Cội nguồn của bạo loạn ở kinh đô ánh sáng

Sau một loạt vụ cháy ở các khu tập thể dành cho người nhập cư ngay tại thủ đô Paris hồi cuối tháng 8 vừa qua làm hơn 20 người da đen thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, thì nay, một loạt các vụ đốt xe hơi và trường học liên tiếp xảy ra đã khiến người ta đặt câu hỏi về độ an toàn của kinh đô ánh sáng.

Tất cả bắt đầu từ khi hai thiếu niên gốc Phi chết vì điện giật khi chạy trốn cảnh sát. Các vụ đốt phá từ các ngoại ô đông bắc Paris đã nhanh chóng lan ra nhiều thành phố trong cả nước. Tình hình trở nên đáng lo ngại hơn khi mà không chỉ riêng Pháp, Bỉ đang cháy, mà cả Luân Đôn, Berlin, Amsterdam… cũng bén lửa bởi vấn đề với cộng đồng thiểu số không phải của riêng kinh đô ánh sáng.

Bất bình đẳng – nguồn gốc của bạo loạn

     
Bạo lực lan tràn đã làm bật nắp nồi hơi của nghèo đói, phân biệt đối xử và tuyệt vọng trong các gia đình nhập cư mà đa số người Pháp từ lâu đã không để ý tới. Sau hơn hai tuần bạo động diễn ra hằng đêm, đã có hơn 8000 chiếc ôtô và xe buýt bị đốt cháy, nhiều tòa nhà bị thiêu trụi, ước tính thiệt hại về vật chất lên tới hơn 200 triệu USD, nhưng những hậu quả xã hội còn lớn hơn nhiều. Cho tới nay, việc thanh niên tấn công cảnh sát không có gì khó hiểu, nhưng tại sao họ lại đốt xe hơi? Trước hết, phóng hỏa xe hơi, đó là phá hủy biểu tượng của đô thị, phá hủy tự do của những người giàu, phá hủy bất bình đẳng xã hội. Đối với những người giàu, xe hơi là một vật không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, và bằng cách thực hiện hành vi này, những kẻ gây bạo loạn, thường là những người nghèo bị gạt ra ngoài lề xã hội, tự nhủ rằng như vậy “bọn nhà giàu sẽ mất đi thứ mà chúng yêu quý”.

Các cuộc bạo loạn này là kết quả không lường trước được của sự tăng cường các chính sách coi thường người nước ngoài nhập cư vào Pháp, coi họ là một quả bom khủng bố nổ chậm. Đó còn là kết quả của sự căm ghét các quan chức âm ỉ trong lòng những thanh niên tuyệt vọng và chán nản, sống ở những nơi mà chính phủ gọi là “khu vực nhạy cảm”.

Trên thực tế, tại Pháp có tới 751 khu vực nằm trong các chương trình đặc biệt, ở đó tỷ lệ thất nghiệp lên tới 19,6%, tức là khoảng gấp đôi tỷ lệ trung bình cả nước và chiếm hơn 30% số người ở độ tuổi từ 21 đến 29. Tệ hơn, mức thu nhập ở các khu vực này thấp hơn mức bình quân cả nước 75%. Nhiều khu Nhà do nhà nước xây dựng đã trở nên xập xệ và trở thành nơi tụ tập của những kẻ bất lương hằng đêm. Đó là minh chứng cho 40 năm áp dụng chủ trương tập trung người nhập cư ở những quận xa trung tâm thành phố. Ngay cả những người trẻ tuổi có nhiệt huyết cũng không dễ dàng gì vươn lên, nếu họ xuất thân từ một khu vực “nhạy cảm”. Một số thống kê cho biết, cơ hội được mời phỏng vấn của các ứng cử viên xin việc sống ở những khu vực “có vấn đề” chỉ bằng một nửa so với những người ở khu vực bình thường. Tất cả học sinh Pháp đều được học những giá trị của nền cộng hòa Pháp như tự do và bình đẳng, nhưng trong thực tế cuộc sống, đặc biệt khi tìm việc, các thanh niên da màu thấy đó chỉ là ảo tưởng.

Vấn đề không của riêng nước Pháp

Chứng kiến loạt bạo loạn vừa qua tại Pháp và Bỉ, không ít lãnh đạo Châu Âu đã tỏ ra lo ngại ngọn lửa sẽ lan sang nước mình. Lo ngại này không phải là không có lý. Sở dĩ nước Pháp bị châm lửa đầu tiên chính bởi vì các chính trị gia trong đất nước này đã không che giấu được thực tế đối xử bất bình đẳng với người nhập cư, trong khi bình đẳng là một trong những giá trị nền tảng của thể chế Cộng hòa.

Bất bình đẳng của thủ đô Paris hoa lệ chính là hình ảnh tượng trưng cho các quốc gia Châu Âu giàu có đang dần tiến tới thói quen không thèm đếm xỉa đến bộ phận dân nhập cư nghèo khổ. Không ít người có chung cảm giác rằng chính sự lãng quên “tập thể” ấy đã đẩy nhiều người vào bất hạnh và từ bất hạnh họ đi đến tuyệt vọng để rồi sa vào con đường bạo lực, cực đoan. Nếu hiểu theo cách này, không chỉ riêng Paris đang cháy, mà cả Luân Đôn, Madrid, Rome, Amsterdam, Brussel, thậm chí cả New York cũng đang bén lửa.

Những vụ bạo động tại Pháp cho thấy mặt trái của hệ thống xã hội Châu Âu: dựng hàng rào xung quanh cộng đồng 5-10 triệu người nhập cư chủ yếu là Hồi giáo. Kiểu hành xử “để họ sang một bên” bấy lâu nay đã không phát huy tác dụng. Việc kiểm soát thế hệ nhập cư đầu tiên không khó, nhưng vấn đề trở nên khó khăn hơn nhiều khi liên quan đến thế hệ con cháu của những người nhập cư này. Trong suốt một thời gian dài, nhiều chính phủ các nước Châu Âu đã phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, tôn giáo và tâm lý bài ngoại do lo sợ chủ nghĩa khủng bố. Kết hợp với các nhân tố này là tình trạng thất nghiệp hàng loạt trong tầng lớp thanh niên. Tất cả tạo ra một mối ác cảm, một tâm lý chống đối ngấm ngầm trong lòng các xã hội Châu Âu.

Trên thực tế, việc làm sao liên kết các cộng đồng thiểu số và người nhập cư, nhất là những người lao động trình độ thấp trong những thời điểm kinh tế khó khăn đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo Châu Âu lúc này. Thật khó có thể đưa ra câu trả lời thoả đáng bởi các quốc gia Châu Âu khá bất đồng về quan điểm. Và trong khi người ta còn đang bối rối tìm cách giải quyết, thì mối ác cảm ngấm ngầm ấy đã biến thành bạo lực. Tháng 11 năm ngoái, người dân Hà Lan choáng váng trước vụ sát hại nhà làm phim Theo van Gogh. Vụ giết hại làm dấy lên mối lo ngại về chủ nghĩa khủng bố quốc tế và bản sắc dân tộc tại xứ sở hoa tulip, nơi 20% dân số có nguồn gốc nước ngoài.

Cũng như các quốc gia vùng Bắc Âu khác, nước Đức rất tự hào vì chính sách đoàn kết “kiểu Đức” của họ đối với cộng đồng hơn 2 triệu người thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đoàn kết ấy là gì? Là nạn thất nghiệp trong các bộ phận người nhập cư cao gấp 2 lần tỉ lệ trung bình của cả nước và tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ còn tồi tệ hơn khi cứ ba thanh niên lại có một người thất nghiệp. Tình trạng này đã kéo dài mà Chính phủ vẫn không có giải pháp, thực chất là đã không có quyết tâm thực sự, để giải quyết vấn đề. Vì thế căng thẳng đã gia tăng, và đỉnh điểm là hàng loạt vụ giết người “vì danh dự” làm chấn động Berlin những ngày đầu năm 2005.

Chuyển sang Tây Ban Nha, nơi có 1 triệu người Hồi giáo, xứ sở của những đấu sỹ bò tót cũng đang vật lộn tìm cách đẩy lui làn sóng di cư bất hợp pháp từ Bắc Phi. Sau những vụ lộn xộn xảy ra tại biên giới giữa Tây Ban Nha và Maroc, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Zapatero đã đề xuất tổ chức một Hội nghị Bộ trưởng Âu-Phi về vấn đề nhập cư. Hành động dũng cảm này đã không được nhiều nước thành viên ủng hộ. Chỉ đến khi lửa đã cháy thì người ta không còn đủ thời gian để mà họp bàn nữa.

Hợp tác cùng phát triển là giải pháp duy nhất

Philippe Douste-Blazy, Bộ trưởng ngoại giao Pháp khẳng định rằng viện trợ cho các nước nghèo để tránh người dân các nước này nhập cư trái phép vào Châu Âu là câu trả lời thỏa đáng nhất cho vấn đề. Một mặt, cần phải phản ứng cứng rắn, nhưng mặt khác cũng phải tỏ rõ thái độ muốn đối thoại. Không ai có thể và có quyền tiếp tục khoanh tay đứng nhìn các nước nghèo ngày càng nghèo hơn trong khi những nước giàu ngày càng giàu hơn. Nếu muốn sống trong hòa bình và thịnh vượng, không ai được mặc nhiên chấp nhận thực tế ngày càng có nhiều người đang bị bần cùng hóa. Đó là điều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức và ẩn chứa những hiểm họa khôn lường về chính trị, xã hội. Vì vậy cần phải có một kế hoạch lớn của Liên minh Châu Âu dành cho các nước nghèo, đặc biệt là Châu Phi.

Tăng cường các biện an ninh là việc làm cần thiết trước mắt, nhưng chỉ riêng nó thôi thì chưa đủ. Cần phải đề cập nhiều hơn đến vấn đề cùng phát triển. Đó là giải pháp triệt để duy nhất. Thực hiện các dự án cụ thể trong các vùng sa mạc Sahara và cận Sahara để người dân các khu vực này tìm thấy cơ hội sống mới ngay tại quê hương mình mới là điều quan trọng. Để làm được điều này, có lẽ phải tạo ra một công cụ tài chính mới, một ngân hàng có khả năng thực hiện đến cùng giải pháp này. Một thể chế như vậy sẽ có thể khuyến khích sự phát triển của các dự án nhỏ có lợi cho các nước nghèo. Đồng thời, Châu Âu và Mỹ không thể tiếp tục chơi trò lá mặt lá trái khi một mặt tuyên bố tăng viện trợ phát triển cho các nước nghèo, nhưng mặt khác lại bằng mọi cách bảo vệ một nền nông nghiệp được trợ cấp hào phóng, thực chất là tìm mọi cách đóng cửa thị trường nông phẩm đối với các nước nghèo, cướp đi kế sinh nhai của họ.

Anh Thư  tổng hợp

Tác giả