Đầu tư vào Trung Quốc có cái giá của nó!

Các doanh nghiệp phương Tây đang bất chấp mọi điều kiện để có thể tiến vào thị trường Trung Quốc. Cách dễ dàng nhất vẫn luôn là liên kết với một doanh nghiệp nội địa Trung Hoa, cho dù nó ẩn chứa nguy cơ rằng trong tương lai, doanh nghiệp Hoa sẽ trở thành chính đối thủ cạnh tranh của họ.

Từ ngày thị trường Trung Quốc mở cửa, chiến thuật của các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn tiếp cận thị trường này luôn là liên kết với một doanh nghiệp nội địa. Hiện tại, một số các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh nhất đã tiến thêm một bước mới nữa, rủi ro cao nhưng có tiềm năng rất lớn: đó là việc cho phép đối tác Trung Hoa của họ liên kết với họ để tiến ra một phần của thị trường toàn cầu.

General Electric đang gần đạt được thỏa thuận để lập một công ty liên doanh theo tỉ lệ góp vốn là 50-50 với nhà sản xuất máy bay dân dụng và quân sự Aviation Industry Corp. Of China (AVIC). Thỏa thuận này sẽ cho phép gã khổng lồ Hoa Kỳ có thể tham gia hợp tác vào dự án của chính phủ Trung Quốc nhằm sản xuất máy bay dân dụng Comac C919, mà Bắc Kinh hy vọng rằng sẽ có thể cạnh tranh với Boeing 737 hay Airbus A320 ngay từ năm 2014.

Còn nhà sản xuất xe hơi General Motors thì lập một liên doanh với đối tác lâu năm của mình tại Trung Hoa là SAIC Motor, để sản xuất và bán các xe minivan Wuling cho thị trường Ấn Độ, tiếp đến là tiến sang thị trường Đông Nam Á rồi các nước đang phát triển khác.

Hai ví dụ trên cho thấy tham vọng vươn ra biển lớn của ngành công nghiệp Trung Hoa, cũng như là áp lực lớn mà họ đang áp đặt lên các đối tác ngoại quốc của mình. Để đạt được thỏa thuận liên doanh của mình, General Electric đã nhượng bộ rất nhiều: Tập đoàn Hoa Kỳ đã góp vào liên doanh tòan bộ mảng hàng không dân dụng của mình trên toàn cầu. Còn General Motors thì góp toàn bộ phần công nghệ, tất cả các nhà máy tại Ấn Độ của mình cũng như quyền được sử dụng nhãn hiệu Chevrolet trên đất Ấn cho công ty liên doanh.

Các thỏa thuận kiểu này là điều không thể tưởng tượng được cách đây vài năm. Nhưng ngày nay, các tập đoàn Trung Quốc đã có tiềm lực kinh tế đáng nể cũng như ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng tại các nước đang phát triển giàu tài nguyên thiên nhiên, nơi các đối thủ phương Tây của họ ít có sư hiện diện. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc đã trở nên quá quan trọng với các tập đoàn đa quốc gia khiến các hãng Trung Hoa có thể ngồi vào bàn đàm phán trên thế thượng phong.

Chiến thuật này ẩn chứa nhiều rủi ro đối với các hãng phương Tây. Lịch sử đã cho thấy rằng, sau khi đã nắm bắt được công nghệ và học được cách quản lý Tây phương, các công ty Trung Hoa có thể lại trở thành các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các đối tác cũ của họ. “Người nước ngoài nhận ra rằng họ sẽ phải chia sẻ hoặc hy sinh một phần lợi nhuận trên thị trường toàn cầu của họ cho đối tác Trung Hoa”, Raymond Tsang, thuộc văn phòng tư vấn Bain & Co tại Thượng Hải giải thích. “Một số phàn nàn về điều này. Nhưng nếu họ không làm vậy thì các đối thủ của họ luôn sẵn sàng nhảy vào thay thế.”

Ngành năng lượng cũng không thoát khỏi trào lưu này. Từ khi Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, làm ăn tại Trung Hoa trở thành sống còn với đa số các hãng đa quốc gia trong lĩnh vực này. Họ luôn liên kết với một công ty Trung Hoa để mọi việc được tiến hành dễ dàng hơn. Trong những liên kết này, các hãng phương Tây góp công nghệ và kinh nghiệm quản lý, các hãng Trung Hoa góp các mối quan hệ của mình, nguồn nhân lực giá rẻ và các khoản vay của chính phủ Trung Quốc chỉ dành cho các công ty nội địa.

Tập đoàn nhà nước China National Petroleum là một trong những công ty dầu khí nước ngoài đầu tiên kí được một hợp đồng lớn tại Irak. Năm 2009, Hãng BP của Anh xin gia nhập liên doanh với họ và đầu tư 15 tỉ USD để nâng sản lượng của giếng khoan khổng lồ Rumaila nằm ở cực nam Irak. Hè năm ngoái, Royal Dutch Shell đã liên kết cùng PetroChina, một công ty con của China National Petroleum để mua lại một phần cổ phiếu của hãng Arrow Energy với tổng giá trị 3,15 tỉ USD.

Trong quá khứ, đã có rất nhiều liên doanh có cái kết không đẹp đẽ. Sau khi giúp các công ty Trung Hoa xây dựng tuyến đường sắt cao tốc, hãng Nhật Kawasaki Heavy Industries cùng hãng Đức Siemens hiện nay phải cạnh tranh với chính những đối tác cũ với chính những công nghệ của mình mà họ đã chuyển giao. Còn hãng thực phẩm Pháp Danone, năm 2009 đã chấp nhận bán phần của mình trong liên doanh với tập đoàn Hàng Châu Wahaha (liên doanh lập năm 1996), kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài vô tận, sau khi Danone lên án Wahaha đã lập một công ty con, kinh doanh cùng mặt hàng theo cùng một cách thức với công ty liên doanh mẹ.

Còn thỏa thuận giữa General Electric và AVIC cũng rất bấp bênh, Jim Watson, Chủ tịch của một văn phòng tư vấn chuyên về lĩnh vực hàng không, Growth Strategies International, đánh giá. “Một khi AVIC đã đủ lông đủ cánh, họ có thể sẽ đá General Electric và độc lập tác chiến.”

Trần Việt Dũng (dịch từ Wall Street Journal)

Tác giả