Doanh nghiệp thu nhiều lợi nhuận hơn từ tái chế và cắt giảm rác thải

Các chương trình tái chế công nghệ thấp nhưng hiệu quả cao đang được thực hiện bởi một dòng doanh nghiệp xã hội mới thu lợi nhuận từ các giải pháp phát triển bền vững.

Ở Lagos, Nigeria, công ty WeCycler đi thu gom nhựa, lon, hộp, bao bì tại các hộ gia đình hàng tuần. Người dân được nhận điểm dựa theo khối lượng nguyên liệu tái chế thu được và có thể đổi điểm lấy thực phẩm, đồ điện dân dụng hoặc tiền mặt. Hơn 5.000 hộ dân đã đăng ký tham gia chương trình tái chế này.

WeCyclers hoạt động với sự cộng tác của Cơ quan Quản lý Rác thải Lagos và thu lợi nhuận từ việc bán nguyên liệu cho các nhà sản xuất. Ví dụ, nhựa được cắt vụn và bán để làm sợi polyester cho vải vóc hoặc ruột gối.

Một chương trình tái chế tương tự cũng đang được thực hiện tại bởi doanh nghiệp xã hội Canada Plastic Bank.

Đồng sáng lập Plastic Bank, ông David Katz nói, nếu tính giá trị theo khối lượng thì nhựa còn quý hơn thép. Bắt đầu từ Colombia và Peru, Plastic Bank đã dựng lên các trung tâm thu gom và phân loại nhựa tái chế, khuyến khích người dân đóng góp bằng cách trao đổi các sản phẩm thiết yếu với họ.

Nhưng doanh nghiệp xã hội này phát triển được là nhờ một tiến bộ trong công nghệ. Trong một dự án phối hợp với Đại học British Columbia, Plastic Bank đang chế tạo một loại máy có thể biến rác thải nhựa thành sợi tơ để làm nguyên liệu nguồn cho máy in 3D.

Công ty dự định sẽ dùng máy in này để tạo ra các sản phẩm hàng ngày như đồ dùng trong nhà, đồ chơi v.v. từ nguồn nhựa thu mua được.

Giảm phế thải trong sản phẩm

Ngược lại, một số công ty khác lại sử dụng công nghệ để giảm thiểu ngay từ đầu lượng phế liệu sẽ thải ra môi trường sinh thái.

Ví dụ, Unilever đang sản xuất thử một loại chai nhựa mới kết hợp trong thành phần các bong bóng khí. Công nghệ MuCell tiêm khí để tạo ra bong bóng trong lớp giữa của thành chai, từ đó giảm tỉ trọng của sản phẩm và lượng nguyên liệu cần đến 15%.

Công ty ước tính sẽ tiết kiệm 275 tấn nhựa trong năm đầu tiên và đến năm 2015 sẽ phổ biến rộng khắp công nghệ này cho cả các công ty cạnh tranh nữa.

Một ví dụ khác, Unilever tuyên bố với việc sử dụng công nghệ nén để sản xuất lọ xịt khử mùi nhở hơn trước 25%, họ sẽ tiết kiệm được lượng nhôm đủ để sản xuất 38,000 chiếc xe đạp.

Một công ty nữa đang ứng dụng công nghệ để giảm thiểu phế thải là wear2 ở Chester, Anh.  Cùng với Đại học Leeds, họ đang phát triển một loại sợi mới dùng làm chỉ trong may mặc. Loại chỉ này có thể được tháo dễ dàng khi cho tiếp xúc với bức xạ vi sóng mà không để lại dấu vết gì trên vải.

Sử dụng công nghệ này, các nhà sản xuất may mặc có thể tháo rời những phần của áo quần họ muốn tái sử dụng sau này một cách dễ dàng. Cách này đặc biệt hữu ích cho các nhãn hiệu may mặc lớn bởi nhiều lúc họ phải bỏ đi một khối lượng lớn sản phẩm khi công ty thay đổi lô-gô hoặc gam màu.

Khánh Minh dịch theo bbc.com

 

Tác giả