ĐHQG Hà Nội cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo

Để góp phần nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ĐHQG Hà Nội cần phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị ĐHQG Hà Nội như vậy tại lễ trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc ĐHQG Hà Nội vào sáng 19/7 vừa qua.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho PGS.TS Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: VGP/Đình Nam 

Lễ trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho PGS.TS Nguyễn Kim Sơn diễn ra vào sáng 19/7. Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành thời gian trao đổi với tập thể lãnh đạo, giảng viên, cán bộ nghiên cứu của ĐHQG Hà Nội về những nhiệm vụ mà ĐHQG Hà Nội cần phải thực hiện để góp phần nâng cao tiềm lực đất nước. 

Đánh giá về tình hình đất nước, Phó Thủ tướng cho rằng, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trong 20 năm tới đây, đất nước phải duy trì tốc độ tăng trưởng trên 8%/năm, phát triển bền vững về môi trường, xã hội. Để đạt được mục tiêu này, hai việc mà Việt Nam “cần phải làm đó là nhất định phải tăng cường tiềm lực KH&CN của đất nước và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao” mà giải pháp của nó là  “cần đổi mới mô hình sáng tạo theo hướng đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm xoay quanh là Nhà nước, các cơ sở nghiên cứu và các trường đại học”.

Muốn làm được điều này, Phó thủ tướng nhấn mạnh đến việc “tăng cường năng lực nghiên cứu của các trường đại học” và tiêu chí để đánh giá năng lực nghiên cứu là số lượng nghiên cứu, bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học ISI, Scopus.

Đề cập đến ĐHQGHN, Phó thủ tướng cho rằng, với hơn 1.800 giảng viên trong đó có trên 1.000 tiến sĩ nhưng trường mới chỉ có khoảng 350 bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế hàng năm, con số này chưa phản ánh hết năng lực nghiên cứu của trường. Vì vậy, ĐHQGHN cần đổi mới nhanh hơn, mạnh hơn nữa để có mô hình sáng tạo, nghiên cứu khoa học xứng đáng với tiềm năng, vị thế của nhà trường.

Hiện tại, ĐHQGHN rất tích cực trong hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao và đã có những bước đi đúng hướng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc tuyển sinh, kiểm soát chất lượng đầu vào với việc thành lập trung tâm kiểm định Đại học và đẩy mạnh việc quản trị đại học theo hướng tự chủ. Trong thời gian tới, các trường thành viên của ĐHQGHN cần phát huy mạnh mẽ hơn thế mạnh này bằng một loạt giải pháp như thực hiện tự chủ về chuyên môn, học thuật, bộ máy nhân sự, cơ chế tài chính, sau đó tiến tới tự chủ ở từng phòng, bộ môn…

Bên cạnh việc phát huy nội lực, Phó thủ tướng cũng đề nghị ĐHQGHN tăng cường học hỏi kinh nghiệm quản trị, giáo dục của các trường đại học quốc tế, trước mắt là của khu vực Đông Nam Á để ĐHQGHN tiếp cận theo đúng chuẩn quốc tế. Phó Thủ tướng lưu ý: “ĐHQG Hà Nội đã vươn lên trong bảng xếp hạng đại học quốc tế nhưng không thể hài lòng với top 1000 các trường đại học thế giới hay top 150 trường đại học của châu Á, top 20 trường đại học của ASEAN. Điều này đòi hỏi mỗi người đều phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.

 Có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá, ĐHQGHN giữ vai trò then chốt trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Vì vậy, Nhà trường cần tập trung nguồn lực để thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược: phát triển đội ngũ cán bộ khoa học ngang tầm quốc tế và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở của trường tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc.  

Trước những nhiệm vụ mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT  Phùng Xuân Nhạ giao phó, tân giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết: 
 ĐHQGHN cần thực thi các biện pháp đẩy mạnh các mặt hoạt động từ nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung cấp cho đất nước những cử nhân có thể làm việc tốt trong môi trường trong nước và quốc tế.

Tác giả