Doanh nghiệp xã hội – Giải pháp bù đắp khiếm khuyết của thị trường

Một trong những cải cách có tính đột phá của Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 là tiếp nhận và khẳng định về luật pháp khái niệm Doanh nghiệp xã hội (DNXH). Mặc dù vậy, về mặt nhận thức của xã hội, khái niệm này vẫn còn mới mẻ, thậm chí gây tranh luận, nhất là khi bàn về ý nghĩa cũng như các giải pháp về chính sách và pháp luật liên quan đến các thực thể kinh tế - xã hội đặc thù này.

Với các bằng chứng sinh động từ cuộc sống, các nhà lý luận đã khá thống nhất ở một kết luận rằng một trụ cột mới của nền kinh tế đã hình thành và không thể thiếu được, bên cạnh nhà nước và doanh nghiệp, đó là khu vực đặc thù có thể khác nhau về tên gọi ở từng quốc gia nhưng cùng một đặc điểm và tiêu chí là phi lợi nhuận. Khu vực này ngày càng trở nên rộng lớn, quy tụ đa dạng các loại hình tổ chức từ quỹ từ thiện, tổ chức phát triển cộng đồng và hỗ trợ các nhóm yếu thế, tổ chức bảo vệ môi trường, hợp tác xã, trường học và viện nghiên cứu tư nhân, tổ chức phi chính phủ (NGO) v.v.. và đặc biệt hơn là các DNXH. Mặc dù có tên gọi là “phi lợi nhuận” nhưng không có nghĩa đó chỉ bao gồm các tổ chức hoàn toàn không kinh doanh hay không làm ra lợi nhuận, mà đặc điểm chung của tất cả thành viên của khu vực này là không hoạt động vì động cơ lợi nhuận, hay cụ thể hơn là không chia các thu nhập có được cho chủ sở hữu và các thành viên. Đa số các tổ chức phi lợi nhuận tồn tại dựa trên các nguồn tài trợ, và trong nhiều trường hợp, tài trợ là khoản thu chính, bên cạnh nguồn thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ cho xã hội và cộng đồng.  Vậy, vấn đề đặt ra là nếu chỉ dựa vào sự tài trợ hảo tâm của xã hội thì các tổ chức phi lợi nhuận có tồn tại bền vững được không ?

Lý do ra đời của DNXH

Có thể nói rằng DNXH chính là sự trả lời cho câu hỏi đó. Như nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác, các DNXH được hình thành từ sáng kiến, sáng tạo của các cá nhân và sự tự nguyện của chính họ. Sự tình nguyện có thể đến từ niềm trắc ẩn, sự thiện tâm, nỗi bức xúc và tấm lòng nhiệt huyết muốn được giúp đỡ trước các khó khăn, tai ương và hiểm hoạ hay hiện trạng yếu kém, tiêu cực của cộng đồng xung quanh.  Kết nối với sự hỗ trợ của những người khác bằng tấm lòng và ý nguyện tương tự, sự tình nguyện có thể mang đến các giải pháp để giải quyết vấn đề đặt ra. Tuy nhiên, đối với các doanh nhân xã hội, điểm nổi bật lại là ở chỗ họ sáng tạo ra phương thức hay con đường đi mới, đó chính là giải pháp doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề xã hội. Giải pháp doanh nghiệp không chỉ nhằm mục tiêu duy trì sự tồn tại bền vững của các hoạt động thiện nguyện, mà nó còn giúp cho việc tổ chức và điều hành các hoạt động này đạt tới tính chuyên nghiệp, ổn định, năng động và hiệu quả như một doanh nghiệp thực thụ vốn phải đương đầu với quy luật cạnh tranh của thị trường.
DNXH trước hết là một doanh nghiệp, do đó nó phải hoạt động theo quy luật thì trường là lấy kinh doanh sinh lời làm cơ sở tồn tại. Đối với những người sáng lập hay chủ doanh nghiệp, động cơ của họ không phải là tìm kiếm lợi nhuận mà là phục vụ xã hội và cộng đồng thông qua triển khai các dự án cụ thể để giải quyết các vấn đề thiết yếu của đời sống hàng ngày. Đó thường là các lĩnh vực mà các đơn vị nhà nước do thiếu năng lực hoặc nguồn lực nên không thể bao quát hết, hay các doanh nghiệp thông thường, do thiếu động cơ về lợi nhuận nên không muốn can dự vào. Chẳng hạn như hoạt động tạo việc làm và sinh kế cho người tàn tật, người nhiễm HIV và phụ nữ nghèo ở nông thôn và miền núi, đào tạo trẻ em bị thiểu năng, chăm sóc người già cô đơn hay xử lý ô nhiễm môi trường do thói quen và truyền thống sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn v.v.. Ở tất các các DNXH được thành lập và hoạt động, có một nguyên tắc cơ bản được thực hiện, đó là cam kết của các thành viên về sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho các mục tiêu đã xác định.

Với các ưu thế nói trên, bao gồm tính năng động, sáng tạo và sự nhiệt tâm của người chủ doanh nghiệp kết hợp với sự hảo tâm và tấm lòng vị tha của những người ủng hộ và tài trợ, mô hình DNXH khi ra đời đã thổi một làn gió mới vào khu vực phi lợi nhuận, làm thay đổi cách nhìn phổ biến cho rằng đây chủ yếu là nơi xác lập các quan hệ xin-cho thuần tuý dựa trên lòng tốt của con người. Tác động này làm cho thậm chí ngay cả trong các tổ chức thiện nguyện và nhân đạo đơn thuần cũng đã bắt đầu có khuynh hướng tái cấu trúc để sử dụng và phát huy các ưu điểm của một DNXH. Ở các nước phát triển như Anh, Ireland, Canada hay Hàn Quốc v.v.. đã và đang có hàng trăm ngàn các DNXH hoạt động, đóng góp ngày càng lớn và tích cực cho sự phát triển kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội. Ngay tại Hoa Kỳ, mặc dù các tổ chức phi lợi nhuận chưa tổ chức theo mô hình doanh nghiệp có thể được nhận tới trung bình trên 300 tỷ Đô-la tài trợ hàng năm từ cơ quan chính phủ, các tổ chức và cá nhân, thì bên cạnh đó vẫn tồn tại rất nhiều tổ chức hoạt động theo mô hình DNXH. Phong trào thành lập DNXH còn mang đến một khái niệm mới, đó là đầu tư xã hội, với các dự án mang đậm màu sắc nhân văn, gắn với bảo vệ quyền con người, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, đã và đang được các doanh nghiệp lớn, các tổ chức tài chính và các tập đoàn công ty đa quốc gia nhiệt liệt hưởng ứng và tham gia.

Khuyến khích, hỗ trợ cho DNXH phát triển

DNXH ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sơ khai với các cơ sở pháp lý ban đầu đã có và đang tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Tiềm năng phát triển của DNXH còn rất lớn, không chỉ là các động lực sẽ được tạo ra từ cơ chế và chính sách của Nhà nước đang được trông đợi ở phía trước, mà còn là các điều kiện có tính tiền đề đang tồn tại hoặc đã được tạo ra từ quá khứ . Thứ nhất, đó là lực lượng lao động trẻ rất dồi dào của đất nước, trong đó có một đội ngũ không nhỏ được đào tạo chuyên nghiệp, đầy nhiệt huyết và tinh thần sáng tạo, vốn thường là chủ nhân tiềm tàng của các DNXH ở bất kỳ đâu. Thứ hai, trên nền tảng một đất nước đầy đau thương do quá khứ chiến tranh, thiên tai, tình trạng chậm phát triển và quản trị kém mang lại, các hoạt động thiện nguyện và nhân đạo đã và đang gia tăng như một khuynh hướng mới của đời sống tinh thần và đạo đức xã hội; khuynh hướng này sẽ càng được khẳng định nếu có các cơ chế tiếp nhận chuyên nghiệp được tạo ra nhằm thoả mãn nhu cầu về tính minh bạch và hiệu quả. Thứ ba và sau cùng, đó là các hoạt động đang mang lại hiệu quả thực tế của hàng ngàn các tổ chức cộng đồng, tổ chức thiện nguyện, tổ chức phi lợi nhuận dưới nhiều hình thức khác nhau đã được thành lập từ sáng kiến của các tổ chức, cá nhân trên cơ sở hỗ trợ và sự khích lệ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế đang thực hiện các chương trình và dự án hỗ trợ về xã hội và môi trường tại Việt Nam. Rất nhiều trong số các tổ chức này chắc chắn sẽ tồn tại và phát triển bền vững hơn nếu được chuyển đổi sang mô hình DNXH.

Cũng giống như các nước khác, DNXH tại Việt Nam sẽ không phát triển và nở rộ nếu thiếu sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. Sự hỗ trợ của nhà nước là cần thiết một cách khách quan bởi dựa trên một nền tảng đạo lý đã được thừa nhận chung. Đó là khu vực phi lợi nhuận nói chung và DNXH nói riêng đã thực sự chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng xã hội với nhà nước bằng các con đường riêng đầy sáng tạo, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả; đồng thời nó còn giúp bù đắp được một khiếm khuyết khó khắc phục của cơ chế thị trường là vận hành bởi động cơ lợi nhuận. Lý giải về con số các khoản tài trợ xã hội và từ thiện thường rất lớn ở các nước phát triển, các kết luận thường đi đến một điểm chung là việc áp dụng chính sách thuế hợp lý, theo đó, mọi khoản tài trợ cho các hoạt động để giải quyết các vấn đề xã hội và phục vụ cộng đồng đều được miễn thuế. Đối với “người cho”, đó chính là hành vi đóng thuế tự nguyện, nó mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chính họ cũng như người nhận.

Theo một cuộc khảo sát về hiện trạng DNXH do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), một tổ chức khởi xướng phong trào DNXH tại Việt Nam, thực hiện năm 2011, trong số 167 doanh nghiệp được phỏng vấn thì có ba vấn đề hàng đầu được nêu ra. Đó là thiếu vốn để phát triển mở rộng, thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ và thiếu kiến thức và năng lực lãnh đạo và quản trị.

Các dự án được thực thi bởi DNXH có tính thực tiễn cao, bởi nó gắn với các địa phương và cộng đồng cụ thể. Do đó, nếu nhà nước trung ương hỗ trợ bằng hoàn thiện khung pháp luật thì các chính quyền địa phương cần hỗ trợ bằng các chính sách khuyến khích và chương trình phát triển DNXH chuyên biệt, tuỳ thuộc vào các điều kiện cụ thể tại địa bàn. Các phong trào phát triển DNXH và đầu tư xã hội cần được tạo ra nhằm khơi dậy không chỉ sự sáng tạo, lòng tốt mà còn cả sự chia sẻ, hy sinh và tình yêu đối với cộng đồng và đất nước.

Cuối cùng, để đạt tới sự phát triển thực sự cho khu vực phi lợi nhuận bao gồm cả DNXH, còn cần thiết phải có các chương trình nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này, không chỉ nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực của các tổ chức sẵn có mà còn chuẩn bị ngay từ nhà trường các thế hệ doanh nhân xã hội tương lai, những người muốn sử dụng tài năng để cống hiến cho cộng đồng. Các trường đại học trên thế giới từ lâu đã tiến hành các hoạt động hàn lâm và giảng dạy theo hướng này./.

Tác giả