Chương 1: Hô… biến!

Trung Quốc sản xuất đủ loại hàng hóa; vì thế, nó tạo ra đủ loại mùi mà ta có thể tưởng tượng ra. Đi ngang qua các nhà máy, bạn có thể ngửi thấy nhiều mùi: mùi hăng nhức óc từ chất keo dán bốc ra từ xưởng giày dép, mùi hạt nướng thoát ra từ lò gốm khi các bình hoa bằng gốm đang được nung bằng lửa gas, mùi chua loét của chất nhựa polypropylene đang được đun chảy và phun ra ở nhiệt độ cao...

Một trong những đối tác đầu tiên mà tôi đến tìm hiểu là công ty chuyên sản xuất loại hàng có mùi hương thơm mà ở TQ gọi là hóa chất gia dụng – tức các loại sản phẩm như xà bông tắm, dầu gội, và kem bôi tay.

Công ty ấy, có tên là King Chemical, tọa lạc tại một vùng quê, dưới chân một ngọn đồi lớn ở vùng Hoa Nam.

Tôi đến phân xưởng sản xuất của công ty vào một buổi sáng nắng đẹp, trời trong, mũi ngập đầy mùi hương của các loại sản phẩm dưỡng da và vệ sinh cá nhân. Phân xưởng sản xuất ấy được điều hành bởi một người phụ nữ nhỏ bé, người cứ nhất định bắt tôi phải gọi bà là “Trần Chế” (zhen jie). Đó là một cái tên quen thuộc, vì Trần là họ của bà, còn Chế có nghĩa là chị. Bà cho biết bà yêu cầu công nhân gọi mình bằng cái tên này vì bà muốn công nhân xem mình là một người chị và có thể trông vào đấy mà noi gương.

“Đây. Em mặc áo khoác này rồi mới vào bên trong được.” Chế đưa cho tôi cái áo khoác mặc trong phòng thí nghiệm trắng tinh, rồi đưa thêm đôi vớ bọc giày, và chờ cho tôi mang vớ vào xong mới tự mình xỏ một đôi vớ khác phủ lên đôi giày cao gót màu đen của mình.

Tất cả những việc ấy là để đảm bảo một môi trường sản xuất hợp vệ sinh, Chế giải thích như vậy. Các nhà máy ở TQ thường là không quan tâm gì đến vệ sinh môi trường, nhưng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm và sức khỏe thì điều này hết sức quan trọng. Đây cũng là một trong những vấn đề được nhắc đến trong cuộc trao đổi giữa tôi và Bernie, người đã cử tôi tham gia vào chuyến tham quan. (Trước khi xác định chọn công ty này làm nơi cung cấp sản phẩm, Bernie đã thử sản xuất dòng sản phẩm của mình ở một nơi khác với một kết quả thảm hại. Cả một tàu hàng bị nhiễm vi khuẩn, khiến công ty của ông lỗ nặng).

Những nghi lễ trịnh trọng chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đã tạo ra trong tôi một cảm giác mong đợi, và tôi rất háo hức được đặt chân vào phân xưởng. Qua một tấm cửa kính, tôi hầu như có thể thấy hết những gì đang chờ đợi chúng tôi. Không khí làm việc có vẻ rất bận rộn, và  các công nhân cũng mặc đồ trắng.

Rồi đến là màn rửa tay. Các vị trưởng phòng cùng theo đoàn giờ đây đứng xếp hàng trước một dãy các bồn rửa, lần lượt rửa tay. Trong chiếc áo choàng trắng, tay xắn lên đến tận khuỷu, trông họ cứ như một đội bác sĩ đang chuẩn bị vào một cuộc phẫu thuật.

Rửa tay sạch sẽ rồi, tôi định bước vào khu vực sản xuất, nhưng một cánh tay ai đó đã kéo tôi lại, và chụp lên đầu tôi một chiếc mũ trắng. Sau đó, như một nghi lễ long trọng, cánh cửa mở bung ra cho đoàn tham quan chúng tôi đi qua.

Bên trong phân xưởng có vẻ rất bận rộn, và vì chưa quen với những hoạt động sản xuất như thế này, tôi phải cố tìm hiểu xem mọi việc hoạt động ra sao. Các công nhân đang bận rộn pha chế một loại kem bôi tay, và tôi đứng xem các dây chuyền sản xuất tạo ra những lọ kem màu hồng. Một số công nhân đổ kem vào lọ, còn những người khác thì đóng nút hoặc lau bên ngoài lọ. Tôi đề nghị được xem một sản phẩm hoàn tất, và người ta đưa cho tôi một lọ kem lấy ra từ một thùng carton. Nhãn hiệu bên ngoài được in bằng tiếng Trung Quốc. Công ty này sản xuất các loại mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe dành cho thị trường nội địa. Công ty của Bernie sẽ là khách hàng xuất khẩu đầu tiên của họ.

Chúng tôi đi qua một dây chuyền sản xuất. Những người công nhân đang cắm cúi làm việc càng cúi đầu thấp hơn nữa khi chúng tôi đến gần, và tốc độ làm việc của họ bỗng tăng lên rõ rệt. Bất cứ nơi nào chúng tôi dừng lại, tôi đều cảm thấy công nhân như đang rất căng thẳng đến nín thở. Tôi quan sát một cô công nhân tóc ngắn đang chuyển những lọ kem ra khỏi băng chuyền. Cô lau xung quanh lọ một cách rất tỉ mỉ và cứ cầm cái lọ mãi mà không chịu bỏ nó xuống cho đến khi có lọ mới chạy ra băng chuyền. Tôi thử nhìn những người công nhân, nhưng tất cả đều cố tránh ánh mắt của tôi.

Một cô công nhân chuyên đóng nút lọ kem thực hiện công việc của mình với một vẻ rất kịch. Bên cạnh cô là một công nhân chuyên xếp các lọ kem đã đóng nắp vào thùng carton. Thay vì đẩy các lọ kem vào thùng, cô đã dùng hai tay nâng từng lọ, theo kiểu trịnh trọng mà ta thường thấy khi các thương gia TQ đưa danh thiếp của mình cho đối tác.

“Ở đây chị có bao nhiêu công nhân?” Tôi hỏi thế.

Chế gật đầu, như thể đang chờ đúng câu hỏi ấy của tôi. “Hai trăm người,” bà nói.

Tôi không đếm, nhưng có cảm tưởng số công nhân ở trong phân xưởng ít hơn con số đó rất nhiều. “Công nhân được nghỉ vào những lúc nào?” Tôi hỏi tiếp. Chế cho biết họ được nghỉ vào giờ ăn trưa và ăn tối. Tôi hỏi họ được nghỉ bao nhiêu ngày trong tháng. Chế trả lời đa số công nhân cứ hai tuần mới nghỉ vào một ngày cuối tuần.

Không còn gì để hỏi, tôi nhận xét nhà máy này thật ấn tượng. Chế khen tôi nói tiếng Trung Quốc rất tốt, và nói Bernie thật may mắn vì đã tìm được tôi. Bà mong sẽ được làm việc  lâu dài với tôi chứ không dừng lại ở một chuyến tham quan, và còn nói rằng bà hy vọng được học hỏi nhiều từ một người như tôi: Tôi cũng đã ở Trung Quốc một số năm rồi, đủ để hiểu được điều này: khi bạn nói ra những lời tốt đẹp, bạn sẽ được nhận lại vô vàn lời khen ngợi.

Chúng tôi đi đến trạm nơi các công nhân bơm kem vào lọ. Rất nhiều công đoạn trong xưởng được làm bằng tay, thậm chí cả bằng chân. Máy bơm được thiết kế để có thể vận hành bằng cách đạp chân lên một cái cần ở trên sàn. Khi ấy, kem sẽ trào ra khỏi vòi và được phun vào trong lọ theo công thức định sẵn. Người công nhân đang phụ trách ở trạm này dường như không mấy thành thạo, vì phía trước áo của cô dính bê bết những kem, có lẽ là do bị hụt khi hứng kem vào lọ.

Tôi dừng lại ở đó một lúc và quan sát thao tác của người công nhân kỹ hơn. Dường như cô ta chỉ vừa mới được huấn luyện thôi, vì rõ ràng các động tác của cô ta rất vụng về. Tôi tự nghĩ, điều này không chỉ do bối rối, mà có vẻ như cô chỉ mới làm công việc này lần đầu tiên thôi.

Ngay lúc ấy, có ai đó kéo tay tôi. Đó là Chế, bà muốn giục tôi đi vì đã hết thời gian.

Động tác kéo tay của Chế có vẻ hơi thân mật, tôi nghĩ thế, nhưng thay vì hiểu sai cái kéo tay ấy như một điều gì riêng tư, tôi chỉ hiểu đơn giản rằng nó nhắc tôi thời gian đã hết. Tôi có cảm giác giống như một đứa trẻ đến khu vui chơi để đu quay nhưng vòng quay lại chấm dứt quá nhanh.

Tôi chưa kịp hình thành một nhận định đầy đủ về nhà máy thì đã thấy cánh cổng chỉ lối ra, rồi sau đó thấy mình đứng ngoài trời nắng.

“Để chị cho xe đưa em ra sân bay”, Chế nói.

Nói đoạn, bà đưa tôi vào phòng chờ ở gần văn phòng của bà, và ai đó rót cho tôi một cốc trà xanh túi lọc. Ngồi một lúc khá lâu, tôi tự hỏi phải chăng mình đã bị bỏ quên. Tôi nhìn vào những ghi chép của mình, và thấy chúng vừa ít lại vừa rất sơ sài. Có người đến báo cho tôi biết là lái xe sẽ đến trễ, và tôi có cảm giác là họ cũng chẳng biết lái xe lúc này đang ở đâu. Do vậy tôi nghĩ mình cần quay lại phân xưởng để quan sát thêm đôi chút. Khi trở lại phân xưởng, bên ngoài phân xưởng không có một ai, chỉ có tiếng gió nhẹ thổi đến từ phía lưng đồi. Khung cảnh thật bình yên và thôn dã1. Và khi nhìn vào bên trong qua lớp cửa kính, tôi ngỡ mình vừa đi lạc.

Phải chăng tôi đã đi nhầm sang nơi khác?

Rõ ràng là tôi đã đến đúng nơi cần đến, nhưng giờ đây phân xưởng không có lấy một bóng người. Nơi mới trước đây có đến 50, 60 công nhân làm việc, giờ chỉ còn một ông già đang cầm chổi quét. Ông phát hiện ra tôi đang đứng ở cửa sổ và bèn đi đến phía cửa chính, có lẽ định mở cho tôi vào, rồi sau đó nghĩ lại, quay đầu lại và vội vã đi ra cửa sau.

Chuyện quá quỷ gì đang xảy ra thế này nhỉ?

Mặt vẫn dán vào kính cửa sổ, tôi nhìn xuống đồng hồ đeo trên tay. Chỉ mới 3 giờ chiều. Các nhà máy ở TQ không có thói quen nghỉ giữa giờ để uống trà, và hồi nãy chính Chế cũng đã nói là công nhân ở phân xưởng chỉ nghỉ lúc ăn trưa và ăn tối.

Rồi tôi nghe tiếng gót giày khua lóc cóc từ phía sau.
Lóc cóc – lóc cóc – lóc cóc.

Tôi quay lại, chờ đợi những điều tệ hại nhất. Nhưng thay vì tỏ ra giận dữ, khuôn mặt Chế lại nở ra một nụ cười rất gượng gạo, nụ cười rất giả tạo mà khi đến gần thì nụ cười ấy nở to đến tận mang tai, trông như đang giễu cợt ai. Chế chạy đến chỗ tôi, gần hụt hơi.

“Công nhân đang nghỉ, em ạ”. Bà nói.
“Mình quay lại đi em”, Chế nói, và lặng lẽ dẫn đường.

Cố gắng hiểu những gì đang diễn ra, tôi có cảm giác hệt như khi xem xiếc thấy một con voi thật to bỗng biến mất hoàn toàn. Quả không thể hiểu nổi những công nhân ấy đã biến đi đâu. Không thấy họ đâu nữa, và điều duy nhất tôi có thể làm là lấy tay dụi mắt và tự hỏi điều ấy đã xảy ra như thế nào – hoặc đúng hơn là vì sao. Làm sao có thể có chuyện một công ty vừa mới trước đó còn đang hoạt động tấp nập mà giờ đây đã hoàn toàn biến mất?

Tối hôm ấy, tôi gọi điện cho Bernie với tâm trạng e ngại. Trò hô biến mà tôi vừa chứng kiến trong ngày không bao giờ có thể xảy ra ở Mỹ, vì vậy nếu tôi kể việc ấy với Bernie thì chắc chắn sẽ bị xem là một thằng ngớ ngẩn. Hoặc ít ra, tôi cũng bị xem là người đưa những tin tức xấu.
“Họ có vẻ bận rộn chứ?” Bernie hỏi.

Hình như Bernie chỉ quan tâm có mỗi một việc đó thôi – sự bận rộn của nhà máy. Tôi bèn quyết định kể hết mọi chi tiết của chuyến tham quan cho ông nghe. Không những ông không nghi ngờ gì về điều tôi đã kể, mà còn phá lên cười. Trước đó nhiều tuần ông cũng đã từng đến thăm nhà máy này, và ông ngờ rằng lần ấy họ cũng dàn cảnh đóng kịch với ông như vậy.

Bernie không tỏ ra lo lắng một chút nào, mà còn nói tin tức tôi mới cung cấp cho ông là tin tức tốt. Tôi nói với ông tôi thực sự không hiểu. Những gì tôi chứng kiến trong ngày đã thực sự làm tôi lo ngại, vì tôi nghĩ: Một nhà máy phải bỏ ra bằng ấy công sức dàn cảnh đóng kịch để chứng minh rằng mình bận rộn hẳn sẽ có khả năng dở ra nhiều trò ma mãnh khác.

Nhưng Bernie lại nghĩ khác. Ông cho rằng nếu nhà máy không có nhiều việc để làm và họ phải ra sức dàn cảnh để chứng minh là họ bận rộn thì điều đó có nghĩa là họ rất cần có hợp đồng và ông có thể thỏa thuận được giá tốt. Thật thú vị là Bernie lại có những suy nghĩ khác với tôi.

Vũ THị Phương Anh dịch

Tác giả