Cuộc khủng hoảng điện ở Venezuela

Tại các quốc gia có cơ sở hạ tầng năng lượng hiện đại hơn, giải pháp của họ luôn là cân bằng giữa nhiều nguồn điện năng khác nhau. Nhưng tại Venezuela lại không tồn tại sự cân bằng đó bởi 70% nguồn điện năng ở quốc gia này phụ thuộc vào thủy điện.


Người dân tại thủ đô Caracas, Venezuela xếp hàng trong một cửa hàng thực phẩm để chờ mua bơ và đường mới được chuyển tới

Ngày 13/6 vừa qua, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã công bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày trên toàn quốc. Mặc dù quốc hội phủ quyết thông qua sắc lệnh này, song không thể phủ nhận rằng Venezuela hiện đang lâm vào một tình cảnh bi đát. Lạm phát ở quốc gia này cao tới mức chính phủ không thể mua nổi giấy in tiền. Người dân xếp thành những hàng dài tại các cửa hàng lương thực thực phẩm trong khi hàng hóa tại các cửa hàng này ngày một khan hiếm hơn. Các bệnh viện hết thuốc kháng sinh, dụng cụ phẫu thuật và các trang thiết bị y tế khác. Mạng lưới điện toàn quốc cũng rất mất ổn định. Lịch cắt điện diễn ra luân phiên hàng ngày ở mọi khu vực, kể cả thủ đô Caracas, thành phố có tỉ lệ án mạng cao nhất thế giới. Đầu tháng Tư vừa qua, Tổng thống Maduro phát lệnh rút ngắn thời gian làm việc của khối nhân viên nhà nước xuống còn 4 ngày/tuần để tiết kiệm năng lượng; và tới cuối tháng tuần làm việc còn bị thu hẹp tiếp thành 2 ngày/tuần (tức 2h/ngày). Chính phủ cũng ra lệnh điều chỉnh đồng hồ sớm hơn nửa giờ để người dân có thể tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên.

Ngoài yếu tố con người, hạn hán kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh trên. Lượng mưa ở Venezuela trong ba năm qua rất ít và đặc biệt thiếu trầm trọng vào năm ngoái do hiệu ứng El Niño, một chu kỳ khí hậu toàn cầu định kỳ làm ấm một phần Thái Bình Dương và phía đông Canada, gây lụt lội ở Texas và Florida, gây hạn hán ở Indonesia và một phần châu Mỹ Latin. Kết quả là, các con đập ở Venezuela vốn là nguồn tạo ra 2/3 lượng điện cho cả quốc gia này, có mức nước thấp kỷ lục. Lượng nước ở đập Guri, nơi đặt nhà máy thủy điện lớn nhất Venezuela, hiện chỉ còn cách mực nước chết 5m. Với mực nước thấp như thế này, không khí và nước có thể sẽ lọt vào các bộ phận bên trong đập, khiến các cánh tua bin bằng sắt rung lắc từ đó phá hỏng toàn bộ kết cấu đập. Khi các hồ chứa nước của Venezuela đều khô hạn và các đập thủy điện ngừng hoạt động thì toàn bộ mạng lưới điện của quốc gia này cũng theo đó mà ngừng luôn.

Một câu hỏi được đặt ra ở đây: Tại sao Venezuela, một đất nước có nguồn nhiên liệu hóa thạch lớn nhất châu Mỹ Latin và trên thế giới, lại quyết định tạo điện từ nước, một tài nguyên ai cũng biết là rất thiếu ổn định? Dĩ nhiên, trong thế giới đề cao sự bền vững ngày nay, việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là đáng hoan nghênh, nhưng trong trường hợp của Venezuela, lý do chính khiến họ ưu tiên đầu tư phát triển thủy điện là vì muốn dành nguồn dầu mỏ cho xuất khẩu. Thế nhưng, việc tạo nguồn điện, nhất là khi dựa vào những nguồn năng lượng tái chế, đòi hỏi sự đa dạng. Khi thiết kế cơ sở hạ tầng điện lực, Venezuela đã không cân nhắc đến tính khó dự đoán cố hữu của những nguồn năng lượng như nước, mặt trời và gió. Sau đợt hạn hán nghiêm trọng gần đây nhất diễn ra vào năm 2010, chính phủ nước này không hề có những biện pháp điều chỉnh/ nâng cấp. Thực ra, họ đã có kế hoạch xây dựng một số nhà máy điện chạy bằng diesel song tiến độ hoàn thành rất chậm chạp và mới xây xong một nhà máy điện chạy bằng khí gas tự nhiên có thể tạo ra một sản lượng điện bằng 4% sản lượng điện cả nước nhưng chưa bao giờ chạy hết công suất (nhưng mỉa mai thay, nhà máy lọc dầu cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy gas ở Venezuela cũng được vận hành từ nguồn điện ở đập Guri). Như vậy là hai lần chính phủ nước này đặt trứng vào cùng một giỏ. Đợt giá dầu giảm mạnh bắt đầu từ giữa năm 2014 đã làm khánh kiệt kho ngân khố vốn bị quản lý yếu kém của Venezuela, còn hạn hán đã làm suy giảm nguồn điện năng của nước này. Thực ra, nguồn điện năng ở Venezuela suy giảm theo cả một quá trình dài, bởi những thay đổi về thời tiết do El Niños gây ra tại khu vực châu Mỹ Latin bắt đầu từ thế kỷ 17, vì thế những gì xảy đến với Venezuela không phải hoàn toàn bất ngờ.

Một phần nguyên nhân gây ra tình cảnh khó khăn trên của Venezuela là do khó có thể tích trữ điện năng. Điện là một sản phẩm tức thời; khác với dầu, không thể để điện vào một kho “để dành” trong nhiều tuần hay nhiều năm được. Khi một công tắc bóng đèn được bật lên ở thủ đô Caracas chẳng hạn, dòng điện dẫn tới bóng đèn này chưa đầy nửa giây trước đó có thể chính là một giọt nước trong đập Guri ở cách đó hơn 700km. Khi nó đi qua đập, một tuabin sẽ quay và tách các electron khỏi các nguyên tử, đẩy chúng truyền qua hệ thống dây điện dẫn tới thành phố, xuyên tường đi tới công tắc và lọt vào trong bóng đèn – đây là cả một chuỗi domino âm thầm hoạt động với tốc độ ánh sáng. Và như vậy, với quy trình này, thiếu nước nghĩa là thiếu điện. Tại các quốc gia có cơ sở hạ tầng năng lượng hiện đại hơn, giải pháp của họ luôn là cân bằng giữa nhiều nguồn điện năng khác nhau. Chẳng hạn, tại Mỹ, điện gió thường đi kèm với điện làm từ khí gas tự nhiên, vì vậy, khi thời tiết thay đổi và gió ngừng thổi, các nguồn nhiên liệu hóa thạch có thể bổ sung vào nguồn điện gió bị thiếu hụt. Thậm chí, những nơi phát triển còn có thể dùng điện mặt trời để cân bằng với điện gió và ngược lại. Nhưng tại Venezuela lại không tồn tại sự cân bằng đó, bởi phần lớn nguồn dầu mỏ được khai thác từ lòng đất lên đều được đem đi xuất khẩu, và phần lớn trong số nguồn sản lượng gas tự nhiên dồi dào của họ được dùng để vận hành các giếng dầu.

Thực ra trong lịch sử nước Mỹ đã có tiền lệ về cơ sở hạ tầng điện năng tương tự như những gì Venezuela đang phải đối mặt. Năm 1977, đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ sang Mỹ của OPEC, tổng thống Jimmy Carter đã đưa ra một loạt các biện pháp khác nhau. Theo đó, chính phủ Mỹ kêu gọi người dân giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ bằng cách sử dụng các phương tiện vận chuyển công cộng và dùng chung ô tô, đồng thời tiết kiệm điện năng sử dụng trong gia đình. Một phần quan trọng khác trong kế hoạch này là chính phủ của tổng thống Carter thúc đẩy những đạo luật nhằm làm đa dạng hóa lĩnh vực điện, phát triển các loại điện hạt nhân, điện mặt trời, và thủy điện – dưới sức ép của chính phủ, các công ty hoạt động trong ngành cung cấp và duy trì cơ sở hạ tầng công cộng dù đang khó khăn về tài chính cũng buộc phải mua các loại năng lượng trên. 40 năm sau, khi nước Mỹ dần dần có thêm nhiều nguồn năng lượng tái chế, ý thức về tầm quan trọng của sự đa dạng hóa nguồn điện năng này vẫn còn in đậm trên đất nước này. Khi bất kỳ nguồn nhiên liệu nào chiếm dù chỉ 1/3 nguồn điện năng trong lưới điện thì khó có thể bảo đảm được an ninh cho lưới điện đó. Với 70% nguồn điện năng là thủy điện, nguồn dầu mỏ khai thác được chủ yếu dành cho xất khẩu, lưới điện ở Venezuela hiện nay đang đồng nhất một cách tai hại và đã đến lúc quốc gia này phải tìm cách đa dạng hóa nguồn điện năng của mình.

Chi Nhân
theo The New Yorker

Tác giả