kiều này, mà có khi được gọi ví von là “tỉnh thứ 24” của TQ (4), là một động lực lớn cho việc phát triển kinh tế ở TQ. Hoa kiều mang lại cho TQ rất nhiều thứ như:

– Giúp TQ tạo dựng quan hệ với các nước khác, chiếm lĩnh thị trường ở các nước khác, và làm “tai mắt” của TQ ở các nơi.

– Đem đầu tư, tiền của và khoa học công nghệ vào TQ. Theo Pierre Picquart, tác giả của cuốn sách “L’Empire Chinois”, khoảng 3/4 các đầu tư nước ngoài ở TQ là qua Hoa kiều.

Dưới thời Mao, việc đi lại của dân TQ được kiểm soát chặt chẽ. Các chuyên gia hay công nhân TQ đi sang các nước “anh em” làm việc, hết thời hạn là bắt buộc phải về nước. Trong những năm 1970, có một chục nghìn người TQ sang Tanzania xây dựng tuyến đường sắt Tazara, và sau khi xây xong thì họ quay về lại TQ. Các Hoa kiều “cũ” ở các nước chủ yếu rời khỏi TQ từ trước 1950. Họ tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Á (Thái Lan và Malaysia mỗi nước có khoảng 10 triệu Hoa kiều, rồi đến Indonesia, Vietnam, v.v). Ở châu Mỹ và châu Âu cũng có Hoa kiều cũ nhưng ít hơn, và châu Phi hầu như không có.

Làn sóng di cư mới của dân TQ ra nước ngoài bắt đầu từ quãng năm 1985, cùng với các chính sách mở cửa và khuyến khích di dân của TQ. Họ nhận ra rằng, Hoa kiều là thế mạnh của TQ, và càng có nhiều Hoa kiều thì TQ càng mạnh, càng “bành trướng” được nhiều.

Ngày nay, hầu như không có nước nào mà lại không có những “Chinatown”, không có thành phố nào mà lại thiếu quán ăn hay cửa hàng TQ. Ngay cả những nước mà cách đây 3 thập kỷ có rất hiếm người TQ, thì nay cũng có đông dân TQ. Ví dụ, số người TQ ở Italy tăng từ 300 người vào năm 1980 lên thành 200 nghìn người vào năm 2010. Ở Pháp, theo thống kê dân số năm 1985 mới chỉ có 5 nghìn người được tính là người TQ, nhưng đến năm 2010 con số đó đã lên thành quãng nửa triệu người, và 25% quán cafe ở Paris có chủ nhân là TQ. Brasil từ chỗ gần như không có người TQ nào lên thành 100 nghìn người. Ở Nam Phi số người TQ lên đến 200 nghìn, và ở Algeria số người TQ cũng lên đến 100 nghìn, v.v. (Đây là các con số ước lượng) (5). Ở Dakar (Senegal, châu Phi), các cửa hàng TQ mọc lên nhiều và cạnh tranh mạnh đến mức dân bản địa xuống đường biểu tình để phản đối các “thủ đoạn bất công” (unfair commercial practices) của dân TQ.

Sinh viên TQ ra nước ngoài học đại học (phần lớn là tự túc) cũng tăng lên nhiều trong những năm gân đây. Ví dụ, vào năm 2009, tính riêng nước Pháp đã có đến 35 nghìn sinh viên TQ sang học. Một phần không nhỏ các sinh viên đi học ở nước ngoài này cũng sẽ ở lại, gia nhập đội ngũ Hoa kiều mới.

Khác với thời của Mao, ngày nay dân TQ muốn đi nước ngoài, không những làm giấy tờ xuất cảnh rất dễ dàng, mà còn được chính phủ khuyến khích tạo điều kiện, và không bắt phải về. Đặc biệt là ở các vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao ở TQ, chính phủ khuyến khích dân chúng tìm việc làm ở nước ngoài. Ví dụ, một công nhân ở Chongqing (Trùng Khánh) tìm được việc làm ở châu Phi thì sẽ được miễn phí giấy tờ xuất cảnh, và đại lý của người đó châu Phi sẽ được chính quyền thưởng cho 500 RMB.

Công nhân xây dựng TQ khi ra nước ngoài làm việc, thường là làm như nộ lệ, có thể đến 14 tiếng một ngày, và được chủ thầu TQ xếp ăn ở kiểu 8 người ngủ giường tầng trong căn phòng 20m2, ở trong các “làng TQ”. Khi hết việc, họ tìm cách ở lại nước ngoài tìm việc khác, sinh sôi lập nghiệp (vì dù có khổ thì vẫn sướng hơn là ở nhà quê của họ ở TQ, và có nhiều hy vọng đổi đời hơn). Cùng với đội ngũ công nhân là đội ngũ tiểu thương, đi mở quán và bán hàng tại các nơi. Chỗ nào có công nhân TQ thì họ có thể đầu tiên phục vụ cho người TQ trước khi mở rộng ra thâm nhập vào thị trường địa phương.

Khi doanh nhân TQ lập nên hay mua lại các công ty ở nước ngoài, họ cũng kéo dân TQ sang làm việc. Thành phố Prato, cái nôi của công nghiệp dệt may của Italy, là một ví dụ điển hình: thương nhân TQ lập nên các công ty ở đó, rồi kéo hơn 20 nghìn người TQ sang làm việc dệt may (trong khi toàn thành phố chỉ có 160 nghìn người). Đồ may mặc “made in Italy” ngày nay cũng có không ít khả năng là “made by Chinese”!

Những nước giàu dễ có nhiều người TQ ở bất hợp pháp. Họ đi chui sang các nước đó, hoặc ở lại quá hạn visa, với hy vọng một lúc nào đó được hợp pháp hóa giấy tờ, đổi đời. Khi chưa có giấy tờ hợp pháp thì họ làm chui. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, năm 2002 có khoảng 80 nghìn người TQ thì gần một nửa trong số đó là không có giấy tờ hợp lệ.

Dân các nước giàu có khi thấy những người nước ngoài ở bất hợp pháp tại nước họ (không chỉ từ TQ, mà còn từ nhiều nước nghèo khác) thì đấu tranh để chính phủ phải hợp pháp hóa giấy tờ và giúp đỡ những người này, và kết quả là rất nhiều người trở thành ở lại hợp pháp theo con đường như vậy. (Các chi phí xã hội cho những “khách không mời mà đến” này thì các nước giầu phải trả, nhưng khoản đó không được tính vào giá thành khi người ta nhận nhập khẩu lao động nên cứ “tưởng” lao động nhập khẩu là rất rẻ). Theo triết lý mèo trắng mèo đen, hợp pháp hay không không quan trọng, miễn sao đạt mục đích là ở lại được!

Tự do mậu dịch

Sự xóa bỏ dần các hàng rào thuế quan, tự do hóa thương mại trên thế giới, góp phần không nhỏ vào sự đi lên của TQ trong những thập kỷ vừa qua. Tự do mậu dịch (free trade) là học thuyết kinh tế xuất phát từ phương Tây, nhưng nó đã giúp cho TQ thâm nhập vào thị trường thế giới, và ngày nay TQ là một trong những nước nhiệt tình nhất với tự do mậu dịch.

Sau khi gia nhập WTO (World Trade Organization) vào cuối năm 2001, TQ tăng cường các cuộc thương lượng để đạt được các thỏa thuận tự do mậu dịch với các nước khác. Thỏa thuận tự do mậu dịch TQ-ASEAN bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2010, và TQ đang tiến tới thỏa thuận tự do mậu dịch với Australia.

Sự xóa bỏ các hàng rào thuế quan có lợi cho toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung, bởi vì nó làm tăng cạnh tranh giữa các nước (nhưng nó có thể làm cho chênh lệc giầu nghèo giữa các nước tăng lên). Những khu vực kinh tế nào làm ăn kém hiệu quả so với nước ngoài thị sẽ buộc phải thay đổi, xóa bỏ đi hoặc tăng hiệu quả lên, và bởi vậy hiệu quả kinh tế chung của toàn thế giới tăng lên. Cái giá phải trả là những sự thay đổi gián đoạn lớn trong xã hội, khi có những sự chênh lệch lớn giữa các nước.

Bản thân TQ cũng phải trả giá đó, khi mà các công ty nhà nước của TQ làm ăn kém hiệu quả đã phải sa thải hàng trăm triệu người trong giai đoạn đầu. Nhưng việc tái cấu trúc này đã làm cho nền kinh tế TQ mạnh lên. Tất nhiên, tự do mậu dịch không có nghĩa là nước ngoài có thể nhảy vào xâm chiếm thị trường TQ tùy ý: TQ vẫn đặt ra các luật lệ, khiến cho nước ngoài có thể vào đấu thầu ở TQ hay bán hàng ở TQ, nhưng phải nhượng bộ nhiều thứ mới trúng thầu hay được bán hàng.

Các nước phương Tây, khi xóa bỏ hàng rào thuế quan với TQ, tất nhiên cũng phải trả giá cho nó. Do sự chênh lệch lớn giữa lương của công nhân TQ và công nhân ở phương Tây, nên công nhân ở phương Tây trở thành kém hiệu quả, kém sức cạnh tranh so với TQ, và bởi vậy một lượng lớn mất việc. Xã hội phương Tây cũng sẽ phải tái cấu trúc lại, thay thế các công việc “chân tay” bằng các công việc khác cần trình độ cao hơn, đồng thời tính lại giá thành của các công việc “chân tay”. Có nghĩa là lương của lao động “chân tay” sẽ phải giảm đi (và tăng chính sách xã hội lên để bù lại), thì mới có thể cạnh tranh được với TQ.

Những nước mà nền kinh tế yếu, ít sức cạnh tranh (mà lại thích tiêu xài), thì tự do mậu dịch
với những nước có sức cạnh tranh mạnh như TQ dễ dẫn đến toàn dùng hàng nước ngoài, công nghiệp bị chết dí, vay nợ nhiều, và bán tài nguyên thiên nhiên thô đi để mà tiêu, trở thành một thứ nô lệ về kinh tế. Đó là điều đang xảy ra ở nhiều nước đang phát triển.

Để có thể “tồn tại và đi lên” được trong thế giới mậu dịch tự do, những nước như VN cần phải tìm mọi cách tăng sức cạnh tranh của mình, đồng thời phải có được những chính sách điều tiết thích hợp. Tự do mậu dịch mà không có điều tiết, thì cũng như “tư bản hoang dã” có thể gây bất ổn xã hội. (“Bàn tay vô hình” của Adam Smith không phải lúc nào cũng hoạt động tốt, mà có thể dẫn đến các trạng thái không hay như độc quyền, ép giá, mafia, cạnh tranh không lành mạnh). Không chỉ ở VN, mà ở nhiều nước khác, từ Indonesia đến Algeria, có những làn sóng “bài TQ”, là hậu quả của tự do mậu dịch “thiếu điều tiết” tạo ra.

Sự sụp đổ của “xã hội tiêu thụ”?

Trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản, có những giai đoạn khủng hoảng thừa, dẫn đến một vòng luẩn quẩn suy thoái kinh tế: hàng thừa không có người mua, dẫn đến công ty thua lỗ, sa thải bớt nhân viên, dẫn đến nhiều người thất nghiệp lại càng không có tiền mua hàng, dẫn đến công ty lại càng không bán được hàng và phải sa thải tiếp, và cứ thế nền kinh tế đi xuống.

Giai đoạn đại suy thoái của Mỹ vào đầu những năm 1930 là một ví dụ điển hình về
hậu quả của “khủng hoảng thừa”, và phải đến tận những năm 1940, do nhu cầu sản xuất tăng lên để phục vụ chiến tranh, nước Mỹ mới thực sự bước ra khỏi suy thoái, bắt đầu giai đoạn phát triển mạnh mới.

Một “liều thuốc” mà các nhà kinh tế nghĩ ra để chữa bệnh suy thoái khủng hoảng thừa là kích cầu: tìm cách khuyến khích nhân dân tiêu dùng. Theo lý luận, nhân dân tiêu dùng thì doanh nghiệp bán được hàng, bán được hàng thì có việc làm và có tiền trả lương, có thêm tiền lương thì lại càng tiêu dùng và hàng lại càng bán được, và kinh tế cứ thế đi lên. Khi nhân dân không chịu tiêu dùng, thì nhà nước phải tiêu dùng thay (và thu thuế của dân và các doanh nghiệp, tức là cuối cùng thì vẫn là dân tiêu, nhưng qua nhà nước). Chính phủ có thể kích cầu bằng các giải pháp như: xây dựng các công trình công cộng, phát triền giúp người nghèo có tiền để tiêu, cho không trẻ em sữa uống trong trường học, v.v. (tiền để trang trải các chi tiêu đó là từ ngân sách chỉnh phủ, có được nhờ thu thuế và bán các nguồn tài sản quốc gia, v.v.).

Về phía tư nhân, những cách kích cầu mà các doanh nghiệp rất thích, là cho vay để tiêu dùng, và quảng cáo kích thích sự thèm muốn của người tiêu dùng. Cho vay thì được tiền lãi, dân vay càng nhiều thì lãi càng lớn. Bởi vậy hàng loạt các công ty mời chào người tiêu dùng bằng đủ các hình thức cho vay khác nhau. Khi vay tiền dễ dàng thì người ta cũng chi tiêu phóng khoáng hơn, tiêu thụ nhiều hơn, ít nghĩ đến tiết kiệm, vì tin rằng cứ cần tiền là có thể đi vay. Từ đó đẻ ra xã hội tiêu thụ: tiêu thụ vượt khả năng tài chính, lo hưởng thụ trước mắt, trở thành cách sống của nhiều người. Nước Mỹ là điển hình của xã hội tiêu thụ, với mức tiết kiệm tư nhân giảm liên tục trong nhiều thập kỷ qua, xuống chỉ còn khoảng 2%. Kể cả các chính phủ cũng trở thành “thành viên” của xã hội tiêu thụ: vay bừa bãi để chi tiêu quá khả năng.

“Xã hội tiêu thụ” trên thế giới là môi trường thuận lợi cho sự “bành trướng kinh tế” của TQ. Thiên hạ tiêu dùng càng nhiều, thì TQ càng bán được nhiều hàng tiêu dùng. Và khi người ta tiêu thụ đến mức vay nợ TQ quá nhiều, thì phải bán lại các tài sản lớn (doanh nghiệp, dầu mỏ, bất động sản, v.v.) cho TQ, và như vậy giúp TQ nhanh trở thành ông chủ của thế giới về kinh tế. Trong tương lai, các xã hội tiêu thụ sẽ xụp đổ: hoặc là sẽ phải thay đổi “cơ chế”, cách sống, chuyển sang một xã hội khác ổn định hơn, hoặc là sẽ bị TQ “thôn tính” về kinh tế, hoặc là cả hai.

Một điểm nguy hiểm nữa của xã hội tiêu thụ là nó làm hủy hoại môi trường: tài nguyên thiên nhiên bị tiêu thụ quá nhiều, quá nhanh, trái đất không kịp phục hồi khả năng đáp ứng nhu cầu của con người, môi trường sống bị hủy hoại và nhiễm độc.  Bản thân nước TQ hiện tại chưa phải là một “xã hội tiêu thụ”, mới chỉ là một “bộ máy phục vụ xã hội tiêu thụ”, cũng đã đủ để thế giới tiêu thụ quá nhanh các tài nguyên của mình và phá hoại môi trường với tốc độ đáng sợ (hàng năm có bao nhiêu rừng trên thế giới hàng năm bị phá hủy, bao nhiêu loài động vật bị tiệt chủng, đất và nước ở TQ cũng bị ô nhiễm nặng, v.v.). Nếu mà nước TQ cũng trở thành “xã hội tiêu thụ” thì thế giới sẽ
gần đến “ngày tận thế”.

Hiện tại, sự chạy theo lợi nhuận trước mắt của các doanh nghiệp, và ham muốn tăng trưởng kinh tế của các nước (trong đó có TQ) vẫn tiếp tục dẫn đến xã hội tiêu thụ, tuy rằng các nước tư bản có nhận ra mối hiểm họa mà xã hội tiêu thụ tạo ra với môi trường, và có đề ra những chính sách nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, sử dụng năng lượng “sạch”, v.v. Nhưng để thoát ra được khỏi xã hội tiêu thụ (thay vì bị nó đè bẹp) sẽ là một việc nan giải và cần có những thay đổi lớn về chính sách.

(1) Theo: Sammy Ketz, “La Chine devient le premier opérateur étranger dans le pétrole irakien”, AFP, 05/11/2009.
(2) Các thông tin và số liệu trong cá đoạn trên lấy từ sách “Le Vempire du Milieu”, Chương 2 và Chương 5.
(3) Xem http://en.wikipedia.org/wiki/14th_Dalai_Lamaem http://en.wikipedia.org/wiki/14th_Dalai_Lama
(4) TQ có 22 tỉnh; Đài Loan có khi đươc gọi ví von là tỉnh thứ 23.
(5) Xem sách “Le Vampire du Milieu” của Cohen và Richard, Chương 5.

 

Tác giả